Friday, December 20, 2013

Chúng ta đều là “CON” cả


Loài người bắt đầu bằng chữ “CON”. Thế nên, đôi khi họ cư xử rất là “CON” cũng chẳng phải là lạ. Và không chỉ loài người, tôi tin ngay cả thượng đế cũng khó có thể hoàn hảo. Chẳng phải Rihanna đã từng hát “Even angels have their wicked schemes,”  ngay cả thiên thần cũng có những toan tính xấu xa cho riêng mình! Khi nào tốt, khi nào xấu? Khi nào “CON”, khi nào “NGƯỜI”? Khi những cái bẫy được bật lên!
 
Cái bẫy vật chất!
 
 
Vào ngày thứ sáu đen tối hàng năm, dân Mỹ lại đổ xô đi mua sắm. Đây là cái thời điểm mà người ta xô đẩy nhau, người ta giành giật nhau, người ta thóa mạ nhau và thậm chí người ta choảng nhau, bắn nhau, dẫm đạp lên nhau chỉ vì vài món đồ đại hạ giá. Những bản ngã con người lộ rõ. Giao thông tắc nghẽn. Trộm cắp hoành hành. Chen lẫn tiếng cười thỏa mãn là những tiếng huyên náo tức tối, tiếng ganh ghét âm ĩ, và cả những tiếng súng dọa nạt . Liệu bạn có nhận ra Giấc mơ Mỹ văn minh, tiến bộ không? Cái không gian ấy, cái thời điểm ấy là cái đã giải thoát chữ “CON” của loài người một cách rất mạnh mẽ, đến nổi khi ta đã quá quen sống trong lịch sự, nho nhã phải ồ lên kinh ngạc, bàn tán.
 
Nhưng nước Mỹ vẫn cứ rất đẹp bạn à! “American Beauty” Một vẻ đẹp không đến từ sự bóng bẩy, không đến từ những lớp phần dầy cộm, không đến từ những hoa mỹ, đạo đức ngôn từ. Nó đến từ những toan tính, những ham muốn đồi bại, những rạn nứt bên dưới “ngôi nhà nhỏ với hàng rào trắng bao quanh”. Chúng ta không thể đẹp lên khi chúng ta không thể nhận ra bản thân chúng ta là ai, kể cả những mặt tốt và những mặt xấu.
 
Black Friday vẫn được gọi là Black Friday! Người Mỹ không thích gọi nó là Big Friday. Có thể, họ thích cái xấu xa, cái kích động, cái hoang dại mà nó đem lại. Sau đó, họ rét run lên và thề thốt với Chúa trời sẽ không bao giờ lặp lại. Nhưng họ vẫn rất thích, và lặp lại hay không thì chỉ có Chúa mới biết. Black Friday đã nhắc nhở họ sống đúng nhất với chữ CON, để sau đó tôn trọng chữ NGƯỜI.
Thế nên, dân mình có “hôi” chút bia thì lấy đó mà để dạy nhau, để xấu hổ, để biết mà tránh, chứ đừng kinh tởm, chì chiết và giễu cợt. Chúng ta sẽ chẳng thể là NGƯỜI khi chúng ta chưa từng là CON, cùng lắm thì chỉ là giả NGƯỜI thôi.
 
Đến những cái bẫy nhân cách!
 
Giáo sư Xoay từng kể rằng, lũ linh dương sẽ ngừng chạy khi sư tử đã bắt được một con trong số chúng. Chúng sẽ đứng ra ngoài, nhìn ngắm sư tử thịt đồng loại chúng. Một số sẽ tiếp tục với bữa ăn bỏ dở. Với giọng điệu vui vẻ, giáo sư đã chỉ ra rằng, các CON vật có thói quen thỏa mãn trước sự bí bách của đồng loại. Bởi nó mang lại cho chúng cái cảm giác cao hơn, tốt đẹp hơn. Nhưng dù cảm giác ấy có quý phái đến đâu, ngày mai một trong số chúng sẽ lại là bữa sáng cho sư tử. Và những linh dương còn lại sẽ tiếp tục hớn hở với sự thanh tao của mình. Tiếp tục cho đến ngày tất cả chúng nằm trong bụng của sư tử. Chúng mãi mãi chỉ là lũ linh dương.
 
 
Có những con linh dương khác trong xã hội chúng ta, vì món lợi mà sa chân. Và những con linh dương còn lại sẽ đứng ngoài cười hô hố, dè bỉu các kiểu. Rồi ngày mai, mọi chuyện vẫn như cũ, vẫn đi làm, đi học, đi chơi và bắt đầu ngong ngóng một chú linh dương nào, không phải mình, dại dột sa chân vào bẫy. Cuộc sống lại nhộn nhịp, lại vui tươi! Linh dương vẫn là những con linh dương, đợi đến ngày mình bị đưa lên bàn tiệc.
 
Bạn đã từng bao giờ đứng đó bao giờ chưa? Bị hàng trăm người ào ào qua, cuỗm lấy những khoảng lợi bỏ ngỏ mà tâm mình vẫn bình thản? Đôi tay bạn chưa có vết sần, cớ sao bạn có thể mạnh miệng cho rằng, tiền chỉ là phù du? Đạo đức bạn thật đến đâu, bạn chính nhân quân tử như thế nào khi bạn có thể thoải mái dè bỉu người khác tiểu nhân, đạo đức giả và không biết xấu hổ? Nếu bạn vẫn tự hào về sự cao quý của mình, tại sao ngày ngày bạn vẫn đều đều vào facebook up status, tìm kiếm những cái like? Tại sao ngày ngày bạn vẫn khoa môi múa mép để thu từng đồng nuôi sống bản thân? Tại sao bạn không như những bậc chân tu giấu mình trên núi cao, xa lánh thế sự?
 
Cái bẫy thứ hai là thế! Cái bẫy mà khi người ta cảm thấy tỏa sáng khi được thổi tắt những người xung quanh. Nhưng họ quên mất một câu chuyện của Doraemon. Jaian đi du lịch về, bẻ lấy một cây thạch nhũ để làm kỉ niệm. Khi đem khoe với nhóm bạn, cậu nhận được vô số lời chỉ trích. Trong đó, Nobita là người khí thế nhất. Hậu quả là cu cậu nhận được ngay một quả đấm vào mặt. Khá hài hước ở chổ, nếu tôi nhớ không lầm, kì nghỉ ấy, Nobita là đứa duy nhất phải nằm chèo queo ở nhà và chả có gì làm cả.
 
Càng bĩu môi với “cái chết” của đồng loại, càng phản ánh được sự trống rỗng, sự hoang tàn trong lòng của những chú linh dương bé nhỏ. Điều duy nhất chúng có thể làm là nuốt nỗi sợ hãi vào trong, cúi đầu xuống gặm cỏ và chờ đến ngày mình chết. Nhưng NGƯỜI không bao giờ cam phận như CON. Tự mình dấn thân, tự mình sa bẫy, thì cũng phải tự mình rút ra.
 
Hơn hai trăm triệu quyên góp cho sự cố “hôi” bia không chỉ đơn thuần là sự hảo tâm. Đó là sự cố gắng rút ra của rất nhiều con người, dù rằng chính những con người ấy không hề đạp chân vào bẫy. Điều duy nhất, sau những ngày thứ sáu đen tối ấy, là ta phải biết đứng dậy, biết phủi hết bụi trên vai, kiểm tra lại bản thân có đánh rơi gì không và cố gắng tránh xa những trải nghiệm nguyên thủy như thế! Nó quan trọng hơn nhiều so với việc tô vẽ bản thân mình đẹp hơn, sang hơn, cao quý hơn đồng loại. Tự nhiên tôi nhớ đến một người luôn có thói quen phớt lờ các sự kiện truyền thông, sự kiện xã hội, có lẽ nào tôi đã sai?
 
Và những cái bẫy của phường diều hâu.
 
Anh Hậu đã trả lại toàn bộ số tiền quyên góp. Anh không chỉ rút mình anh ra. Anh đã giúp rất nhiều người có lại niềm tin cho phần NGƯỜI. Tôi tin, với hành động như thế, ông trời sẽ trả lại cho anh những cơ hội mới, để con gái anh sẽ có cuộc sống ấm no hơn.
Và tôi rất ngạc nhiên, khi lượng tin tức về sự bồi thường, về những mặt tích cực của việc khắc phục hậu quả hôi bia, lại không bằng một góc so với tin về sự oán thán, ghê tởm và dè bỉu của xã hội trước đó. Phải chăng, cái bẫy thứ hai quá tinh tế. Tinh tế đến mức không chỉ có hàng trăm người “hôi” bia ở Đồng Nai mà có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người “hôi” nhân cách mình ở khắp mọi miền đất nước, và cả ở quốc tế. Và cuối cùng nó trở thành công cụ thu lợi hiệu quả.
 
 
Đã “hôi” thì dù là cái gì cũng chẳng thể còn lợi cả. Vậy ai là người thụ hưởng? Ai là con chim cắt đứng đằng sau? Là báo chí, là các hot blogger, hot facebooker, là cái con diều hâu đuôi đỏ đang ngồi cặm cụi gõ những dòng chữ này. Báo chí bán thêm được báo, các hot có thêm người follow. Thật buồn cười! Đúng là, bẫy liên hoàn bẫy, và ở đó, quá nhiều kẻ chết đi, một phần của mình, phần NGƯỜI.
 
Có lẽ, chúng ta nên dừng chuyện hôi bia lại ở đây thôi! Chuyển qua vụ bảo mẫu và anh chàng gì đó đang cười toe toét khi chụp ảnh họ. Hy vọng đây sẽ lại là cuộc săn bắt mới vui vẻ hơn, các chú linh dương bé nhỏ nhỉ?