Tuesday, November 17, 2015

Vấn tội hay thú tội

  về việc mở ngành đào tạo sai quy định

 Chu Mộng Long


Quang cảnh tập huấn ngày 04.04 (Ảnh Chu Mộng Long)

Chu Mộng Long – Cuộc tập huấn 3 ngày (từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 4 năm 2013) về Phát triển chương trình đào tạo đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Đà Nẵng vừa rồi có nhiều chuyện hay. Bất ngờ và vui nữa. Mọi người được tận mắt, tận tai thưởng thức tài uốn lưỡi của ông Bộ chủ quản của mình.

Bất ngờ và vui nhất là buổi thứ hai ngày đầu tiên, TS Nguyễn Khắc Bình báo cáo triển khai Thông tư 38 và Thông tư 08 về các điều kiện và thủ tục mở ngành đào tạo. Vào đề, ông truy vấn đại biểu của 17 trường đại học mà ông cho là đang “hưởng thụ” cái dự án gần 50 triệu đô này: Các thầy cô trả lời cho tôi xem, cái ngành Quản lí giáo dục mà các trường đang mở và đào tạo ấy đúng hay sai?

Cả hội trường lặng như tờ. Mất gần 5 phút không ai rục rịch. Mình biết chắc trường nào chẳng đang “hưởng thụ” cái món nộm này, nên tất cả đều ngậm miệng.

Mình giơ tay xin nói thẳng: Thưa lãnh đạo Bộ, câu hỏi hay, nhưng rất tiếc là không ai dám trả lời. Quan điểm của tôi làsai bét! Tri thức bao giờ cũng được xây từ cái nền lên đỉnh tháp. Cái ngành Quản lí giáo dục hiện nay theo tôi là một cái ngành từ trên trời rơi xuống. Một ngành học mà ai cũng học được, ai cũng dạy được, tốt nghiệp xong tuyên bố làm gì cũng được, thì nó thuộc khoa học gì?

Xin phép cho tôi hỏi ngược lại lãnh đạo Bộ: Ai cho phép mở tràn lan cái ngành ấy và mở với mục đích gì? Nếu sai thì lỗi thuộc về ai?

Và xin được hỏi thêm: Mở ngành tùy tiện có tai hại bằng mở trường tùy tiện không? Hơn 400 trường đại học ra đời cùng một lúc, bây giờ dân lập rỗng ruột buộc Bộ phải bóp chỉ tiêu công lập để nhường cho dân lập. Lỗi ấy thuộc về ai?

Tiến sĩ Bình không ngờ bị hỏi ngược nên không khỏi lúng túng và uốn lưỡi ba lần xin cử tọa đừng ghi âm mới nói: Tôi đồng ý với thầy. Cái ngành Quản lí giáo dục ấy mở ra rõ ràng là với mục đích “rửa bằng”. Tôi có được mời dạy một chuyên đề cho ngành này, quả thật học viên học mà không biết gì!!! Thầy hỏi lỗi thuộc về ai, tôi nói thẳng, lỗi có phần của thầy! Tại sao thầy thấy sai mà không phản ánh kịp thời với Bộ?

Cũng như thế, việc mở tràn lan các Trường đại học là lỗi thuộc về các thầy và các cơ sở đào tạo. Ông Bình tiếp tục nói. Các văn bản trước khi Bộ ban hành thường đăng tải công khai xin ý kiến, nhưng các thầy không có ý kiến gì. Còn khi duyệt mở trường hay mở ngành là chúng tôi chỉ dựa vào hồ sơ chứ làm sao biết thực tế nó có gì. Vì thế nhiều nơi đã gian dối…

Với cách trả lời theo kiểu vấn tội kẻ khác mà không có khả năng tự vấn để tự thú như thế nên các đại biểu lại tiếp tục ngồi im, đúng hơn, nhiều kẻ mặc cảm tội lỗi cúi mặt xuống!

Mình hai lần đứng dậy đòi tranh luận đến cùng. Thưa tiến sĩ Bình và lãnh đạo Bộ, trước khi trách lỗi dân, lãnh đạo Bộ hãy nhận lỗi trước đã mới là kẻ chân thành. Trong những đại biểu ở đây, ai có lỗi không biết, riêng tôi không có lỗi. Năm năm trước, tại cuộc bảo vệ luận văn thạc sĩ Quản lí Giáo dục ở trường chúng tôi, chính tôi, với tư cách người tham dự, đã đề nghị Hội đồng dừng lại, không cho bảo vệ cái luận văn mang tên: Các biện pháp phát triển đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng nhiệm vụ đổi mới Trường Đại học Quy Nhơn hiện nay với các lí do:

– Đây là ngành học phi lí, phản khoa học vì người học lẫn người dạy và hướng dẫn khoa học không thuộc chuyên ngành. Đối tượng đào tạo không giới hạn, ai cũng học được như trên đã nói. Đặc biệt không thể chấp nhận một ông tiến sĩ Toán và tiến sĩ Sử lại được dạy chuyên đề quản lí giáo dục rồi hướng dẫn luôn cả luận văn tốt nghiệp.

– Vì dối trá trong việc mở ngành nên dối trá luôn cả trong nội dung triển khai đề tài. Đánh giá thực trạng và đưa ra giải pháp trong đề tài đều mang tính công thức và bịa đặt nguy hiểm. Trường chúng tôi tan nát vì những đề tài kiểu này được mang ra áp dụng.

Lần bảo vệ ấy, GS Đặng Quốc Bảo, Chủ tịch Hội đồng đã tiếp thu và cho dừng bảo vệ. Nhưng sau đó, luận văn lại được mang ra bảo vệ chui bằng hàng rào sắt của bảo vệ và an ninh như một công trình thuộc bí mật quốc gia vậy. Được biết Hội đồng được lập lại với sự tham dự của Vụ Quản lí cán bộ và Trường Đào tạo cán bộ quản lí trung ương, kết quả xếp loại xuất sắc. Khi chúng tôi phản ánh lên Thanh tra Bộ thì Bản kết luận Thanh tra lại kết luận xanh rờn: Việc tiến sĩ Toán hay tiến sĩ Sử tham gia dạy chuyên đề và hướng dẫn luận văn thạc sĩ quản lí giáo dục là đúng, vì những ông này đang là cán bộ quản lí. Còn chất lượng thì phải tôn trọng kết quả của Hội đồng!?

Vậy ai đã bảo kê cho những sai phạm này? Đoàn Thanh tra Bộ khi ấy có sự tham gia của các loại Vụ, trong đó có Vụ của ông, ông trả lời sao?

Tiến sĩ Bình lắp bắp cho đó là chuyện cũ không nên bới móc??!!

Mình đứng lên nói tiếp. Tôi hoan nghênh Bộ vừa rồi đã chấn chỉnh hàng loạt cái sai trong mở ngành đào tạo. Nhưng tôi không tin Bộ đã giải quyết rốt ráo bằng con đường ngay thẳng, trong sáng, minh bạch. Bởi vì, theo tôi biết, cái ngành mà ông Bình vừa nói là “rửa bằng” này vẫn ngang nhiên tồn tại và được xem là phát triển “rực rỡ”, ăn nên làm ra của nhiều trường. Xin mách cho Bộ biết, hồ sơ gửi lên Bộ để đối phó trong việc Bộ dọa rút phép thông công về việc mở ngành đào tạo không đủ giảng viên cơ hữu theo thông tư mới vừa rồi vẫn tiếp tục gian dối. Coi như vạch áo cho người xem lưng cũng được. Tại trường chúng tôi chỉ có một tiến sĩ giáo dục học, nhưng đã phù phép lấp 5 tiến sĩ thuộc các chuyên ngành khác nhau đưa vào hồ sơ giảng viên cơ hữu để qua mặt Bộ. Vì tiền, (mà tiền đào tạo cho loại cán bộ “rửa bằng” này nhiều lắm, có thể làm giàu cho một nhóm người có quyền) nên họ vẫn đạp rào lướt tới, coi Bộ như không!

Cái Thông tư mà hôm nay lãnh đạo Bộ đưa ra tập huấn ấy đã bị vứt vào sọt rác rồi ạ!

Sự nguy hiểm nhãn tiền mà có lẽ lãnh đạo Bộ không thể không biết: Hàng trăm cán bộ từ thư kí văn phòng, nhân viên thư viện, chuyên viên các phòng ban, cho đến các ông quan ngồi các vị trí khác nhau, kể cả giảng viên không chịu đi học chuyên môn, đua nhau đi học Quản lí giáo dục để lấy bằng thạc sĩ, tiến sĩ rồi đòi hưởng thụ mọi thứ quyền lợi. Chuyên môn không biết, làm đâu sai đó, nhưng vẫn ngồi đó ăn lương ăn lộc bởi có đủ các loại bằng. Có kẻ trình độ chuyên môn trung cấp vẫn to mồm la lên đòi đứng lớp giảng dạy đại học, rằng, tôi có bằng thạc sĩ quản lí giáo dục thì làm gì dạy gì ở cấp nào chẳng được!

Cứ đà này, nay mai nếu cả triệu thạc sĩ, tiến sĩ Quản lí giáo dục trên cả nước đòi lên làm quản lí giáo dục, liệu lãnh đạo các ngài có nhường ghế cho họ không? Bởi với tấm bằng mang danh Quản lí giáo dục của họ so với tấm bằng khoa học hiện có của các ngài, chiếc ghế nào chính chủ hơn?

Tôi chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình, nói sai sẵn sàng ra khỏi ngành giáo dục!

Ông tiến sĩ Bình hứa sẽ phản ánh lại với lãnh đạo Bộ về sự phản hồi này. Không biết ông sẽ phản ánh tới đâu? Hay lại chơi trò như 5 năm trước cho đoàn thanh tra về khủng bố những kẻ chống tiêu cực để kết luận tiêu cực thành tích cực?!


Share this:

No comments: