Thursday, November 12, 2015

TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI CẦM BÚT


Lê Nguyên Vỹ


” Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà…”- Nguyễn Đình Chiểu

Lê Nguyên Vỹ viết bài này đã lâu, cũng chưa đăng ở đâu. Chính điều này, tôi tiếc cho anh.

Một bài chính luận ngắn, nhưng súc tích nói đúng thiên chức nhà văn trong giai đoạn hiện nay. Lê nguyên Vỹ, với bài viết này, chỉ rõ, nguyên nhân vì sao Văn học Việt Nam , trong thế kỷ XX vẫn chưa có những tác phẩm văn học lớn, cho dù với đất nước hình chữ S này, ở thế kỷ đó có bao nhiêu biến cố mang tầm thời đại, nhân loại sẽ rút ra được rất nhiều bài học qua những biến cố đó.

Được gọi là ” nhà văn” đúng với hai chữ cao trọng này ,trong thời điểm hiện tại, đòi hỏi người cầm bút phải có “tâm” trong sáng, phải đúng như Lê Nguyên Vỹ đã viết.

Những điều Lê Nguyên Vỹ trình bày trong bài chính luận này, tuy thời điểm viết cách đây hơn 10 năm, cho đến giờ vẫn mang tính thời sự.

Được sự đồng ý của tác giả, trankytrung.com xin trình bày với bạn đọc

——————————


Đại hội nhà văn mà không ai buồn quan tâm ; ít nhất cũng là các tầng lớp được gọi bằng danh xưng trí thức ; về những diễn biến của đại hội nhà văn . Mà ngay cả tầng lớp văn nghệ cũng vậy , ngoại trừ các nhà văn tham dự đại hội ; nhưng cũng thu hẹp trong một số rất ít các nhà văn ưu tư về tương lai của xã hội Việt Nam, còn lại đa số coi đại hội nhà văn là nơi chốn nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà văn gặp nhau hàn huyên tâm sự .
Nhưng với rất nhiều người quan tâm đến thế sự, thì đại hội nhà văn lần này là dấu hiệu cảnh báo sự bế tắc của xã hội chủ nghĩa trong vòng xoáy nghiệt ngã của kinh tế thị trường và thương mại toàn cầu.
Từ xưa đến nay ,tầng lớp người cầm bút vẫn được xã hội công nhận là thành phần ưu tú của xã hội, nhất là các văn nhân thi sĩ – Họ không chỉ là trái tim mà còn là lương tri của xã hội .Với tâm hồn nhạy cảm ,họ nhìn thấy những ngõ ngách u tối, những vùng sáng lấp lánh trong tinh thần con người và chiều sâu hun hút của sự vật. Bằng ngôn ngữ tài hoa của mình, họ ca ngợi vẽ đẹp kỳ diệu của thiên nhiên, của con người, thiết lập những tiêu chí phù hợp cho từng giai đoạn trong hành trình đi tìm kiếm ý nghĩa của kiếp nhân sinh , đồng thời cảnh báo xã hội về những hiểm hoạ phát sinh từ các mối quan hệ giữa người với người, giữa người với thế giới chung quanh do tính ích kỷ và những tham vọng mù quáng. Nhưng một khi vì lý do nào đó, họ mất đi các khả năng thiên phú này, thì ngay sau đó, toàn thể xã hội sẽ rơi vào đêm tối và toàn bộ mọi hoạt động của con người sẽ bị điều khiển bỡi bản năng sinh tồn .Lúc đó xã hội con người sẽ là thế giới của sức mạnh hoang dã, tàn bạo, mạnh được yếu thua . Đại hội nhà văn Việt Nam lần này bộc lộ sự yếu kém năng lực chuyên môn của các nhà văn, sự nghèo nàn trong tâm hồn các văn nhân thi sĩ cũng như sự tồn tại vô nghĩa của Hội nhà văn như chính họ thừa nhận . Nhà văn thú nhận là họ không đủ dũng khí nhìn vào sự thật, không đủ can đảm cũng như khả năng cất lên tiếng nói về sự thật đó . Suy cho cùng thảm hoạ của văn nhân thi sĩ cũng chính là thảm hoạ của xã hội
Nhưng tại sao lại như vậy ?
Đã từ lâu, nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng các tổ chức xã hội như một đồ trang sức. Họ chọn lựa các thành phần nguyên liệu và định dạng đồ trang sức này theo ý thích. Nếu vì lý do nào đó các thành phần nguyên liệu này ngoan cố bướng bỉnh không tuân phục, nhà cầm quyền thẳng tay uốn nắn hoặc loại bỏ không thương tiếc. Hơn nữa thế kỷ đã trôi qua, một thói quen xấu khó thay đổi trong sinh hoạt xã hội là sự tuân phục đến độ khiếp nhược của người dân và sở thích đàn áp kẻ dưới cũng như lòng tự tôn đáng kinh ngạc của nhà cầm quyền .
Trong bối cảnh xã hội như vậy, nếu các văn nhân thi sĩ sống đúng như bản chất và thiên chức của mình thì quả là chuyên lạ. Vì vậy, trong đại hội nhà văn, dù có nhiều tiếng kêu rên, năn nỉ, thậm chí khêu gợi lòng tự trọng cũng không giải quyết được điều gì. Sản phẩm của các văn nhân thi sĩ quanh đi quẩn lại cũng chỉ là một loại thức ăn nhanh rẽ tiền có giá trị dinh dưỡng thấp.
Cả thế giới đang chuyển động dữ dội .Toàn bộ cấu trúc xã hội loài người buộc phải chuyển đổi theo kịp với những thay đổi từng ngày. Mọi tiêu chí sinh tồn co dãn trong những khái niệm rộng mới có thể uyển chuyển theo thời thế. Nhưng đất nước chúng ta vẫn cứ như vậy. Vẩn đi theo bước chân cha ông như thưở nào. Lối mòn xưa cũ càng lúc đưa ta đi xa đồng loại và lạc lõng ngay trong thế giới của nhân loại. Chúng ta bấu víu vào quá khứ và gặm nhắm cái xác khô của cha ông, trong niềm tự hào hoang tưởng rằng chúng ta là dân tộc anh hùng đã từng đánh thắng không biết bao nhiêu kẻ thù hung hãn, như một kẻ mộng du không đếm xĩa gì đến thực tại quanh mình. Chúng ta giống như nhân vật AQ trong tiểu thuyết của nhà văn Lỗ Tấn, tự phỉnh gạt mình nhằm che dấu những yếu kém của bản thân.
Công bằng mà nói, có nhiều nhà văn Việt Nam cũng cố gắng trình bày cho độc giả cái sự thật của xã hội chúng ta, nhưng đó chỉ là những âm thanh yếu ớt và lạc lõng không ai thèm chú ý ngoại trừ những người cùng giới. Nhưng cũng chỉ đủ dũng khí được một vài lần; rồi sau đó lại êm đềm tận hưởng suốt đời cái cảm giác ít nhất mình đã làm được một điều vĩ đại không phải ai cũng làm được.
Xã hội chúng ta ngày nay suy cho cùng đang ở vào giai đoạn phát triển tiền tư bản, trong khi thế giới bên ngoài đã bước vào thời kỳ phát triển tư bản tri thức. Do đó, chúng ta không những phải giải quyết các mâu thuẩn phân hoá giai cấp trong quá trình tích luỹ tư bản, mà còn phải nổ lực hội nhập vào xã hội và kinh tế toàn cầu . Hành trình gian nan này nhất thiết chúng ta phải cấu trúc lại xã hội theo hướng chuyên môn hoá cao độ ;có nghĩa là mọi thành viên của xã hội đều hội đủ nhiều điều kiện phát huy sở học và năng khiếu của mình . Đồng thời chúng ta phải thiết lập rất nhiều kênh thông tin giao lưu thực sự với thế giới bên ngoài, thông qua đó, bằng những kích tác của cơ chế kinh tế thị trường toàn cầu, phát động phong trào toàn dân học tập, thì may ra mới theo kịp được thế giới. Dẫn đầu đoàn quân vượt khó chống dốt này phải là đội ngủ trí thức mà tiêu biểu là các văn nhân thi sĩ .
Chính đội ngủ các văn nhân thi sĩ sẽ gieo những hạt mầm mơ ước sáng tạo và khát vọng được làm người hoàn thiện; trong đó lòng từ tâm, tinh thần trách nhiệm cộng đồng, thói quen đọc sách, là những bước đi đầu tiên .
Nhưng nhà cầm quyền phải trả lại cho nhà văn các quyền cơ bản của họ. Họ phải được viết lên sự thật và độc giả sẽ là người thẩm định. Có thể trong cơn hưng phấn họ sẽ viết những điều khó chịu cho nhiều người, nhưng đừng làm khó dễ họ, vì đó là thiên chức của họ, như người nông dân phải ra đồng làm lúa.
Từ hoà ước Quý Mùi năm 1883 đến năm 1975, chiến tranh liên miên trên đất nước chúng ta nhưng không hề có một tác phẩm văn học nào miêu tả đúng tầm những giai đoạn máu lửa và bi tráng đó để người đọc có thể nhìn thấy được toàn cảnh của đất nước, tìm ra các nguyên nhân cũng như hướng phát triển tương lai, mặc dù chiến tranh chấm dứt đã 30 năm. Và trong 30 năm thời bình, những vấn đề lớn như sự đụng chạm văn hoá bản địa với các văn hoá khu vực và toàn cầu, các giá trị nhân bản theo những tiêu chí mới của thời đại, quan niệm về tình yêu, ý nghĩa sự sống và cái chết trong xã hội thực dụng … chưa được đề cập nghiêm túc và chân thành .
Thực trạng đáng buồn đó một phần do các yếu tố bên ngoài sinh hoạt văn học tạo nên, còn lại do bản thân nhà văn không dám sống thực cho những trăn trở của kiếp người. Hậu quả tác phẩm của văn nhân thi sĩ như một loại gỗ tầm thường được sơn bằng những lớp màu giả tạo vì thiếu chất liệu sáng tác
Đã đến lúc văn nhân thi sĩ phải dám thoát ra khỏi cái ô che của nhà cầm quyền để tự mình đi tìm sự thật và chấp nhận trả giá cho sự tìm kiếm đó. Phải đánh thức lòng tự trọng trỗi dậy quyết liệt để nhận lấy trách nhiệm là tâm hồn, lương tri và ý thức của xã hội như thiên chức trời đất ban cho văn nhân thi sĩ.
nguồn trankytrung.com -11 Tháng Mười Một, 2015

No comments: