GS-TS. PETER ZINOMAN PHÁT BIỂU TẠI HỘI THẢO VIỆT NAM HỌC, DO ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
(VIỆT NAM) TỔ CHỨC, 20/12/2013
GS-TS.
PETER ZINOMAN: (KHOA LỊCH SỬ, ĐẠI HỌC BERKELEY, CALIFORNIA, HOA KỲ)Thưa quý vị, bài nói chuyện hôm nay rút từ cuốn sách mới
được xuất bản của tôi về nhà văn Vũ Trọng Phụng – cuốn Vietnamese
Colonial Republican: The Political Vision of Vu Trong Phung [Cộng hòa
Thuộc địa của người Việt: Viễn kiến Chính trị của Vũ Trọng Phụng].
Bạn đọc người Việt hẳn đều biết Vũ Trọng
Phụng, nhưng người nước ngoài thì chỉ mới biết ông trong thời gian gần đây.[1] Với những người không
biết rõ cuộc đời và tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, có lẽ sẽ dễ thấy hơn nếu ta so
sánh ông với nhà văn George Orwell.
Cả hai đều là những ngôi sao văn học trong
thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, và đều qua đời khi còn trẻ. Orwell mất năm
1950, khi ông mới 47 tuổi. Vũ Trọng Phụng mất năm 1939, khi ông mới 28 tuổi. Cả
hai nhà văn đều để lại khối lượng sáng tác đồ sộ: Toàn tập tác phẩm của Orwell
bao gồm 20 tập, với chín ngàn trang viết. Còn Vũ Trọng Phụng, với văn nghiệp
kéo dài vỏn vẹn chưa đầy 10 năm, đã xuất bản tám tiểu thuyết, bốn phóng sự,
hàng trăm truyện ngắn, vở kịch, tiểu luận, xã luận và bài báo.[2] Cả hai nhà văn Orwell
và Vũ Trọng Phụng đều giành được thành công hiếm thấy với tác phẩm để đời trong
hai thể loại văn học là tiểu thuyết và phóng sự tường thuật từ ngôi thứ nhất.[3] Tuy đều được coi là
bậc thầy của trường phái hiện thực, cả hai nhà văn lại cũng thành công với thử
nghiệm hư cấu phi hiện thực: Orwell nổi tiếng với tác phẩm ngụ ngôn chính trị Trại
súc vật; còn Vũ Trọng Phụng với thiên truyện hàiSố đỏ. Hơn nữa, tuy
xuất thân rất khác biệt, cả hai nhà văn đều thấy trước được những vấn đề chính
trị cấp bách và gây chia rẽ nhất trong thời đại họ sống. Trong một nghiên cứu
gần đây, cây bút quá cố Christopher Hitchens ca ngợi Orwell chống chủ nghĩa
thực dân, chủ nghĩa Stalin và chủ nghĩa phát-xít ngay trong thời điểm mà công luận
toàn cầu về các dự án cưỡng bức mang tính hiện đại chủ nghĩa cao này còn đang
lẫn lộn một cách đáng sợ.[4] Là “dân bản địa” của
Đông Dương thuộc Pháp, việc Vũ Trọng Phụng chống chủ nghĩa thực dân là điều dễ
hiểu, nhưng ông cũng chống lại chủ nghĩa phát xít Đức, chủ nghĩa quân phiệt
Nhật và chủ nghĩa cộng sản Liên Xô và Việt Nam. Cả hai nhà văn đều khinh ghét
chủ nghĩa tư bản vô độ, một tình cảm giúp giải thích thiên hướng thân chủ nghĩa
xã hội của Orwell và xu hướng thân phe Tả phi cộng sản của Vũ Trọng Phụng.
Tuy nhiên, cũng có khác biệt giữa hai người. Orwell với vị thế nổi tiếng
là một người Anh “thuộc tầng lớp trung lưu bậc dưới” trong thời kỳ Anh bá chủ
toàn cầu đã khiến ông có được điểm ưu thế để từ đó sáng tác và hình thành ý
kiến. Vũ Trọng Phụng cũng phát triển tài năng và quan điểm sắc sảo tương tự như
Orwell, nhưng từ vị thế một người dân thuộc địa, nghiện thuốc phiện, được hưởng
nền giáo dục nửa vời, thuộc tầng lớp thấp, không hề được đi đây đi đó, và sống
ở một vùng xa xôi hẻo lánh trong đế chế hạng hai của Pháp. Nét tương phản này,
cùng với việc tiếng Anh không ngừng phát triển thành ngôn ngữ toàn cầu, giúp
giải thích khoảng cách giữa danh tiếng lớn khắp thế giới của Orwell và việc Vũ
Trọng Phụng không mấy được biết đến bên ngoài biên giới Việt Nam.
Những nét chính về cuộc đời của Vũ Trọng Phụng
gồm những điểm sau: Ông sinh ở Hà Nội vào năm 1912 và lớn lên trong sự chăm sóc
của người mẹ nghèo goá chồng, làm nghề thợ may. Ông học tiếng Pháp trong 6 năm
ở nhà trường thuộc địa và bắt đầu đi làm khi còn ở tuổi vị thành niên, bắt đầu
là thư ký, đánh máy, và cuối cùng thì trở thành nhà báo. Vào năm 18 tuổi, Vũ
Trọng Phụng đăng những truyện ngắn đầu tiên trên các báo nơi ông làm việc, và
các bản dịch tác phẩm của Hugo, Zola, de Maupassant, de Vigny và Richepin. Vào
mùa thu năm 1933, ông đăng phóng sự dài nhiều kỳ Cạm bẫy người về
các tay cờ gian bạc bịp. Tác phẩm này lập tức bán rất chạy. Trong bốn năm tiếp
theo đó, ông đăng ba phóng sự phi hư cấu khác, đều bán chạy, gồm Cơm
thầy cơm cô, Lục xì và Kỹ nghệ lấy Tây. Trở
thành cây bút nổi tiếng khi mới 22 tuổi, Vũ Trọng Phụng chuyển sang viết tiểu
thuyết và vào năm 1936, đã trình làng bốn tác phẩm lớn (có tác phẩm được đăng
nhiều kỳ cùng một thời điểm trên các báo cạnh trạnh nhau) Giông tố và Vỡ
đê là hai tiểu thuyết dài thuộc trường phái melodrame tự nhiên chủ
nghĩa, chuyên chở các đề tài chính trị rõ ràng. Số đỏ là tiểu
thuyết hài về giới giàu xổi ở Hà thành. Còn Làm đĩ lại trộn
khung lý thuyết của Freud ở dạng thô vào tiểu thuyết “luận đề xã hội”. Mỗi cuốn
tiểu thuyết này đều thu hút sự chú ý và trở thành nổi tiếng. Giông tố và Số
đỏ được coi là một trong những tiểu thuyết hiện đại lớn nhất ở Việt
Nam. Ba năm sau (và với hàng trăm trang viết khác), Vũ Trọng Phụng qua đời khi
mới vừa 28 tuổi. Ông mất vì bệnh lao và vì sử dụng thuốc phiện quá nhiều (?).
Tại đám tang Vũ Trọng Phụng, có nhiều lời ai điếu hùng biện và nước mắt công
chúng khóc thương cho cái chết của một thiên tài trẻ.
Ngoài thiên tài văn chương lỗi lạc và cái chết
yểu mệnh bi kịch, sự nổi tiếng của Vũ Trọng Phụng trong lịch sử văn hóa và
chính trị Việt Nam còn xuất phát từ hai cuộc tranh cãi về tác phẩm của ông.
Cuộc tranh cãi thứ nhất, nổ ra ngay khi ông còn đang ở đỉnh cao sự nghiệp vào
cuối thập niên 1930, liên quan đến sự mô tả rõ ràng cụ thể về tình dục bạo lực
và lệch lạc trong văn của ông. “Người ta đã kêu ầm lên rằng Vũ Trọng Phụng là
một nhà văn khiêu dâm,” bạn thân của ông là nhà văn Lan Khai đã viết như vậy
vào năm 1941. “Người ta đã công kích, đã tẩy chay và đã đọc Vũ Trọng Phụng
nhiều hơn đọc các nhà văn khác. Sự thực các vai truyện do anh tạo ra đều chín
phần mười là những kẻ đa dâm có khi rất quái ác.”[5]
Các ý kiến đối lập nhau trong cuộc tranh cãi
này đã được nhà phê bình Lê Thanh tổng kết vào năm 1937,
“Ai đã quan tâm đến văn học nước nhà chắc phải
để ý đến mấy văn phẩm mới của ông Vũ Trọng Phụng, một nhà văn tả chân. Những
tiểu thuyết Giông tố, Làm đĩ, Số đỏ, phóng
sự Lục sì của ông ra đời, người này hiểu cách này, người khác
hiểu cách khác. Người thì công nhận rằng những văn phẩm ấy có giá trị về văn
chương và có thể giúp ích cho sự cải tạo xã hội hiện thời, người thì cho rằng
dụng ý của ông Vũ Trọng Phụng khi viết những tiểu thuyết và phóng sự của ông,
ông không có một tư tưởng cao về xã hội, ông không có một quan niệm chắc chắn
về nghệ thuật, mà chỉ tìm cách khiêu dâm độc giả để sách của mình bán chạy
thôi. Bên nào phải, bên nào trái, vì đâu người ta lại có thể hiểu được một cách
khác nhau như thế, tính tò mò của ta không cho chúng ta được bỏ qua những điều
ấy.” [6]
Nói cách khác, điểm then chốt của cuộc tranh
cãi này là ở chỗ bất đồng ý kiến về việc liệu nội dung táo bạo trong tác phẩm
của Vũ Trọng Phụng có phản ánh những tư tưởng tiến bộ không, hay chỉ có động cơ
thương mại thô thiển mà thôi.
Cũng khởi đi từ thập niên 1930 thời thực dân
muộn, nhưng đạt tới cao trào tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hậu thuộc địa vào
cuối thập niên 1950, cuộc tranh cãi lớn thứ hai về Vũ Trọng Phụng xoay quanh
nội dung viễn kiến chính trị của ông.[7] Cuộc luận chiến này
được tiếp sức bởi hai chủ đề thường được coi là đối lập, nhưng lại cùng hiện
diện trong tác phẩm của ông. Chủ đề thứ nhất là sự thù ghét sâu xa những bất
công của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa thực dân. Đề tài này thoạt đầu xuất hiện
trong tác phẩm đầu tiên của ông – vở kịch “Không một tiếng vang”, xuất
bản năm 1931, mô tả một gia đình tiểu tư sản người Việt nợ nần ngập đầu bị gã
chủ nhà tham lam và sử dụng Pháp ngữ ngược đãi thậm tệ. Đề tài này cũng bao
trùm các phóng sự phi hư cấu của Vũ Trọng Phụng, trong đó ông ghi chép
lại việc những lớp người có địa vị thứ yếu thành thị – bao gồm gái điếm và gia
nhân – bị tầng lớp trung lưu thành thị đầy vụ lợi và lực lượng cảnh sát thuộc
địa tham nhũng bóc lột. Những sự xấu xa ma quỷ của chủ nghĩa thực dân và
chủ nghĩa tư bản cũng thống trị trong các tiểu thuyết dài theo trường phái tự
nhiên chủ nghĩa của Vũ Trọng Phụng. Ví dụ, Giông tố tập trung
vào một ông trùm kinh doanh bạo dâm, người đã sử dụng tiền bạc và ảnh hưởng để
bảo vệ mình khỏi sự truy tố của pháp luật sau khi đã cưỡng hiếp một cô gái nhà
quê không có khả năng tự vệ. Và Vỡ đê đặt cạnh nhau hình ảnh
một cộng đồng nông thôn bị ngập lụt vì quan chức địa phương bất tài bên cạnh
lối sống đồi trụy của tầng lớp tư sản thành thị.
Đề tài thứ hai tiếp thêm dầu vào lửa cho cuộc
tranh cãi – thoạt đầu xuất hiện trong các bài báo của Vũ Trọng Phụng vào nửa
sau thập niên 1930 – là ác cảm gay gắt với chủ thuyết Stalin, cả hiện thân của
chủ thuyết này ở Nga lẫn ở Việt Nam. Về chủ thuyết Stalin ở Nga, văn bản then
chốt là tiểu luận ba phần mà Vũ Trọng Phụng đăng trênĐông Dương Tạp chí vào
tháng Chín năm 1937 với nhan đề, “Nhân sự chia rẽ của Đệ Tam và Đệ Tứ,
ta thử ngó lại cuộc cách mệnh cộng sản ở Nga từ lúc khởi thủy cho đến ngày
nay”. Tiểu luận tóm lược lịch sử Cách mạng Nga, bao gồm những hoạt
động chính trị thời kỳ đầu của Lenin, những sóng gió năm 1905 và 1917, những
năm đầu tiên của Liên bang Sô viết và sự chia rẽ và thanh trừng nổ ra trong
Đảng, lên đến đỉnh điểm tại hai phiên tòa trình diễn đầu tiên vào năm
1936-1937. Tiểu luận tố cáo Stalin là một “nhà độc tài tuyệt đối”. “Một
trăm sáu mươi triệu người đã cam lòng chịu nhịn đói có khi nhưng nhất định
không chịu nản chí trong sự theo đuổi một cái lý tưởng thần bí là cái chủ nghĩa
cộng sản. Nhưng mà, kể về phương diện tình cảm thì Staline đã cương quyết hết
sức…”. Tiểu luận cũng lên án Stain vì đã tố cáo các địch thủ chính trị của mình
là Tờ-rốt-kít và Phát-xít mà không có bằng chứng gì cả. Bản chất kỳ quái của
các cáo buộc đó cho thấy rằng sự thú tội trình làng tại các phiên tòa Moscow có
thể do bị ép buộc.
Gần cuối phần kết của tiểu luận, “chủ nghĩa
Machiavel” trong chính trị cộng sản nổi lên như chủ đề trung tâm. “Dưới chế độ
quân chủ,” – Vũ Trọng Phụng giải thích, – “phái Bolchevicks là một phái… bị đàn
áp rất dữ dội. Ông bố Lénine và một người anh của Lénine đã bị tử hình vì làm
cộng sản. Bọn cách mạng phải trá hình, phải lén lút hành động.” “…một tay
bolchevicks chân chính, theo ý Lénine, thì bao giờ cũng phải là một người có
hai lá mặt…” “… một người bên ngoài thì có vẻ hiền lành thủ phận, nhưng bao giờ
cũng không quên cách mạng, và được phép làm việc theo câu nói: Tout les
moyens sont bons. Đó là thuộc về những mánh khóe giảo quyệt của Machiavel
đời xưa vẫn dùng trong nghề chính trị (machiavellisme politique).”
Cách tiếp cận chính trị kiểu Machiavel tiếp
tục sau khi cách mạng đã thành công,
“Ngay lúc cộng sản thành công rồi, Lénine cũng
vẫn cái lối gian hùng ấy để mà trừ khử những kẻ muốn phản đối mình, và ông đã
thành công trong cuộc làm tiêu diệt nhiều nền nếp, cổ tục, những đồi bại của
chế độ quân chủ để cho người dân Nga bước vào một kỷ nguyên tinh thần mới mẻ
không có thành kiến.”
Ở đây không phải Vũ Trọng Phụng lôi Lenin ra
để chỉ trích, mà để chứng minh rằng xu hướng chính trị của Lenin là hiện thân
của thiên hướng chung của chủ nghĩa cộng sản là chủ nghĩa bè phái và thuyết
công cụ phi đạo đức.
Mười tháng sau, vào tháng Tám năm 1938, Vũ
Trọng Phụng đăng một bài tấn công sắc bén chống những người theo chủ thuyết
Stalin ở Việt Nam đang chiếm ưu thế trong Đảng Cộng sản Đông Dương. Với tựa đề, “Đả
đảo tên Tờ-rốt-kít Huỳnh Văn Phương”, tiểu luận nhại giọng tố cáo cuồng
loạn kiểu Stalin chống những người Troskyist người Việt trong thời kỳ Mặt trận
Bình dân, mô tả diễn ngôn của Stalin là tàn bạo, dọa nạt, đạo đức giả và sẵn
sàng dùng mọi thủ đoạn để đạt mục đích kiểu Machiavel. Tiểu luận cũng gợi ý
rằng phe theo chủ thuyết Stalin người Việt chỉ theo đuôi các thế lực ngoại bang
và việc họ tấn công dữ dội các địch thủ chính trị đã chia rẽ phong trào dân tộc
quốc gia.
Với sự trỗi dậy của tính chính thống kiểu Mao
và Stalin tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hồi cuối thập niên 1950, các tiểu luận
báo chí thời cuối thuộc địa này lại xuất hiện ở Hà Nội và các quan chức cao cấp
nhất trong chính phủ Hồ Chí Minh đã tố cáo Vũ Trọng Phụng, người khi đó đã qua
đời được gần hai thập niên, là phản động chính trị nguy hiểm. Sự mô tả tình dục
và bạo lực nổi tiếng trong văn Vũ Trọng Phụng cũng xuất hiện trong những phê
bình chính trị thời kỳ này, và được xem là bằng chứng cho khiếu thẩm mỹ “đồi
trụy” của ông và chủ nghĩa thương mại lòe loẹt. Bị giới hạn bởi các tham số
chật hẹp trong diễn ngôn chính trị được cho phép trong thời kỳ này, các nhà
“cấp tiến” trong bộ máy hành chính cộng sản đã bênh vực Vũ Trọng Phụng trên cơ
sở bề ngoài là xu hướng chống chủ nghĩa tư bản và chống chủ nghĩa thực dân
trong văn của ông cho thấy ông đã từng thầm lặng ủng hộ Đảng. Vào năm 1960,
cuộc tranh luận hết sức thiếu thành thực này (một cuộc tranh luận giữa phe cộng
sản “cải cách,” những người tuyên bố rằng Vũ Trọng Phụng thân-cộng, và phe cộng
sản “chính thống,” tuyên bố ông là phản động) đã được “giải quyết” với phần
thắng nghiêng về phe chống đối Vũ Trọng Phụng đầy quyền lực, và các tác phẩm
của ông đã bị rút khỏi các giá sách và bị cấm ở Việt Nam dưới chính thể cộng
sản trong hơn hai mươi năm.[8] Công chúng không được
tiếp cận với các sáng tác hư cấu của Vũ Trọng Phụng trong suốt các thập niên
1960, 70s và đầu thập niên 80; Tương tự, tác phẩm của ông bị chỉ trích trong
phê bình học thuật như một ví dụ của “chủ nghĩa tự nhiên tầm thường”, một trào
lưu bị các nhà phê bình cộng sản bác bỏ, coi là tư sản và phản cách mạng.[9] Thời hậu chiến, với
việc kiểm duyệt được nới lỏng song hành với cải cách “Đổi mới” vào giữa thập
niên 1980, một thế hệ viên chức văn hóa “có tư tưởng cải cách” đã thực hiện
thành công chiến dịch phục hồi Vũ Trọng Phụng.[10] Vào đầu thế kỷ hai
mươi mốt, nhiềuTuyển tập tác phẩm của ông đã được các nhà xuất bản
của nhà nước in lại, và tác phẩm của ông được đưa vào giảng dạy tại bậc phổ
thông cơ sở, trung học và đại học.[11] Các viện nghiên cứu
tổ chức hội thảo về Vũ Trọng Phụng; tên ông được đặt cho đường phố ở Hà Nội và
Thành phố Hồ Chí Minh.[12]
Các nhà “cải cách” có công trong việc phục hồi
Vũ Trọng Phụng trong thập niên 1980 thuộc thế hệ khác với thế hệ “cải cách” đã
thất bại trong việc bảo vệ ông hồi thập niên 1950. Nhưng vì đảng cộng sản tiếp
tục lãnh đạo nhà nước và các khu vực công suốt từ thời kỳ đó đến nay, lập luận
mà họ đưa ra để cứu danh tiếng của ông hầu như không có gì thay đổi. Vì thiếu
bằng chứng, họ không gợi ý là Vũ Trọng Phụng là cảm tình viên thầm kín của Đảng
nữa. Tuy nhiên, họ khăng khăng rằng tác phẩm của ông chủ ý đả phá trật tự tư
sản thuộc địa và nhằm cổ vũ cách mạng. Đây là cách mà Vũ Trọng Phụng được dạy ở
nhà trường hôm nay, và trừ một vài ngoại lệ, việc diễn giải công về tác phẩm
của ông theo cách này vẫn ngự trị.[13] Tuy vậy, do độ dài
(và ảnh hưởng xấu) của việc cấm tác phẩm của Vũ Trọng Phụng trước đây, vết nhơ
tranh cãi chính trị tiếp tục bám dính Vũ Trọng Phụng, và ông tiếp tục là biểu
tượng chống đối, về một số mặt nào đó, chống lại chính sách ngu dân và đàn áp
của trật tự chính trị và xã hội hiện hành.
Chủ thuyết Cộng hòa Thuộc địa
Ngoài việc giới thiệu về cuộc đời, tác phẩm và
thời thế của một trong những nhà văn hiện đại lỗi lạc nhất của Việt Nam, cuốn
sách của tôi (được tóm lược trong bài nói chuyện này) đưa ra lập luận về viễn
kiến chính trị và tầm quan trọng của Vũ Trọng Phụng khác với những diễn giải
phe nhóm của cả những người chỉ trích lẫn ủng hộ ông. Thay vì xếp tác phẩm của
ông vào chương trình nghị sự chống cộng hay thân cộng, cuốn sách lập luận rằng
tác phẩm của Vũ Trọng Phụng phản ánh khuynh hướng cộng hòa thuộc địa giai đoạn
cuối, giành được sự ủng hộ của nhiều trí thức thành thị, và tiếp tục hiện diện
dù chỉ khiêm tốn trong đời sống của trí thức Việt Nam cho đến ngày hôm nay.
Bắt rễ trong văn hóa của nền thống trị đế quốc
Pháp, chủ thuyết cộng hòa thuộc địa xuất phát từ truyền thống chính trị thế kỷ
mười tám, tiếp sinh khí cho cuộc Cách mạng 1789 và tồn tại, dưới hình thức thay
đổi, cho đến mãi những thập niên cuối của nền Cộng hòa đệ Tam (1870-1940).[14] Nền tảng tu từ học
của chủ thuyết cộng hòa là tam đầu chế Tự do, Bình đẳng và Bác ái; kẻ thù bao
quát của nó là chế độ quân chủ chuyên quyền và chủ nghĩa ngu dân của Nhà Thờ;
từ vựng của nó là chủ nghĩa tượng trưng cách mạng 1789 và 1848. Chủ thuyết cộng
hòa ủng hộ việc dân chủ hóa đời sống chính trị qua việc mở rộng quyền bỏ phiếu
và nuôi dưỡng công dân với tư tưởng công dân duy lý qua nền giáo dục đại chúng.
Chủ thuyết này cũng đề cao việc gắn bó với dân tộc để thay thế cho quyền lực
hợp nhất của nhà thờ và nền quân chủ. Nguyên tắc nền tảng của chủ thuyết cộng
hòa bao gồm đức tin vào giá trị của luật lệ tốt và việc gắn bó kiểu nửa huyền
bí với “nhân dân”. Vừa uyển chuyển vừa co giãn, chủ thuyết cộng hòa đã vỡ mảnh
trong sự xáo động của thế kỷ mười chín và các chính trị gia thiết lập nền Cộng
hòa đệ Tam vào những năm 1870 đã theo đuổi nhiều nhánh khác nhau của truyền
thống này.[15] Bất chấp các nhấn
mạnh tư tưởng khác nhau, phần lớn các lãnh đạo cộng hòa đều chống lại chủ nghĩa
tài phiệt, quân phiệt, quyền lực tôn giáo và chế độ chuyên quyền chính trị,
đồng thời cùng chia sẻ cam kết chung hướng tới lý trí, giáo dục, dân tộc và nền
pháp trị.
Chủ thuyết cộng hòa kiểu Pháp mà Vũ Trọng
Phụng được tiếp xúc trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến còn có thêm hai yếu
tố trở nên quan trọng trong truyền thống này vào cuối thế kỷ thứ mười chín nhằm
đáp lại sự trỗi dậy của cánh Tả. Yếu tố thứ nhất là một niềm tin ngày càng lớn
vào khoa học xã hội – chủ thuyết cộng hòa của Comte, Zola và Durkheim – được
kết tinh trong thuyết Đoàn kết xã hội và dẫn tới việc ủng hộ một nhà nước phúc
lợi.[16] Được cổ vũ bởi đảng
chính trị lớn nhất trong nền Cộng hòa đệ Tam – Đảng Xã hội chủ nghĩa-Cấp tiến
và Cộng hòa Cấp tiến (RAP) – thuyết Đoàn kết xã hội đã được diễn giải là phản
ứng tự vệ trước sự lan rộng của chủ nghĩa xã hội khoa học.[17] Một đặc điểm khác
cũng có liên quan đến nét trên của chủ thuyết cộng hòa thời kỳ giữa hai cuộc
thế chiến là tư tưởng chống cộng mãnh liệt thay thế cho ám ảnh chống giáo quyền
sau khi nền Cộng hòa đệ Tam tách Nhà thờ ra khỏi Nhà nước vào năm 1905.[18] Khuynh hướng chống
cộng mang cảm quan cộng hòa chống lại xu hướng toàn trị và phản dân chủ trong
chủ thuyết của Lenin và Stalin, vốn cũng chẳng khác gì văn hóa chính trị của Nhà
thờ và nền Quân chủ. Chủ thuyết cộng hòa cũng phê phán ảnh hưởng lũng đoạn của
bạo lực cách mạng và sự thiếu vắng tự do công dân tại Liên bang Sô viết. Việc
chủ thuyết cộng hòa thay thế xu hướng chống giáo quyền bằng chống cộng, coi
cộng sản như gã ba bị lớn nhất, được minh họa trong lời phát biểu vào năm 1927
của Thủ tướng cấp tiến Pháp Albert Sarraut, Chủ thuyết cộng sản – đó là
kẻ thù; đây là lối chơi chữ trực tiếp từ tuyên ngôn cộng hòa nổi tiếng của
Leon Gambeta năm 1871, Chủ thuyết Giáo quyền - đó là kẻ thù.[19] Một chi tiết giúp soi
sáng hơn là Sarraut làm Toàn quyền ở Đông Dương vào thời của Vũ Trọng Phụng và
đã thực thi chương trình nghị sự cải cách cộng hòa rõ ràng đậm nét nhất trong
lịch sử lãnh thổ này.[20]
Các nghiên cứu gần đây cho thấy sự nổi bật của
chủ thuyết cộng hòa trong quá trình vận hành của đế chế Pháp. Các chuyên khảo
của Alice Conklin và Gary Wilder khẳng định rằng tư tưởng cộng hòa đã định hình
chính sách thuộc địa và thực hành của Pháp ở Tây Nam Phi ngay cả khi họ không
nhất trí về đặc điểm của dự án cộng hòa này.[21] Những nghiên cứu còn
khá ít về chủ thuyết cộng hòa ở Đông Dương thu thập tài liệu từ Hội Tam điểm
thuộc địa và các chương trong tiêu chí của Hội Nhân quyền (League for the
Rights of Man), một hiệp hội quyền công dân ít được biết đến.[22] Tập trung chủ yếu vào
những tổ chức hạn chế trong đó thành viên chủ yếu là người Pháp và những thành
viên có đặc quyền cao xa nhất trong giới tinh hoa người Việt (chẳng hạn như
Phạm Quỳnh, Phạm Huy Lục và Bùi Quang Chiêu), những nghiên cứu này không xét
đến những tư tưởng cộng hòa nổi trội trong diễn ngôn chính trị đại chúng.[23] Không phải ngẫu nhiên
mà gần như toàn bộ các nhà nước hậu thuộc địa ở Việt Nam đều đặt hiệu Cộng hòa
cho chính thể của mình (Việt Nam Cộng hòa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa
Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) và đều nhấn mạnh ngôn ngữ cộng hòa trong các tài
liệu thành lập quốc gia.[24] Để xét đến sự tồn tại
dai dẳng của truyền thống cộng hòa ở Việt Nam, ta cần khảo sát việc truyền bá
các tư tưởng và giá trị cộng hòa trong thời thuộc địa.
Trong nghiên cứu về “nguồn gốc của chính
sách cộng hòa” ở Đông Dương, Gilles de Gantès nhấn mạnh tác động chuyển đổi của
một số Toàn quyền cộng hòa nổi tiếng đối với nền văn hóa chính trị địa phương,
trong đó có Toàn quyền Albert Sarraut (1911-1914 & 1916-1919), Alexandre
Varenne (1925-1927) và Jules Brévié (1936-1939).[25] Mỗi người trong số họ
đều ở Đông Dương thời Vũ Trọng Phụng, và công cuộc cải cách của họ đã để lại
dấu ấn sâu đậm cho thế hệ của ông. Albert Sarraut xây dựng hệ thống nhà trường
tiểu học nơi trẻ em người Việt học tiếng Pháp và được tiếp xúc sơ khai với các
giá trị cộng hòa công dân. Bằng việc thúc đẩy sự phát triển nền báo chí tiếng
Việt, những cải cách của Albert Sarraut đã cung cấp một nghề nghiệp trí thức
độc lập cho giới có học và khích lệ cam kết giành tự do ngôn luận. Varenne tổ
chức lại các hội đồng đại biểu địa phương, mở ra những nghề công chức dân sự
cho người dân bản địa, dành quỹ nhà nước cho nhiều dự án sức khỏe cộng đồng và
xóa đói giảm nghèo. Brévié thực thi chương trình nghị sự cải cách đầy tham vọng
của Mặt trận Bình dân, một dự án chính trị gây tranh cãi gay gắt trong các bài
viết của Vũ Trọng Phụng và những người cùng thời.
Chủ thuyết cộng hòa mà Vũ Trọng Phụng hấp thụ
là hiện thân cho một biến thể (ôn hòa hơn) của văn hóa chính trị của năm 1789
và 1848, đồng thời chủ thuyết này cũng phản ánh sự kiềm chế các khía cạnh tiến
bộ của nền văn hóa đó trong bối cảnh thuộc địa. Chẳng hạn chương trình giảng
dạy lịch sử Pháp ở nhà trường thuộc địa giảm thiểu tầm quan trọng của cách mạng
Pháp.[26] Chủ nghĩa phân biệt
chủng tộc mang tính thiết chế trong trật tự pháp lý thuộc địa đã xâm phạm lý
tưởng mọi người đều được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật.[27] Bất chấp nguyên tắc
về quyền tối cao độc lập đại chúng, các thành phần đại biểu được bầu ra tại
Đông Dương hầu hết đều khá bất lực và nhà nước thuộc địa áp đặt những hạn chế
ngặt nghèo về quyền bầu cử, tự do ngôn luận và đời sống hội đoàn.[28] Trong một chừng mực
đáng kể, đặc điểm “thực dân” của chủ thuyết cộng hòa thuộc địa xuất phát từ
thất bại của nhà nước thuộc địa trong việc thực thi các nguyên tắc cộng hòa mà
chủ thuyết ấy vẫn hùng hồn tuyên bố. Điều mà những người cộng hòa bản địa ở Châu
Phi và Châu Á cùng chia sẻ là việc họ kiên trì đòi hỏi việc áp dụng triệt để
các tư tưởng cộng hòa vào việc cai trị xã hội của chính họ. Bằng cách này,
những người cộng hòa ở thuộc địa cũng giống quan niệm của Gary Wilder về “những
người cộng hòa phê phán”, những người “đòi hỏi Pháp phải mở rộng thiết chế cộng
hòa tới toàn bộ người dân thuộc địa.”[29] Nhưng không giống
những trí thức Châu Phi nói tiếng Pháp mà Wilder bàn tới trong nghiên cứu của
mình, Vũ Trọng Phụng và đồng nghiệp của ông chống lại việc đồng hóa dưới bất kỳ
hình thức nào; thái độ này thể hiện rõ nhất qua việc họ từ chối dùng tiếng Pháp
như một phương tiện bày tỏ ý kiến.
Giống như nhiều truyền thống trí thức “hiện
đại” của người Việt như chủ thuyết dân tộc và cộng sản, chủ thuyết cộng hòa
thuộc địa đại diện cho một kiểu chủ thuyết tuy có những nét chung trên toàn
cầu, nhưng đã được địa phương hóa.[30] Động lực nặng nề của
việc chuyển giao khái niệm giữa các nền văn hóa rất khác nhau, trong một kỷ
nguyên được đánh dấu bằng việc đi lại và kỹ nghệ truyền thông chậm chạp, đã
khuyến khích việc các mẫu hình địa phương hóa được đánh dấu bởi tính lỗi thời,
tính chọn lọc và tính chiết trung. Chủ thuyết cộng hòa của Vũ Trọng Phụng bắt
rễ trong thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến, nhưng việc chủ thuyết ấy phê phán các
quan hệ thị trường cũng giống với cảm quan chống tư bản theo bản năng của văn
chương lãng mạn và văn chương tự nhiên Pháp thế kỷ mười chín, khi đó đang ngự
trị thị hiếu đọc của giới tinh hoa người Việt cuối thời thuộc địa. Sự nguy hiểm
của chính sách ngu dân mang màu sắc tôn giáo chỉ đóng một vai trò khá khiêm tốn
trong chủ thuyết cộng hòa của người Việt nhờ sự yếu thế của các thiết chế tôn
giáo địa phương kể cả Phật giáo. Mặt khác, những người cộng hòa bản địa đã thổi
phồng tầm quan trọng của những yếu tố truyền thống trong chủ thuyết cộng hòa mà
họ thấy tương đương hoặc giúp củng cố những khía cạnh trong nền văn hóa chính
trị Hán-Việt cổ điển, chẳng hạn như niềm tin mạnh mẽ vào ưu điểm của giáo dục.
Vũ Trọng Phụng thường không được diễn giải qua
lăng kính cộng hòa, nhưng có nhiều lý do tốt để nhấn mạnh mối liên hệ này. Vũ
Trọng Phụng được tiếp cận với văn hóa chính trị cộng hòa qua hệ thống nhà
trường thuộc địa và việc phổ biến rộng rãi sách báo Pháp ở Đông Dương.[31] Các anh hùng của ông,
Victor Hugo và Emile Zola, là những người khổng lồ của chủ thuyết cộng hòa
trong văn chương.[32] Quan trọng nhất, chủ
thuyết cộng hòa giai đoạn cuối thế kỷ mười chín chi phối thời kỳ giữa hai cuộc
thế chiến có nhiều điểm tương tự, gần gũi hơn là những lựa chọn hiện có khác,
với sự phối hợp các xu hướng có mặt trong sáng tác của Vũ Trọng Phụng: cảm quan
chống tư bản và chống cộng sản, mối bận tâm với khoa học xã
hội, cam kết dấn thân cho tự do ngôn luận và pháp quyền, không khoan thứ giáo
điều tôn giáo và thị hiếu dành cho chủ nghĩa hiện thực trong văn chương. Ngay
cả sự hoài nghi “bảo thủ” của ông về lý tưởng giải phóng phụ nữ cũng gợi nhớ
bản hồ sơ thành tích kém cỏi của nền Cộng hòa đệ Tam về quyền bỏ phiếu của phụ
nữ và sự bình đẳng giới.[33]
Tôi đã mô tả đôi chút về sự hoài nghi mang cảm
quan cộng hòa đối với Chủ thuyết Tư bản và Cộng sản. Giờ tôi muốn chuyển sang
bàn tóm tắt về một tác phẩm khác của ông, mà theo tôi, cho chúng ta thấy sự
trung thành của ông với các yếu tố quan trọng khác của Chủ thuyết cộng hòa giữa
hai kỳ thế chiến. Tác phẩm tôi định nói đến đây là phóng sự Lục xì,
một nghiên cứu bao quát về bệnh lậu và sự quản lý của nhà nước về mãi dâm ở Hà
Nội, được đăng lần đầu vào năm 1937. Cũng như với nhiều nhà phê bình chống thực
dân khác, với Vũ Trọng Phụng, sự phát triển bùng nổ của tình dục thương mại và
bệnh lậu tượng trưng cho tác động hủy hoại của chủ nghĩa tư bản thuộc địa đối
với văn hóa Việt Nam. Diễn ngôn thiên tả bản địa về mãi dâm thường bác bỏ tầm
quan trọng tiềm tàng của các biện pháp cải cách mà không kéo theo cách mạng xã
hội. Nhưng Vũ Trọng Phụng chọn một cách tiếp cận thực tế mang cảm quan cộng
hòa. Lục xì không chỉ biểu lộ xu hướng thiên về thực nghiệm
của Vũ Trọng Phụng về vấn đề này, một xu hướng giờ đã trở nên quen thuộc với
chúng ta, mà phóng sự này cũng tấn công hệ thống quản lý mãi dâm của Pháp vì đã
vi phạm những lý tưởng như tự do, bình đẳng, tự do không bị bắt giữ tùy tiện và
được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Thực vậy, giải pháp “bãi bỏ” được Vũ
Trọng Phụng đề cao trong chương cuối của Lục xì là một yếu tố
có sẵn trong chương trình nghị sự chính trị của các nhóm và các cá nhân hoạt
động theo chủ thuyết cộng hòa ở Pháp và trên toàn đế chế, trong giai đoạn giữa
hai cuộc thế chiến.
Được quảng cáo là “khảo sát khoa học”, Lục
xì được mở đầu bằng việc trích dẫn tuyên bố mới đây của Đốc lý
Virgitti là Hà Nội có tới 5000 gái điếm.[34] Với dân số 180 ngàn
người, Vũ Trọng Phụng tính ra rằng “cứ ba mươi lăm người lương thiện, lại có
một người thường nhật sinh sống bằng nghề sự reo rắc vi trùng hoa liễu”. Vấn đề
còn trầm trọng hơn vì Đốc lý Virgitty chưa kể đến hàng trăm “ả đào và gái nhảy các
vùng ngoại ô” không đăng ký, những người bán dịch vụ tình dục ở phố Khâm Thiên,
ngay ngoài rìa thành phố. Lục xì cũng cung cấp những con số
báo động tương tự về sự phát triển của bệnh lậu qua đường tình dục. Phóng sự đề
cập đến một báo cáo y tế năm 1914 rằng tỷ lệ mắc bệnh của binh lính thuộc địa
là 74% , cũng như những bằng chứng gần đây cho thấy các con số kinh hoàng là có
tới 92% số gái điếm không có giấy phép đều mắc bệnh lậu.[35] Phóng sự cũng trích
dẫn số liệu thu thập được từ các cuộc khảo sát y tế, cho thấy rằng bệnh lậu
truyền qua đường tình dục là nguyên nhân gây ra 70% các trường hợp mù lòa và
25% ca tử vong ở trẻ sơ sinh do thành phố báo cáo.[36]
Một chương khác điểm lại lịch sử hệ thống quản
lý gái điếm của nhà nước ở Hà Nội từ khi các sĩ quan hải quân Pháp thiết lập
ngay sau khi chiếm Bắc Bộ vào giữa thập niên 1880.[37] Dựa vào “mô hình Pháp”
thiết lập ở Paris vào đầu thế kỷ mười chín, hệ thống quản lý cưỡng ép này buộc
gái điếm đăng ký với cảnh sát, mang theo mình thẻ nhận dạng, trải qua các kỳ
kiểm tra sức khỏe, làm việc ở các nhà thổ có giấy phép và – trong trường hợp
mắc bệnh lậu – phải chịu bị tống giam và chữa chạy y tế ở các bệnh viện chữa
bệnh lậu của nhà nước.[38] Lục xì cũng
giới thiệu về đội cảnh sát xướng kỹ (còn được gọi là “đội con gái”) đầy quyền
lực, được giao quản lý thân thể của những gái điếm chấp nhận đăng ký và săn
lùng những người không đăng ký. Vũ Trọng Phụng bàn về các đạo luật đã kết cấu
hệ thống quản lý này và những thay đổi trong chế độ quản lý qua từng thời kỳ.
Ông cũng ghi chép rằng cam kết quản lý của nhà nước ở Đông Dương xuất phát từ
quan ngại về sức khỏe và nhu cầu tình dục của binh lính thuộc địa.
Phần trọng tâm của Lục xì là
tường thuật dựa trên quan sát trực tiếp về bệnh viện chữa bệnh lậu mà Vũ Trọng
Phụng được phép đến thăm nhờ việc Bộ trưởng Lao động Pháp ghé qua Đông Dương.
Ông mô tả những trang thiết bị hiện đại của bệnh viện, chế độ giáo dục tình dục
và chữa bệnh phụ khoa hiện đại. Các cuộc phỏng vấn bác sĩ, y tá và công nhân
tình dục cho thấy nhiều quan điểm khác nhau về sự vận hành bên trong bệnh viện. Lục
xì cũng báo cáo về một chuyến thăm viếng đội cảnh sát xướng kỹ vừa
thiếu người vừa tham nhũng. Các chương khác liệt kê (theo nghĩa đen) kết cấu có
thứ bậc và phân loại gái điếm ở Hà Nội, đồng thời kể lại tiểu sử của một số
công nhân tình dục. Khối lượng lớn và phạm vi số liệu được đưa ra – dựa trên
nghiên cứu khoa học, sử liệu và báo cáo trực kiến – cho thấy rõ cam kết mạnh mẽ
của Vũ Trọng Phụng với nghiên cứu thực nghiệm.
Một thiên hướng thực nghiệm khác thể hiện rõ
hơn qua nỗ lực không ngừng nghỉ của Vũ Trọng Phụng trong việc tìm kiếm nguyên
nhân gây ra sự phát triển của nạn mãi dâm. Ngược lại với các nhà truyền thống
và các nhà Marxist bản địa, những người dựa vào các lý thuyết đã cũ nhàm để
giải thích hiện tượng này (lý thuyết về đạo đức với nhóm đầu và về kinh tế với
nhóm sau), Vũ Trọng Phụng ghi nhận hơn hai mươi nguyên nhân khác nhau mà ông
thấy trong quá trình thực hiện điều tra.[39] Đốc lý Virgitti nhấn
mạnh bản chất phóng đãng của phụ nữ Việt mà theo ông là thích làm gái điếm. Các
nhà truyền thống gán nguyên nhân phát triển nghề mãi dâm với sự suy đồi đạo đức
do sự suy tàn của Khổng giáo, Phật giáo và Lão giáo. Một y tá Pháp giàu kinh
nghiệm nhấn mạnh vào tình hình tài chính khó khăn do thất nghiệp của các cô gái
nông thôn và gia đình của họ. Chọn một phối cảnh so sánh rộng hơn, Giám đốc
Ngạch Vệ sinh Thành phố (Bernard Joyeux) nhận xét rằng nghề mãi dâm và bệnh lậu
luôn lan tràn ở những khu vực giao thoa của nhiều nền văn hóa, chẳng hạn như
các thành phố cảng và Châu Âu trong Thế chiến thứ Nhất. Những người khác lại
nhấn mạnh vào những bận tâm đam mê của tuổi trẻ hiện đại: “sức cám dỗ của những
nghề nghiệp mới, sức say sưa của sự làm giàu dễ dàng, sự hưởng thụ mọi cách ăn
chơi của thành phố tây, sự vô cai quản của bố mẹ”. Một ý kiến khác nhấn mạnh
vào việc các gã ma cô thị thành chuyên đè người đã lừa gạt các cô gái nông thôn
nhẹ dạ như thế nào. Vũ Trọng Phụng điểm lại lý thuyết của Thánh Augustin rằng
mãi dâm luôn luôn tồn tại vì nó phục vụ một chức năng xã hội cơ bản. Ông cũng
xem xét các cách giải thích đi ngược với phong trào nữ quyền, trong đó “phong
trào đòi quyền phụ nữ và tự do hôn nhân” đã nuôi dưỡng tính lang chạ ở các cô
gái trẻ dễ bị gây ấn tượng. Phần lớn các nhà chức trách thuộc địa (Le Roy de
Barres, Copin, Joyeux và Virgiti) đều lên án ảnh hưởng của tây hóa và sự phát
triển của chủ nghĩa vật chất đối với dân chúng bản địa. Bác sĩ Coppin cho rằng
“cái máu tham tiền ghê gớm nó chủ động ra đủ mọi cách hối lộ và đủ mọi cách
xoay xở bất lương ở người đàn ông, và đủ mọi sự suy đồi về đức hạnh ở người đàn
bà”. Vũ Trọng Phụng đồng ý với ông, và rằng “gái lãng mạn” dễ bị ảnh hưởng
nhất, bao gồm cả “đầm lai”, những người “mỏng manh về đức hạnh thường thấy ở
những người hai giống” và chịu sự phân biệt chủng tộc. Joyeux cho rằng sự gia
tăng vũ nữ và gái bar phản ánh việc người Việt hăm hở vay mượn từ văn hóa ngoại
quốc như thế nào. Joyeux kẻ cả nhận xét, “Không một cái gì của Tây phương mà
lại là không đáng khảo, đáng chép, đáng bắt chước, đáng hấp thụ”. Tuy nhiên,
một số trí thức người Việt lại đổ lỗi cho sự buông lỏng về đạo đức của văn hóa
Pháp. Một du học sinh nói với Coppin, “Nhưng mà những thói xấu mà tôi nhận là
có ấy thì chính là tại các ông tải sang xứ sở chúng tôi!” Coppin đồng ý là thái
độ dễ dãi với tình dục và tư tưởng dâm đãng ở Pháp (ngược với ở Anh) đã khuyến
khích thói lang chạ ở người dân thuộc địa. Ông cũng gợi ý rằng “sự càn rỡ về
phong tục” trong văn hóa đại chúng Pháp (hiện thân qua Rabelais) dễ được tiếp
nhận vì nó rất hòa hợp với “sự bông đùa thô tục” trong văn hóa dân gian của
người Việt. Mặc dù rõ ràng là Vũ Trọng Phụng thiên về những lý thuyết kinh tế
để giải thích sự phát triển của ngành thương mại tình dục, nhưng phạm vi lý
thuyết và lý lẽ mà ông ghi lại và cân nhắc cho chúng ta thấy được mức độ thực
nghiệm rộng khắp trong cách tiếp cận của ông. Thay vì ưu tiên một cách phân
tích nhất định, ông có vẻ thực sự không có thành kiến đối với các kiến giải
khác nhau qua các cách tiếp cận mang tính báo chí, lịch sử, triết học, xã hội
học và kinh tế đối với vấn đề này.
Cũng tương tự như cách tiếp cận thực nghiệm tỉ
mỉ của Vũ Trọng Phụng trong quá trình tìm hiểu nguyên nhân của nạn mãi dâm,
giải pháp ông nghiêng về để giải quyết những thiếu sót trong hệ thống quản lý
mãi dâm cho ta thấy bản chất cộng hòa nói chung trong viễn kiến chính trị của
ông. Kể từ đầu thế kỷ hai mươi, các nhà chức trách ở Đông Dương đã tranh luận
về hàng loạt kế hoạch cải cách, cũng giống như những đề xuất ở chính quốc để
chống lại những hậu quả xã hội của nạn mãi dâm tại Pháp.[40] Được dẫn dắt bởi các
bác sĩ quân đội, “phái thắt buộc” (tức phái những người ủng hộ việc thắt chặt
quản lý mãi dâm bằng luật lệ) biện luận rằng hệ thống giám sát hiện hành cần
được củng cố và cập nhật. Họ đề nghị tăng cường số lượng và quyền lực của đội
cảnh sát xướng kỹ, tăng cường sức chứa của các nhà lục xì để có thể chứa thêm
bệnh nhân bị giam và buộc phải chữa bệnh, và đề nghị nhân bản các thiết chế
cưỡng bức này ra các vùng ngoại ô và các tỉnh thành. Một nhóm thuộc “phái thắt
buộc” cực đoan trong phe bảo thủ này còn ủng hộ việc tập trung các nhà thổ có
giấy phép vào khu vực đèn đỏ để việc giám sát được dễ dàng hơn.
Ngược lại, “nhóm đòi bãi bỏ” (việc quản lý mãi
dâm) ủng hộ việc xóa bỏ các nhà lục xì, đội cảnh sát xướng kỹ và nhà thổ có
giấy phép. Thay vào đó, họ cổ vũ việc giáo dục tình dục cho công nhân tình dục
thương mại và tăng cường việc truy tố bọn dắt gái và ma cô ra trước pháp luật.
Với việc đóng cửa các nhà lục xì, các nhà chủ trương bãi bỏ quản lý mãi dâm đề
xuất việc chữa bệnh cho gái điếm mắc bệnh lậu tại các bệnh viện bình thường như
những người dân khác. Giữa ý kiến của phái thắt buộc và phái bãi bỏ quản lý là
các quan điểm thỏa hiệp được nhiều người ủng hộ, được gọi là “tiến hóa” hoặc
“tùy thời,” một quan điểm chấp nhận việc tiếp tục quản lý mãi dâm ở Đông Dương,
nhưng dưới sự giám sát của các nhà chuyên trách y tế thay vì cảnh sát. Mặc dù
thông cảm với các lập luận của các nhà chủ trương bãi bỏ, các nhà ủng hộ quan điểm
đứng giữa đầy đầu óc thực dân này khăng khăng là tình trạng phát triển lạc hậu
ở Đông Dương không cho phép việc thực hiện chương trình bãi bỏ quản lý mãi dâm
tại Đông Dương.[41]
Phong trào chủ trương bãi bỏ việc quản lý mãi
dâm ở Pháp nhận được sự ủng hộ từ những người cộng hòa, phe tranh đấu cho nữ
quyền và các nhà đạo đức tôn giáo, nhưng ở thuộc địa thì thuyết này lại được sự
ủng hộ đa phần từ các nhà kỹ trị có tư tưởng xã hội – những người ủng hộ phong
trào này hoàn toàn dựa trên cơ sở lập luận của chủ thuyết cộng hòa.[42] Được kết tinh trong
“chủ nghĩa bãi bỏ cấp tiến” lan truyền ở Pháp qua sự vận động của nhà báo Yves
Guyot trong thập niên 1870 và 1880, chủ trương bãi bỏ quản lý đầy sức
thuyết phục này phê phán việc tống giam gái điếm mắc bệnh lậu vì việc đó đã
cướp đi quyền công dân của họ trong khi việc lan truyền bệnh lậu không phải là
tội ác trên phương diện pháp lý. Chủ trương bãi bỏ quản lý cũng tố cáo việc đối
xử không bình đẳng của hệ thống đối với đàn ông và đàn bà, vì đàn ông lan
truyền bệnh lậu không phải chịu sự trừng phạt nào cả. Được những nguyên lý trong
Tuyên ngôn về Quyền Con người gây cảm hứng, phe “chủ trương bãi bỏ quản lý cấp
tiến” gắn đội cảnh sát xướng kỹ với bạo lực cảnh sát, các luật lệ tùy tiện và
sự đàn áp tự do của nhà nước.[43] Sự có mặt của nhánh
chủ trương bãi bỏ quản lý này ở Đông Dương có thể thấy được trong Bulletin
de la Société Médico-Chirurgicale de L’Indochine số đặc biệt xuất bản
ở Hà Nội mà Vũ Trọng Phụng tham khảo rất nhiều trong khi nghiên cứu để viết
phóng sự Lục xì. Số báo in lại một loạt khảo cứu mãi dâm và bệnh
lậu ở Đông Dương được tiến hành giữa năm 1912 và năm 1930, cùng với bản ghi
chép các cuộc gặp gỡ diễn ra trong vòng hai mươi năm, trong đó các nhà chuyên
trách về sức khỏe ở thuộc địa bàn thảo về đề tài này. Vào năm 1912, một nhà
chức trách (tên là Gauducheau) sử dụng lý lẽ cộng hòa kinh điển để phản bác
tính hiệu quả và công bằng của cách tiếp cận theo chủ trương thắt buộc quản lý.
“Trước khi chúng ta ủng hộ các biện pháp vệ sinh cưỡng ép như bắt buộc đi khám
và giam giữ”, ông viết, “trước hết chúng ta phải chứng minh một cách xác đáng
rằng những biện pháp đó không những hữu ích mà còn không thể thiếu được trong
công cuộc bảo vệ sức khỏe cộng đồng… Chúng ta phải tránh việc lấy cớ bảo vệ vệ
sinh để lạm dụng quyền lực và phải thận trọng trong việc tôn trọng tự do cá
nhân kể cả tự do của gái điếm.” [44] Vào năm 1915, một
nghiên cứu y tế phản bác các nhà chủ trương bãi bỏ quản lý phe cộng hòa là “các
nhà xã hội học đặt tự do cá nhân lên trước mọi vấn đề, phủ nhận mọi biện pháp
đặc biệt áp dụng cho gái điếm, và coi các biện pháp vệ sinh bắt buộc là lạm
dụng quyền lực.”[45] Một nhà bảo thủ khác
(ông Guillemet) vừa phê phán các nhà chủ trương bãi bỏ quản lý mãi dâm là những
người coi “mọi hoạt động tình dục, kể cả mãi dâm, đều là thực hành quyền mà cá
nhân đó sở hữu và được sử dụng hay lạm dụng theo ý mình.”[46] Để đáp lại, nhà chủ
trương bãi bỏ quản lý mãi dâm Gauducheau đã tiến hành loạt bài phê bình gây sôi
nổi, chỉ trích bản chất mất tự do và chuyên chế của chế độ hiện hành.[47] Tóm lược quan điểm
của phe chủ trương bãi bỏ quản lý mãi dâm trong một khảo cứu hoàn thành vào năm
1930, Bác sĩ Joyeux nhận xét rằng phái này coi việc “lấy lý do [phòng chống]
bệnh lậu làm suy giảm tự do cá nhân là điều không thể chấp nhận được.”[48]
Vũ Trọng Phụng trích dẫn diễn ngôn cộng hòa
này nhiều lần trong phóng sự Lục xì và ủng hộ đường lối của
phe chủ trương bãi bỏ. “Bỏ nhà lục xì”, ông viết, và “đóng cửa các nhà thanh
lâu.”[49] Đặc biệt, Vũ Trọng
Phụng lên án sự tham nhũng, bắt bớ tùy tiện và lạm dụng quyền lực của đội cảnh
sát xướng kỹ. “Bãi bỏ ngạch ‘đội con gái’ vì ngạch ấy là một sự đáng xấu hổ của
những nước văn minh.”[50] Mặt khác, Vũ Trọng
Phụng ca ngợi quan điểm của phe chủ trương bãi bỏ quản lý mãi dâm là
“công bằng” và “nhân đạo” vì nó “căn cứ vào sự bình đẳng của đàn ông và đàn
bà.”[51] Trong chương cuối của Lục
xì, Vũ Trọng Phụng trích dẫn và đồng tình với quan điểm của Victor Basch,
chủ tịch Hội Nhân quyền ở Pháp – một ví dụ hoàn hảo của tinh thần cộng hòa,
rằng hệ thống thắt buộc mãi dâm là “bất công” và “chuyên chế,” và “những luật
thắt buộc mại dâm là trái với tôn chỉ bình đẳng của mọi người… trước pháp
luật.”[52] Rồi Basch kêu gọi
việc áp dụng ngay lập tức ở Đông Dương dự luật bãi bỏ quản lý của Sellier, được
chính phủ Mặt trận Bình dân đề xuất một năm trước đó.[53]Thay cho các thiết chế quản
lý cần bãi bỏ, Vũ Trọng Phụng đặt niềm tin vào sức mạnh của giáo dục, ủng hộ
việc tiến hành cuộc vận động về sức khỏe công chúng trên quy mô lớn bao gồm cả
phim ảnh, tuyên truyền và giáo dục tình dục ở nhà trường.
Mặc dù lên án việc quản lý mãi dâm và ủng hộ
chủ trương bãi bỏ quản lý, Vũ Trọng Phụng sử dụng gần như toàn bộ chương cuối
của Lục xì để tấn công chủ trương “tiến hóa”, một chủ trương
“thỏa hiệp” được nhiều người ủng hộ trong cuộc tranh luận về việc quản lý mãi
dâm ở Đông Dương. Mặc dù những người ủng hộ đường lối này trong bộ máy quan
liêu thuộc địa biện hộ rằng chủ trương tiến hóa là một bước nhượng bộ ở giữa
hai quan điểm, chủ trương này hầu như không mang lại thay đổi cụ thể nào trong
hệ thống quản lý hiện hành. Thay vào đó, chủ trương “tiến hóa” đưa ra cách biện
minh khác cho việc tiếp tục hệ thống quản lý hiện hành, viện cớ là xã hội “An
Nam” lạc hậu chính là bước cản không thể vượt qua được để có thể thực thi
chương trình bãi bỏ quản lý một cách hiệu quả. Về chủ trương tiến hóa, Vũ Trọng
Phụng trích Giáo sư Labrouquere của Đại học Luật Hà Nội:
“Việc ban hành chế độ thủ tiêu ở Đông Dương
vấp phải những sự trở lực lớn là vì ở Đông Dương, những sổ sách về lý lịch,
sinh, tử, giá thú chưa được rõ ràng, nền học thức sơ đẳng chưa được phổ thông,
công cuộc y tế còn khuyết điểm, và sau cùng là vì dân chúng còn dốt nát quá.
Bởi vậy, những phương pháp bài trừ nạn hoa liễu cũng phải tùy nghi châm chước
cho hợp với trình độ người dân.”[54]
Để phản bác, Vũ Trọng Phụng gợi ý rằng chiến
thắng của phe chủ trương bãi bỏ quản lý mãi dâm tại “gần khắp các nước ở Âu, Mỹ
đã văn minh tiến bộ” và việc “Hội Quốc Liên đã quyết nghị ưng chuẩn việc đóng
cửa các nhà thanh lâu” là chỉ dấu cho thấy chính sách của Pháp ở Đông Dương (và
cả ở Pháp cũng thế) đã lạc nhịp với xu thế phổ quát đang nổi lên.[55] Tương tự với việc
thiết chế quản lý đối xử với phụ nữ không bình đẳng (một khía cạnh của hệ thống
mà các nhà chủ trương bãi bỏ quản lý phản đối), chủ nghĩa sô-vanh văn hóa (và
chủng tộc) của quan điểm tiến hoá đối với người dân bản địa đã vi phạm những lý
tưởng cộng hòa về chủ thuyết phổ quát. Bác bỏ quan niệm kẻ cả cho rằng “dân An
Nam chưa đủ tư cách”, Vũ Trọng Phụng thúc giục giới tinh hoa bản địa kêu gọi
việc bãi bỏ quản lý mãi dâm ngay lập tức:
“Những nhà viết báo, những ông dân biểu – nếu
thật lòng muốn giải phóng cho phụ nữ nước nhà thoát khỏi chế độ mại dâm nô lệ –
nên sửa soạn kêu đòi cho được cái luật Sellier, một cách cũng sốt sắng như các
ngài vẫn kêu đòi Tự Do.”[56]
Bên cạnh việc thể hiện sự ủng hộ chủ trương
bãi bỏ quản lý mãi dâm như một giải pháp cải cách ôn hòa cho một vấn đề khủng
hoảng xã hội cấp bách, lời kêu gọi của Vũ Trọng Phụng cho thấy cách tiếp cận
dựa trên tiến trình dân chủ và cởi mở, có sự tham gia của các nhà báo và các
dân biểu cùng hoạt động vì lợi ích chung. Những yếu tố này trong lập luận của
Vũ Trọng Phụng củng cố ấn tượng là, tương tự việc ông chống lại sự thống trị
của giá trị thương mại trong xã hội Việt Nam nói chung, việc Vũ Trọng Phụng
chống lại sự quản lý của nhà nước về tình dục thương mại, dựa trên cảm quan của
chủ thuyết cộng hòa.
Ngược lại với những nghiên cứu quan trọng về
lịch sử trí thức người Việt thời thuộc địa của David Marr, Alexander Woodside,
Daniel Hémery và Hồ Tài Huệ Tâm, những nghiên cứu xem xét nhiều nhà tư tưởng
trong một khung phân tích đơn nhất, cuốn sách của tôi tìm hiểu chủ thuyết cộng
hòa thuộc địa qua việc xem xét kỹ một nhà văn nhiều ảnh hưởng.[57] Bằng cách này, cuốn
sách theo bước nghiên cứu của Sophie Quinn-Judge về Hồ Chí Minh và của
Christoph Geibel về Tôn Đức Thắng.[58] Cũng như các nghiên
cứu chỉ tập trung vào một nhân vật, độ rộng xã hội học được thay thế bằng độ
sâu tri thức. Có thể điều này mang lại kết quả là bức tranh về viễn kiến chính
trị và xã hội của Vũ Trọng Phụng không khớp với bất cứ phạm trù tư tưởng chung
nào mà ta thấy trong các nghiên cứu hiện hành, và không có phạm trù nào nắm bắt
được độ rộng và phức tạp trong tư tưởng của Vũ Trọng Phụng. Vũ Trọng Phụng
không chỉ là một nhà dân tộc hay nhà chống thực dân chủ nghĩa mà hơn thế nhiều;
tương tự, cũng khó mà đóng khung ông thành một nhà truyền thống mới
(néo-traditionalist) hay nhà hiện đại chủ nghĩa. Việc ông đồng thời chống các
chủ thuyết cộng sản, phát-xít, chủ nghĩa tư bản vô độ và quyền lực phong kiến
tiền hiện đại càng phức tạp hóa nỗ lực mô tả chương trình nghị sự của ông. Cũng
như với Anatole France và André Gide (ông đọc cả hai tác giả này) hoặc
Emile-August-Chartier (còn được biết đến với tên Alain) – triết gia nhân văn
được xem là gắn bó nhất với sự thiết lập chính trị của nền Cộng hòa đệ Tam thời
kỳ giữa hai cuộc thế chiến, Vũ Trọng Phụng là “kẻ thù thâm căn cố đế của mọi
dối trá và đạo đức giả, của mọi phù hoa và nghi thức khoa trương.[59]Quan trọng hơn hết là Vũ
Trọng Phụng đã “chống đối.”[60] Điều này phù hợp với
tuyên bố của Lan Khai rằng tình cảm kiên định nhất ở Vũ Trọng Phụng là “phẫn
uất với bất công” hơn là ủng hộ một lý tưởng rành mạch hay một viễn kiến cải
cách rõ ràng nào.[61] Chương trình nghị sự
của Vũ Trọng Phụng cũng khác với “chủ nghĩa cấp tiến” của người Việt miền nam,
khác với “tâm trạng chính trị” được Hồ Tài Huệ Tâm mổ xẻ thành thạo trong
nghiên cứu gây nhiều ảnh hưởng của bà về văn hóa chính trị Đông Dương trong
thập niên 1920. Bất chấp sự hiện diện của nhiều mối bận tâm chồng chéo mang cảm
quan cộng hòa, quan điểm bảo thủ của Vũ Trọng Phụng về quan hệ giới, về chủ
nghĩa cá nhân và về “phụ nữ hiện đại” không phù hợp với quan điểm song hành về
giải phóng cá nhân và tự do chính trị mà Hồ Tài Huệ Tâm xác định là nét trọng
tâm trong “chủ nghĩa cấp tiến” của người Việt thời kỳ giữa hai cuộc thế chiến.[62]Vì vậy, chủ thuyết cộng hòa
thuộc địa, một phạm trù suy nghiệm riêng biệt tuy có liên quan, có vẻ có khả
năng nắm bắt được những đường nét chính xác trong dự án của Vũ Trọng Phụng hơn
là chủ thuyết cấp tiến.
Tầm quan trọng lịch sử của chủ thuyết cộng hòa
thuộc địa của Vũ Trọng Phụng được tăng cường do sự phổ biến rộng rãi tác phẩm
của ông và vì một nhóm nhỏ nhưng quan trọng của giới trí thức người Việt thời
kỳ giữa hai cuộc thế chiến cũng chia sẻ nhiều mối bận tâm và cam kết tư tưởng
của ông.[63] Tuy chỉ chiếm một con
số khiêm tốn, những nhà báo và nhà văn nhiều ảnh hưởng này đã gây ảnh hưởng lớn
qua việc thể hiện quan điểm của họ bằng những hình thức dễ tiếp cận như truyện
hư cấu đăng nhiều kỳ, xã luận báo chí và phóng sự điều tra. Những nghiên cứu
gần đây đã khẳng định tầm quan trọng của chủ thuyết Cộng hòa trong diễn ngôn
của phe “cấp tiến” miền nam và nhóm Tự Lực Văn Đoàn ở miền bắc, cũng như khi
xem xét kỹ các bài viết của những trí thức quan trọng như Phan Khôi, Lê Tràng
Kiều, Ngô Tất Tố, Phùng Bảo Thạch và Lan Khai.[64] Nhưng khi xung đột
giữa các thế lực cộng sản và chống cộng của người Việt trở nên căng thẳng vào
thời kỳ Chiến tranh Lạnh toàn cầu, không gian cho dự án mang cảm quan cộng hòa
ôn hòa bị thu hẹp. Không phải ngẫu nhiên mà Vũ Trọng Phụng bị cấm trong suốt
hai mươi lăm năm, kể từ cuối thập niên 1950 cho đến đầu thập niên 1980, thời kỳ
đánh dấu đỉnh cao của sự phân cực này. Để kết thúc bằng giọng lạc quan hơn,
theo tôi, sự phổ biến trỗi dậy của Vũ Trọng Phụng kể từ khi việc cấm đoán tác
phẩm của ông được bãi bỏ vào giữa thập niên 1980 cho thấy tính lâu bền đáng
ngạc nhiên của một truyền thống cộng hòa ở người Việt tuy còn sơ khai nhưng đã
rõ nét.
NGUYỄN NGUYỆT CẦM dịch
(Bản dịch tiếng Việt chưa kịp điền các chú thích ở bản gốc tiếng Anh)