Saturday, July 5, 2014

CHÂN PHƯƠNG






RENÉ MAGRITTE

Nhà danh họa siêu thực Bỉ – René MAGRITTE – đang được trưng bày ở Houston, Texas. Trước đó, bảo tàng MoMA, New York, đã triển lãm các họa phẩm tuyển chọn của ông;http://www.moma.org/interactives/exhibitions/2013/magritte/#/featured/1. Sau đó, ông sẽ ra mắt khán giả trong Viện Nghệ Thuật ở Chicago -Art Institute of Chicago. Đây là một loạt triển lãm hồi cố -rétrospective- về một trong số các tài năng tạo hình lớn của tk.20.

Sinh năm 1898 ở Lessines-Bỉ và mất năm 1967, René-François MAGRITTE bắt đầu học vẽ lúc 12 tuổi và học mỹ thuật ở Viện Nghệ Thuật Hoàng Gia Bỉ tại thủ đô Bruxelles nơi ông trưng bày tranh lần đầu năm 1920. Chịu ảnh hưởng các họa phái Lập Thể, Vị Lai, Trừu Tượng vừa khám phá vũ trụ De Chirico…, bên cạnh sáng tác Magritte cũng suy nghĩ về mỹ học rồi tham gia hăng hái phong trào siêu thực ở Pháp và viết bài ” Les Mots et les Images ” trong tạp chí LA RÉVOLUTION SURRÉALISTE (Cuộc Cách Mạng Siêu Thực) in năm 1929 do André BRETON chủ xướng. Tính khí bình lặng, ông ghét những gì liên quan đến bạo lực như chiến tranh, bom đạn… tuy vẫn tham gia kháng chiến khi Hitler chiếm đóng nước Bỉ. Ông từng gia nhập rồi rời bỏ đảng cộng sản năm 1945.
MAGRITTE- Les Mots et les Images (Từ ngữ và Hình ảnh),1929.
Il y a des objets qui se passent de nom – Có những vật thể không cần danh tính là một nhận định căn bản của thế giới quan Magritte. Như Derrida sau này phê phán logocentrisme – một loại duy danh chủ nghĩa đặc trưng của tư tưởng phương Tây khiến cho nhiều người, đặc biệt trong giới hàn lâm tháp ngà, đánh mất khả năng trực nhận sự vật, một số nghệ sĩ -trong đó phải kể Magritte – bằng sở trường của họ là thị giác và sự chiêm ngưỡng vô ngôn đã kết nối lại mối liên hệ thiêng liêng giữa con người và tạo vật. Với óc trào lộng, Magritte nhắc cho ta nhớ lại : giữa danh và vật là mạng lưới của qui ước và mã số văn hóa mà kẻ sáng tạo cần xé toang để tự giải thoát. Bức tranh cái tẩu chỉ là ước lệ tạo hình, tự nó vốn là hình vẽ chứ chẳng phải cái tẩu thật !

̣
MAGRITTE- Ceci n’est pas une pipe- Đây chẳng phải là cái tẩu, 1928.
Tranh ông phơi lộ bí mật của sự vật bình dị – mỗi họa phẩm là một bài thơ siêu thực đánh thức ý thức tiền ngôn tự. Cũng như De CHIRICO và Max ERNST, thế giới Magritte là nỗi bàng hoàng nguyên thủy trước vạn vật – tương tự như các CÔNG ÁN Bất Lập Văn Tự !

MAGRITTE – La Géante-Nàng Khổng Lồ, 1935.

Magritte quan niệm hội họa là nghệ thuật thuần túy thể hiện vật thể nhưng không minh họa hay giải nghĩa. Chẳng hạn ông chê Dali đã lạm dụng biểu tượng tôn giáo làm hỏng chất tinh khiết phi qui ước của tranh hiện đại và không thích tính uyên bác của Picasso – ngoài giai đoạn sáng tác lập thể của nhà danh họa này. Dù chẳng phải là tín đồ tin theo vô thức kiểu Freud, Magritte mượn cọ với màu để lột vỏ hữu thể khiến mặt trái hoặc độ sâu bất chợt lộ diện. Bằng họa pháp tạo sốc tiêu biểu của phái siêu thực, ông vẽ hàng loạt chân dung với hình hài bí hiểm và gây nên cảm giác “lạ hóa” trong khoảnh khắc tiếp cận của người xem tranh.

MAGRITTE- La Maison de Verre- Ngôi nhà thủy tinh,1939.

MAGRITTE- Les Amants – Cặp tình nhân, 1928.



Magritte có lần tiết lộ với bạn : ” Tôi chủ trương không dự đoán trước bất cứ cái gì. Điều tôi sẽ làm trong mọi tình huống lúc nào cũng bất ngờ như sự vụt hiện của một thi tượng thật …/ Ce que je ferai en toute situation est aussi imprévisible que l’émergence d’une vraie image poétique…(Thư gửi Mirabelle Dors và Maurice Rapin, 30-12-1955). Đây là gì nếu không phải là thi pháp và mỹ học siêu thực Magritte đã trực tiếp học lại từ Lautréamont qua thi phẩm Les Chants du Maldoror mà ông đã say mê đọc và vẽ minh họa từ thời trai trẻ.

MAGRITTE – Poids et Mesures – Cân Đong, 1950.

MAGRITTE – Megalomania – Chứng vĩ cuồng, 1949.
Lúc sinh thời, Magritte chỉ có được một vị thế ngoại vi trong giới họa sĩ danh tiếng ở châu Âu, đặc biệt là Paris. Không ít nhà phê bình hội họa đã chê ông, cho rằng họa pháp tạo sốc đã kéo tranh Magritte xuống gần với tranh vẽ bưu thiếp, bích chương quảng cáo… Cho đến thập niên 60 với cao trào mỹ thuật POP ART đề cao vật thể và hình ảnh thông dụng đời thường, giới thưởng ngoạn hội họa mới quan tâm và khám phá lại cõi tạo hình độc đáo của tài năng siêu thực nước Bỉ. Càng ngày càng có nhiều người xem tranh cảm nhận được chất thơ huyền ảo, đôi khi gần như thần bí trong các họa phẩm Magritte. Nếu Rimbaud trước kia từng tôn vinh thi hào Baudelaire là Prince des Voyants, ngày nay ta có thể đặt Magritte trên chiếu của Bậc Vương Tôn trong Cõi Linh Giác bên cạnh Dalí, Miró, Tanguy, Max Ersnt hoặc Paul Klee…Bằng thị giác ngoại hạng và tranh tượng siêu thực, các tên tuổi này đã góp phần thanh tẩy những cặp tròng bị thói quen với biếng nhác ru ngủ, và đánh thức khả năng nhìn ngắm ở khán giả. Có một giai thoại cần nhắc đến trước khi kết bài giới thiệu này : chính Michel Foucault đã đọc thấy tư tưởng mỹ học thâm diệu qua tranh vẽ Ceci n’est pas une pipe và đã viết một tiểu luận triết học tưởng niệm René Magritte vào năm 1968.
Trong tiếng Pháp, bên cạnh từ artiste-philosophe để ca tụng các vị như Marcel DUCHAMP còn có chữ peintre-philosophe để tôn vinh MAGRITTE cùng các họa gia có tài điểm nhản đánh thức con rồng nghệ thuật trong mỗi chúng ta. .

CHÂN PHƯƠNG
Lập Xuân 2014.THAMKHẢO 1. Mary Ann Caws ed., Surrealist Painters and Poets, MIT Press, 2001. .
2. Siegfried Gohr, Magritte-Attempting the Impossible, D.A.P. Inc. New York,2009. 3. 3. Jennifer Mundi, SURREALISM -desire unbound, Tate Publishing, London, 2001. 4. Harry Torczyner, MAGRITTE – Ideas and Images, Abrams Publishers, New York, 1977.
MAGRITTE-L’Art de la Conversation IV- Nghệ Thuật Đàm Đạo V , 1 9 5 0.








SHUNGA (Xuân Họa)

CHÂN PHƯƠNG giới thiệu và biên soạn

Ngày 4-1-2014, bảo tàng viện British Museum vừa bế mạc thành công cuộc triển lãm về SHUNGA, Sex & Pleasure in Japanese Art (Xuân Họa, Lạc thú Nhục dục trong Nghệ Thuật Nhật Bản). Dưới dạng tranh vẽ, sách với tranh in ngợi ca tình dục đủ dạng, Shunga rất phổ biến trong ba thế kỷ 17, 18, 19 bên Nhật, đặc biệt dưới triều đại Edo.



Bài thơ Chăn Gối – tranh của UTAMARO (khoảng 1788).



SHUNGA mượn từ Hán văn chungongwa (xuân cung họa) do các quí tộc hay thương nhân thời Minh đặt hàng, và thịnh hành dưới triều đại của Khang Hi – hoàng đế nhà Thanh ham thích sưu tầm loại tranh phong tình này. Sang Nhật, xuân họa gắn liền với văn hóa truy hoan đề cao thú nhục dục của khách chơi và giới ca kỷ ở chốn phù thế ukiyo-e . (Phù thế là cách gọi lầu xanh hay động điếm mọc nhanh theo đà phát triển đô thị tại Nhật vào đầu t.k. 17. Giai cấp tư sản thương nhân cùng giới võ sĩ samurai là khách hàng quen thuộc của chốn này). Dân Nhật cũng dùng tranh sách shunga làm quà tặng các cặp tình nhân hay vợ chồng mới cưới.

Tính đa dạng của loại tranh này hiện lên dưới các bút lông lừng danh của Kiyonaga, Hokusai hay Utamaro. Từ 1770 đến 1850, ba nhà danh họa này đã vẽ rồi in nhiều kiệt tác xuân họa như bức Bài thơ chăn gối của Utamaro, Giấc mơ ngư phủ của Hokusai, Tranh giấu trong tay áo của Kiyonaga…


Torii Kiyonaga – Sode no maki ( Tranh giấu trong tay áo), khoảng 1785.



Nhưng kỳ bí và khiêu dâm hơn hết là họa phẩm Giấc mơ của vợ ngư phủ do HOKUSAI (1760-1849) vẽ, khắc, in màu trên mộc bản. Dựa vào truyền thuyết về nàng Tamatori – thợ lặn tìm bào ngư – vì đức Vua liều mình xuống Thủy Cung, bị Long Vương cùng đám thủy quái hành hung. Mượn tích xưa làm cớ, họa sĩ sáng tác nên bức họa làm chấn động người xem, trong đó có các tên tuổi như Huysman, Edmond de Goncourt, Toulouse-Lautrec, Rodin, Picasso…

HOKUSAI – Giấc mơ của vợ ngư phủ, tranh in mộc bản khoảng 1814 .

Dù Nhật du nhập và học hỏi qua nhiều thế hệ văn hóa-tư tưởng Trung Hoa, đặc biệt Nho giáo với Phật giáo, tín ngưỡng truyền thống là Thần Đạo vẫn duy trì các tập tục thờ cúng sinh thực khí (kiểu Nõn-Nường ở VN). Trong các đền miếu và lễ hội Thần đạo, họ cúng bái dương vật cùng các hình tượng giao hợp không khác chi điêu khắc Ấn độ giáo quanh đền Laksmana hoặc bái vật giáo thờ Đực-Cái trong tín ngưỡng mấy bộ lạc Thái Bình Dương. Phải kể thêm ảnh hưởng Lão-Trang qua triết lý Âm Dương hòa điệu đã thấm vào thế giới quan Thần đạo; nhờ đó dân Nhật thoát khỏi luân lý Khổng-Nho và không xem các thú dục lạc là chuyện cấm kỵ; chí ít cho đến t.k. 20 khi nước Phù Tang mở cửa tiếp thu văn minh phương Tây kèm các giá trị đạo lý Thiên Chúa Giáo ít thân thiện với dục tình và thân xác.

Án thờ sinh thực khí trong một ngôi đền Thần Đạo .

́
Dưới con mắt bình dân – và không riêng gì ở Nhật – trò giao hợp với lạc thú xác thịt là nhu cầu tự nhiên nằm ngoài sự giám sát của “thuần phong mỹ tục”. Họa phẩm bên dưới của Kyosai để lộ cái nhếch mép hóm hỉnh của nghệ sĩ đối với loại sinh hoạt khá thường tình của mọi cặp nam-nữ dưới gầm trời này. Đồng thời bức tranh cũng cho thấy tâm trạng thoải mái với phong cách không cường điệu từ những con người trưởng thành trong một dòng văn hóa ít bị ức chế về quan hệ thân xác.

Ngày nay, sự phổ biến kiến thức nhân học-khảo cổ đã xô đạp nhiều hàng rào ngăn cấm của giáo lý hay đạo đức đối với sex và tình dục. Chẳng phải các bộ lạc sơ khai và bán khai với tục thờ cúng sinh thực khí và giao hợp đực-cái đã nhắc cho ta biết rằng : thời xa xưa tổ tiên của loài người hoàn toàn không có ý thức hay mặc cảm về Tội Tổ Tông!




Kawanabe Kyōsai (1871-1889) vẽ shunga biếm họa.
Khi trái đất trở thành cái làng, các thứ văn hóa và tín ngưỡng phải tập đối thoại hay thảo luận với nhau. Nhà bình luận mỹ thuật Victoria Sadler trên báo HuffingtonPost U.K.* ngợi khen British Museum dưới sự chủ trì của Tim Clark đã tổ chức đúng lúc cuộc triển lãm này cho công chúng nước Anh được dịp tìm hiểu thêm về Á Đông qua nghệ thuật phong tình Nhật. Cộng vào các tranh cãi gay go về sex và porno hiện nay trong xã hội Anh, cuộc trưng bày họa phẩm khiến giới thưởng ngoạn phải bàn về vấn đề giá trị nghệ thuật của shunga. Với sự lạm phát và toàn cầu hóa các tranh ảnh dung tục trên internet, ranh giới giữa duc tình sex và khiêu dâm porno càng trở nên linh động khó phân biệt. Nếu ” luân lý và thẩm mỹ cả hai đều do văn hóa nhào nặn ra ” – như Katie Engelhart viết trên báo The Guardian **, ” Does Japanese Shunga turn porn into art ? ” - biết căn cứ vào đâu để đánh giá phải trái, hay dở…? Giới làm luật Âu-Mỹ thường dựa vào các tiêu chí khoa học cùng đạo đức phương Tây để thiết lập tường lửa ngăn cấm sự dung tục sa đọa từ những sản phẩm khiêu dâm. Làm cho phân minh cái đẹp nghệ thuật với sự dâm ô đồi trụy lại là việc chuyên môn của giới sáng tác và nghiên cứu mỹ thuật. Chẳng cần phải dông dài, đây là cuộc tranh luận khó phân thắng bại giữa triết học với tôn giáo bắt đầu từ Hi lạp cổ đại, và chắc chắn còn tiếp diễn. Bởi vậy không cá nhân nào trên quả đất này – dù là vị giáo chủ hoặc ngài chủ tịch tối cao pháp viện – có đủ thẩm quyền để cầm cán cân vừa pháp lý vừa đạo lý ra phân xử vụ án văn hóa của dục tính và tình dục.

Ngoài các nguồn thông tin hiếm quí, cuộc triển lãm của British Museum tại Luân đôn mấy tháng vừa qua đã mở rộng không gian nghị luận cho những công dân trưởng thành có văn hóa trao đổi ý kiến về một đề tài vốn phức tạp và tế nhị : quan hệ tình dục với lạc thú xác thịt cũng như các chuẩn mực văn minh khả dĩ tách bạch nhu cầu sex lành mạnh ra khỏi vùng tối của dâm ô bệnh hoạn. Bài viết ngắn này tất nhiên không thể bàn đến nan đề kinh tế nghiêm trọng ẩn sau thị trường nhục dục cùng bọn cai thầu ma cô khai thác thân xác đàn bà hay trẻ em để tìm lợi nhuận từ nạn nghèo đói và tệ trạng của xã hội bất bình đẳng.

CHÂN PHƯƠNG