Friday, December 13, 2013

Truyện TỪ SÂM

CÂY  THƯỚC  KẺ  GÃY  ĐÔI


                                                                                               
   
 Thằng Tài, bạn học cùng xóm, giờ là Việt kiều. Mới về nước, nó rủ tôi bằng giá nào cũng tìm thăm thầy giáo cũ. Sau hai ngày, chúng tôi đã đến ngôi nhà nhỏ nằm bên  suối, mái tranh ẩn dưới vườn cây. Sân rộng, thầy ngồi trên ghế băng. Vài ba cái bàn bằng gỗ ván để thô. Khoảng chục đứa trẻ mười, mười một,  xanh xao vàng vọt như chúng tôi ngày trước. Chúng vừa thiếu ăn, như vừa qua đợt sốt rét rừng, co ro quanh thầy vòng quanh ngọn lửa.




  
 “Trò nào chưa ăn sáng thì ăn”, thầy vừa nói vừa bưng rổ bắp luộc đang bốc khói đặt lên bàn. Dăm ba đứa vừa cạp bắp vừa đùa giỡn. “Trò An làm gì mà mọc sừng thế kia”. Thầy kéo thằng An ốm như cò hương vào lòng và xoa lên đầu nó. “Dạ hôm qua con ra suối trượt chân té vào đá, mẹ con bóp nước tiểu hết đau rồi”. “Sáng nay thầy có khách các trò nghỉ”, thầy dặn.

  

    Bọn trẻ đã về hết. Thầy đút cái thước kẻ vào vách tranh như đút gươm vào vỏ. “Dạ con là Tài và đây là Sĩ ở làng Nguyệt Ánh xã Tân Minh thầy nhớ không”. “Sĩ thì thầy hơi quên nhưng Tài thì thầy làm sao quên được, thực tình thầy cũng muốn gặp em. Già rồi, lực bất tòng tâm mà tìm em thì bóng chim tăm cá”. Mắt thầy mọng nước. Mấy chục năm rồi. Thầy như con hạc gầy trong gío đông. Ôn lại những ngày cũ, ký ức còn vẹn nguyên.



    “Hôm đó, gía mà con quay lại”. Tài nói, giọng run rẩy “thầy tha lỗi cho con”. “Chuyện đã qua rồi“, thầy an ủi.



    Thầy chủ nhiệm lớp tôi. Tài “khỉ đột”, biệt danh của nó. Ngồi bàn đầu,  thầy có ý cho nó nhìn lên, ai ngờ nó chuyên nhìn xuống. Cái thằng tính nào tật ấy, khi thầy viết bảng nó quay mặt lại ném cục đất ướt vào đứa này, vứt con thằn lằn chết vào đứa nọ làm cả lớp hoảng sợ. Nhắc đến lần thứ ba nó vẫn không chừa, thầy giơ cây thước gõ vào đầu nó, cây thước gãy đôi rơi xuống sàn khô khốc. Mắt thầy khờ dại, đờ đẫn, tay run rẩy, buông xuôi. Mắt nó đỏ lựng rồi chuyển sang tím tái. Nó chạy ra cửa. Thầy gọi theo, bóng nó xa dần.

   

     Nó là con một, được cưng chiều, mà lại con của cán bộ huyện phụ trách văn xã.



    Thấy con về sớm, hỏi ra, biết chuyện. Mẹ nó sờ lên đầu thấy cục u  bằng quả trứng gà thêm cái miệng rống như tiếng trống, thế là có chuyện. Chuyện vỡ ra như tổ ong. Thầy im lặng không nói gì. Buổi sáng chào cờ sau đó một tuần, thầy hiệu trưởng đọc quyết định, trong đó có câu “không thể chấp nhận người thầy như thế dưới chế độ tươi đẹp XHCN...”.

     Sau này tôi mới biết, thầy bị đuổi và  ghi vào lý lịch nên không bao giờ được ở trong ngành giáo dục.

  

    Thầy nở nụ cười hằn nếp nhăn quá khứ. “Thầy về quê, không ruộng,  không vườn, lại mang án kỷ luật nên không thể vào bất cứ cơ quan nào. Hết đường làm ăn, thầy đi kinh tế mới và chọn nơi này làm quê hương thứ hai. Cái lớn nhất mà thầy có được là  vẫn theo nghề dạy học, dù dạy không lương, không biên chế”.



    “Trước khi bàn giao thầy chủ nhiệm mới, thầy có ghi vào học bạ của Tài “Thầy xin lỗi em và gia đình sự việc vừa qua, nếu được uốn nắn em sẽ trở thành người có ích sau này”, thầy chậm rãi. “Khi hết cấp chuyển học bạ con mới biết, mẹ con cũng ân hận lắm. Nhờ cái thước của thầy mà con tiến bộ dần. Con tìm thầy để giải tỏa nỗi đau mấy chục năm nay khi nghĩ về thầy. Hôm đó con chọi đá với mấy đứa xóm dưới. Cái thước bằng gỗ thông mỏng dính, gõ nhẹ mặt ngang là gãy liền, hồi đó con còn nông cạn …”. “Thầy cũng nghĩ như thế, nhưng cuộc đời tình ngay lý gian, trọng chứng hơn trọng cung”.



    Nói đoạn, thầy vào nhà  lấy trong hòm gỗ cũ một thanh  gói gém cẩn thận. Lớp giấy báo cuối cùng được gỡ ra. “Thầy coi nó là một kỷ niệm và lấy đó răn mình khi xử sự”.  Thằng Tài không tin nổi mắt mình, nó cầm hai mảnh gỗ nhẹ tênh, mỏng dính gắn vào nhau. Vết gãy được hàn gắn, liền thành một khối, như vết thương được băng bó lành lặn - cây thước kẻ gãy đôi.



    Cái thước kẻ làm thay đổi cuộc đời nó và cũng làm thay đổi cuộc đời thầy.



    Ngoài kia suối vẫn trong vắt, nắng vẫn ngập tràn. Lũ trẻ ríu rít từ trường về nhà như bầy chim mới ra ràng.





Nha trang ngày Nhà giáo VN-  2011