Tại sao khi tác giả nói rõ ra là
họ không muốn công bố tác phẩm của mìnnh, thì ta lại đem công bố chúng?
Những bức thư của Willa Cather không được cho ai xem kể từ cái chết của bà
năm 1947. Bà có thể đang lăn lộn trong mộ phần của mình khi mà giờ đây
người ta đã xuất bản cả tập thư từ dày cộm của bà. Nhưng bà không phải
người đầu tiên bị người ta lờ đi mong muốn của mình: nó xảy đến với nhiều
nhà văn, sớm muộn gì cũng vậy.
Người thừa kế của Ernest
Hemingway quyết định xuất bản tác phẩm cuối đời của ông sau khi ông qua
đời, quyển “Vườn Địa đàng”, mà bản thân Hemingway đã (khôn ngoan) không bao
giờ xuất bản. Thư của Georgia O’Keefe gửi chồng, Alfred Stieglitz, cũng
không ai biết, thậm chí đối với giới học giả, trong suốt hai mươi lăm năm
sau cái chết của bà. Giờ đây thì chúng có trên mạng, và ai cũng có thể tiếp
cận được bằng một cái máy tính xách tay và mười lăm phút thời giờ.
Có lẽ cách duy nhất nhà văn có
thể ngăn cản chuyện này là làm như Somerset Maugham đã làm: ông đốt những
bức thư của mình trong lò sưởi, làm thành một giàn thiêu gầm gừ khi đó
người thư kí của ông đứng bên với vẻ khiếp hãi. Thư kí của ông đã giấu đi
một số bức thư, cố giữ gìn chúng, nhưng Maugham bắt gặp được. Ông nói những
thứ đó cũng phải đốt luôn, và người thư kí phải bỏ chúng vào ngọn lửa cùng
với số thư còn lại. Những bức thư đó của Maugham chưa bao giờ và sẽ không
bao giờ được xuất bản.
Cuốn tiểu thuyết tao nhã của
Martha Cooley, cuốn “The Archivist” (Người lưu trữ văn thư), đã thăm dò về
những vấn đề này - về quyền sở hữu và quyền riêng tư, và nhu cầu của học
thuật. Bà xem xét mức độ quyết tâm có được (bất kì giá nào) của giới học
giả, và những luận cứu họ đưa ra (theo lối mở rộng nhiều tầng, mưu mẹo khéo
léo, đầy thuyết phục) nhằm có thể truy cập được vào những tài liệu hạn chế
người xem này. Trong tác phẩm này, một vị học giả kiên định cố hết sức để
có được kho trữ những lá thư của T. S. Eliot. Người lưu trữ văn thư nhận ra
tính kiên định nơi học giả kia, thế là anh quyết định dời tài liệu ấy ra
khỏi tầm tấn công của vị học giả ấy. Anh ta làm theo cách của Maugham, và
tự mình đốt những văn bản kia. Đây có thể là cách duy nhất để có thể bảo vệ
tài liệu khỏi vòng vây không ngớt của giới học giả.
Mặt khác, tại sao các học giả
không nên thấy những tài liệu như thế?
Nhìn chung có ba nguyên nhân để
các nhà văn giới hạn tài liệu của mình: thứ nhất, đó là tài liệu riêng tư,
và việc công bố nó ra sẽ phạm vào sự riêng tư của cá nhân hãy còn đang tại
thế. Thứ đến, nó sẽ vén mở cho biết hành vi hoặc thông tin nào đó có thể sẽ
làm nhà văn ấy hay bạn bè họ cảm thấy ngượng nghịu, và dễ dẫn đến việc quở
trách này kia. Thứ ba, đặc biệt quan trọng đối với nhà văn, là văn bản đó
thuộc loại không ổn hay chưa hoàn tất, chưa sẵn sàng để giới học giả có thể
khảo sát.
Toàn bộ ba nguyên nhân này, thật
cấp thiết và đầy thuyết phục trong thời điểm nhất định, nhưng rồi sẽ phai
nhạt theo dòng thời gian. Georgia O’Keeffe qua đời ở độ tuổi chín mươi tám,
ba mươi năm sau cái chết của chồng bà. Thư từ của bà được giới hạn thêm hai
mươi lăm năm sau cái chết của chính bà để cho bất kì ai có mối liên hệ xa
xôi với những bức thư đó đều đã qua đời từ lâu. Những mối quan hệ của họ -
giữa họ với nhau, và với những người xung quanh - giờ đây được nhìn thấy
qua tấm phông màn vô hại. Những hành động riêng tư của mọi người trong quá
khứ dường như trở nên xa xăm và có thể chịu được; dường như chắc chắn là
người ta có thể hiểu được các hành vi đó.
Chúng ta tha thứ cho người đã
khuất vì những chuyện lập dị của họ; ai cũng có chuyện đó cả. Liệu chúng ta
có nên bị ngăn khỏi những tờ nhật kí riêng tư của Edmund Wilson hay không
nếu chỉ vì chúng cho ta biết ông cảm thấy khoái cảm ở mấy chiếc giày? Chúng
ta không nên, cũng như sẽ không chỉ trích ông ấy vì điều này: những mô tả
gần gũi và đầy ám ảnh của ông về những món đồ đi ở chân của mấy bà bạn là
những bản văn tuyệt diệu. Wilson ắt sẽ cảm thấy bối rối khi gặp một người
phụ nữ xa lạ nào đó đọc được mấy dòng chữ này, cô ta không thể cưỡng lại việc
khẽ mỉm cười, hoặc một cái liếc nhìn khêu gợi xuống đôi guốc của chính mình
– nhưng điều đó không thể xảy ra, bởi vì những tờ nhật kí không được công
bố mãi đến sau khi ông qua đời. Khi đó chúng sẽ được người ta đào bới lên
nhằm tìm kiếm lượng tài liệu dồi dào mà những văn bản đó cung cấp cho ta
biết về những thức nhận cốt yếu của ông ta. Những chiếc giày là phần thêm
vào thôi, nhưng chúng cũng mở rộng tầm hiểu biết của ta về cách thức hoạt
động của những bộ óc vĩ đại. Chúng hoạt động theo những cách lạ thường –
liệu đó không phải là vấn đề sao?
Những tài liệu bị giới hạn là
nơi lưu trữ kho báu rực rỡ: các học giả sẽ tìm ra nó. Họ sẽ tìm được cách
đọc văn bản đó; rồi họ sẽ tìm cách xuất bản nó. Và hẳn nhiên là trong nền
văn hoá phát cuồng lên vì thông tin của chúng ta – trong đó những tài liệu
chính quyền bí mật và những quyển sách bản quyền được công bố cho cả thế
giới biết đơn giản vì những người có thể sử dụng công nghệ nghĩ là họ nên
đọc được – chúng ta có thể hiểu cái khuynh hướng này. Con người có một ý
chí không thể cưỡng lại cho việc khám phá và vén mở những bí mật.
Điều lạ lùng là những tài liệu
đó thật sự không cần sự bảo vệ, bởi vì một khi một nhà văn nào đó đủ danh
tiếng để làm dấy lên sự chú ý ào ạt từ giới học giả, thì cái nhìn tự chọn
lọc của giới học giả sẽ trở thành cái nhìn tương đối vô hại. Nhìn chung,
giới học giả sẽ không gắng sức vì những kẻ họ khinh thường, mà sẽ gắng sức
vì những người họ tôn trọng và nể phục. Những tài liệu bí mật đó sẽ được
lọt vào tầm mắt của những người đã biết và hiểu rõ nhà văn ấy. Và người ta
đánh giá nhà văn dựa trên tác phẩm xuất sắc của họ: tác phẩm tồi tệ không
làm danh tiếng của nhà văn bị lu mờ được. Những tài liệu thời kì đầu, cuối
đời, chất lượng không đạt, hay chưa xuất bản sẽ soi sáng và vén mở cho
người ta thấy, chứ nó không làm nhà văn mất đi giá trị được. Những học giả
yêu thích mấy tác phẩm tuyệt vời của họ sẽ là những người muốn dành thời
gian cho những tài liệu bí mật kia.
Sau rốt, ai có quyền đối với tác
phẩm của nhà văn? Bằng cách công bố ra bất kì văn bản nào với bất kì cách
nào, nhà văn đã đặt mình ngay trong tầm nhìn của công chúng, và tự khơi mở
chính mình ra trước ánh nhìn háo hức của con quái vật công chúng. Nếu nhà
văn muốn chắc chắn không ai đọc được những bức thư của mình, thì họ sẽ luôn
có lò sưởi. Nếu họ muốn lưu giữ chúng ở một địa điểm hàn lâm nào đó, nhưng
lại giới hạn chúng lại, thì có khả năng là giới học giả sẽ moi được chúng
ra ngoài. Nhưng đây có thể sẽ là là mối quan quan tâm nhân từ của giới học
giả, và danh tiếng của nhà văn sẽ được đánh bóng lên nhờ việc tiết lộ thế
này.
Sau rốt, cái chết chính là yếu
tố quyết định: cái chết nghĩa là từ bỏ quyền năng lần cuối cùng. Bất kể ta
ước mong gì, khi chết là ta đã nhượng vị quyền kiểm soát đối với bản thân
và tác phẩm của mình. Văn bản có thể tồn tại và nảy nở, nhưng ta không thể
kiểm soát chúng được nữa. Như Virginia Woolf từng nói, về tiểu sử, “Đây là
quá khứ và toàn bộ cư dân của nó, được niêm phong một cách huyền diệu như
trong một cái bể chứa đầy ma lực; tất cả những gì ta phải làm là nhìn và
lắng nghe… và những nhân vật bé nhỏ - bởi họ có kích cỡ tương đối nhỏ hơn
người thật - sớm bắt đầu di chuyển và phát biểu, và khi họ di chuyển ta sẽ
sắp xếp họ theo đủ loại hình mẫu mà họ không biết được, bởi khi còn sống
thì họ nghĩ rằng họ có thể đi tới những nơi mình thích; và khi họ cất tiếng
nói thì ta sẽ nhìn vào những câu nói ấy mà đọc ra đủ loại ý nghĩa mà họ
không bao giờ hình dung ra, bởi khi còn sống họ tin rằng họ đã nói thẳng
thừng ra bất kì điều gì lọt vào trong đầu mình. Nhưng một khi bạn ở trong
một tiểu sử thì mọi thứ sẽ khác.” Sự thật là một khi bạn chết đi rồi thì
mọi thứ sẽ khác; người ta sẽ quyết định cách bạn được nhìn thấy.
Chính tác phẩm là thứ thu hút sự
xem xét của người khác. Những nhà văn như chúng ta bộc lộ bản thân minh
thông qua tác phẩm, và ở chừng mực nào đó thật phi lí khi nghĩ rằng ta có
thể duy trì sự riêng tư của mình: ta đã từ bỏ quyền riêng tư khi gửi đi bản
thảo đầu tiên đó, cái bản thảo mà trong đó ta bộc lộ cái tôi mãnh liệt và
thân tình nhất. Bất kể ta gọi đó là thể loại gì, bất kể ta viết nó ra dưới
cái tên gì, đó vẫn là chúng ta. Nếu nó thổi bùng lên ngọn lửa hào hứng nơi
công chúng – thì đó chẳng phải là điều ta hi vọng hay sao? – khi đó ngọn
lửa ấy sẽ thiêu rụi ta. Nếu ta đốt mấy bức thư, thì ta cũng không dập tắt
được ngọn lửa đó. Nó vẫn sẽ tiếp tục, mà còn được châm thêm dầu vào từ sự
suy đoán của công chúng. Có lẽ câu hỏi thực thụ không phải là “Liệu chúng
ta có nên giới hạn thư từ của mình sau khi qua đời hay không?” mà là “Liệu
chúng ta có nên ngồi vào bàn và bắt đầu tạo ra những câu chữ hay không?” Đó
là sự mạo hiểm lớn nhất.
Đoàn Khương Duy dịch từ:
Robinson, Roxana. “Burn Your Letters?” New Yorker, 5/2013:
newyorker.com/online/blogs/books/2013/05/what-writers-leave-behind.html
|
No comments:
Post a Comment