NƯỚC TRẮNG XOÁ ĐỒNG…
Em bị tiếng mưa rơi đổ ào ào xuống
mái tôn gọi bật dậy, bắt chước mọi
người ngồi lên thỏng chân khỏi giường
nhìn nước từ từ len vào khe cửa mỗi lúc một
nhiều và mạnh. Không gian chật chội, tiếng
người cùng phòng lao xao lo âu khiến em mệt, muốn
được yên tĩnh nhìn dòng nước đục ngầu
lừng lững bò lên liếm mép chân giường. Cụ bà
bên cạnh kêu to Chết, nước mà leo lên giường
thì mình phải làm sao. Có tiếng cười Thì ráng mà
bơi chớ làm sao bà! Cậu bé ở cuối phòng
trườn xuống, đôi chân trần nhỏ nhắn lội
bì bõm trong ánh sáng mờ mờ từ ngoài chui qua khe cửa.
Phải chi có anh thì hẳn vài ba trang giấy sẽ bị
bóc ra, xếp xếp, rồi chiếc thuyền con sẽ nhởn
nhơ bềnh bồng…
Em nhìn thằng bé vẫn thênh thang lội thỉnh
thoảng cười thích thú. Mấy chiếc giường
bên cạnh lao chao ánh nước, đẩy đưa lúc
xa lúc gần gây chóng mặt. Em nhìn giường mình, nó mỏng
manh chất thép nhưng cứng ngắc, thách thức và dửng
dưng trước mọi nỗi niềm. Bà cụ bên cạnh
đã có lúc tâm sự con cháu đời nay nó tệ lắm
cô, lúc nó cần mình thì khác mà hết cần mình thì khác. Em
thông cảm, ậm ừ dạ, an ủi mà chẳng tin vào
những lời mình. Căn phòng chờ như địa ngục,
mọi lứa tuổi mọi thành phần, chẳng có cô
gái nào cho em tán dóc vài câu đỡ tẻ và cũng chẳng
biết bao giờ mới được xét xử. Ông ở
cạnh thằng bé nói như có kinh nghiệm mỗi ngày, rằng
nhiều lắm một tuần, càu nhàu trên nguyên tắc ngày
mai ông ta phải đi mà mưa gió lụt lội kiểu
này phiền quá. Bà cụ cười, Thì ông ở thêm vài bữa
có sao! Em nhìn hai cánh cửa thiên hạ khoá bên ngoài chỉ
gió và nước mang theo chút rác rưởi đi vào, nó chia
căn phòng tách biệt hẳn với thế giới mênh
mông. Thỉnh thoảng có người ghé qua, thân nhân hoặc
nhân viên, rồi đi ra, cánh cửa khoá trái chôn giấu bí mật
bên này bức vách, miên man tâm sự. Và lạnh. Lạnh lạ
lùng với tiếng gió đuổi từng loạt mưa
nên tiếng rơi có lúc ngắt quãng rồi dội mạnh
hơn như cơn hắt hơi của người dị
ứng. Có tiếng cành cây răng rắc, nước
mưa dào dạt vậy mà tiếng gẫy nghe vẫn khô
khan. Nước đã đến đầu gối thằng
bé, bà cụ bảo lên giường, nó ngoan cố lắc
đầu. Coi chừng mày trôi mất nghe thằng kia!
Em nhớ sau mỗi trận lụt lớn, thường
tìm thấy những xác người cùng gia đình tay cột
dính chùm. Chắc trước đó họ bảo “Sống
chết có nhau”.
Đèn bên ngoài chợt tắt phụp. Chắc
điện bị cúp. Bà cụ lại rên rỉ. Em thu chân
lên giường vì nước phe phẩy suýt chạm đến
rồi, lạnh quá. Nước lụt rất ác, thường
hăng hái ban đêm. Trong bóng tối đặc quánh em
cũng hình dung được màu nước vàng đục
bẩn thỉu, dâng lên nhanh và mình có cảm giác nó khoái trá một
cách đầy ác ý sắp hại được con người
– nhất là những con người yếu đuối vô
phương tự vệ như những sinh mạng
đang cuống quýu trong phòng này. Ai cũng kêu rêu lo sợ.
Em thì lại hết sức bình thản như mình không còn gì
để mất nữa. Em chợt nhớ con búp bê thuở
bé, nó trần truồng, hai cánh tay thẳng ra nắm hai góc
khăn che thân thể. Cứ mỗi lần cầm đến
nó ai cũng tò mò lật tấm khăn lên. Lần đầu
em cũng như ai. Và thế giới bao la này đối với
em là con búp bê khổng lồ với tấm khăn khổng
lồ che giấu nhiều điều cần phải vén
lên, khám phá. Nhiều thứ đối với em còn hoàn toàn
bí mật mà bây giờ thì em nôn nả muốn khám phá thế
giới chưa bao giờ đặt chân đến vì chẳng
tha thiết gì nữa ở nơi em đang ngồi xếp
bằng trên giường, như thể mọi thứ ở
đây em đã tường tận hết rồi dù tuổi
đời chưa được bao lăm. Em nghĩ đến
những lúc sải tay bơi, cố níu cái gì phía trước
sát lại mình, sát nữa, sát nữa, và thành hồ bơi là
điểm phải chạm trước mọi người.
Rồi sau đó là những giọt nước còn đọng
trên mi trên má với nụ cười rạng rỡ kiêu kỳ,
lời khen và giải thưởng... Nhưng em vẫn
không vui, không bao giờ em vui dù chẳng bao giờ ai thấy
em buồn. Nụ cười của em đúc sẵn trong
không khí, nó chỉ chực thấy mặt em là bám vào, dán lên
đó nhãn mác vui tươi. Trong lúc sải tay chạm thành hồ
là lúc trên hành tinh biết bao nhiêu sống chết, hợp
tan, khóc cười, giả thật… Em khuấy tất cả
những thứ đó hoà tan trong nước – lớp nước
đưa em đến vinh quang với nụ cười
buồn muôn thuở trong lòng. Và anh bước vào đời
em một buổi sáng trời trong xanh bình yên để không
bao giờ ra nữa. Mẹ bảo Cầu Trời Phật
cho con được hạnh phúc lâu dài hơn mẹ. Và
không còn gục bên xác, mẹ nắm tay cha lặng lẽ ra
đi, mỉm nụ cười đầu tiên sau bữa
trưa nắng cháy… Nhưng anh tiếp nối điều
cha dở dang, em vừa sợ vừa quen với những
tiếng gõ cửa giữa khuya và lén nghe cuộc trò chuyện
thì thầm trong đêm của những người chưa
bao giờ em nhìn thấy mặt… Quanh em luôn có nhiều bí mật.
Em khóc. Anh bảo hãy để anh sống như con người
có trách nhiệm, đừng khiến anh thành bị thịt…
Và rồi anh cũng bỏ em, một chiều dưới đám
lau lách bờ sông…
Cậu thanh niên phía bên kia rất ít lời, thỏng
tay vốc nước. Tiếng nước bơi xuyên qua
các ngón tay như vũ công múa trong tiếng nhạc buồn,
đơn điệu. Thằng bé ì ạch leo lên giường,
tiếng nước khuấy động chẳng khác một
đoạn hoà âm, buồn kiểu khác. Từ hôm vào đây
em cực kỳ đa cảm, dễ buồn. Tiếng bà cụ
lại la Nước lên mặt giường rồi, lạnh
quá! Chẳng có cái ghế cho mình kê ngồi cao hơn chút…
Không ai nói gì. Nước lau nhau kéo lên tràn trề mặt
giường, chúng xua đuổi nghịch ngợm trên thân
thể những người nằm ngồi bất động
trong đêm của trời và bóng tối cuộc đời.
Cũng chẳng ai buồn hất nước đi hay với
lấy khăn lau, mọi thứ chợt buông xuôi phó mặc
như bị cơn chán chường sai khiến hơn là
thiếu khả năng tự vệ. Đứng trên
giường nước đã ngập gần rốn, thằng
bé vẫy tay nhìn em, cười. Lạ, trong đêm tối mịt
mùng mà em thấy ánh mắt nó long lanh như ngọn lửa
nhỏ đến từ trời, trong cái câm nín âm u mà em nghe
nó nói Em không biết bơi chị ơi, nhưng em không sợ.
Em vội trả lời Không sao, nếu phải bơi
thì chị sẽ vớt em cho. Bên ngoài tiếng gió tới
lui có vẻ nhịp nhàng hơn, lẳng lơ hơn. Từng
cơn đẩy đưa đồng ca điệu gì dị
kỳ rít rắm như cơn lên đồng của đám
phù thủy dở hơi đầy quyền phép. Cánh cửa
phòng rục rịch, có ai muốn bẻ khoá. Mọi người
nín thở nhìn chăm chăm vào hai cánh gỗ. Nước
đẩy vào hút ra lúc nhanh lúc chậm khiến hai cánh cửa
phập phồng như những con tim ngong ngóng chờ ngày
toà phán xét. Rồi cùng lúc với nhịp cao của bản
nhạc gió hát vút lên, một tiếng tách khô khan sắc nét từ
dưới lớp nước bắn ra, hai cánh cửa cùng
lúc lao chao cố ghìm cưỡng lại. Gió ùa vào phòng lạnh
ngắt, xô mạnh hai cánh cửa lông bông không phương
hướng. Tiếng bà cụ kêu thất thanh Leo lên nóc
nhà, thường lụt thì phải leo lên nóc nhà. Nhưng
quá trễ. Nước dâng lên nhanh hơn vì cửa không còn.
Em nhào xuống bơi sải tới vừa kịp níu thằng
bé bềnh bồng quờ quạng. Mọi người
đều rời giường, bì bõm ráng níu sự sống
đang bị nước cố ý cướp đi… Trời
rằng trời hành cơn lụt mỗi năm…
Chúng em bơi, thằng bé la to Chị ơi, coi
kìa, đó là Nhà Vĩnh Biệt. – Ở đâu ? – Bên
trái mình vừa băng qua đó chị. Em đáp cũng
to Tên nghe hay quá phải không, rất văn chương,
thường thì là Nhà Xác, nghe lạnh cả người!
Không mệt lắm anh ạ, em chỉ gượng theo giòng
nước, thả lỏng, không cố gắng nhiều trừ
những đoạn nước xiết. Thằng bé ôm hông
em như chiếc phao thuở xưa mẹ tự chế bằng
hai ống tre bọc trong lưới cá, bắt em mang mỗi
lần xuống nước Phải biết bơi con ạ,
phải biết bơi (rồi nhỏ hơn, cho em mà
không phải cho em) thì mới không chết như cha con…
Em la to dặn nó đừng ghì chặt kẻo hai chị em
cùng chìm mất. Rồi nước cuồn cuộn hung hãn.
Đủ thứ bơi trong dòng lũ, heo gà, cây cối,
người ta. Những cái đầu lặn hụp dưới
cơn mưa, dưới sấm chớp xé trời. Nước
quất vào mặt từng đợt đau rát đầm
đìa như nước mắt ngày mẹ cõng em đi nhận
cái xác mà vừa khóc mẹ vừa nói đứt hơi Cha
con đó. Em không thấy cha, chỉ thấy người
đàn ông bất động nằm phơi nắng, chiếc
sơ mi sọc xanh nhạt dính đầy những máu khô
nâu và ruồi đen chập chờn. Trong lúc mẹ dùng tấm
vải gói thân cha, đôi chân lòi ra và em nghịch ngợm cù
vào. Nhưng cha không nhột. Cha không cười. Còn em thì
cười thật to khiến mẹ sửng sốt. Từ
đó tuổi thơ em gắn liền nụ hớn hở
trên môi mà lòng thì cứ có gì rưng rức…
Chẳng biết bao lâu, thời gian không còn và không
gian là biển nước mênh mông, tự nhiên em nhớ câu nước
trắng xoá đồng. Bây giờ không chỉ ruộng
đồng mà nước trắng xóa cả thành phố,
làng mạc. Nhưng đêm đen kịt nên nước chẳng
còn màu. Chợt em bị dòng nước xiết cuốn
đi, thật nhanh, vội vã. Nơi đây bình thường
là khúc quanh vào thành phố, hay là em đoán vậy. Nước
ác ý cố dìm em không nổi. Dù gì khả năng bơi của
em đã từng giật bao nhiêu giải hãy còn xứng
đáng. Khi đến khúc nước lặng lờ và
mưa có vẻ dịu lại, em nằm thả lỏng nghỉ
ngơi lấy sức mới chợt nhận ra thằng bé
không còn bên cạnh hông em. Em gân cổ kêu mà bỗng ngớ
ra chẳng biết nó tên gì. Em sải đến những
cái đầu nhấp nhô lặn hụp gần đấy
dưới tia chớp xẹt qua, nhưng mọi cái đầu
dửng dưng bơi đi không đếm xỉa. Em khóc.
Tự nhiên em sợ, lần đầu tiên từ mấy bữa
nay em thấy sợ. Chắc nó chết rồi. Em không biết
bơi chị ơi… Bơi giỏi như em mà vẫn bất
lực chẳng cứu nỗi một thằng bé con như
đã hứa!
Trong đêm đen thui, giữa nước, em vẫn
thấy mẹ ngồi bên xác cha dưới nắng chang
chang. Em khóc, Con thèm nước. Em không khóc cha nằm
đó mà chỉ khóc vì cổ khô cứng đau buốt. Mẹ
vỗ về Ráng chút nữa đi con, mình chờ xe chú Bá
chở cha về rồi tha hồ uống. Mỗi giây chờ
chú Bá như cả năm trời. Em cứ loay hoay cố
thu mình nấp dướí đám bụi dại bên
đường. Em nhỏ xíu mà nó còn nhỏ hơn nên trời
vẫn nắng. Con thèm nước… Những viên sỏi
mặt đường vừa nhọn vừa bỏng da.
Cái khô khốc cả thế gian gom lại đổ xuống
chỗ ba con người mà một xác thân bất động.
Con thèm nước, mẹ ơi con thèm nước… Sau
đám tang cha cơn khao khát của em vẫn không lấp nổi,
phải nhào vào lòng sông biển để cảm giác thảnh
thơi sảng khoái bù cơn co ro dưới bụi rậm
giữa trưa. Mẹ càng ngày càng khép kín, hình như ngoài con
gái ra mẹ chẳng biết nói chuyện với ai. Mỗi
sáng mẹ có vẻ ngại đi làm. Mỗi chiều
đón em tan trường mẹ thường hỏi con có
vui không, có bạn nào làm phiền con không. Tiếng không của
em khiến mặt mẹ thư giãn. Rồi chẳng biết
từ khi nào, ba tiếng gõ sắc nét thỉnh thoảng giữa
khuya từng làm em run bắn, không còn. Những đêm thức
giấc giữa chừng đi tiểu cũng không tình cờ
bắt gặp cha to nhỏ ánh đèn với ba bốn bóng
người lạ hoắc không bao giờ em biết mặt.
Đến nỗi nhiều khi em tự hỏi có thật
đêm qua cha có khách hay em mơ ngủ? Đó là một trong
những điều bí mật trên con búp bê mà em chưa vén tấm
khăn lên được. Bà chuyên mai mối đến nhà,
mẹ nền nã tiếp khách lễ độ, im lặng,
câu duy nhất em nghe là Cám ơn bác Tám, cháu nguyện ở
vậy nuôi con. Bà thở dài Thôi thì thím nó thủ tiết
vậy cũng tốt, chỉ sợ chú nó chết như vậy
dám người ta hạch sách lôi thôi. Chỗ này quyền thế
bao che thím được… Em chưa bao giờ biết tại
sao cha chết. Chết vì súng đạn trong khi không tham dự
trận nào. Mẹ chỉ im lìm như không nghe mỗi lần
em hỏi.
Đêm mịt mùng dằng dặc rồi cũng
qua đi. Ánh sáng bịnh hoạn từ từ soi rõ mọi
vật nhưng mặt trời vẫn trốn tránh như xấu
hổ về những điều nhìn thấy. Có nóc nhà tranh
lững thững trôi giữa biển nước mênh mông ngầu
đục phù sa. Em đưa tay vẫy mấy người
ngồi trên ấy, hình như người đàn ông đang
ôm đứa bé – hay là thằng bé bị lạc của em?
Em cố vẫy tay kêu to nhưng cơn sợ hãi ngăn cản
người chẳng nhìn thấy người. Súc vật
heo gà trâu bò nổi lềnh bềnh giữa một ít sinh mạng
vẫn cố ngập ngụa bơi. Bàn ghế, tủ
giường, cây trốc gốc… mọi thứ lao xao. Một
bức tranh có phần sinh động nhưng màu sắc lạnh
lẽo đầy ám khí. Nhờ ánh sáng đùng đục,
em cố gỡ mái tóc rối tung vô tình quấn vào bụi dại
trong khi em nằm lấy sức. Nó quấn chặt quá, nhiều
vòng, quấn xen kẽ nhau bện thành sợi dây chắc chắn
cột em vào đó. Thôi chẳng sao, khi nước rút thiên hạ
sẽ cắt tóc rứt em ra, anh đừng lo, tóc em mọc
nhanh, nó sẽ dài trở lại, mái tóc mà anh nói vừa gặp
em nó đã cột chặt anh rồi.
Nước ngâm em như vậy thêm một ngày nữa
rồi mới chịu rút đi. Em đông cứng. Khi mặt
trời của ngày kế tiếp le lói sau tấm màn
thưa, nó cố sơn phết cho cảnh vật một
màu sắc hân hoan gượng gạo, hẳn nó áy náy nhìn thấy
lớp bùn dày trên mặt đất và cây cối đổ
rạp. Người ta sớn sác ra đường dáo dác
tìm kiếm thân nhân. Trông chẳng ai vui. Em cố giật tóc
khỏi bụi cây nhưng mệt mỏi rã rời. Tay chân
em lạnh cóng, cứng đơ, gân cổ ráng gọi
người ta. Rồi có người nghe, chỉ trỏ và
thiên hạ chạy tới giúp em. Điều duy nhất
đập vào mắt là màu trắng toát rực rỡ bao
trùm không gian kèm ánh mắt dịu dàng. Ôi tuyệt quá, nhân
viên y tế trong quần áo nhà thương đi tìm cứu
người bị nạn. Một bà giống mẹ hay em
ngờ ngợ là mẹ, nhìn em cười thân thiện
đưa tay, em nắm lấy, sung sướng được
thoát khỏi địa ngục bão lụt này rồi. Chợt
trong đám đông tiếng thằng bé reo vui hớn hở
và thân hình nhỏ nhắn được ăn bận tinh
tươm nhào về phía trước Chị ơi em
đây nè, em đang chờ chị… Em mỉm cười
như cả cuộc đời chưa bao giờ biết
mỉm cười, nhẹ hẫng thinh không. Em nhìn thấy
anh đứng giữa mọi người…
*
Trời nắng nhưng đổ mưa dữ dội.
Sau mỗi trận lụt người nhà trời tử tế
trút nước xuống gọi là mưa dội bùn
để giúp con người đẩy lớp bùn đi.
Nhà nhà quét rửa, người người tất bật.
Cuối ngày khi mọi việc tương đối ổn
định, sau bữa cơm sơ sài qua bữa, thiên hạ
ôm chiếc ra-dô lắng nghe bản tin buổi tối tổng
kết thiệt hại trong trận lụt vừa qua.
Nhưng số nhà tranh bị nước bứng đi, sinh
mạng con người hay heo gà trâu bò bị nước cuốn
trôi dìm chết chưa xác định được vì nhiều
nơi lụt chưa hết hẳn
Riêng tại Nhà
Vĩnh Biệt thành phố, vì nước phá hư cửa
nên năm cái xác chờ an táng gồm một cụ bà, một
người đàn ông đứng tuổi, một thanh niên,
một bé trai và một cô gái đã bị trôi. Đặc biệt
chỉ tìm thấy thi thể cô gái, nhờ mái tóc dài quấn
rối rắm vào buồng dừa. Thân xác cô vì vậy treo
lơ lửng trên không thoạt nhìn như người thắt
cổ. Người ta bắc thang leo lên cắt mớ tóc rối
bời mới đem xác cô xuống được. Hiện
cô đang nằm tạm tại trường tiểu học
cùng nhiều nạn nhân khác…
MIÊNG
Paris Sept. 2013
nguồn amvc.fr (ăn mày văn chương)