Thầy giáo Xuân Đam - Nhà thơ số một của Thái Bình đã ra đi
Giờ thì thầy giáo Xuân Đam, thi sĩ Xuân Đam và “tửu đồ” Xuân Đam đã về miền phiêu lãng. Song, những câu thơ phấp phỏng của anh sẽ còn lại với cuộc đời. Và đó là niềm hạnh phúc vô biên của kiếp người cầm bút.
(Nhà thơ - Thày giáo Xuân Đam)
Hai tấm vé, ba viên thuốc ngủ và 4 gói lạc rang
Ở Thái Bình, nếu chọn một nhà thơ được đọc nhiều nhất, được mến mộ nhất và cũng nổi tiếng nhất, đó không ai khác, chính là Nhà thơ, nhà giáo Xuân Đam.
Lần đầu tiên tôi gặp Xuân Đam cách đây đã gần 40 năm. Hôm ấy, bà chị gái bán hàng ở cửa hàng Công nghệ phẩm số 3 của Thị xã Thái Bình cho một cặp vé xem phim.
Để có được cặp vé vào rạp ngày đó là cả một tài sản không nhỏ mà tôi đã phải bỏ công, bỏ sức nịnh nọt cả tuần lễ (dạo đó mỗi bộ phim thường được chiếu liên tục nhiều tuần, thậm chí cả tháng) mới có được.
Tiếc thay, cái bộ phim của Nhà văn Nga vĩ đại Aleksey Nikolayevich Tolstoy. mang tên “Con đường đau khổ” và lạc rang húng lìu đã không giữ chân được một thi nhân và không làm tỉnh ngủ được một thi nhân khác. Chưa hết tập I (phim hai tập), thi sĩ Kim Chuông đã ra về còn thi sĩ Xuân Đam thì… ngáy o o!
Tuy cùng ở Thái Bình, cái tỉnh nho nhỏ, xinh xinh và bé như lòng bàn tay ấy mà phải 10 năm sau, tôi mới gặp lại Xuân Đam.
Ngày ấy, tôi đang là chủ một cửa hàng ăn uống. Một đêm mưa rét mùa đông năm 1988, khoảng hơn 10 giờ tối khi tôi đã co ro trong chăn ấm thì Họa sĩ Trần Dậu đập cửa: Tám ơi! Tám ơi! Anh Xuân Đam đến thăm em này.
Tôi xúc động chạy vội ra mở cửa, thấy họa sĩ Trần Dậu dìu thi sĩ Xuân Đam lết từng bước.
Biết tính mấy bác văn nghệ sĩ, tôi vội vác chai rượu và bày ra chút đồ nhấm nháp để cùng đàm đạo thơ phú, văn chương. Làm vài li, Trần Dậu lệ khệ đứng lên bảo: “Chú ngồi với anh Đam nhé. Anh phải về, chị ở nhà chờ”.
Ui cha! Chết tôi rồi. Nhà thì chật, thi sĩ thì say, trời vừa mưa, vừa rét…
Thấy tình hình nguy cấp, tôi bèn xếp mấy cái bàn lại, trải chiếu và bê thi sĩ lên bàn.
Nhưng khi tôi tháo giày thì chao ôi, bàn chân ngâm nước ướt sũng, nhợt nhạt và bốc mùi… Lấy nước nóng, bàn chải kỳ cọ mãi vẫn không hết “hương chân”. Khổ nỗi, nào thi sĩ có chịu nằm yên, thỉnh thoảng còn ngóc dậy thều thào: “Tám ơi! Anh… yêu em lắm!!!”.
Trước tình hình “lửa bỏng, nước sôi”, ngày ấy thuốc ngủ seduxen còn chưa nằm trong danh mục cấm, mỗi khi mất ngủ, tôi thường “nện” 2 viên. Tôi bắt Xuân Đam há mồm, nhét cho 3 viên và một cốc nước. Sợ thi sĩ ngã, tôi lấy ghế chèn chặt xung quanh rồi mới yên tâm lên gác nằm.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, Xuân Đam bảo với tôi: “Chưa bao giờ anh ngủ ngon đến thế”. Và cho đến hôm nay, Xuân Đam vẫn chưa biết “bí mật” của giấc ngủ ngon đêm đó.
Từ đó, Xuân Đam rất hay đến nhà tôi chơi và anh em quý nhau cũng từ đó.
Người sinh ra để sống cùng thơ
Nói về Xuân Đam, điều đầu tiên và trước hết phải nói về thơ.
Có thể khẳng định, với độc giả Thái Bình, dù không là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (anh là Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình), Nhà giáo Xuân Đam là nhà thơ nổi tiếng nhất và được đọc, thuộc nhiều nhất cũng như nhiều người mến mộ nhất.
Tất nhiên là để “đền đáp” lại, Xuân Đam cũng là nhà thơ có những trang thơ, những câu thơ viết về mảnh đất quê hương hay nhất với rất nhiều trách nhiệm: "Mưa rừng bão biển quanh năm - Củ khoai hạt thóc từ tâm như người - Gặp cơn bom đạn tơi bời - Người như Thánh Gióng đội trời ra đi - Xương tan thịt nát quản gì - Bao con sóng biển đỏ vì máu loang - Cúi đầu lạy tạ hồn làng - Còn dân còn nước còn mang nợ nần…". Hay như: “Hoa gạo còn cháy đỏ đình – Câu thơ hời hợt không đành với hoa…”.
Cũng hiếm có nhà thơ nào có những câu thơ về bà mẹ thôn quê xúc động như Xuân Đam: “Mẹ tôi như nhánh mạ gầy – Hóa thân làm bát cơm đầy nuôi tôi - Miếng trầu không dám mặn vôi - Sợ đôi má đỏ người đời dèm pha”… Xuân Đam chính là Nguyễn Bính của Thái Bình. Một Nguyễn Bính hồn hậu của làng quê châu thổ.
Nói về đời, có lẽ không nên gọi anh là Thi sĩ Xuân Đam hay Nhà thơ Xuân Đam mà anh là “Người thơ - Hình như chữ của Nguyễn Bùi Vợi chỉ Nguyễn Bính”. Còn nói theo ngôn ngữ bây giờ, Xuân Đam “ăn thơ, ngủ thơ và mọi thứ đều thơ”.
Xuân Đam - Giời sinh ra để yêu thơ và làm thơ
Về điều này, xin mượn ý của Nhà thơ Nga Gamzatov: “Nếu thế giới 9 tỉ người này còn một tỉ người yêu thơ thì chắc chắn có Xuân Đam. Nếu chỉ còn một triệu người, trong đó có Xuân Đam. Còn một trăm người cũng có Xuân Đam và nếu chỉ còn có mười người cũng có Xuân Đam. Nếu thế gian này không còn ai yêu thơ nữa thì ở một miền quê, Xuân Đam đã chết”.
Có lẽ Xuân Đam còn yêu thơ hơn cả các bậc “cuồng thơ” Trinh Đường, Tạ Vũ…
Chẳng biết tự bao giờ, cái cặp từ “thi sĩ - tửu đồ” như một lời nguyền có “ám” vào các nhà thơ hay không mà các thi sĩ phần đông đều hay uống rượu. Tất nhiên, Xuân Đam không những không là ngoại lệ mà anh còn là “đấng bậc hạng siêu”.
Suốt những năm tháng ở Thái Bình, tôi chưa từng thấy khi nào Xuân Đam xao lãng với thơ và rượu. Hình như với Xuân Đam, trên thế gian này chỉ tồn tại hai “báu vật thiêng liêng” đó.
Có lần khi đã lên Hà Nội, tôi nghe nói Xuân Đam bỏ rượu nhưng rồi cũng chẳng được bao lâu, anh lại “trở về với rượu”. Lý do thì nhiều, tại anh là bởi như rất nhiều nhà thơ, Xuân Đam đa cảm và thiếu bản lĩnh. Sự đa cảm làm cho người ta nhiều khi buồn tê tái. Cái nỗi buồn ấy không thể sẻ chia cho ai ngoài vị thần Lưu Linh.
Tuy nhiên, cũng công bằng mà nói, Xuân Đam không thể bỏ rượu vì khi đó, bạn bè anh rất buồn. Hình như người Thái Bình đã quen thuộc với một Thi sĩ Xuân Đam ngất ngưởng cùng thơ hơn là một Xuân Đam tỉnh táo với đời như chính anh Tự bạch: "Sớm nay có khách đến nhà - Say, tự giới thiệu:- Tôi là... nhà thơ - Thoáng trông râu tóc bơ phờ - Ngơ ngơ ngác ngác... không thơ thì gì?"
Xuân Đam uống rượu, bè bạn nhiều khi cũng buồn nhưng còn có một Xuân Đam. Xuân Đam không uống rượu thì chẳng còn gì để mà buồn hay vui nữa vì khi đó, Xuân Đam không còn là thi sĩ nữa. Mà ở đời, một thi sĩ Xuân Đam thì hiếm chứ một công dân Xuân Đam thì có lẽ cũng khá nhiều.
(Nhà thơ Xuân Đam (áo đỏ) và các bạn văn trong ngày ra mắt sách)
Rượu làm khổ và làm... khổ rượu!
Nếu Xuân Đan làm khổ rượu thì thơ cũng làm khổ anh. Như một định mệnh trớ trêu, câu thơ lục bát vào loại tuyệt bút này, tới nay dường vẫn ám vào ông: “Muốn sang không bắc được cầu - Trái tim người khác nằm đau ngực mình…".
Cây cầu đời Xuân Đam vốn đã lắm lỡ làng và cây cầu thơ, nếu lấy cái thẻ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam làm một điểm đích và Xuân Đam cũng từng mong có thì tới giờ này, ông vẫn chưa "sang sông”!
Song, không vì thế mà Xuân Đam mất đi ngôi vị “Nhà thơ số một” của miền quê lúa!
Cách đây khoảng 2 tháng, biết Xuân Đam không qua khỏi, anh em văn nghệ sĩ và những người yêu mến thơ anh cùng với Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình và bạn bè các tỉnh lân cận đã cùng nhau quyên góp in Tuyển tập Thơ - Văn Xuân Đam dày hơn 500 trang do NXB Hộ Nhà văn ấn hành.
Hôm ra mắt cuốn sách, hàng trăm bè bạn, anh em từ mọi miền đất đã gọi điện, gửi thư và về tận quê anh để chúc mừng.
Hình ảnh Xuân Đam đang nằm trên giường bệnh lao đến om ghì cuốn sách rồi kêu tên bạn bè trong giàn giụa nước mắt mà không khỏi xúc động.
Giờ thì thầy giáo Xuân Đam, thi sĩ Xuân Đam và “tửu đồ” Xuân Đam đã về miền phiêu lãng. Song, những câu thơ phấp phỏng của anh sẽ còn lại với cuộc đời. Và đó là niềm hạnh phúc vô biên của kiếp người cầm bút.
No comments:
Post a Comment