Wednesday, November 18, 2015

Mừng sinh nhật 1 tuổi của nhóm hoạ sĩ Hiện thực

17/11/2015

Nguyễn Đình Đăng

Lời nói đầu

Dự buổi toạ đàm “Giới thiệu nghiên cứu, phát hiện mới về cuộc đời và tác phẩm của hoạ sĩ Lê Văn Miến” tại Viện Mỹ thuật, Hà Nội ngày 28.10 năm ngoái, tôi được hoạ sĩ Phạm Bình Chương thông báo về sự ra đời của nhóm hoạ sĩ Hiện thực. Bài này được viết nhân dịp nhóm Hiện thực tròn 1 tuổi, để đăng trong vựng tập triển lãm đầu tiên của nhóm Hiện thực, dự định sẽ khai mạc vào ngày 9.12 năm nay tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

N.Đ.Đ.

Hiện thực có lẽ là cách mô tả đầu tiên trong buổi bình minh của hội hoạ, khi hoạ sĩ vẽ lên vách hang động những hình thú vật, mà sau hàng chục ngàn năm độ chân thực và sinh động của chúng vẫn khiến con người không ngừng kinh ngạc.

Hình vẽ gấu trên vách hang Chauvet ở Pháp khoảng 30 – 32 ngàn năm trước

Leonardo da Vinci từng coi hội hoạ là sự mô phỏng duy nhất của tất cả những gì nhìn thấy được trong tự nhiên [1]. Ngay cả sau khi nhiếp ảnh ra đời, nhận định của thiên tài Phục Hưng vẫn đúng. Lý do là vì hình chiếu theo luật viễn cận tuyến tính của máy ảnh không hoàn toàn giống hình chiếu trong viễn cận cảm nhận. Cảnh núi non hùng vĩ hoạ sĩ thấy trước mắt và vẽ lại vào tranh, khi chụp lên ảnh trông thật nhỏ bé tầm thường. Bức ảnh chụp là sự mô phỏng của ống kính và ánh sáng phản xạ, chứ không phải bởi thị giác và lý trí của hoạ sĩ.

Chính thông qua mắt và bộ óc, tức nhận thức của hoạ sĩ, mà các hình tượng trong thế giới khách quan được phóng chiếu lên canvas. Cơ chế này khiến sự mô phỏng thế giới thực tại luôn phải gắn với việc tả chân để một bức hoạ có thể được coi là hiện thực.

Nhưng thế nào là tả chân trong hội hoạ? Đây là một trong những điều được tranh cãi đã bao thế kỷ mà xem ra vẫn chưa ngã ngũ. Đa số chúng ta có lẽ đều tin vào một thế giới khách quan, tồn tại độc lập với chúng ta. Nhưng cách hình dung, mô tả thế giới lại hoàn toàn phụ thuộc vào các mô hình do chúng ta dựng nên.

Hơn 300 năm trước, hoạ sĩ và nhà phê bình người Pháp Roger de Piles đã nhận định rằng, bởi bản chất của con người là luôn dối trá, nên sự chân thành là cách thuyết phục nhất để khiến người ta tin. Người ta ít nhiều ai cũng yêu và cảm nhận được cái đẹp. Không có cái gì được gọi là tốt, là thú vị mà lại không chứa đựng sự chân thực [2].

Theo de Piles, chân thực trong hội hoạ có 3 mức là giản dị, lý tưởng vàhoàn hảo. Chân thực giản dị nói nôm na là sự sao chép Tự nhiên như hoạ sĩ nhìn thấy. Chân thực lý tưởng là sự lựa chọn từ những sự hoàn hảo khác nhau, không bao giờ có trong cùng một mẫu, và thường được rút ra từ nghệ thuật cổ đại. Còn chân thực hoàn hảo là sự kết hợp chân thực giản dị và chân thực lý tưởng, mà chưa hoạ sĩ nào đạt tới.

Cũng theo quan điểm của de Piles thì Giorgione, Titian và toàn bộ trường phái Venetian mới chỉ đạt được chân thực giản dị. Leonardo da Vinci, Raphael, Caravaggio, Poussin và vài danh hoạ khác đạt được chân thực lý tưởng, trong đó chỉ có Raphael là tiến gần tới chân thực hoàn hảo nhất bởi tranh của ông chứa nhiều chân thực giản dị.

Raphael
La donna velata (1514 – 1515)
sơn dầu, 82 x 60.5 cm
Palazzo Pitti, Florence

Nói vậy là để thấy câu chuyện của hội hoạ hiện thực vẫn chưa có hồi kết.

Rủi thay, các hoạ sư trường mỹ thuật Paris t.k. XVII – XIX dường như chỉ nhấn mạnh khía cạnh thực dụng trong phân loại của Roger de Piles. Lấy nghệ thuật cổ đại và Phục Hưng làm khuôn mẫu, họ đã thiết lập một hệ thống mỹ thuật hàn lâm giáo điều cứng nhắc và dùng nó để duy trì quyền lực tối thượng của mình trong giới mỹ thuật Pháp. Áp bức trong bất cứ lĩnh vực nào, kể cả khoa học và nghệ thuật, nơi tự do tư tưởng cần thiết như không khí để thở, đều sản sinh phản kháng mà cao trào là những cuộc cách mạng.

Claude Monet 
Ấn tượng – Mặt trời mọc (1872) 
sơn dầu, 48 x 63 cm 
Bảo tàng Marmottan Monet, Paris

Cuộc cách mạng do các hoạ sĩ Ấn tượng Pháp khởi xướng cuối thế kỷ XIX đã đập tan xiềng xích hội hoạ hàn lâm trói buộc họ. Song, cũng thật trớ trêu, nó cũng châm ngòi cho mạt kỳ của nghệ thuật, khi nghệ thuật nói chung và hội hoạ nói riêng không còn là sự biểu hiện của chân lý. Thay vì các lý tưởng cao cả trong nghệ thuật cổ đại và trong hội hoạ Flemish, Phục Hưng, Baroque, nghệ thuật t.k. XX – XXI đã sa sút tới mức người không hề có một kỹ năng nào cũng có thể trở thành nghệ sĩ bởi bất cứ cái gì cũng có thể trở thành nghệ thuật. Trong thuyết trình “Vì sao nghệ thuật hiện đại lại tồi tệ đến như vậy?” hoạ sĩ Robert Florczak đã cay đắng nhận xét: “Tính uyên thâm, sự truyền cảm và cái đẹp đã bị thay thế bởi cái mới, sự khác biệt và cái xấu xí. Ngày hôm nay, sự ngớ ngẩn, sự vô nghĩa, và sự tởm lợm toàn diện lại được đưa lên như cái hay nhất của nghệ thuật.” [3]

Ở Việt Nam, nơi hội hoạ được du nhập từ phương Tây cách đây chưa đầy một thế kỷ, không ít người vẫn bám vào cảm tính hay cái họ gọi là “cảm xúc trực giác” để phủ nhận lý trí và kiến thức, kỹ năng và kỹ thuật. Họ quên mất rằng “sự thông tuệ là biểu hiện cao nhất của tâm hồn”, như Ingres từng nói [4]. Thực trạng này không đáng ngạc nhiên bởi các phương pháp và kỹ thuật của hội hoạ hiện thực từ Phục Hưng t.k. XV tới hội hoạ hàn lâm t.k. XVIII – XIX chưa bao giờ được giảng dạy một cách bài bản và hệ thống trong các trường mỹ thuật tại Việt Nam.

Trong bối cảnh đó phải thừa nhận sự ra đời của nhóm hoạ sĩ Hiện thực là một biểu hiện không chỉ của niềm say mê mà còn của cả lòng can đảm. Không can đảm sao được khi bạn vẫn đeo đuổi và cổ xúy cho một triết lý hội hoạ mà đến các cụ tổ của nó, như Jan Van Eyck và Leonardo da Vinci, còn bị không ít những “nhà thẩm mỹ” (có học hoặc vô học) xứ ta coi là nghệ nhân, thậm chí là thợ vẽ? Đối với họ, những cô điếm mắt lác, những hình nhân vặn vẹo, những vạt màu vung vãi trong nhiều tác phẩm hội hoạ Hiện đại mới là đỉnh cao của cảm xúc, mới “phiêu”. Không tranh cãi về thị hiếu, song cũng nên khôi phục các chuẩn mực cho rõ ràng. Đừng lầm tưởng trong nghệ thuật không có đúng sai. Nếu cái đẹp và sự chân thực là đúng thì sự phủ nhận chúng, tức cái xấu xí và sự giả dối dĩ nhiên là sai. Khốn thay, sự thật tưởng chừng đơn giản đến mức hiển nhiên này lại trở thành một con voi đứng lù lù trong phòng khách nghệ thuật mà người ta phẩy tay làm như không nhìn thấy. Một trong những nguyên nhân sâu xa là ở chỗ nghệ thuật đã bị biến thành hàng hóa, đã “lên sàn”. Một khi nghệ sĩ đã phải chịu sự chi phối của đồng tiền, thứ “làm cho con điếm hủi trở thành kẻ được ngưỡng mộ, đề cao những tên kẻ cắp, phong cho chúng danh hiệu, sự công nhận, và lòng kính trọng”, như Shakespeare từng viết [5], thì lẫn lộn vàng thau cũng là một hệ quả tất nhiên.

Nhưng, đúng như Alexander Solzhenitsyn đã nhận định, “mặc cho mọi dày vò của chúng ta, Nghệ thuật vẫn không bị vấy bẩn, vẫn không vì thế mà đánh mất đi nguồn gốc của mình, vẫn luôn luôn, và trong mọi cách chúng ta dùng nó, rọi chiếu lên chúng ta một phần cái ánh sáng bí mật bên trong của nó.” [6]

Hãy vẽ một quả táo để sao cho khi ngắm nhìn bức tranh của bạn người thưởng ngoạn không chỉ thấy đó là một quả táo tầm thường, mà phải băn khoăn tự vấn, để sau khi xem hàng trăm bức tranh tại phòng triển lãm rồi ra về, người xem luôn bị ám ảnh bởi sự bí ẩn do quả táo của bạn tạo ra. Đạt được điều đó xem như bạn đã chạm tới cội nguồn của nghệ thuật.

Chúc các hoạ sỹ nhóm Hiện thực chân cứng đá mềm trên con đường đầy khó khăn nhưng cũng đầy hấp dẫn để vươn tới những giá trị của hội hoạ đích thực.

Phạm Bình Chương
Quán vắng (2012)
sơn dầu, 100 x 100 cm

14.11.2015

__________

[1] Leonardo da Vinci, Luận thuyết về hội hoạ, Nguyễn Đình Đăng trích dịch trong “Một số lời khuyên của Leonardo da Vinci”.

[2] Roger de Piles, Cours de peinture par principes (1708).

[3] Robert Florczak, Vì sao nghệ thuật hiện đại lại tồi tệ đến như vậy?Nguyễn Đình Đăng dịch.


[5] William Shakespeare, Timon of Athens (1623).


No comments: