Theo Arild Utaker, trong một bài bàn về Saussure, [1] khi nói đến chữ, ta thường nghĩ ngay đến chữ viết. Từ lâu, đó là cách chúng ta suy nghĩ về ngôn ngữ. Theo mẫu tự, chữ viết tự phân cách ra khỏi sự vật, đưa đến sự khác nhau giữa chữ và vật. Nhưng nhờ thế mà ngôn ngữ tách khỏi thế giới và trở thành một lãnh vực tự động, một lãnh vực có thể suy nghĩ. Từ đó, ta có ngữ học, một khoa học về chữ viết gắn liền với nghệ thuật viết và đọc. Và cũng vì thế, ngôn ngữ trở thành một vấn nạn triết lý: tương quan giữa chữ và sự vật hay nói khác đi, tương quan giữa chữ và thế giới. Mặt khác, chữ viết được xem như là tượng trưng cho lời vì nó có thể được phát âm. Do được thị giác hóa, nghĩa là bị khách thể hóa, lời tự biểu lộ ra trong chữ. Lời có chữ như một tấm gương. Nhưng nếu lời là chìa khóa của chữ thì nó lại bị lệ thuộc vào chữ. Ngữ pháp xem chữ vừa là phân tích vừa là tiêu phạm của lời. Rốt cuộc, sự đúng sai của lời chỉ có thể tìm thấy trong chữ.
Saussure nhìn vấn đề một cách khác hẳn. Trong tiếng Pháp, Saussure phân biệt langage (“hoạt động ngôn ngữ” hay ngôn ngữ nói chung) với langue (ngôn ngữ nói riêng)[2]. “Hoạt động ngôn ngữ” là khả năng của con người có thể tự diễn đạt qua hình thức ký hiệu. Khả năng này không chỉ dành riêng cho ngôn ngữ tự nhiên nhưng mà cho tất cả mọi hình thức giao tiếp của con người. Còn “ngôn ngữ” (hay “tiếng”) là tập hợp những ký hiệu được sử dụng bởi một cộng đồng để truyền đạt với nhau: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Việt. Ngoài ra, Saussure còn phân biệt ngôn ngữ và lời nói [3]. Ngôn ngữ có tính chất xã hội và độc lập với cá nhân. Lời nói là sự sử dụng cụ thể những ký hiệu ngữ học, có tính cách cá nhân. Cả hai lệ thuộc lẫn nhau. Ngôn ngữ vừa là công cụ vừa là sản phẩm của lời nói. Với khái niệm này, Saussure phân biệt cách sử dụng ngôn ngữ với chính ngôn ngữ được hiểu như là toàn thể các ký hiệu.
Chữ viết, theo ông, tự nó không phải là thành phần của hệ thống nội tại của ngôn ngữ. Ngôn ngữ và hình thức chữ viết của nó xây dựng nên hai hệ thống ký hiệu tách biệt nhau. Nhưng người ta vẫn xem như chữ viết là tượng trưng cho ngôn ngữ. Vì “chữ viết gắn với lời nói mà nó tượng trưng chặt chẽ đến độ nó tìm cách cưỡng đoạt vai trò chính” của lời nói. Một ngôn ngữ có một truyền thống nói độc lập với chữ viết thì ổn định hơn, nhưng ưu thế của chữ viết khiến ta không thấy được điều đó. “Người ta thường cho rằng một ngôn ngữ bị mất đi nhanh hơn nếu không có chữ viết. Điều này hoàn toàn sai.” Trong một số trường hợp, chữ viết rất có thể làm trì hoãn những sự thay đổi trong một ngôn ngữ. Nhưng mặt khác, “sự vắng mặt của hình thức chữ viết” chẳng ảnh hưởng gì đến sự ổn định ngôn ngữ cả [4].
Nhưng do đâu mà chữ viết có ưu thế như vậy? Saussure cho rằng: vì hình thức chữ viết cho ta ấn tượng của một cái gì bền vững và thích hợp hơn âm thanh qua thời gian; “đối với hầu hết mọi người, ấn tượng nhìn thì rõ ràng hơn và kéo dài hơn ấn tượng âm thanh.” (…) “Ngôn ngữ văn chương giúp làm nổi bật hơn sự quan trọng không thích đáng dành cho chữ viết.” Ngôn ngữ văn chương có tự điển và có ngữ pháp. Nó được giảng dạy ở trường ốc từ hết cuốn sách này đến cuốn sách khác. (…) những điều đó khiến cho chữ viết trở nên ưu tiên khiến ta quên đi rằng ta học nói trước khi học viết [5]. Nhưng “Sự độc tài của chữ viết còn đi xa hơn.” Điều này xảy ra ở những nơi mà các tài liệu viết đóng vai trò chủ đạo, là nơi mà hình thức viết đưa đến các phát âm sai lầm. Đó là một “hiện tượng hoàn toàn bệnh hoạn”. Nếu ta thử xóa bỏ hình thức chữ viết khỏi đầu óc, và đồng thời vứt bỏ đi hình ảnh thị giác, ta có nguy cơ bị bỏ lại với một vật vô hình thù khó mà nắm bắt. “Không có ký hiệu viết, một âm thanh chỉ còn là cái gì rất mơ hồ” khiến “chúng ta cảm thấy bị lạc lõng”, đến nỗi đối với những nhà ngữ học đầu tiên chưa biết đến môn sinh lý học âm thanh, “buông chữ cái đi có nghĩa là mất đất đứng”[6]. Chả thế mà tục ngữ Việt Nam có câu: “bút sa gà chết” hay “lời nói bay đi, chữ viết để lại.” Ký một chữ trên giấy là khẳng định sự hiện hữu và đồng thời khẳng định trách nhiệm của người ký.
Saussure đặt vấn đề: làm sao để nghĩ về chữ mà không cần qua lời và nghĩ về lời mà không cần qua chữ. Muốn vậy, phải tách lời ra khỏi chữ, mới có thể nhìn thấy được bản lai diện mục của ngôn ngữ. Điều kiện để cho nỗ lực tách lời khỏi chữ là nhờ hai biến cố: sự ra đời của môn sinh lý học âm thanh (physiologie du son) và sự phát minh ra máy hát (phonographe). Máy hát lần đầu tiên giúp cho giọng nói được giữ lại và được khách thể hóa mà không cần thông qua chữ viết. Lời nói chiếm lại chức năng đã bị tước mất. Giọng nói có thể được nghe mà không cần sự hiện diện của người nói, cũng như một chữ có thể đọc mà không cần sự hiện diện của người viết. Cũng như chữ viết, giọng nói được khách thể hóa và do đó, hiện diện một cách độc lập.
Dẫu vậy, ưu thế của chữ viết vẫn không hề mất. Nhất là hình thức chữ in. Do nằm trong một hình thức ổn định với cùng một khổ (trên giấy hay về sau này, trên màn hình máy vi tính), chữ không thể chen trước chen sau một cách tùy tiện, rườm rà như khi nói mà là một thứ ngôn ngữ sắp xếp theo tuyến tính, được bố trí theo chức năng, biến chúng thành câu kéo với các từ loại được phân bố, tách bạch rõ ràng khiến cho những ý tưởng vô hình trở nên dễ hiểu và dễ truyền đạt: ngôn ngữ trở thành tiêu chuẩn hóa. Chúng trở nên một biểu tượng bền vững, tách khỏi cái mà nó biểu tượng, thuộc về một thế giới khác có tính cách khách quan gọi là “thế giới chữ ghĩa”. Các bản in được xem như một thứ chân lý ướp lại để dành cho hậu thế.
Nhu cầu học tập, nghiên cứu, lưu trữ, truyền đạt và giao lưu giữa ngôn ngữ này và ngôn ngữ khác khiến cho chữ viết, dù không phản ảnh hoàn toàn lời nói, vẫn là hình thức thuận tiện nhất. Internet là một bằng chứng. Không những thế, với các phương tiện kỹ thuật hiện đại về kỹ nghệ thu, phát âm lại khiến cho chữ viết càng lúc càng gần với lời nói và ngược lại. Trên truyền hình, những lời phát biểu trực tiếp của bất cứ cá nhân nào cũng có thể biến thành chữ ngay lập tức sau đó. Cũng thế, với một số loại iPhone đời mới, ta có thể nói ngay ra…chữ (speech to text). Qua các chatroom trên Internet, đối thoại bằng chữ viết trực tiếp qua, lại có kèm thêm các xúc hình (emoticons) tượng trưng cho đủ thứ cảm xúc khác nhau, khiến cho người đối thoại có cảm giác như đang sử dụng lời nói bằng chữ.
John Lyons nhận xét: “Do những nguyên nhân lịch sử và văn hóa, mức độ tương ứng giữa ngôn ngữ viết và ngôn ngữ nói biến đổi đáng kể từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Nhưng trong tiếng Anh và các ngôn ngữ khác vốn gắn bó với hệ thống chữ ghi âm, thì hầu hết, nếu không nói là tất cả, các câu được nói ra đều có thể được đặt trong một quan hệ tương ứng với các câu được viết ra.”[7]
Trong phạm hạn hẹp của đề tài, khi đề cập đến “chữ” ở đây, chúng ta sẽ hiểu vừa chỉ chữ viết vừa chỉ lời nói.[8]
Nghĩa
Dù là băng âm thanh hay bằng đồ hình (graphic), chữ là những ký hiệu. Tự bản thân, chúng chỉ là hình thức chứ không phải là chất liệu. Nếu mỗi chữ tượng trưng cho chỉ một điều nào đó và chỉ điều đó mà thôi thì chữ là nghĩa/nghĩa là chữ. Nghĩa, trong trường hợp này, là cái chứa đựng trong chữ đã được cộng đồng bản ngữ chấp nhận và tương đối ổn định. Nghĩa là, chữ đã trở thành từ vựng, được ghi vào trong tự điển. Thực tế, trong nhiều trường hợp, ngay trong cái “tương đối ổn định” đó, nghĩa lắm khi không hề đi đôi với chữ. Chẳng hạn như chữ “đi”. Đi là động tác di chuyển bằng chân hướng về phía trước, nhưng có nhiều chữ đi lại có nghĩa khác, thậm chí khác hẳn: đi đêm, đi khách…Hay chữ “ăn”: từ chỗ là động tác bỏ thực phẩm vào trong miệng, ta có những chữ ăn như ăn cánh, ăn ảnh, ăn gian… mà ý nghĩa của chúng dường như chẳng có liên hệ gì mấy đến chuyện “ăn”.
Đi vào lãnh vực sử dụng như trong báo chí, chính trị, quảng cáo và nhất là trong văn chương, thì biên giới giữa chữ và nghĩa lại càng mập mờ, bất định.
- Tin tức: The storm played a role in three deaths, two in a car accident and one because of a power line downed by the storm, officials said.(Cơn bão “đóng vai trò” trong ba cái chết)
- Xã luận: Western Europe is a patient in an iron lung. American economic and military aids provide with oxygen, but it cannot live and breathe by itself. (Tây Âu là một con bệnh thở bằng phổi nhân tạo. Viện trợ kinh tế và quân sự Mỹ cung cấp cho nó dưỡng khí, nhưng nó không thể tự sống và thở một mình/Arthur Koestler, New York Times, 1950):
- Thơ: Còn tương lai kia anh mang bỏ giữa rừng/nàng nhỏ xuống trí nhớ/một khung trời mưng mủ, chàng đặt giữa vũng tay nàng/tôi vuốt ve vết thương (Nh. Tay Ngàn)
- Văn: …tiếng hát truyền nhiễm sang phòng bên kia, những âm thanh vỡ bờ từ hai phía, những lời chuyển động rầm rộ, dồn dập xoáy vào không gian hạn hẹp trào ra bên ngoài hành lang (Đặng Phùng Quân)
Trong những câu vừa trích dẫn, chữ và nghĩa không những không đi đôi, mà còn tương phản nhau, va chạm nhau, đụng độ nhau, đến độ chữ dường như theo đàng chữ, nghĩa theo đàng nghĩa.
Tương quan chữ/nghĩa quả là một tương quan vô cùng lỏng lẻo!
Lợi dụng đặc điểm đó, người ta tạo ra tu từ học, là khoa truyền đạt nghệ thuật thuyết phục, nghệ thuật nói hay, tức là khoa hùng biện. Trong một xã hội có tổ chức, sức mạnh thể chất không còn chỗ dứng trong những cuộc tranh chấp thì chữ là vũ khí duy nhất để gây ảnh hưởng đến người khác, trong tòa án hay giữa đám đông. Theo định nghĩa xưa cũ của người Sicilien, “Nghệ thuật tu từ là người thợ (mà cũng là người thầy) của sự thuyết phục”[9]. Đó là nghệ thuật sắp đặt chữ để điều khiển, để chinh phục người khác.
Và cũng từ đặc điểm đó mà có văn chương.
Nói chung, hoạt động ngôn ngữ, tức là đưa ngôn ngữ vào đời sống, chẳng có gì khác hơn là sự vận dụng nghĩa của chữ, đưa đến hiện tượng biến đổi nghĩa. “Sự biến đổi ý nghĩa của từ là một trong những hình thức hoạt động cơ bản của hệ thống từ vựng để đáp ứng nhu cầu về các phương tiện biểu đạt”, theo cách nói của Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân.[10]
Nhưng nghĩa là gì? Nghĩa của một chữ là sự thống nhất kép của tên, tức là ký hiệu (sign), và nghĩa. Một tương quan hỗ tương giữa tên và nghĩa. Nhờ đó mà người ta có thể biên soạn từ điển dựa theo chữ cái và ý niệm. Theo Saussure, trong một tài liệu mới được tìm thấy và xuất bản vào năm 1996 “Ecrits de linguistique générale”[11], chữ và ý tưởng, tức là nghĩa của nó, không thể khảo sát như là những “thực thể” độc lập đối với nhau. Một ký hiệu chỉ thực sự hiện hữu đối với người nói xét như một toàn thể, nghĩa là xét như chữ kèm theo với nghĩa của nó. Để làm rõ nghĩa, có thể so sánh chữ, ký hiệu ngữ học, với các hệ thống ký hiệu khác. Chẳng hạn như hệ thống ký hiệu hàng hải: đó là những cờ hiệu với màu sắc khác nhau. Khi một lá cờ hiệu bay giữa nhiều lá cờ khác trên cột buồm, thì chỉ có hai “hiện hữu”: đầu tiên là một mảnh vải đỏ hay xanh, thứ hai đó là một ký hiệu hay là một vật được người nhận thấy nó gán cho một ý nghĩa nào đó. Nói một cách khác, một mảnh vải chỉ hiện hữu độc lập như là một sự vật vật chất “vô nghĩa”. Đây cũng là quan điểm của Kant về sự-vật-tự-nó (noumène): sự-vật-tự-nó là bất khả tri. Nó chỉ là một cách xuất hiện qua giác quan, nghĩa là một hiện tượng, chỉ là một cách nhìn.
Chữ cũng thế, chỉ là những đường nét vô nghĩa vẽ ra trên giấy. Hãy hình dung như khi ta nhìn thấy một văn bản viết bằng tiếng Á Rập hay một văn bản cổ khắc trên đá. Nó sẽ chỉ hiện hữu đối với chủ thể dựa vào cái ý tưởng mà chủ thể gắn vào đó. Ngược lại, ý nghĩa chỉ hiện hữu bằng và xuyên qua ký hiệu. Do đó, “ý nghĩa không tách rời khỏi ký hiệu”, còn ký hiệu thì “không xứng đáng mang tên của chúng nếu không có ý nghĩa.”
Ta có thể hình dung quan hệ giữa ký hiệu (chữ), ý tưởng và sự vật ngoại giới như sau:
Chữ -> nghĩa -> sự vật
Như thế, không phải là những đặc tính cố hữu của sự vật, nhưng chính những ý tưởng mà chúng ta tự tạo ra, kiến tạo nên nghĩa của chữ. Ý tưởng không hề nằm ngoài chữ. Chữ không phải là một thực thể năm ngoài (ý thức) chúng ta. Cần nhấn mạnh, khi nói quan hệ giữa ký hiệu và ý tưởng không có nghĩa đó là quan hệ cá nhân, là ý định chủ quan của mỗi cá nhân. Nếu cá nhân nào cũng tự đặt cho mình một ý nghĩa riêng thì không có ngôn ngữ. “Nghĩa là những liên hệ, không phải là những liên hệ tất yếu mà là liên hệ phản ảnh, là quy ước được xây dựng trong cộng đồng bản ngữ. Nghĩa là những liên hệ được xác lập trong nhận thức những cái mà nó làm tín hiệu (ký hiệu).”[12]
Mặt khác, theo Stephen Ullman, thì “tương quan tên – nghĩa” không phải là tương quan đơn giản từ với từ, nghĩa là một tên cho một nghĩa. Thực ra thì ta có:
- một nghĩa cho nhiều tên: hiện tượng đồng nghĩa (synonymy)
- nhiều nghĩa cho một tên: hiện tượng đồng âm (homonymy)
- nhiều nghĩa cho một tên: hiện tượng đa nghĩa (polysemy)
trong đó, hiện tượng đa nghĩa là hiện tượng then chốt của tất cả ngữ nghĩa luận về chữ.[13]
Cần lưu ý: rất dễ lẫn lộn giữa từ đồng âm và từ đa nghĩa. Theo Ullman, giữa từ đồng âm và từ đa nghĩa, có một sự nhập nhòe. Cả hai đều dựa trên nguyên tắc tổng hợp của một chữ mà có nhiều nghĩa. Trong lúc chữ đồng âm bao gồm sự khác nhau giữa hai chữ và ngữ nghĩa hoàn chỉnh của chúng thì đa nghĩa nằm bên trong một chữ và nó tách ra nhiều nghĩa khác nhau.
Đa nghĩa có thể hiểu theo hai cách:
- đồng đại (synchronic): một chữ có hơn một nghĩa
- lịch đại (diachronic): một chữ có thể duy trì nghĩa cũ trong lúc vẫn có thể mang thêm nghĩa mới.
Michel Bréal (1832-1915), người tạo ra hạn từ “semantics” (ngữ nghĩa luận), giải nghĩa nguyên nhân của hiện tượng đa nghĩa: Nghĩa mới, dù thuộc loại nào, không chấm dứt nghĩa cũ, cả hai đều tồn tại bên cạnh nhau. Ngay khi một nghĩa mới thêm vào một chữ, nó tự tăng lên và sản xuất những ví dụ mới, về hình thức thì tương tự, nhưng khác nhau về giá trị.[14]
Chính cái khả năng đặc thù đó của chữ khiến cho nghĩa trở nên mơ hồ, bất xác. Và tính mơ hồ này là hiện tượng trung tâm của ngữ nghĩa diễn giải. Vận dụng nghĩa của chữ, như đề cập ở đoạn trên, chính là vận dụng tính mơ hồ này, nghĩa là vận dụng hiện tượng đa nghĩa. Theo W. M. Urban [15], sự kiện một ký hiệu, tức là một chữ, có thể nói về một sự vật đồng thời vẫn không ngừng nói về một sự vật khác khiến cho ngôn ngữ trở thành một dụng cụ sắc bén cho vấn đề tri thức. Sự tích lũy nghĩa trong chữ, “sự tăng cường chồng chất” (accumulated intension) ý nghĩa tạo nên sự bất xác nhưng đồng thời cũng là nguồn suối và quyền năng của ngôn ngữ. Nó khiến cho ngôn ngữ có thể diễn tả bất cứ một hiện thực nào. Trong ngôn ngữ tự nhiên, mỗi một từ có một căn cước riêng tách biệt với các từ khác nhưng đồng thời mang một dị tính nội tại (internal heterogeneity), tính đa dạng (plurality), nghĩa là cùng một chữ lại có nhiều nghĩa khác nhau tùy theo từng ngữ cảnh. Khác với từ đồng âm, dị tính này không phá hủy tính đồng nhất của chữ, bởi vì ý nghĩa của chúng có thể được sắp xếp và ý thức ngữ học của người nói tiếp tục nhận biết một ý nghĩa nào đó trong nhiều ý nghĩa.
Vậy, đa nghĩa không phải là một hiện tượng bệnh lý, mà trái lại, là hiện tượng khỏe mạnh của ngôn ngữ. Một ngôn ngữ không có từ đa nghĩa sẽ là một bảng từ vựng vô cùng tận. Chúng ta cần một hệ thống từ vựng thuận tiện, mềm dẻo, co dãn để truyền đạt, trao đổi nhiều biến dạng của kinh nghiệm nhân sinh. Nói khác đi, bản chất của hệ thống từ vựng cho phép sự chuyển nghĩa. Điều này giúp ngôn ngữ dễ tiếp nhận sự cách tân, dễ dàng cho sự đổi mới [16].
Sự đa nghĩa xác định tính cách mở của kết cấu chữ. Dung lượng nghĩa của mỗi một chữ là không xác định.
Cánh là để chỉ bộ phận trong thân thể chim và một số côn trùng, dùng để bay. Nhưng rồi nghĩa của nó mở rộng ra thành cánh máy bay, cánh hoa, cánh cửa, cánh tủ, cánh ngôi sao, cánh quạt, cánh tay; xa hơn là cánh rừng, cánh đồng; xa hơn nữa là cánh tả, cánh hữu, phe cánh, cánh đàn ông…Tóm lại, từ chỗ chỉ mở rộng ra với những gì có đôi chút tương tự nào đó, chữ “cánh” được dùng để chỉ những gì có mối liên hệ rất mờ nhạt và đến chỗ dường như không có chút liên hệ nào với nghĩa nguyên thủy. Nó hoàn toàn trừu tượng. Chưa hết, nghĩa của chữ cánh vẫn chưa (hoặc) không hề chấm dứt. Tuy chưa ai dùng, chưa ai cảm nhận, chưa ai khám phá, vô số khả năng vẫn còn trước mặt: cánh biển, cánh tình, cánh gió, cánh trời, cánh đêm, cánh vân vân…
Chữ đi: đi bộ, đi chệch, đi cống, đi đêm, đi đứt, đi phép, đi khách, đi kèm, đi mây về gió…Theo Lê Quang Thiêm, động từ “đi” có đến 18 nghĩa khác nhau; trợ từ “đi” có 4 nghĩa; chỉ có phó từ “đi” là một nghĩa [17].
Chữ “ăn”: ăn cưới, ăn Tết, ăn nhậu, ăn nằm, ăn sương, ăn hiếp, ăn quỵt, ăn gian, ăn thua, ăn khớp, ăn ảnh…Ngô Nguyên Dũng có một bài phân tích rất thú vị về chữ ăn [18].
Chưa hết, nghĩa của chữ cánh hay đi hay ăn vẫn chưa (hoặc) không hề chấm dứt. Tuy chưa ai dùng, chưa ai cảm nhận, chưa ai khám phá, vô số khả năng vẫn còn trước mặt: cánh biển, cánh tình, cánh gió, cánh trời, cánh đêm, cánh vân vân…; đi trời, đi sáng, đi ngoan, đi vui, đi vân vân…; ăn gió, ăn nương, ăn phiến, ăn đỏ, ăn vàng…ăn vân vân.
Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân nhận xét: “Sự biến đổi ý nghĩa của từ thực chất là lấy một từ để biểu đạt một số loại sự vật có quan hệ gần gũi với nhau về một phương diện nào đấy, cho nên giữa các nghĩa của từ nhiều nghĩa vẫn có những mối liên quan nhất định. Sự khác nhau giữa các nghĩa của từ nhiều nghĩa không phải là sự khác nhau hoàn toàn: sự biến đổi ý nghĩa ở đây thường đi theo xu hướng làm thay đổi một thành phần ý nghĩa nào đấy của từ.”[19]
Nhận định này không có gì sai nếu xét trên những nghĩa mà ta hiện có về một từ, tức là tính cách lịch đại, như đã được ghi trong tự điển. Sở dĩ ta tìm thấy giữa “cánh chim” và “cánh cửa” có sự quan hệ gần gũi hay tương tự, không phải vốn chúng đã gần gũi hay tương tự sẵn trước khi có chữ cánh cửa. Ta chỉ tìm thấy sự liên hệ khi chữ “cánh cửa” đã ổn định, nghĩa là đã biến thành từ vựng. Nghĩa là tương quan đến sau sự sáng tạo. Điều đó cho thấy, không phải có một số loại từ nào đó có bản chất đa nghĩa hình thành “từ đa nghĩa” còn những từ khác thì không. Đa nghĩa là một hiện tượng ngữ nghĩa, trừ một số rất giới hạn các thuật ngữ khoa học, dường như có thể rơi vào bất cứ từ ngữ nào. Nhờ thế mà với một số lượng âm thanh và ký hiệu hữu hạn, con người có thể diễn tả một số lượng vô hạn các hiện tượng ngoại giới và tâm giới. Thế giới của chữ và nghĩa, do vậy, mà cứ tăng lên không ngừng và không có chỗ kết thúc.
[1] Arild Utaker, Le problème philosophique du son chez Ferdinand de Saussure et son enjeu pour la philosophie du langage, University of Bergen (Texte paru dans Les papiers du Collège international de philosophie, 1996, n° 23, p. 41-58)
[2] Ferdinand de Saussure, Course in General Linguistics, Open Court, La Salle, Illinois, 1986, Roy Harris dịch và chú giải từ bảng tiếng Pháp. Langage trong tiếng Pháp được dịch là “language” và langue được dịch là “linguistic structure” (cấu trúc ngôn ngữ) (tr. 9); Tổ ngôn ngữ học Khoa Ngữ văn, Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, Đại Học Tổng Hợp Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1973, dịch langage là hoạt động ngôn ngữ và langue là ngôn ngữ. (tr. 30). Một số trích dẫn từ Saussure trong bài, tác giả sử dụng bản tiếng Anh“Course in General Linguistics”, có tham khảo thêm bản tiếng Việt “Giáo trình ngôn ngữ học đại cương”.
[3] Lời nói = parole (Pháp), speech (Anh)
[4] Ferdinand de Saussure, sđd, tr. 25
[5] Ferdinand de Saussure, sđd, tr. 26
[6] Ferdinand de Saussure, sđd, tr. 31,32
[7] John Lyons , Linguistic Semantics: An Introduction (Ngữ nghĩa học dẫn luận) Nguyễn Văn Hiệp dịch
Xem ở: http://ngonngu.net/index.php?p=150, tr. 19
[8] Written words/spoken words; langage écrit/langage parlé
[9] Peithous dêmiourgos, dẫn theo Ricoeur, La métaphore vive, tr 14. Sicilien = người dân thuộc đảo Sicile, Ý
[10] Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân, Sự biển đổi nghĩa của từ,
Xem ở: http://vi.wordpress.com/tag/ng%E1%BB%AF-nghia-t%E1%BB%AB-v%E1%BB%B1ng-h%E1%BB%8Dc/
[11] Ferdinand de Saussure, 2002, Ecrits de linguistique générale, Paris, Gallimard. Dẫn theo Patricia Schulz, Saussure et le sens figuré, 2003, Université de Paris 7, UFR E.I.LA. Xem ở trang mạng “Plan du site”/La métaphore en question
Trong bài viết “Saussure ou la poétique interrompue”, Revue Langages 3/2005, Henri Meschonnic nhận định: “Écrits de linguistique générale” mới được khám phá gần đây cho phép ta đọc một Saussure khác hơn Saussure của “Cours de linguistique générale” của Bally và Séchehaye (1916), một Saussure khác hơn “Sources” của Godel (1957) và khác hơn ấn bản của Engler (1967-1974). Đó là một nhà tư tưởng của ưu thế của diễn ngôn mà người ta khám phá, trước cả Benveniste và những người khác.” Xem ở: http://www.cairn.info/revue-langages-2005-3.htm
[12] Theo Mai Ngọc Chữ, Vũ Đức Nghiệu và Hoàng Trọng Phiến/Cơ sở ngôn ngữ học tiếng Việt, nxb Giáo Dục, 1997, trang 166-171
Xem ở: http://ngonngu.net/index.php?p=201
[13] Stephen Ullman, The Principles of Semantics/Barnes and Noble, Inc, NY 1957, tr. 119
[14] Dẫn theo Yong-Ho Choi, Ricoeur and Saussure: On meaning and time
[15] W. M. Urban, Language and Reality, dẫn theo Ullmann, sđd, trang 117
[16] Xem Paul Ricoeur, sđd, tr. 150
[17] Lê Quang Thiêm, Ngữ nghĩa học, nxb Giáo Dục, Hà Nội 2008, trang 117
[18] Xem Ngô Nguyên Dũng, Tặng phẩm của ngôn ngữ: Thói "ăn" nếp "ở" của người Việt qua cách nói
http://damau.org/archives/9278
[19] Lê Đình Tư & Vũ Ngọc Cân, bài đã dẫn.
- See more at: http://damau.org/archives/23939#sthash.amnUOjfd.dpuf
No comments:
Post a Comment