Thursday, June 27, 2013

Hệ quả cú sốc nông thôn Việt Nam

Cập nhật lúc 08:00, 28/06/2013
(ĐVO) - Có tới 50% số hộ gia đình nông thôn chịu các cú sốc về thu nhập, bao gồm cú sốc tập thể, tức là khi xảy ra cả làng, cả huyện, cả tỉnh cùng bị như thiên tai, bão, lũ lụt, dịch bệnh, giá cả bất ổn…và cú sốc cá nhân, chỉ gia đình bị, xảy ra khi có người chết, người ốm, kinh doanh thua lỗ, thu hồi đất…
 
Cùng với đó, các loại cú sốc có xu hướng ngày càng tăng
.
 

Đây là kết quả của nghiên cứu “Bức tranh nông thôn, nông dân Việt Nam nhìn từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình” do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông thôn Việt Nam (Ipsard) vừa công bố.
 
Cuộc điều tra do Ipsard thực hiện 2 năm một lần từ 2006 đến nay trên 12 tỉnh của cả 3 miền về đời sống của 3.000 hộ nông dân.
 
Không hài lòng
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết, có 42% nông dân cho rằng họ không hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Một trong những nguyên nhân là do thu nhập không tương xứng với kết quả lao động mà họ bỏ ra.
 
Trong khi đó, rủi ro tăng cao nên các hộ dân nông thôn rất khó để đầu tư mở rộng sản xuất. Về ngành nghề nông thôn, khả năng chuyển đổi ngành nghề còn chậm, tiền công, tiền lương, từ khu vực phi chính thức cũng không ổn định, rủi ro tăng.
 
Theo báo cáo, tiết kiệm của hộ gia đình nông thôn hiện nay rất thấp, chỉ vào khoảng 5-8 triệu đồng/hộ/năm, chiếm từ 10-15% thu nhập của mỗi hộ. Lý do đơn giản là hộ nông thôn còn quá nghèo.
 
Phần lớn tiết kiệm của họ (khoảng 80%) được giữ dưới dạng vàng hoặc tiền mặt và sử dụng cho mục đích dự phòng khi có rủi ro xảy ra về thiên tai, dịch bệnh, ốm đau, tuổi già. Rất ít tiết kiệm được giữ cho mục đích đầu tư (chỉ chiếm 15% tổng số hộ điều tra).
 
Ngoài thu nhập và tích lũy thấp, báo cáo còn cho thấy có tới 50% số hộ gia đình nông thôn chịu các cú sốc về thu nhập, bao gồm cú sốc tập thể, tức là khi xảy ra cả làng, cả huyện, cả tỉnh cùng bị như thiên tai, bão, lũ lụt, dịch bệnh, giá cả bất ổn…và cú sốc cá nhân, chỉ gia đình bị, xảy ra khi có người chết, người ốm, kinh doanh thua lỗ, thu hồi đất…
 
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy, các loại cú sốc có xu hướng tăng, nhất là cú sốc tập thể. Như thiên tai nhiều hơn, bão thường xuyên xảy ra, mức độ tàn phá cũng mạnh hơn; giá cả đầu vào tăng, nông sản, chăn nuôi, thủy sản làm ra không bán được hoặc bán dưới giá thành sản xuất….
 
Sức chịu đựng giảm
 
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm tư vấn chính sách (Ipsard) cho biết, khả năng chống chịu của hộ gia đình nông thôn đối với cú sốc cũng giảm, hoặc có tăng được thì phải tiêu hết tiền tiết kiệm, đặc biệt là hộ nghèo, khả năng chống chịu chỉ có cách duy nhất là “thắt lưng buộc bụng”.
 
Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, bức tranh đời sống nông dân nông thôn còn xám hơn nhiều so với báo cáo đưa ra.
 
Tuy nhiên, báo cáo này có cơ sở số liệu rõ ràng với những thông điệp chính sách lớn. Theo đó, các chính sách hỗ trợ trực tiếp của Chính phủ thực tế không giúp được người dân bao nhiêu, họ phải nhờ nhiều hơn tới sự hỗ trợ của cộng đồng, vào nỗ lực bản thân, người thân và các kênh khác.
 
Ông Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn
 
Nông dân, nông thôn bị lấy đi quá lớn so với được trả lại
 
Từ đầu năm 2013 đến nay, chúng ta nói nhiều đến công lao điều hành kinh tế vĩ mô giữ cán cân thương mại ổn định, lạm phát giảm, nhưng có một điều không ai nói đến đó là phần hy sinh to lớn của nông dân.
 
Giá lúa gạo, nông sản rẻ thê thảm, trong khi nông dân thiệt hại thì lại giúp cho rổ hàng hoá khả quan lên, lạm phát giảm đi. Lạm phát giảm nên Chính phủ có nhiều điều kiện thuận lợi để tiến hành điều chỉnh chính sách tiền tệ.
 
Hy sinh của nông nghiệp đã bù đắp cho nợ xấu ngân hàng, khó khăn của doanh nghiệp. Trong khi đó, đáng lẽ công nghiệp hoá và đô thị hoá thì phải lấy công nghiệp có năng suất cao, giá trị gia tăng lớn để đẩy đất nước lên, sau đó quay lại bù đắp cho nông nghiệp.
 
Đất đai là tài nguyên duy nhất mà Nhà nước giao cho nông dân, nhưng 61% nông dân chỉ có dưới 0,5ha; 32% từ 0,5 – 3ha; còn nông dân sản xuất lớn rất ít.
 
Nông dân Việt Nam chịu sức ép về công nghiệp hoá: lấy đi tài nguyên đổ chất thải trở lại, chịu sức ép của biến đổi khí hậu, thiên tai, của xâm nhập mặn, chịu cạnh tranh thương mại bất bình đẳng, sức ép của đô thị hoá.
 
Trong khi đó nông dân phải đương đầu với giá cả biến động, không có bảo hiểm, không có thị trường giao sau, không có dự báo thị trường. Còn ốm đau thì đối mặt với tình trạng chăm sóc sức khoẻ ở nông thôn quá tệ.
 
Người thành thị được phòng chống thiên tai tốt hơn như triều cường đã lo nâng đường. Còn nông thôn, mỗi khi thiên tai, dịch bệnh người dân gánh chịu hết, 70% chi phí phòng chống thiên tai là do họ tự bỏ ra từ vốn liếng sản xuất ít ỏi của mình. Hơn 40% hộ gia đình nông dân khi xảy ra thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, họ không gượng dậy nổi.
 
Tăng trưởng trong lĩnh vực nông nghiệp trong 30 năm khá tốt, e rằng từ đây chững lại. Những chính sách tức thời không giải quyết được căn cơ khi vấn đề quyết định là năng suất lao động.

No comments: