Charles Bernstein sinh năm 1950 tại New York
City. Ông đã xuất bản hơn 20 tập thơ, trong đó có những tập được biết
đến nhiều nhất là: Parsing (1976), Legend (với Bruce Andrews, Steve McCaffery, Ron Silliman, Ray DiPalma, 1980), Stigma (1981), The Nude Formalism (1989), Rough Trades (1991), Dark City (1994), Republics of Reality: 1975-1995 (2000), With Strings (2001), và Girly Man (2006). Ông cũng đã xuất bản 3 cuốn tiểu luận: Content's Dream: Essays 1975-1984 (1986), A Poetics (1992), và My Way: Speeches and Poems (1999).
Ngoài ra Charles Bernstein đã là chủ biên của nhiều tuyển tập thơ và thi pháp, chẳng hạn The L=A=N=G=U=A=G=E Book (1984, với Bruce Andrews), Close Listening: Poetry and the Performed Word (1998), vân vân. Ông cũng là một dịch giả, và ông đã xuất bản 2 tập thơ dịch từ tiếng Pháp là The Maternal Drape (1984, của Claude Royed-Journoud) và Red, Green, and Black (1990, của Olivier Cadiot).
Từ năm 1978 đến 1981, Charles Bernstein và
thi sĩ Bruce Andrews đồng sáng lập và biên tập tạp chí L=A=N=G=U=A=G=E,
đó là một tạp chí về thơ rất nổi tiếng . Ông cũng là người viết ca từ
cho một số vở nhạc kịch của các nhạc tác gia đương đại như Ben
Yarmolinsky, Brian Ferneyhough, và Dean Drummond. Ông đã được trao tặng
nhiều giải thưởng thi ca.
Hiện nay Charles Bernstein là Giáo Sư Văn Chương tại University of Pennsylvania.
___________
Cám ơn vì đã nói cám ơn
Đây là một bài thơ
hoàn toàn dễ hiểu.
Không có gì
trong bài thơ này
khó hiểu
về bất cứ phương diện nào.
Tất cả các chữ
đều đơn giản &
nói thẳng vào vấn đề.
Không có
những khái niệm mới, không có
những lý thuyết mới, không có
những ý tưởng làm cho các bạn
rối trí. Bài thơ này
không giả vờ
trí thức. Nó chỉ
thuần tuý cảm tính.
Nó hoàn toàn diễn tả
cảm xúc
của tác giả: cảm xúc của tôi,
người đang nói chuyện
với các bạn ngay lúc này đây.
Nó hoàn toàn là
sự thông tri.
Từ trái tim đến trái tim.
Bài thơ này đón nhận
& đánh giá cao các bạn
như độc giả của nó. Nó
tuyên dương
sự khải thắng của
óc tưởng tượng của loài người
giữa bao nhiêu rủi ro &
tai họa. Bài thơ này
gồm 90 dòng,
269 chữ, và
nhiều âm tiết hơn
thì giờ tôi có
để đếm. Mỗi dòng,
mỗi chữ, & mỗi âm tiết
đều được chọn lựa
chỉ để truyền đạt
ý định muốn nói mà thôi
& không còn gì khác.
Bài thơ này từ chối
sự tối tăm & bí ẩn.
Không có gì được
che giấu. Một trăm
độc giả thì mỗi người
đều đọc bài thơ
một cách hoàn toàn
giống nhau & đều hiểu nó
một cách hoàn toàn
giống nhau. Bài
thơ này, cũng như tất cả
những bài thơ hay, kể
một câu chuyện theo phong cách
trực tiếp chứ không bao giờ
để cho độc giả
đoán mò. Dẫu
có đôi lúc diễn tả
sự cay đắng, giận dữ,
oán hận, bài ngoại,
& thấp thoáng ý nghĩ phân biệt chủng tộc,
nhưng tâm trạng tối hậu của nó
là sự đồng cảm. Nó tìm thấy
niềm vui ngay cả trong
những giây phút đắng cay
của cuộc sống
mà nó cùng chia sẻ với
các bạn. Bài thơ này
tiêu biểu cho sự hy vọng
về một thứ thơ
không quay lưng lại
với độc giả,
không cho rằng nó
giỏi hơn độc giả,
và nó dấn thân vào
thi ca như tham dự
một sinh hoạt phổ thông,
giống như
thả diều hay
câu cá. Bài thơ này
không thuộc
trường phái nào, không có
giáo điều nào. Nó
không theo
bất cứ trò thời thượng nào. Nó
chỉ nói
điều nó muốn nói. Nó
có thật.
--------------------
Dịch từ nguyên tác “Thank You for Saying Thank You”, trong Charles Berstein, Girly Man (Chicago: The University of Chicago Press, 2006) 7-9.- nguồn TV