Ở Việt Nam, theo nghĩa rộng, về mặt hình thức, tất cả các không gian
nghệ thuật phi chính thống, và không có mục tiêu lợi nhuận, đều có thể
coi là các không gian phá cách.
Trình diễn âm nhạc tại Salon Natasha, với các nghệ sĩ Vũ Dân Tân, Lê Hồng Thái, năm 2000 (Ảnh do Natalia Kraevskaia cung cấp)
Tuy nhiên, để xét các không gian phá cách theo một hệ tiêu chuẩn như
được đưa ra ở bài trước, tức theo phạm vi hẹp, có lẽ chúng ta cần cẩn
trọng hơn khi gọi một địa chỉ nào đó là không gian phá cách.
Theo tôi, để một địa chỉ nào đó được coi là một không gian phá cách,
nhất thiết địa chỉ ấy phải tạo ra được một viễn kiến (vision) phá cách,
để từ đó xây dựng được các chương trình đa dạng, vừa gắn chặt với địa
phương, vừa đưa các vấn đề địa phương lên tầm toàn cầu thông qua các
mạng lưới quan hệ khu vực và quốc tế.
Nói cách khác, tiêu chuẩn cho một không gian được gọi là phá cách ở đây
không chỉ nằm ở bề mặt thực hành, mà quan trọng hơn cả, phải được đặt
trong tư duy của nó về mối quan hệ giữa địa phương và toàn cầu, cũng như
trong viễn kiến của nó về phẩm tính của bản thân và về những gì nó có
thể đem lại trong hiện tại và tương lai.
Workshop nghệ thuật trình diễn tại New Space gallery, Huế, khoảng năm 2000 (ảnh do nghệ sĩ cung cấp) |
Ở đây, xin dẫn lời của Andrew Lam, giám
tuyển và Giám đốc của MOST (Museum Of Sites) tại Hong Kong, và Chủ tịch
của làng nghệ thuật Cattle Deport (Cattle Deport Art Village), trong một
bài viết của ông về không gian phá cách
“...Nó (không gian phá cách) phải nhìn xa trông rộng, biết rõ mình nên làm gì và không nên làm gì…”.
Có vẻ là chính sự “nhìn xa trông rộng, biết rõ mình nên làm gì và không nên làm gì” này, tức sự “tự biết mình”, mới là đặc tính quan trọng nhất, tạo nên phẩm tính của các không gian phá cách.
Từ tiêu chuẩn này, tôi xin được tự chọn vài không gian mà theo tôi chính
là các không gian phá cách theo nghĩa hẹp được phân tích sơ qua ở
trên.
Tại Hà Nội:
1- Salon Natasha, 30 Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Là một không gian nằm ngay trung tâm Hà Nội, có thể coi đây là không
gian nghệ thuật độc lập, sở hữu các đặc tính của một không gian phá cách
đầu tiên tại Việt Nam. Đây chính là nhà riêng của đôi vợ chồng Natalia
Kraevskai, tiến sĩ ngôn ngữ học, và nghệ sĩ Vũ Dân Tân. Hai ông bà đã
biến không gian nhà riêng của mình thành một tụ điểm để tổ chức các hoạt
động “thể nghiệm” mang phong cách Dada đầu tiên tại Việt Nam. Nhìn một
cách nào đó, đây cũng có thể được gọi là một trong những chiếc nôi cho
sự hình thành của một lớp nghệ sĩ “phá cách” của Việt Nam, vào thập niên
1990, trong đó có Nguyễn Minh Thành, Quang Huy, Nguyễn Văn Cường. Vào
thời điểm đó, Salon Natasha đã đem lại không chỉ một không gian trưng
bày kiểu khác với các gallery thương mại, và các định chế văn hóa nghệ
thuật của Việt Nam, mà hơn thế, còn giới thiệu một kiểu quan hệ khác
giữa nghệ thuật và đời sống, và thậm chí giữa các nghệ sĩ với nhau, vào
lúc ấy, đã trở nên một cộng đồng có xu hướng cộng tác, thay vì hoạt động
biệt lập như trước.
2- Không gian trong lớp của Veronika Radulovic tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam
Là một nghệ sĩ được Quỹ Trao đổi học thuật Đức ((DAAD - German Academic
Exchange Service) tài trợ để giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà
Nội từ năm 1994-2005, có thể nói quãng thời gian Veronika Radulovic ở
tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội đã mở ra sự trưởng thành của một loạt
các nghệ sĩ phá cách Việt Nam vào thời điểm đó, như Nguyễn Minh Thành,
Quang Huy, Nguyễn Văn Cường, vào lúc đó đều là sinh viên tại trường mỹ
thuật. Căn phòng của Veronika trong trường mỹ thuật đã trở nên một trạm
“phá cách” mà ở đó các nghệ sĩ trẻ ham thích nghệ thuật mới có thể trao
đổi, gặp gỡ.
3- Không gian “Nhà sàn Đức” (ngõ 462, đường Bưởi, quận Ba Đình, Hà Nội)
Được thành lập từ năm 1998, Nhà sàn Đức là một cái tên quen thuộc của
nghệ thuật phá cách Việt Nam. Đây cũng là nhà riêng của Nguyễn Mạnh Đức,
một nghệ sĩ phục chế đồ cổ. Vào năm 1998, anh đã cộng tác với nghệ sĩ
Trần Lương biến ngôi nhà sàn của anh thành một không gian dành cho các
nghệ sĩ trẻ, hoạt động theo xu hướng phá cách. Về nội dung, vào thời
điểm đó, nó tập trung nhiều vào nghệ thuật trình diễn (performance art),
và, giống như Salon Natasha, nó cũng đã tạo ra được một kiểu quan hệ
mới giữa các nghệ sĩ với nhau, đặt cơ sở trên các hoạt động làm việc
chung, tổ chức wokshop chứ không chỉ là một không gian triển lãm tĩnh
theo kiểu cũ.
4- Không gian Ryllega, số 1 Tràng Tiền, quận Ba Đình, Hà Nội
Ryllega là sự đọc ngược lại của chữ gallery. Có thể nói đặc tính của
không gian này đã được thể hiện rất rõ qua cách chơi chữ của nghệ sĩ
Nguyễn Minh Phước, người đồng sáng lập Ryllega cùng với Vũ Hữu Thủy.
Không gian nhỏ này nằm ngay trung tâm Hà Nội, số 1 Tràng Tiền cũng là
nơi tạo ra được nhiều hoạt động nghệ thuật thú vị từ 2004 cho đến 2008,
khi nó chấm dứt là một địa điểm cố định để chuyển thành một dự án có thể
thực hiện tại nhiều địa điểm khác nhau.
Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình)
Do họa sĩ Vũ Đức Hiếu bỏ tiền túi xây dựng, bảo tàng là một xã hội Mường
thu nhỏ được xây dựng với diện tích 2 ha trên một vạt đồi trong thung
lũng đá vôi nhỏ vốn là nơi sinh sống của người Mường. Một phần của bảo
tàng được dùng làm trại sáng tác, tổ chức đối thoại giữa văn hóa đương
đại và văn hóa bản địa. Các nghệ sĩ không chủ tâm làm những tác phẩm bền
vững. Mỗi tác phẩm ở đây chỉ tồn tại một năm, 6 tháng, thậm chí ít hơn,
để nghệ sĩ khác đến làm những tác phẩm tiếp theo, tạo ra sự luân chuyển
nghệ thuật. Không gian này cũng hướng tới việc hình thành một trung tâm
hoạt động và sáng tạo theo hình thức nghệ sĩ lưu trú.
Các nghệ sĩ nước ngoài đang làm việc tại bảo tàng Mường (Ảnh do bảo tàng Mường cung cấp) |
Tại Huế
Vào thời điểm những năm 2000, Trương Thiện đã cùng bè bạn thành lập một
nhóm mở có tên gọi là “Vô cực” (Infinity). Nhóm này khoảng 15 người, lấy
nhà riêng của Trương Thiện, lô 8 Trần Văn Kỷ (số mới: 27A), làm địa
điểm gặp gỡ, đều đặn mỗi tuần một lần, vào Chủ nhật. Trong các cuộc gặp
gỡ đó, họ tổ chức các workshop về nghệ thuật trình diễn, hay chia sẻ
thông tin, kinh nghiệm nghệ thuật. Tính chất phá cách của không gian này
này nằm ở việc họ tự tạo nên một không gian thiên về chia sẻ thông tin
và thảo luận hơn là tổ chức các sự kiện có tính trưng bày.
Nhắc đến không gian phá cách tại Huế, cũng không thể không nhắc tới một
địa chỉ, 28 Phạm Ngũ Lão, đầu tiên là gallery tranh New Space của hai
anh em sinh đôi Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải, song từ năm 2000, nó đã trở
thành một địa điểm thu hút các hoạt động phá cách từ các thành phố khác
được đem tới Huế. Không gian phá cách này vào thời điểm đó thiên về
trình/biểu diễn với các hoạt động âm nhạc thể nghiệm của các nghệ sĩ như
Vũ Nhật Tân, và các workshop nghệ thuật trình diễn, mà tiêu biểu là
workshop của nhóm NIPAF (Nipon International Performance Art Festival)
của nghệ sĩ Nhật Bản Seiji Shimoda.
Cho đến nay, New Space Gallery đã được phát triển thành Quỹ Nghệ thuật
không gian mới (New Space Arts Foundation), với một phòng triển lãm
khoảng 800m2 giữa thành phố Huế cùng một cơ sở dành cho nhiệm trú nghệ
thuật với thư viện và studio làm việc.
Các nghệ sĩ nhóm Infinity của Trương Thiện trong một buổi workshop trình diễn, khoảng năm 2000 (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp) |
Tạị TP.HCM
Nhóm Ba hoa chích chòe (A Little Blah Blah)
Ba hoa chích chòe, một nhóm nghệ sĩ bao gồm Nguyễn Như Huy, Sue Hajdu,
Motoko Uda, thành lập vào năm 2005, đã mở ra một kiểu hoạt động mới có
tính du kích và thiên về tạo thảo luận, giáo dục và tương tác với công
chúng địa phương. Các hoạt động của nhóm Ba hoa chích chòe rất đa dạng,
và nhóm này đã từng mời các giám tuyển hay nghệ sĩ khá quan trọng của
thế giới đến thảo luận với công chúng Việt Nam, như Olui Oguibe hay Hou
Hanru. Điểm đặc biệt của nhóm là vào thời điểm đó nhóm hoàn toàn không
có không gian cố định. Mọi sự kiện do nhóm tổ chức đều sử dụng các không
gian có tính tạm thời như quán cà phê, các không gian công cộng, hay
nhà riêng của các thành viên. Tính chất phá cách của nhóm nằm không chỉ
trong các mô hình nghệ thuật và lý thuyết do nhóm tổ chức và giám tuyển,
mà còn trong chính mô hình hoạt động của nhóm.
Sàn Art, 3 Mê Linh, quận Bình Thạnh, TP.HCM
Được thành lập vào năm 2007, Sàn Art là một không gian nghệ thuật do
nghệ sĩ điều hành, có các chức năng triển lãm, nhiệm trú nghệ thuật, tổ
chức workshop và thư viện. Sáng lập và điều hành Sàn Art là một nhóm
nghệ sĩ Mỹ gốc Việt bao gồm Dinh Q.Le, Tiffany Chung và Hà Thúc Phù Nam.
Các hoạt động của Sàn Art chủ yếu hiện này là tổ chức triển lãm, và
chương trình nhiệm trú nghệ thuật. Bên cạnh đó Sàn Art cũng tổ chức các
cuộc nói chuyện của các nghệ sĩ và giám tuyển trong và ngoài nước với
cộng đồng nghệ thuật TP.HCM.
Không gian Sàn Art, triển lãm của nghệ sĩ Bui Công Khánh (ảnh trên website của Asian Art Archive. Ảnh thuộc sở hữu của Sàn Art) |
Địa Project, 227 đường 9A, khu Trung Sơn, Bình Chánh, TP.HCM
Địa Project là một dự án/không gian phá cách của Rich Streitmatter Trần,
giảng viên RMIT TP.HCM, bắt đầu từ năm 2010. Địa Project chính là nhà
ở/studio của Rich. Anh đã biến địa điểm này thành một không gian thiên
về nghiên cứu, trước hết là cho sinh viên của anh tại Trường RMIT, và
thứ đến là cho các nghệ sĩ nước ngoài sử dụng làm studio làm việc và
nghiên cứu. Không gian của Rich lai ghép giữa studio cá nhân và một
phòng lab/thư viện. Tuy nhiên, điểm đáng lưu ý ở đây chính là việc không
gian này của Rich cũng đã mở ra cơ hội cho nghệ sĩ quốc tế đến tham
quan và nghiên cứu tại Việt Nam.
Himiko Space, 324 Bis, Điện Biên Phủ, Q.10, TP.HCM
Thành lập vào năm 2005, mô hình hoạt động của Himiko Space là dưới dạng
một quán cà phê. Người sáng lập Himiko Space là Nguyễn Kim Hoàng
(Himiko.Nguyen), một điêu khắc gia, nghệ sĩ trình diễn và sắp đặt. Các
hoạt động của Himiko Space chủ yếu thiên về tổ chức triển lãm, chủ yếu
là các nghệ sĩ trẻ. Himiko Space cũng có nhiều hoạt động giao lưu, trao
đổi, và hội thảo không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật, mà còn mở rộng ra
nhiều lĩnh vực khác như giới thiệu sách, hay tổ chức workshop. Hiện tại
do những lý do cá nhân của chủ nhân Himiko Space thu hẹp hoạt động, song
vai trò phá cách của nó trong không gian nghệ thuật TP.HCM từ năm 2005
đến nay là rất rõ.
Một triển lãm tại Himiko Coffe (ảnh trên internet)
No comments:
Post a Comment