Wednesday, July 2, 2014

Gửi NGUYỄN XUÂN HOÀNG

VỀ QUÊ


Nam Dao

Gửi Nguyễn Xuân Hoàng




1

Ông bạn Nguyễn Bá Trạc như ‘’ngọn cỏ bồng’’ [i].

Bạn mai về nhà?

Ờ, thì mai trở lại San Jose.

Rồi bạn hắng giọng, tại sao lại về? Mình ở đâu khi quay lại nơi đó thì nói là về!  Nhưng tôi trú ở Phần Lan sau khi ngụ tại Mỹ khá lâu, miệng lại  bảo về Việt Nam, nơi tôi vắt chân lên cổ thoát thân đã gần 40 năm, mà không nói như nói tôi đi Pháp, sang Ý, ghé Nga, trở lại Mỹ…Khỉ thế! Có lẽ về, là về nơi mình gắn bó hơn mọi nơi khác trên  trái đất này chăng?

Sợ ‘‘ngọn cỏ bồng’’ lại lăng quăng vòng vo chuyện đi-về-ở…tôi hỏi có đọc ‘’Nguyễn Xuân Hoàng trên con dốc tử sinh’’ mới đây của Ngô Thế Vinh chưa? Nhà thương thuộc ĐH  Stanford danh tiếng nay bó tay, Hoàng xuất viện rồi.  Bạn buồn buồn, chúng mình đến tuổi sắp ‘‘về quê’’  thôi.

Về quê, về quê…

Muốn về, phải đi.

Người đi ừ nhỉ người đi thật! ‘’Đời’’ thà coi như hơi rượu cay! [ii]



2

Tháng 8 năm ngoái 2013, Phùng Nguyễn làm chuyên đề về Nguyễn Xuân Hoàng trên Da Màu. Có bài của Trần thị NgH, cô em gái tôi gọi là xí muội. Em tôi khai Hoàng bị sarcoma. Tôi kêu ô, đau lắm! Đọc lại Telecom  của NgH, vẫn cái phong cách bó mọi thảm kịch vào cái giọng ‘’cứ như’’ là cười cợt thách đố, chính vì thế mà thảm kịch lại càng thảm. Nghe NgH kể, xưa khi còn bé, em núp dưới gầm bàn nghe lén ông Hoàng nói chuyện văn thơ với chị Kim Lan. Vẫn còn nhớ đấy. Tôi hỏi sao không viết lại? Viết làm chi, xí huynh!

Ừ, dăm ba con chữ trượt trên con dốc cuối liệu có ý nghĩa gì!


3

Tháng 2 năm nay 2014, cùng ông ‘‘ngọn cỏ bồng’’  phiêu lãng, tôi bắt xe đò từ quận Cam đi San Jose thăm Hoàng, không hứa cuội như vài ba lần trước. Nghe tin ốm đau nhưng Hoàng vừa phải dọn nhà. Đến nơi, ngay cửa vào là tượng Phật trên một cái bệ. Hoàng bảo, nghe nói là tượng cổ, không  biết thực hư ra sao. Tôi đáp, Phật thì có thực, và  chắc chàng ít nhiều cũng là Phật tử.

Sàn nhà còn đầy hộp giấy đựng đủ thứ đồ đạc giấy tờ. Hoàng nhỏ nhẹ, cười và nói,  may mà có một số  bạn bè trước là học trò đến dọn giùm. À, nhớ ra, xưa thày Hoàng dậy Triết thời còn Sài Gòn. Chàng quảng giao, hành xử thân tình, tròn trĩnh, nên được cảm tình nhiều người.  Tôi biết ít lâu nay Hoàng làm hóa trị, hình như là lần thứ tư thời gian chúng tôi gặp nhau. Chàng có vẻ lạc quan, tươi tỉnh, báo nhà thương ĐH  Stanford sẽ mổ  và làm ghép  một cái ‘’trụ’’ chống cột sống giúp cho Hoàng đỡ đau. Tôi thầm nhủ, sarcoma, sarcoma…mi đang làm chi bạn ta!

Chúng tôi ngồi bên nhau. Chàng không nói gì. Im lặng. Trong bóng tối căn phòng khách mành rủ, tôi nhìn bạn. Tôi cũng chẳng biết nói gì. Tự nhủ trước khi đến thăm Hoàng tôi sẽ hành xử như bạn tôi chẳng bệnh tật gì, sẽ không chép miệng, không an ủi, không thừa một lời. Tự nhủ, tôi sẽ vui, hay cố vui, nói đùa được thì nói, không thì để im lặng thay những lời lẽ thừa thãi vô duyên.

Và rồi, tôi chỉ nắm tay bạn.



Ảnh NX Hoàng và Nam Dao do NB Trạc chụp.



4

Trưa hôm đó, Hoàng có hẹn với Bác Sĩ, tiếc rẻ không đi cà phê vói Trạc và tôi được. Lên đường rời Hoàng, tôi quyết không ngoái lại nhìn, sợ lưu luyến kìm chân. Ngửng mặt, tôi nhìn lên mây. Hôm ấy mây xuống thấp, tôi thấy hình dạng một người đi trên mây, trong lòng giữ chút nắng mùa đông chưa nỡ bỏ lại thế gian này đã chớm màu u ám.

Bước cạnh, Trạc ngậm tăm được một lát, rồi bật nói, bạn bè chúng nó rủ nhau đi cả.

Đi? Chúng tôi chẳng nói chi nhiều nhưng cùng hiểu là sống gửi thác về. Nhưng về đâu?  

Về đâu?

5

Khoan,  trước  khi đi, hãy nắm tay nhau bạn ơi!



Nghiêng ngả cuối đời

Mây trôi

Người đi trên mây [iii]

Người trôi trên mây

Người đi một đời

Người trôi một đời

*

Nhưng đám mây gió thổi

Ngừng ở đâu bây giờ

Đến ngồi bên cạnh bạn

Giờ đây

         biết nói gì

Thôi, chỉ nắm tay thôi

*

Chỉ nắm  tay

năm  ngón gày gò

mái tóc phau phau trắng như  giấc mơ  dang dở

Giờ chuông điểm

người đi kẻ ở

Đi, đi đâu?

Ở, cũng ở  đâu?

*

Mây cao, trôi vẫn ngang đầu

Mây trời ngã xuống nhuốm mầu thời gian

Ngửa tay thả hết lỡ làng

cho xuôi đến cuối địa đàng,  rồi quên...



6

Về đâu?

Cuối địa đàng ư? Ai biết nói giùm tôi cái nơi ấy là cái chi chi!

Một nơi ngoài vật chất, rất có thể phi vât thể, thuần chỉ là cõi sóng vi ti của linh thức. Theo tín ngưỡng Kitô, nơi đó phân ra thiên đàng và địa ngục, cái thiện vĩnh viễn tốt đẹp, cái ác vĩnh viễn xấu xa. Theo nhà Phật, thiện ác tiếp tục tiến hóa, cuộc tái sinh luân hồi không kết thúc, một chuyến đi khác rồi lại bắt đầu mở những chặng đường tiếp nối nhau trong trùng trùng duyên khởi.

Ông ‘‘Ngọn cỏ bồng’’ gọi về nơi ấy là ‘‘về quê’’,  nơi ai cũng trút bỏ mọi gánh đời đa đoan, rồi bắt đầu lại tất cả. Và về như thế là lẽ công chính ai cũng  như ai trong mọi cuộc phù sinh hữu hạn. Nên Tham làm gì? Sân làm gì? Si làm gì?

Phải chăng, biết vậy, ta nắm tay nhau là điều cuối cùng trước khi cất bước trên con đường ‘‘về quê’’?

Mà này, Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay [iv]. Thế thì bạn tôi, người đi trên mây, sẽ bay trên mây, tiếp tục phiêu du về phía muôn trùng. Và rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, nhất định thế.















[i] Tên tác phẩm của nhà văn Nguyễn Bá Trạc.

[ii] Thơ Thâm Tâm, xin đổi một chữ trong ‘’ . ‘’!

[iii] Tên một tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Hoàng


[iv] Thơ Nguyễn Bính.