Saturday, July 5, 2014

Mặc Đỗ


Những người viết trẻ

Một nhà văn nữ bị chê vì cái tội thỉnh thoảng chọc tức độc giả và ông chủ nhiệm bằng cách lóc lấy một đoạn tiểu thuyết và bày lên báo bảo rằng truyện ngắn, đã trả lời: "Ui da! Bây giờ truyện ngắn đâu cần có đầu có đuôi!" Có đầu có đuôi ý hẳn nhà văn nghĩ tới con cá chép rán nguyên con cả vảy mà đức phu quân hay nhắc đến. Cũng nên nói ngay, cái tội chặt ra một khúc bảo là con cá sáng kiến không do nơi nhà văn có ông chồng thích ăn cá chép, khá nhiều đồng nghiệp khác đã làm trước, về phái nữ ít nhất cũng có hai vị, và đã lâu độc giả dường như chấp nhận nhà bếp dọn ra bảo là cá nguyên con thì cứ cho là cá nguyên con, chẳng sao. Từ nhà bếp đến bàn ăn mọi việc êm xuôi, ông chủ quán cứ việc theo bông mà thâu tiền, quan tâm làm chi. Càng không can dự gì đến kẻ đứng ngoài bàn phiếm.

Mở đầu câu chuyện, động hệ tới một người bạn khác phái, phải tìm cách cho vui chuyện kẻo bạn nổi giận thì chết. Sự thật bài này không có mục đích chê khen gì cái vụ có đấu có đuôi như con cá chép rán vàng cả vảy, hay không đầu không đuôi như khá nhiều truyện ngắn đương thời. Cái đích cuối cùng của những người viết là làm sao truyền được cái cảm của mình cho người đọc cũng cảm như thế, hay hơn thế do cộng thêm vào những yếu tố riêng. Không ai chứng minh được cứ cần phải nguyên con, tức là có đầu có đuôi, mới truyền được cảm. Lắm người đàn ông và đàn bà chủ trương rằng thích người nào đó không phải vì gương mặt đẹp hay có đủ mặt mũi chân tay. Cái thích nó oái oăm ở chỗ khúc nào thì chỉ có thức giả tự biết mà thôi.

Ý nghĩ tiên khởi của người viết khi nhận lời viết gấp một bài khai từ cho số báo này là cuộc đời không khác một con vật sống, như con trâu của đồng bào Thượng trong những dịp đại lễ. Chẳng nên bảo bây giờ lòng người đã sa đọa đến độ thưởng thức những trò máu rơi đỏ hỏn, trở lại giống với những thời xa xưa, lóc từng miếng thịt sống trên mình con trâu đứng đó khổ sở, không hẳn là một cái thú. Con người bây giờ đặc biệt ở chỗ không có những chiếc quạt, những cái nón để mà núp sau đó bảo rằng không nhìn những gì e rằng xấu. Con người bây giờ có cái nhìn thẳng, quần áo đang là thứ đạo đức giả cuối cùng mà con người muốn vứt bỏ, con trâu đứng đó khổ sở nhưng con người không quay mặt đi. Lại thêm vào đó một thời thượng ai cũng muốn tỏ ra mình "tiến bộ" hơn những người ở chung quanh. Tiến bộ đến đâu thì không cần biết nhưng cứ phải tiến bộ đã. Thành ra cuộc đời cứ đỏ hỏn như con trâu bị lăng trì. Quyết tâm nhìn thẳng cộng với khuynh hướng làm mới, làm khác, viết văn bây giờ cũng như làm thơ hồi nào đòi hỏi rũ bỏ những gì vướng bận, cản trở ngòi bút sục sạo, soi mói, phơi ra những gì sâu kín nhất, ẩn ức nhất. Những cái muốn làm mới, làm khác của người thơ không giống như của người viết văn, đây chỉ nói cái tình huống, chứ không so sánh chi tiết. Cần làm mới làm khác, cái vụ cắt tiểu thuyết thành một truyện ngắn mà vẫn coi được, hay coi như được, không biết tổ sư của nó là ai, bày ra từ bao giờ. Nhưng phải nhìn nhận là nó hợp với hình thức truyện ngắn bây giờ, của những người bây giờ.

Nhìn vào những người viết văn bây giờ có một nhận xét hởi lòng: những tên đông vui quá. Nếu xao lãng trong một thời gian ít đọc rồi một ngày cầm lấy ba bốn tập báo văn học, cảm tưởng thứ nhất chắc chắn là thấy xa lạ với nhiều tên mới. Người viết còn nhớ cách đây vài năm có một lần gọi đùa một nhà văn mới là một cây bút đang lên. Đang lên như cái cây vừa xuân hối hả mọc, như mang trong mình cây tâm trạng của cả một cánh rừng. Nhà văn bị gọi đùa đã văng tục nói với mấy người khác "Đang lên là cái …gì?!" Nói theo thời thượng, người viết đã "buồn năm phút.” Nếu gọi là cái cây đã đủ cành đủ lá, chờ thành cổ thụ thì thích hơn hay sao? Là cổ thụ có một nỗi khổ có ai biết không? Cổ thụ hay được chim non, sáo đá bay đến đậu và ỉa bậy lên vô tội vạ. Triết lý đúng nhất của cổ thụ là cười. Làm cái cây đang lên hào hứng hơn chứ.

Được cái là đại đa số những người viết trẻ thích là những cây đang lên. Ý hướng đó nhận thấy rõ rệt trong nhiều hình thái phủ nhận, không muốn giống một khuôn mẫu nào đã có. Phủ nhận là một ý chí, nó gắn liền với một ý chí khác là tìm tòi, khai phá. Nghe như có một thời những người trẻ đặt tìm tòi, khai phá trong những cố gắng làm giống một số trào lưu nổ pháo bông tại nước ngoài. Pháo bông làm cho những con mắt ngước lên tròn xoe thích thú trong giây phút. Rồi tắt. Nhưng cũ người mới ta, có những cố gắng ở đây muốn như thế nọ, muốn như thế kia. Kết cục, pháo bông ở đây cũng như pháo bông ở đâu khác. Bây giờ hầu như tắt hẳn những cố gắng kiểu đó. Bài học có thể tóm tắt: nhà văn nước ngoài cảm thấy cuộc đời đã được khai thác đại kỹ nghệ, cạn mất hết nhiên liệu, cho nên đành quay về tìm cách làm mới bằng kỹ thuật, nhưng kỹ thuật tinh vi hay lạ lùng đến đâu cũng không hâm nóng sôi sục được cuộc đời nếu quả tình đã nguội lạnh hay khô cằn. Kết quả tại ngoại quốc, chẳng hạn như ở Pháp, điều tra trong giới sinh viên (thành phần dễ đón nhận nhất trong quốc gia) cho biết rất nhiều người không lưu ý đến Nathalie Sarraute, hoặc không biết là ai làm gì nữa,trong khi những sách của Guy des Cars, của Delly vẫn bán chạy. Lý do: đọc sách hiểu theo nghĩa bình dân là thoát ra chứ không chui vào cái lồng trí thức. Chừng nào tiều thuyết như chén nước mát tưới lên mảnh đất tưởng tượng, tiểu thuyết được đón nhận dễ dàng. Tâm hồn của số đông đọc tiều thuyết bây giờ khác với ngày xưa ở điểm chấp nhận những sắc thái tàn bạo vì tàn bạo bây giờ là một yếu tố có thật trong đời sống. Tàn bạo không phải là một khám phá mới lạ, tàn bạo là sự thật, sự thật thường ngày.

Ở ta, hoàn cảnh chẳng đáng lấy làm hoan hỉ, cuộc đời bỗng trở nên giàu có, súc tích quá, trước kia đã chẳng được thật lực khai phá vì số người viết quá ít, bây giờ giàu sang súc tích thêm, đâu có cần người viết phải mất công len lỏi trong những tiều xảo kỹ thuật. Những phong trào muốn như thế nọ như thế kia lan ra ít lâu trên bề mặt đã vội nhường đất cho những khai phá đích thực.

Đời sống trở nên giàu sang có một hậu quả trông thấy là tăng bội những chứng nhân rung cảm chung với nhịp giàu sang mới. Hiện trạng đông vui tên những người viết mới chỉ có thể giải thích bằng nhận định đó. Hễ nói đến rung cảm không thể không biết đến tuổi tác con tim. Những cảm hứng nồng nhiệt không mấy khi có nơi những trái tim đã cũ như chiếc đồng hồ cha dùng suốt đời rồi truyền lại cho con. Những người viết trẻ mọc lên như rừng là tình trạng để giải thích, là sự kiện lành mạnh, hợp lý, là hứa hẹn tương lai của văn chương nước ta.

Bây giờ phải quay về đề tài chính của bài khai từ cho một tập truyện ngắn của những người viết trẻ. Cứ ngồi mà luận đại cương về sự đông vui của làng viết thì bao nhiêu giấy cũng không vừa. Thật tình đông vui chưa phải là điều kiện đáng tin cậy nhất. Tương lai văn chương nước ta cần có đông những người viết, nhưng còn cần hơn nữa là cái chất phì nhiêu mà số đông những người viết sẽ tạo nên được qua những cố gắng hì hục ở khắp nơi. Lâu nay có một điều mà lắm nhà bình luận văn học hay đả động tới là hi vọng tìm thấy nhiều TÁC PHẨM LỚN. Phải viết hoa cả ba chữ to lớn đó lên để ai nấy ước lượng được cái sức voi đặt trong hoài bão đó. Người viết lại nghĩ khác. Không ai có thể tự hứa với mình sẽ hoàn thành một tác phẩm mà thiên hạ phải công nhận rằng lớn. Hết thảy những người viết đều kiêu hãnh, chẳng tự hứa không ai quên thầm nhủ phải cố gắng. Tài kỹ có bao nhiêu dại gì mà không vận dụng hết. Nguyễn Du, ông lớn số một của văn chương Việt Nam đã chẳng hồ nghi không biết ba trăm năm sau thì sao đó ư. Cái lớn của một tác phẩm văn học nó giống như đứa trẻ mà hai bậc cha mẹ cấu tạo trong chỗ kín đáo, làm sao biết sinh ra nó đẹp hay xấu, lớn lên có khỏe mạnh hay không, học chữ học làm người kết quả có võng lọng hay không. Vấn đề đối với hai người cấu tạo là cứ biết yêu thương nhau thật tình, chọn lúc lâm sự cho đúng phép vệ sinh; nhậu độ một két rượu nho về rồi còn lo bày chuyện rắc rối như nhiều ông Pháp và băn khoăn tại sao ở Pháp lắm trẻ con trí tuệ chậm phát triển thì đúng là chẳng hiểu mô tê sự đời chi hết. Cấu tạo đúng phép vệ sinh còn phải lo dưỡng thai, sinh ra rồi còn lo nuôi lo dưỡng lo giáo dục, có thế mới mong sẽ có tác phẩm lớn đóng góp với đời. Sáng tạo văn chương cũng chằng khác. Cứ chân thành trong rung cảm, o bế tưởng tượng thật tận tình, mài dũa văn tự ngôn ngữ cho đến nơi đến chốn, đế trơ cái lõi của chữ nghĩa ra, tác phẩm có lớn hay không là tự nó về sau, biết làm sao được. Tác phẩm của mình tự cho là toàn bích, bạn hữu xúm vào nịnh xỏ bảo rằng hay nhất, nhưng tung ra đời thiên hạ chỉ thấy rằng được được vậy thôi thì đừng nên nổi giận, cứ từ từ chờ thời gian, biết đâu đấy. Nhưng nhất định là đừng lo làm lớn, tin rằng tác phẩm đã lớn thật.

Trở lại ý kiến đã nói ở trên, người viết không rình mò chờ đợi tác phẩm lớn hiện ra ở chân trời văn chương. Người viết tin rằng sẽ có tác phẩm lớn được suy tôn sau này qua đông đảo những cố gắng của số đông người viết trẻ đang sản xuất văn học. Cuộc đời ở chung quanh chúng ta đang thê thảm như con trâu bị lăng trì đứng đợi ở bên cọc. Những người viết, phần lớn là những người trẻ, đang lóc từng mảnh thịt trên lưng trâu bày lên sách báo. Những tác phẩm đúng là những tảng thịt tươi đó.

Dù muốn quan niệm một tiểu thuyết như thế nào, tiểu thuyết bao giờ cũng là một công phu trình bày, sắp đặt. Tiểu thuyết là một món ăn do tài khéo của đầu bếp. Tiểu thuyết là một đóng góp thành hình của nhiều yếu tố, nhiều thành phần và nhiều công khó. Truyện ngắn, trái lại, và nhất là theo quan niệm truyện ngắn bây giờ, con cá không có cần có đầu có đuôi, là những tảng thịt tươi rói, đỏ hỏn, vừa lóc trên lưng con trâu ra.

Nói như vậy không phải muốn bảo rằng những truyện ngắn hay là những cơ may (cắt được món thịt ngon) tình cờ phóng bút mà có. Truyện ngắn bây giờ không đòi hỏi một kỹ thuật chặt chẽ, ngòi bút viết truyện ngắn không bị gò bó trong một luật lệ nào hết. Nhưng từ con tim, từ khối óc người viết, dòng cảm hứng của người viết phải là máu thì tác phẩm mới tươi được. Điều kiện lớn của truyện ngắn bây giờ là phải tươi. Mỗi người viết hàng ngày xông xáo trong môi trường rung cảm tự mình phải tươi và khi trình bày trên giấy kết quả gửi tới người đọc vẫn còn tươi nguyên sự sống. Những người trẻ thành công trong truyện ngắn bây giờ, mô tả cuộc sống bây giờ, chính bởi họ dư thừa, hay ít nhất cũng đủ chất tươi.

Mỗi người viết trẻ lần lần thâu lượm như vậy những chất liệu. Một ngày nào đó từ những chất liệu nóng hổi thâu góp, với kinh nghiệm tích lũy, khi bắt sang những công việc dài hơi hơn, nhiều công phu hơn, họ sẽ giống như những bậc cha mẹ gửi nhiều khó nhọc vào một mưu cầu thiết tha mới có những đứa con nên người. Tin tưởng tác phẩm lớn sẽ có là vì vậy. Đã đành là thỉnh thoảng vẫn có những thiên tài, nhưng người viết với kinh nghiệm già nửa đời người sợ nhất là những thứ tưởng rằng thiên tài, tuy phải bái phục những thiên tài thật. Tại sao không bằng lòng là những con người thường và vui lòng xây dựng bằng những cố gắng. Sáng tạo văn học là một công việc hết sức bình thường. Con người sáng tạo văn học một mình ngồi trước tờ giấy trắng là con người thật người, tức là hết sức cô đơn. Tài năng là do cố gắng. Trong văn học làm gì có thứ gọi là "soutien automatique" cứ đeo vào người là nó tự nhiên to tướng. Có tác phẩm lớn rất dễ dàng chỉ cần một điều kiện là có tiền để mua và tin ở lời quảng cáo của người bán. Những phù thủy văn nghệ đúng là những ông bán "soutien automatique" đấy.

Nói chuyện con cá chép không đầu không đuôi dám quên mất một nguyên lý của sự sống, đó là trong cái đổi thay vẫn có cái bất biến. Nguyên lý đó được thể hiện trong văn chương của ta hiện thời bằng sự hiện diện cùng lúc của khuynh hướng trẻ và mới rất đông đảo và khuynh hướng khiêm nhường hơn, vì vắng hơn, tạm mệnh danh là khuynh hướng truyền thống. Một bên ồ ạt trong sự khai phá, một bên ung dung cứ giữ thói quen vuông vắn có đầu có đuôi. Phái trẻ đưa ra những miếng thịt tươi rói trong khi phái cũ vẫn sáng tác được những truyện ngắn đẹp. Phân biệt hai phái trẻ và cũ cũng chỉ là một cách nói. Chằng ai chứng minh được rằng hết thảy những người trẻ nhất định viết theo lối cũ và có những người ưa cũ nhưng cũng mon men thử của mới đôi lần, chẳng biết có thành công hay không. Có điều là theo khuynh hướng nào thì truyện ngắn vẫn là truyện ngắn.

[Mặc Đỗ, "Những người viết trẻ", Văn số 197 (Số đặc biệt sáu nhà văn trẻ), trang 2-9, ngày 1.3.1972-Bìa và Tài liệu thuộc các thành viên Diễn đàn Sách Xưa- Bản điện tử do Bản Cốc thực hiện]