Tuesday, December 10, 2013

DORIS LESSING


Doris Lessing: a model for every writer coming from the back of beyond (Margaret Atwood)


  tại Luân Đôn. Sinh ở Teheran (Iran) năm 1919 rồi theo cha mẹ nghèo sang Rhodesia (nay là Zimbabwe) làm nông trại. Sau lần hôn nhân đầu tan vỡ, bà để hai con lại cho chồng nuôi rồi lập gia đình lại với người đồng chí cộng sản Gottfried Lessing vừa tham gia các hoạt động chính trị chống thực dân ở Nam Phi. Sau đó bà lại bỏ chồng đem con về Anh và bắt đầu sự nghiệp văn chương với tiểu thuyết đầu tay The grass is singing (Cỏ đang ca hát) về tệ nạn kỳ thị da đen ở Rhodesia. Tuổi thanh niên gắn liền với các phong trào đấu tranh xã hội chống tư bản và thực dân, bà từng là đảng viên Đảng Cộng Sản Anh nhưng đã bỏ đảng sau khi biết được sự thật về chế độ Stalin. Năm 1962 , Doris Lessing hoàn tất kiệt tác The Golden Notebook (Sổ ghi chép sắc vàng), tiểu thuyết được cấu tạo qua mấy cuốn nhật ký của  nhân vật nữ Anna Wulf phân thân thành nhiều tính cách phức tạp. Dù bà không nhận danh hiệu " feminist", cuốn tiểu thuyết này đã trở thành sách gối đầu của các ngòi bút nữ quyền bên cạnh các tác phẩm của Simone de Beauvoir và Adrienne Rich.
  
Khi thắng giải Nobel, Doris Lessing được 89 tuổi - người già nhất trong số các vị Nobel Văn Học từ trước đến nay! Nữ văn sĩ Margaret Atwood trong bài ai điếu trên The Guardian (17-11-2013) đã tôn bà là "mẫu mực cho các nhà cầm bút trở về từ cõi xa xăm biệt tích" và đòi tạc tượng bà trên đỉnh núi Rushmore của các văn hào thế kỷ 20.  Đã phấn đấu trong bao nhiêu năm tháng thăng trầm để tồn tại và sáng tạo, cuộc đời Doris Lessing  ly kỳ hơn nhiều truyện ngắn truyện dài cho dù bà từng đề tựa như sau cho tiểu thuyết The Golden Notebook : "I have to conclude that fiction is better at 'the truth' than a factual record."(Tôi phải kết luận rằng hư cấu nói về "chân lý " hay hơn việc ghi chép sự kiện).

                                                                                                             CHÂN PHƯƠNG





British novelist Doris Lessing  
SAU   9-11 

                                                                                     DORIS  LESSING



Bận lo rao hàng cuốn sách African Laughter  của mình,  tôi bay lượn (như các tác giả vẫn làm) khắp East Coast (a), gọi các cú điện thoại hay trả lời phỏng vấn, và phải đi đến kết luận rằng người Mỹ cứ nghĩ Phi Châu là Long Island (b) với một chính thể duy nhất nằm đâu đó ở phương Nam. (Ấn Độ Dương? Ở nơi nào vậy?). Trong đời tôi chưa từng gặp một cử tọa nào dốt đần như lần đó ở New York, chán ngán vô cùng. Nhưng ngày hôm sau tại thủ đô Washington lại là 300 người thông minh nhất và có thông tin đầy đủ nhất mà tôi còn nhớ rõ. Coi Hoa Kỳ như đơn vị thuần nhất là một nhận định không hữu ích. Nhưng tôi xin mạo muội vài điều khái quát sau đây.

Hoa Kỳ theo tôi có rất ít khả năng chống trả một ý niệm hoặc xúc động quần chúng, tương tự các cộng đồng biệt lập khi gặp phải các chứng đậu mùa hay ho gà. Nhìn từ bên ngoài bạn sẽ thấy hết bão dữ này đến thiên tai khác quét ngang một cảnh trí đầy đối cực. Chiến Tranh Lạnh nơi đây lạnh hơn bất cứ nơi nào ở phương Tây với vụ hành quyết thẳng tay vợ chồng Rosenberg và những màn lố bệch của các cuộc xử án thời McCarthy. Vào thập niên 70 Black Power(c), tranh đấu nữ quyền, băng nhóm Weatherman (d) bùng rộ. Khi tôi sang thăm viếng chỉ nghe thiên hạ bàn tán về mấy vụ ấy.

Hai năm sau các sự kiện đó có lẽ vẫn còn sôi động nhưng không còn nghe ai nhắc đến. Một người bạn bảo tôi: “Chị biết chúng tôi quá, trí nhớ bọn này rất đoản.”

Mọi sự đều thái quá. Ai cũng biết thế nhưng sự kiện này ít khi được lưu ý đến khi chúng ta gắng công tìm hiểu những gì đang diễn tiến. Phong trào rất tiếng tăm Political Correctness (đ) khởi đầu như là chủ trương tra xét ngôn ngữ để tìm ra những thiên kiến tàng ẩn đã biến thành cơn lên đồng tâm thần và không lâu sau đó đã lây nhiễm sang toàn bộ nhiều lĩnh vực giáo dục. Các đại học bị nó phá nát. Lần tôi ghé thăm một thành phố đại học không xa New York lắm, hai nam giáo sư đã kéo tôi ra ngoài vườn vì sợ bị nghe lén để bảo cho biết là họ căm ghét những điều họ bắt buộc phải giảng dạy, nhưng họ có gia đình và sẽ không được tuyển vào ngạch giáo sư nếu không phục tùng đường lối chung. Vài năm trước đó ở Los Angeles tôi được biết rằng tiểu thuyết The Good Terrorist của mình được dùng làm tài liệu học tập. Các sinh viên được dạy cách dò tìm trong tác phẩm xem có gì trái lập trường. Cách tiếp cận văn học như thế được coi là đúng là tốt. Không may thay những ý kiến chắc nịch như đinh đóng cột lại thu hút đám người ngu đần. Bên Anh cũng thấy những triệu chứng nhẹ hơn của cùng căn bệnh đó cho nên điều cần được quan tâm để rút ra bài học là liệu trò lên đồng tâm thần như thế nếu không ngăn ngừa sẽ dẫn dắt người ta về đâu.
 
Phản ứng đối với các biến cố (hiển nhiên là khủng khiếp) ngày 11-9-2001 có vẻ thái quá đối với người nước ngoài, và chúng ta phải nói lên điều này cho những người bạn Mỹ biết, cho dù họ đã trở nên quá nhạy cảm và sẳn sàng cắt đứt mọi quan hệ kèm theo mấy lời kết án [chúng ta] là vô tâm chai đá. Hoa Kỳ đang mắc phải cơn sốt ái quốc khiến tôi nhớ lại Thế Chiến Hai. Người Mỹ cảm thấy mình là ngoại lệ, cô lập, bị hiểu lầm, bị bao vây, và họ coi mọi điều phê bình là phản trắc.

Có lẽ lời phán xét gây bực tức phẫn nộ “  ai gieo gió thì gặt bão”  đã bị hiểu sai. Người Mỹ rốt cuộc đã nhận được bài học là họ cũng giống như mọi người, có thể trở thành nạn nhân của cặp rắn Ganh Tị và Báo Oán, những quả bom nổ tung nơi góc đường (tương tự Belfast) hoặc trong khách sạn nhà trọ chính phủ (như ở Brighton). Chính người Mỹ cũng nói rằng họ đã bị đuổi khỏi vườn Địa Đàng của mình. Lạ là cái điều  người Mỹ lại từng có ý nghĩ rằng họ có quyền được vui hưởng  Địa Đàng.

                                    CHÂN PHƯƠNG dịch từ nguyên tác

                CHÚ  THÍCH  (của người dịch)

a)   bờ biển miền Đông Hoa Kỳ, kéo dài từ tiểu bang Maine cực Bắc xuống tận Florida.

b)  đảo nằm gần New York, về hướng đông nam, nơi sông Hudson đổ ra biển.

c)   tổ chức và phong trào tranh đấu da đen đòi quyền công dân vào thập niên 60 ở Mỹ.

d)  nhóm vũ trang chủ trương bạo động cách mạng vào những năm 60 ở Mỹ.

đ)   Political Correctness (gọi tắt PC) là cuộc đấu tranh chính trị - văn hóa do các dân thiểu số và nữ quyền ở Mỹ khởi xướng. Bắt nguồn từ các cuộc biểu tình những năm 60, phát triển sâu rộng - đặc biệt ở các đại học – vào thập niên 80-90, PC chống lại tư tưởng da trắng độc tôn và kỳ thị chủng tộc, nhất là ở các nhóm Thiên chúa giáo bảo thủ (Christian conservatives) hoặc Tin Lành WASP của vùng East Coast. Từ yêu cầu cải cách xã hội ban đầu, PC càng về sau càng cực đoan phất cao lá cờ quan điểm lập trường  tạo nên bầu khí khủng bố tinh thần như một bệnh dịch trong truyền thông và giáo dục. Phe hữu đã phản công mạnh, tiêu biểu là những bài viết của Samuel Huntington và cuốn The Closing of the American Mind của Allan Bloom. Hậu quả chính trị không được khả quan là 8 năm giành lại quyền bính của W. Bush và đảng Cộng Hòa. Quả lắc đồng hồ của chính tình Hoa Kỳ nay đã chuyển sang hướng đối nghịch, minh họa  một cách đầy thuyết phục cho ý kiến trên đây của Doris Lessing về đặc tính văn hóa đáng chú ý của nước Mỹ: biến chuyển nhanh từ thái cực này qua cực điểm khác! Có thể tạm dịch Political Correctness là Đúng Lập Trường, theo cách nói phổ biến ở VN dưới chế độ cộng sản Hà Nội từng mang đậm dấu ấn của Bắc Kinh.