Bùi Văn Nam Sơn - Nguyễn Thị Từ Huy
Nguyễn Thị
Từ Huy (NTTH): Tiếp tục cuộc trò chuyện
với nhiều vấn đề triết học sẽ lần
lượt được đề cập, ta không thể
không đến với những triết gia lớn trong quá
khứ. Tác phẩm và tư tưởng của họ có thể
mang lại câu trả lời cho những câu hỏi nóng bỏng
của chúng ta ngày nay?
Bùi Văn Nam Sơn
(BVNS): Chắc hẳn không ai bỏ công nghiên cứu
triết học và nỗ lực diễn giải những
tác phẩm cổ đại hay hiện đại nếu
không tin rằng sẽ tìm được ở đó câu trả
lời hay ít ra những gợi ý cho những câu hỏi của
chúng ta ngày nay. Chỉ có điều, những câu trả lời
không có sẵn, trái lại, chúng ta phải đi đến
với họ bằng những câu hỏi của chính mình.
Ta sẽ không khỏi kinh ngạc khi thấy không chỉ những
tác giả cận và hiện đại mà cả cổ
đại cũng còn đầy đủ tính thời sự.
BVNS: “Gnothi seauton” (Hy Lạp: “Hãy tự
biết mình!”) - bên cạnh “médén ágan” (Không làm gì quá
độ!”) - là lời răn trong tư duy Hy Lạp cổ
đại, được khắc trên một chiếc cột
ở tiền sảnh đền Appollon ở Delphi vào khoảng
giữa thế kỷ 5 tr. CN. Tương truyền là đến
từ chính thần Appollon, nhưng, về lịch sử,
người nào đã nói ra câu ấy đầu tiên thì vẫn
còn đang tranh cãi! Người ta tìm thấy câu ấy trong
một di văn của Heraklitus: “Mọi người đều
có khả năng tự biết mình và suy nghĩ một cách
hợp lý”. Nhưng, ngay từ thế kỷ 4 tr. CN, các lời
răn ấy được cho là bắt nguồn từ
“Thất Hiền”, trước đó rất lâu. Câu ấy
có thể của Chilon, Thales hoặc Solon…, tức của những
vị trong Thất Hiền.
Yêu cầu “hãy tự-biết
mình!” thoạt đầu hướng đến việc nhận
ra sự giới hạn và yếu đuối của con
người (so với thần linh). Con người ở
đây hiểu theo nghĩa giống loài, và lời răn
không chỉ muốn nói đến những giới hạn
con người không thể vượt qua được,
mà còn là lời cảnh cáo trước sự kiêu ngạo và
tự đánh giá quá cao năng lực của chính mình. Trong
rất nhiều văn bản của cổ đại Hy Lạp,
ta luôn tìm thấy sự lý giải rằng con người
luôn ý thức về sự bất toàn, bất túc và không thể
bất tử của mình. Hiểu được lời
răn cũng là hiểu được hạnh khiêm hạ.
Cách hiểu ấy luôn có mặt trong suốt thời cổ
đại Hy Lạp và kéo dài mãi đến thời đế
chế La Mã và Hy Lạp hóa. Chính trong cách hiểu ấy mà
Seneca, triết gia khắc kỷ La Mã, nhấn mạnh sự
yếu đuối, dễ tổn thương của con
người: không cần đến một trận cuồng
phong, chỉ một tai họa nhỏ bé nào đó cũng
đủ hủy diệt con người. Truyền thống
khắc kỷ về gnothi seauton dẫn đến
quan niệm rằng con người phải biết đặt
mình vào trong toàn bộ mối quan hệ với tự nhiên.
“Tự-biết mình” gắn liền với nỗ lực “sống
hòa điệu với Tự nhiên” (homologounenos tè physei zèn).
Nhưng, người đầu tiên thực sự mang lại
chất lượng triết học cho gnothi seauton
không ai khác hơn là Socrates…
NTTH: Vâng, với Socrates, tự biết mình
là tự nhận thức được sự thiếu hiểu
biết của mình, tự nhận thức được
sự không biết của mình. Ông bị người ta kết
tội báng bổ thần thánh. Nhưng thực ra, người
ta tử hình ông vì ông đã dám vạch rõ rằng con người
không biết gì cả, rằng con người chỉ làm ra
vẻ hiểu biết mà thôi. Vì thế mà trước tòa,
Socrates tin rằng thần thánh không bỏ rơi ông, cho dù
con người không tha thứ cho ông cái tội đã chỉ
ra sự ngu dốt của họ, "bởi vì họ không
dám thú nhận sự thật là đã bị bắt quả
tang chỉ giả bộ thông thái chứ thực sự
không có hiểu biết chi hết", ông nói như vậy
trong Tự biện. Và Socrates lặp lại ý này nhiều lần:
"không thiếu gì những người trên đời này
tưởng rằng mình hiểu biết tất cả, mặc
dù thật ra chẳng hiểu gì bao nhiêu, thậm chí không biết
chi hết". Bản thân Socrates tự nhận rằng
mình không biết gì hết : "Tôi chỉ biết một
điều, là tôi không biết gì cả" ("Je ne sais
qu’une chose, c’est que je ne sais rien" - câu dịch sang tiếng
Pháp). Ông cố thuyết phục mọi người đi
tới cùng nhận thức đó, ông cho rằng đấy
là nhiệm vụ mà thần thánh trao cho ông. Thay vì khiến mọi
người tin rằng họ thông thái, hiểu biết, ông
muốn họ tin rằng họ không biết gì cả ;
vì ông hiểu rằng đấy là cách khiến họ trở
nên thông thái hơn. Nhưng ông đã bị giết chết,
bởi có lẽ, đối với những kẻ phán xét
ông, tội phá vỡ ảo tưởng về sự hiểu
biết của con người bị đặt ngang với
tội báng bổ thần thánh. Tại sao việc từ bỏ
ảo tưởng về sự hiểu biết của bản
thân lại khó khăn đến thế ?
BVNS: Socrates không có văn bản nào để
lại. Những gì ta biết về Socrates chủ yếu
là từ Platon và các triết gia đời sau, tuy nhiên, mức
độ khả tín khá cao, theo nghiên cứu của các học
giả. Trước hết, “tự - biết mình” hay “tự
- tư duy về mình” hầu như đồng nghĩa với
triết học. Thế nhưng, công việc triết lý lại
diễn ra chủ yếu thông qua đối thoại. Tự
-tư duy và đối thoại không loại trừ nhau, có
lẽ đó là điểm độc đáo đầu tiên
của Socrates. Khi Socrates được lời sấm ngôn
của Apollon dặn dò phải tự tra hỏi chính mình một
cách chính xác hơn, ông không ngồi yên suy nghĩ mà đi
đến với những người khác - đến
với những người thợ thủ công, thủy thủ
và nhà chính trị, để, bằng sự so sánh với họ,
mà nhận ra chính mình là ai. Và khi Alkibiades hỏi ông làm thế
nào để tự - biết mình, ông trả lời: hãy nhìn
vào mắt người khác! Vì thế, đối thoại,
tranh biện, gặp gỡ người khác là “con đường
vương giả” của triết học. Kể cả
đối thoại âm thầm với người khác ngay
trong đầu óc mình! Bao nhiêu đại triết gia -
Spinoza, Kant, Hegel hay Nietzsche…. - đã có những thành tựu lớn
bằng cách ấy. Rồi ngay cả vũ trụ, thế
giới, xã hội - khi được nắm bắt trong
tư tưởng - cũng có thể được xem
như tư tưởng của một “người khác”.
Trở lại vụ án
Socrates, nhiều nghiên cứu xác thực về bối cảnh
xã hội của Athens cổ đại cho thấy: Socrates
đi trước thời đại của mình, nên không
tránh khỏi trở thành nạn nhân của nó. Về chính trị,
tuy Socrates làm tròn nghĩa vụ công dân (thực hiện
nghĩa vụ quân sự, nhận chức vụ do bốc
thăm, không bỏ trốn khi bị kết tội tử
hình…), nhưng ông không chịu tham gia tích cực vào định
chế. Hơn thế, ông thực sự theo đuổi một
loại hình chính trị khác - mà ông gọi là “chính trị
đích thực” - nằm bên ngoài thể chế, xem nhẹ
kỹ thuật tu từ, đề cao nghệ thuật
đối thoại (tức: phép biện chứng). Điều
này gắn liền với niềm xác tín triết học
chưa từng có trước đó: hãy xuất phát từ
tâm hồn thực sự của cá nhân, sống trọn vẹn
ý thức cá nhân như là điều kiện tiên quyết của
một nền chính trị mới mẻ. Thế hệ trẻ
- tầng lớp ưu tú tương lai của Athens - thấy
hứng khởi trước phong cách mới ấy của
ông, và, tất nhiên, ông trở thành mối đe dọa cho
trật tự hiện tồn.
Socrates không tin vào giá trị
tự thân của số đông (qua lá phiếu kết tội
ông); cũng không còn tin vào mười hai vị thần cố
hữu của thế hệ những Homer, Hesiod, vì quả
thật ông đã có một niềm tin khác: tin vào vị “thần
Daimonion” trong đáy lòng ông mà ngày nay ta gọi là “lương
tâm”. Từ đó, Socrates vững tin vào “sứ mệnh” thiên
phú của mình (có nét tương tự nào đó với Khổng
Tử: “Thiên sinh đức ư dư…”), một “sứ mệnh
tiên tri” vốn xa lạ với truyền thống Hy Lạp,
vì Athens không phải là Jesusalem!
NTTH: Vụ án Jeremias?
BVNS: Đúng thế! 100 năm trước
Socrates, Jeremias cũng bị mang ra tòa vì ông đã nói những
lời tiên tri về sự bất hạnh sẽ xảy
đến cho Jesusalem. Jeremias đã phát biểu trước
tòa không khác Socrates là mấy: "Thượng đế
đã thực sự gởi ta đến đây để
nói những lời này cho các ngươi". Nhưng, khác với
ở Athens, các quan chức và nhân dân Jesusalem lại bảo:
người này không đáng chết, vì đã nói với chúng
ta nhân danh Thượng đế, Thiên Chúa của chúng ta!”
và nhắc đến tiền lệ là Micha, vào thời vua
Hiskija (khoảng năm 700 tr. CN), đã tự do hành nghề…
tiên tri! Một thứ chân lý vượt lên trên định
chế và nền chính trị hiện hành, dành cho từng
người công dân một vị trí độc sáng, đã
không thể và không được phép tồn tại trong nền
dân chủ Athens thời ấy! Vào thời cổ đại
Tây phương, Jesusalem và Athens có thể được xem
như hai mô hình đối lập tiêu biểu.
Xét ở các phương diện
ấy, Socrates đã không bị xử… oan! Ông đón nhận
số phận của mình, với tư cách trọn vẹn
của một “nhân vật bi kịch” đúng như nhận
xét thâm thúy của Hegel (trong “Các bài giảng về lịch
sử triết học”, tập I).
NTTH: Hãy thử điểm qua những nhận
xét của Hegel…
BVNS: Trước hết, theo Hegel, đó là
phương thức làm triết học của Socrates.
Điều duy nhất tôn vinh Socrates chính là ở chỗ ông
không có ảo tưởng về tri thức nhất thời
của riêng mình. Ông luôn tự hỏi: tại sao thế giới
không tương ứng với những hình dung đẹp
đẽ của những Anaxagoras? Tại sao lại có chiến
tranh liên miên giữa các thành quốc Hy Lạp? Thời bấy
giờ, những đại nghị hội của Athens (12
ngày một lần!) bị thống trị bởi kỹ
thuật tu từ; người ta chỉ giỏi thuyết
phục nhau, nhưng trong khuôn khổ những sự nhất
trí theo truyền thống, trong những quan niệm cố hữu
về luân lý, đạo đức công cộng. Trong khi
đó, Socrates đòi hỏi ngược hẳn lại: “ta
phải nghi ngờ tất cả; ta phải từ bỏ mọi
tiền-giả định để khôi phục niềm
tin từ những gì do lý trí mang lại”. Phương cách
đối thoại nổi tiếng của Socrates là làm cho
những niềm tin có vẻ vững chắc bị vướng
vào những mâu thuẫn nội tại. Chẳng hạn, ông
hỏi: “công lý là gì?”. Dựa vào các ví dụ của người
đối thoại, ông cho thấy: quả là bất công khi
cướp bóc, dối trá và lừa đảo. Nhưng,
trong những hoàn cảnh khác (vd: khi đối phó với giặc
ngoại xâm), những việc làm ấy có khi là cần thiết!
Do đó, Hegel rất đắc ý khi nhận xét: những
khái niệm chung chung - như khái niệm công lý - không thể
áp dụng được, trái lại, điều quan trọng
là phải luôn tra hỏi những điều kiện cụ
thể. Sự phân biệt nổi tiếng của Hegel giữa
cái “phổ biến trừu tượng” và cái “phổ biến
cụ thể” không phải lúc nào cũng quen thuộc với
ta!
Tra hỏi về những
tiền - giả định, theo Hegel, Socrates cho thấy “những
luật lệ hiện hành được tuân thủ một
cách tự động và mù quáng, là không có chân lý”. Chúng phải
được “vượt bỏ” bằng lý tính, tức bằng
một hình thức cao hơn của luân lý/đạo đức
(= biện chứng!). Chính điều này gây bất an cho những
người đồng hương Hy Lạp của ông!
“Cách tra hỏi nhì nhằng của Socrates quấy nhiễu
cuộc sống bình lặng của người Hy Lạp.
Ông làm lung lay những gì tưởng đã là vững chắc”.
Aristophanes, trong vở hài kịch “Đám mây”, không chỉ chế
nhạo Socrates mà còn thẳng tay lên án: “Socrates đáng bị
kết án, vì ông ta đã truyền dạy nghệ thuật
không chịu vâng lời”. Hegel nhấn mạnh ngắn gọn:
“ông bị kết án là phải!”.
Về mặt thực hành,
Socrates kiên quyết không chịu để cho số đông
có quyền phán xử “lương tâm” của mình. Ông không sẵn
sàng phục tùng phán quyết của định chế, mà
chỉ phục tùng tiếng gọi nội tâm: “Socrates sở
dĩ bị kết án tử hình vì ông đã không chịu thừa
nhận “sự uy nghiêm của nhân dân””. Một vấn đề
hệ trọng nảy sinh: ngay cả “nhân dân” và “nền dân
chủ” của nó cũng không phải là toàn quyền và toàn
năng. Hegel nhấn mạnh: “sự tự do đáng
thương là được suy nghĩ theo ý mình mà ai
cũng muốn đã không có mặt lúc bấy giờ”. Tính
chất bi kịch của Socrates – Hegel kết luận – là ở
sự xung đột bất khả hòa giải giữa hai
“lẽ phải”. Mỗi bên đều có “cái lý” của riêng
mình, và loại trừ lẫn nhau. Chỉ có sự vượt
bỏ cả hai để đi đến một sự
thống nhất mới, hiểu cụ thể là thể chế
mới, cao hơn - thường là công việc của thế
hệ sau! - mới có thể ngăn chặn lập trường
phiến diện và cái nhìn cục bộ.
NTTH: Sau Socrates, học trò của ông là
Platon đã xem tâm hồn như là yếu tố căn bản
tạo nên phẩm tính người, vì thế mà việc nhận
biết bản thân được đồng nhất với
việc tìm hiểu về tâm hồn mình (hẳn nhiên về
sau, Freud không đồng ý với việc thể xác bị
lãng quên như vậy). Và việc tự biết mình không phải
chỉ là để phục vụ cho riêng bản thân mình mà
còn để phụng sự người khác. Điều
này có ảnh hưởng đến quan niệm của ông
về người lãnh đạo chính trị giỏi
cũng như về một nền chính trị tốt?
BVNS: Trong triết học Platon, “tự biết
mình” bắt đầu có một sự phát triển kiểu
khác. Tiếp thu tư tưởng của người Thầy
là Socrates rằng con người phải đạt đến
chỗ biết về sự không biết của chính mình,
Platon nhấn mạnh nhiều hơn về mục đích
của nó: nỗ lực vươn tới nhận thức
đúng đắn, và, qua đó, trau dồi tính cách. Nỗ lực
“tự - biết mình” của Platon là bộ phận của
một “kế hoạch” tổng thể về đạo
đức để chăm lo cho “linh hồn”, mà sự
lành mạnh của nó phụ thuộc vào việc vun bồi
“đức hạnh” (arete). Thế là bắt đầu có một
biến đổi sâu sắc về ý nghĩa. Bên cạnh
cách hiểu truyền thống về lòng khiêm hạ, tô
đậm những giới hạn không thể vượt
qua được của con người, bây giờ có một
cách hiểu “lạc quan” hơn nhiều. Yêu cầu “tự
- biết mình” trở thành điểm xuất phát cho việc
nhận rõ về những tiềm lực và khả thể
phát triển mà con người có được, nhờ vào
nguồn gốc và bản tính siêu - tự nhiên của linh hồn.
Đó là nhận biết rằng bên trong ngục tù tạm
thời là thân xác dễ hư hoại này, con người
còn có một linh hồn bất tử và không thua kém thần
linh.
Quan niệm mới mẻ
này gây ảnh hưởng rất sâu sắc đến các
thế hệ sau. Cicero nhấn mạnh: ý nghĩa của Gnothi
seauton không giới hạn ở việc giản thiểu
tham vọng mà còn mời gọi con người nhận thức
và hướng đến “cái Thiện bản nhiên” (bona
nostra).
Các nhà Platon-mới
(Porphyrios, Macrobius…) còn đi xa hơn. Họ quy sự yếu
đuối và mong manh cho thân xác, còn sự linh thánh cho nỗ
lực tinh thần của linh hồn. Họ lý giải câu
châm ngôn của đền Delphi theo hướng siêu linh:
không đi tìm chân lý giải thoát trong thế giới bên ngoài
mà trong sự suy niệm về chính mình, dựa trên nguồn
gốc, bản tính và vận mệnh thiêng liêng của linh hồn.
Các tác giả Kitô giáo cổ đại như Clemens ở
Alexandria và Origenes cho rằng lời răn này bắt nguồn
từ Kinh Thánh Cựu Ước và được người
Do Thái du nhập vào Hy Lạp. Petrus Abaelandus dùng lời
răn này làm nhan đề cho công trình đạo đức
học của mình (Ethica seu scito se ipsum/Đạo đức
học hay “tự-biết mình”), xem lý tính chủ quan và sự
phản tỉnh là cơ sở cho hành vi luân lý.
Đến thời cận
đại, lại chính Hegel đã phát triển gnothi
seauton thành “ý chí tự do đúng thật” trong quan niệm
chung của triết học duy tâm Đức về vai trò
đặc biệt quan trọng của Tự-ý thức.
Theo Hegel, ý chí chỉ tự do, khi nó vừa thực sự
là như thế, vừa biết về điều ấy.
Ông hoàn toàn đồng ý với Kant và Fichte rằng: chính sự
tự do tự giác mới là “nguyên lý của pháp quyền,
của luân lý và trật tự đạo đức (xã hội)”.
Ông nêu ví dụ: “người nô lệ không biết về bản
chất, về tính vô hạn và sự tự do của mình,
sở dĩ như thế là vì không suy tưởng về
chính mình”. (Xem: Hegel: Các Nguyên lý của triết học
pháp quyền, NXB Tri thức, tr. 206 và tiếp).
Tuy nhiên, Tự - ý thức
không chỉ được hiểu theo nghĩa “lý thuyết”
đơn thuần (như là: biết về cái biết của
chính mình”) mà còn cả theo nghĩa “thực hành” theo nghĩa
“muốn hành động”. Chính hai mặt này (“biết chính
mình” và “muốn chính mình”) tạo nên “động lực tuyệt
đối” của Tinh thần tự do.
NTTH: Trở lại với Platon đi…
BVNS: Ồ, xin lỗi đã đi quá xa,
nhưng thật ra không… lạc đề! Chính cách hiểu
mới nói trên của Platon đã khởi động cả
một diễn trình tư tưởng đồ sộ. Tiếc
rằng, ta không thể “tóm gọn” tư tưởng Platon,
cũng như không thể “nhét cả Paris vào một cái
chai”! Cuộc trò chuyện đã khá dài, xin dành lại cho lần
khác để tìm hiểu hai câu chuyện cốt lõi nhưng
có vẻ dị thường và khó hiểu trong triết học
của ông: trong nền Cộng Hòa lý tưởng, “triết
gia phải… làm vua?” (do năng lực cao độ về “tự
- biết mình”) và nền tảng lý luận của nó: học
thuyết về ý niệm.
Bài
đã đăng ở VHNA online ngày 13 Tháng 10-2012