Sunday, June 30, 2013

Văn nghệ trong nước


Phê bình sách thiên về… tâng bốc?

Theo nhà phê bình Trần Thiện Khanh, các bài điểm sách, phê bình sách trên báo chí hiện nay thiên về tâng bốc, thiếu tính học thuật, nhưng lại có công dựng nên các “thương hiệu văn học”, thu hút sự chú ý của dư luận đối với sách.
                                

Nhà phê bình Trần Thiện Khanh, người chủ trang web phebinhvanhoc.com.vn của Viện Văn học, gọi tên ba cơ chế phê bình văn học hiện nay: Phê bình chuẩn hóa (quy phạm hóa), phê bình phản tư và phê bình truyền thông.TT&VH giới thiệu những đánh giá, lý giải của tác giả về “phê bình truyền thông” – một dạng phê bình văn học phổ biến hiện nay và có tác động lớn đến công chúng đại chúng ngay trước hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ 3 của Hội Nhà văn Việt Nam ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vào ngày 4-5/6.
Nhất thời, giá trị ảo và ý nghĩa thị trường
Bên cạnh hai kiểu phê bình chuẩn hóa, phê bình phản tư của giới chuyên môn còn có một kiểu phê bình khác, tạm gọi là “phê bình truyền thông” của những tác giả môi giới thông tin. Những người làm phê bình truyền thông gồm một số tác giả làm công việc điểm sách, đọc sách, quảng bá sách tại các tòa soạn, các công ty văn hóa tư nhân; một số tác giả viết phê bình theo đơn đặt hàng của báo chí, sự nhờ cậy của bạn bè, hợp tác với các đơn vị xuất bản để truyền thông tác phẩm.
Đây là cách phê bình có tính tâng bốc, cường điệu, phóng đại về văn bản, thiếu đi một nền tảng lý thuyết, thiên về  kể lể, mô tả nội dung thông tin thuần túy. Sự xuất hiện của kiểu tác giả này trong sự bùng nổ của công nghệ truyền thông góp phần bổ sung đội ngũ làm phê bình, cho thấy sự đa dạng, dân chủ trong phê bình văn học; đáp ứng nhu cầu của thị trường xuất bản, thích ứng với thời đại internet.
Nhờ những tác giả này, tính thời sự trong phê bình văn học được đảm bảo. Các hiện tượng, tác phẩm văn học mới nhận được phản hồi nhanh chóng. Cách làm này rất phù hợp với tính giải trí, thương mại, đại chúng. Nhiều tác giả (gồm cả các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình đã có tuổi, có danh) tham gia tích cực vào công nghệ tạo ra các “tác giả văn học trẻ nổi bật”. Chính họ thường xuyên làm ra những sự kiện văn học, hiện tượng văn học có ý nghĩa nhất thời, có giá trị ảo và có ý nghĩa thị trường.
Phê bình truyền thông chủ yếu nhắm đến tạo hình ảnh đẹp cho tác giả và đơn vị xuất bản, phát hành, chiều theo thị hiếu của số đông, toan tính đến các lợi ích trực tiếp mà những thông tin tiếp thị mang lại cho các bên. Nhiều khi, phê bình truyền thông còn tái sản xuất tin tức, xào xáo và ghép trộn các thông tin một cách đơn giản. Nhờ có kiểu phê bình truyền thông mà nhiều thông tin bên lề, thông tin hậu trường, thông tin văn học thế giới… đến đươc nhanh chóng với độc giả trong nước. 
Truyền thông dựng nên các “thương hiệu văn học”
Truyền thông là phương tiện mà các tác giả phê bình chính thống muốn điều khiển, chi phối và biến thành nơi diễn ngôn. Nhưng truyền thông lại rất nhạy bén với phê bình phản tư – kiểu phê bình có tính phản biện và dễ gây tranh cãi. Nghĩa là, phần đông các tác giả phê bình truyền thông chọn chỗ đứng “chân trong chân ngoài”. Họ có thể bị đặt vào khung chính thống, tạo ra những phát ngôn, nhận định “kiểu mẫu” nhưng vẫn tỏ ra rất hứng thú với những diễn ngôn lệch tâm, mới mẻ và kích thích tranh luận.
Thực ra, phê bình truyền thông sẽ có tác động tích cực nếu có mối liên hệ chặt chẽ với hoạt động sáng tác – xuất bản và hướng đến các tác phẩm có chất lượng. Các cách “môi giới thông tin” như điểm sách, đọc sách, điểm tin giúp người làm phê bình dựng lên các sự kiện, các nhân vật, hiện tượng văn học được gọi là “đáng chú ý”, đáng nói, đáng đọc, nhằm thu hút sự quan tâm và bàn luận của công chúng.
Cách làm phê bình truyền thông hiện nay có tác dụng như sau: thương mại hóa hoạt động văn học, biến tác phẩm văn học thành thương phẩm, biến các tác giả và đơn vị xuất bản thành các thương hiệu, đẩy các tác giả phê bình học thuật hàn lâm ra phía sau để cho phê bình nghiệp dư lấn lướt to tiếng đứng ở phía trước. 
Tác giả không phản đối hay cổ vũ cách làm này. Vẫn phải thừa nhận phê bình truyền thông có một chỗ đứng độc lập và bình đẳng so với các kiểu phê bình khác, không thấp kém hơn và đều cần thiết cho đời sống văn học như nhiều ý kiến nêu ra. Phê bình văn học của ta hiện giờ tuy còn nhiều hạn chế so với đòi hỏi thực tiễn  nhưng rõ ràng là có những thay đổi cơ bản trong quan niệm về bản chất, chức năng, phương pháp phê bình, đang có những nỗ lực đồng hành với đời sống học thuật quốc tế.
Theo Trần Thiện Khanh 


Nguyễn Thị Minh Thái:

 

 Các nhà phê bình văn học hôm nay đương đầu với bi kịch đọc không vỡ chữ

“Theo tôi, chỗ của nhà phê bình văn học là đứng giữa tác phẩm văn chương và người đọc, với tư cách là người bình giá, thẩm định, môi giới cái đẹp của con chữ nhà văn đến với độc giả. Cũng vì thế, nhà phê bình đương nhiên phải thông hiểu cả hai nghệ thuật tạo nên mối quan hệ thẩm mỹ đặc thù giữa cái viết và cái đọc này, với một bên là nghệ thuật viết văn của nhà văn và một bên là nghệ thuật đọc văn của người đọc.
Ở chỗ rất đặc biệt này, có thể rất nhiều khi/ít khi, nhà phê bình phải đương đầu và phải vượt qua một bi kịch thường xảy ra đối với cái đọc tác phẩm văn chương, đó là bi kịch đọc không vỡ chữ. Thậm chí việc giải quyết bi kịch này có thể là việc cấp thiết nhất, cần đặt ra thường hằng đối với những ai đã mang lấy nghiệp phê bình văn học vào thân, nếu không muốn nói, đây cũng chính là vượt thoát của cả nền văn học Việt Nam trong suốt tiến trình hiện đại hóa của nó, đã, đang và sẽ diễn ra dài dài suốt từ thế kỉ 20 cho đến thế kỉ 21 hôm nay…
Cũng chính vì buộc phải vượt thoát bi kịch này mà các nhà phê bình hôm nay luôn phải đương đầu với bi kịch ‘đọc không vỡ chữ’, nhất là đối với các tác phẩm mới. Chúng ta từng chứng kiến cách đọc văn xuôi như đọc báo trong tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cùng sự quá lời đến mức xúc phạm nhà văn, khi một cán bộ văn nghệ tỉnh Cà Mau đã kết tội nữ nhà văn này một cách thô bạo và khiên cưỡng trên báo chí…
Vừa qua, 8.5.2013, tại Trung tâm văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội đã diễn ra cuộc thảo luận về dịch thuật và phê bình dịch thuật. Tôi cho rằng căn cơ của việc thảo luận này vẫn không ra ngoài việc đọc và dịch hiện nay, trong ít nhiều trường hợp, vẫn chưa thoát khỏi việc đọc chưa vỡ chữ của nguyên tác, dẫn đến việc dịch cũng không vỡ chữ thành tiếng Việt từ nguyên tác… Trong nền dịch thuật hôm nay, đã xuất hiện những nhà phê bình “ném đá” vào những dịch giả, cùng những lời lẽ đánh đập thô bạo, quá lời, khiến một số dịch giả phải kêu lên “chưa có không khí phê bình dịch thuật lành mạnh”. Song, phải thấy rằng, không phải lúc nào, tác phẩm nào của dịch giả cũng sáng láng trong cách đọc vỡ chữ tiếng nước ngoài và cách uyển chuyển ‘Việt hóa’ của người dịch am tường tiếng Việt, khiến cho, có lúc, dịch thuật văn chương nước ngoài sang tiếng Việt đã được gọi tên là “thảm họa dịch thuật”.

(Trích tham luận “Về bi kịch không đọc vỡ chữ văn chương…”, Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ III-  “Nâng cao chất lượng, hiệu quả của lý luận, phê bình văn học”,  ngày 4-5/6/2013, thị trấn Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc)
--------- 

Lưu ý đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật là một nhiệm vụ của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh cho rằng trước những diễn biến phức tạp trên mặt trận tư tưởng-văn hóa hiện nay, Hội đồng cần chủ động bám sát thời sự văn học-nghệ thuật hơn, kiến nghị những giải pháp phù hợp, đạt hiệu quả cao hơn.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Sáng 28/3, phát biểu chỉ đạo tại kỳ họp thứ 6 của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương ở Hà Nội, ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận cố gắng của Hội đồng trong việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, với nhiều biện pháp thiết thực, góp phần thúc đẩy công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật phát triển; qua đó, khẳng định vị thế của Hội đồng trong đời sống văn học, nghệ thuật nước nhà.
Đề cập về hoạt động nghiên cứu lý luận, ông Đinh Thế Huynh đánh giá cao kết quả các cuộc Hội thảo khoa học do Hội đồng tổ chức từ đầu nhiệm kỳ, nhất là cuộc Hội thảo khoa học “Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử”.
Qua hội thảo, Hội đồng đã tư vấn cho Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo Trung ương một số giải pháp có ý nghĩa thiết thực, góp phần định hướng các Hội văn học, nghệ thuật ở Trung ương và địa phương, cùng đội ngũ văn nghệ sỹ tổ chức các hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh nhấn mạnh việc sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị về đề tài lịch sử đang là đòi hỏi cấp bách, góp phần bồi đắp lòng yêu nước và giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ hiện nay. Hội đồng cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai bốn đề xuất, kiến nghị nêu lên tại cuộc Hội thảo này.
Ông Huynh cũng nêu rõ xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam là một chủ trương đã được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng. Đề án khoa học “Lý luận văn nghệ ở Việt Nam-Thực tiễn và định hướng phát triển” do Hội đồng chủ trì là một trong những bước đi đầu tiên, góp phần từng bước xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam.
Đây là một công trình khoa học lớn và khó, đòi hỏi Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm Đề án và 4 đề tài phát huy tinh thần trách nhiệm, có phương pháp và kế hoạch nghiên cứu thật khoa học và cụ thể, nhất là phải tập hợp, đoàn kết được đông đảo các nhà khoa học trong và ngoài Hội đồng, cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc lĩnh vực này và các văn nghệ sỹ có kinh nghiệm, có tâm huyết trong cả nước tham gia.
Đề cập về quy chế làm việc của hội đồng, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh về chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng, Hội đồng tiếp tục thực hiện nghiêm túc Thông báo kết luận số 84, ngày 27/6/2007 của Ban Bí thư; Quy chế làm việc số 13 do Hội đồng ban hành; Công văn số 1521, ngày 25/11/2011 của Ban Tuyên giáo Trung ương; Công văn số 1501, ngày 04/5/2012 của Văn phòng Trung ương Đảng.
Về cơ chế hoạt động, Hội đồng hoạt động dưới sự chỉ đạo của Ban Bí thư và sự quản lý trực tiếp của Ban Tuyên giáo Trung ương. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số, đồng thời cần bàn bạc dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Hội đồng tập hợp, đoàn kết, huy động được đông đảo các cơ quan, các nhà lý luận, phê bình văn nghệ tham gia vào việc phát triển nền lý luận văn học- nghệ thuật nước nhà.
Về phương thức hoạt động, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương là nơi tập hợp các nhà khoa học, các văn nghệ sỹ, nhất là đội ngũ các nhà lý luận, phê bình văn nghệ; là địa chỉ tin cậy về văn hóa. Hội đồng tôn trọng tài năng, nhân cách, phát huy thế mạnh và sự cống hiến của từng thành viên trong các hoạt động chuyên môn, khoa học.
Hội đồng cần gắn kết, phối hợp với các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu văn hóa, văn học, nghệ thuật, các cơ sở đào tạo, phối hợp với các cơ quan báo, đài, tạp chí có chuyên trang, chuyên mục văn nghệ để thông tin, tuyên truyền về công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Trong nghiên cứu, phát biểu, thảo luận, hội thảo, các thành viên Hội đồng bình đẳng, đề cao tinh thần trách nhiệm, tôn trọng phong cách, phẩm giá và cá tính của mỗi thành viên; phát huy tài năng, trách nhiệm của mọi thành viên trong việc đánh giá, bình luận, đề xuất các giải pháp về những vấn đề liên quan đến công tác lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Tại kỳ họp này, Hội đồng sẽ đánh giá kết quả hoạt động giữa hai Kỳ họp thứ 5 và 6 về triển khai thực hiện các đề án, đề tài khoa học; xét chọn tặng thưởng các tác phẩm lý luận phê bình văn học, nghệ thuật; bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc....
Nhiệm vụ trọng tâm công tác từ nay đến kỳ họp thứ 7 và đến cuối năm 2013, Hội đồng sẽ tập trung hoàn thành bộ hồ sơ khoa học của Đề án “ Lý luận văn nghệ ở Việt Nam - Thực tiễn và định hướng phát triển” và 4 đề tài trình Bộ Khoa học và Công nghệ xét duyệt; tiếp tục triển khai đề tài cấp Ban “Thực trạng, giải pháp, nâng cao chất lượng, hiệu quả phê bình văn học, nghệ thuật.
Hội đồng tiếp tục khảo sát tình hình thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, thông báo kết luận số 213-TB/TƯ của Ban Bí thư về đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật”, Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội tại một số Bộ, ngành, địa phương, phục vụ tốt việc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5( khóa VIII), sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị./.
Hương Thủy (TTXVN)

No comments: