Tuesday, December 3, 2013

ĐẤT NƯỚC CỦA CÁC NHÀ VĂN




Người dân Iceland (một quốc gia nhỏ ở Châu Âu) có sở thích đặc biệt đối với sách. Tại quốc đảo với hơn 300.000 dân này, cứ 10 người lại có một nhà văn.
Một tiểu thuyết gia người Iceland có tên Kristin Eirikskdottir đã chia sẻ với phóng viên BBC rằng: “Trong gia đình, ngoài tôi ra còn có mẹ đẻ và chồng tôi cũng là những nhà văn chuyên nghiệp, nghĩa là họ dành trọn thời gian để viết văn và kiếm sống từ đó. Tuy vậy, chúng tôi có cơ chế điều phối xuất bản trong từng năm để các nhà văn không phải cạnh tranh với nhau quá khốc liệt”.


 

Người dân Iceland rất yêu sách và dân tộc này rất chăm đọc sách, vì vậy, nghề viết văn là một trong những nghề được kính trọng nhất ở đất nước này. Bà Agla Magnusdottir, Chủ tịch Trung tâm Văn học Iceland cho biết: “Các nhà văn Iceland có cuộc sống rất ổn định. Những người viết tốt còn được trả lương cố định. Đặc biệt những nhà văn có số lượng sách bán chạy sẽ được đặt hàng tác phẩm với tiền bản quyền được trả giá cao”.
Rất nhiều người Iceland tặng quà cho nhau bằng những cuốn sách mới xuất bản. Sắp tới mùa Giáng sinh, ngành xuất bản Iceland sẽ tung ra một loạt sách mang chủ điểm tình yêu và gia đình dành cho người lớn, truyện cổ tích dành cho thiếu nhi. Đó những cuốn sách nhẹ nhàng và gợi lên những cảm xúc tốt đẹp trong mùa Giáng sinh.


Ở đất nước cứ 10 người lại có một nhà văn
Bắt đầu từ bây giờ, các nhà xuất bản đã tung ra thị trường hàng loạt sách Giáng sinh. Đây được coi là thời điểm tiêu thụ sách mạnh nhất trong năm của ngành xuất bản Iceland. Các gia đình trên khắp cả nước sẽ đi ra hiệu sách và lướt qua danh mục sách mới để chọn những đầu sách phù hợp nhất cho từng thành viên trong gia đình làm quà năm mới.
Tiểu thuyết gia Solvi Bjorn Siggurdsson tự hào nói rằng: “Chúng tôi là một dân tộc của những người kể truyện tài ba. Ở đất nước chúng tôi, một đất nước gần Bắc Cực, trời nhanh tối và thời tiết khá lạnh. Điều kiện tự nhiên như vậy khiến cha ông chúng tôi có sở thích ngồi bên lò sưởi kể chuyện. Dần dần, qua các thế hệ, sở thích đọc và sáng tác đã trở thành một nét tính cách đặc trưng của dân tộc”.
BÍCH NGỌC (Theo BI)

 

No comments: