Sunday, July 6, 2014
Thơ MANDELSTAM
Osip Mandelstam (1891-1938) là một nhà thơ hàng đầu của thế kỷ 20. Sinh tại Varsovi trong gia đình gốc Do thái và trưởng thành ở St Petersburg, ông và các bạn thơ trong nhóm Acmeism đã cách tân, giải phóng thơ Nga khỏi ảnh hưởng Tượng Trưng chủ nghĩa. Họ chú trọng vào tay nghề thi nhân bên cạnh nghệ thuật dùng ngôn từ chính xác nhằm phục hồi quyền năng của chữ. Có cảm tình với cách mạng ông tham gia các hoạt động văn hóa sau 1917, kiếm sống khó khăn bằng những bài viết và dịch thuật. Vì mấy bài thơ chui phản đối chế độ hà khắc của Stalin, Mandelstam bị bắt và mất vài năm sau trên đường lưu đày cùng đám người tù tập trung vùng cực bắc Siberia.
Thơ Mandelstam trác luyện từng câu, khắc chạm từng chữ,vươn lên tính cô đọng của tinh thể. Mấy bài dịch sau đây cố gắng diễn đạt âm điệu trầm lắng và kín đáo trong thi phẩm Đá (1913) tập hợp các sáng tác đầu tay của thi hào .
CHÂN PHƯƠNG giới thiệu và dịch
( từ bản Anh ngữ do Robert Tracy trong STONE, Princeton UP, 1981.)
Nhút nhát quả lìa cành
Không lời rơi chạm đất
Giữa nhạc điệu triền miên
Của rừng già vắng ngắt…
1908
Thính giác căng như buồm
Mắt ngóng vời hoang vắng
Hợp xướng đàn chim đêm
Thầm bay ngang im lặng
Tôi nghèo tựa thiên nhiên
Mộc mạc giống bầu trời
Hư ảo phần tự do
Như lời chim đêm gọi
Tôi ngắm vầng trăng lạnh
Vòm trời chết đóng khung
Trần gian dù lạ lẫm
Tôi chấp nhận hư không!
1910
Lá gần như im hơi
Trước gió thoảng tăm tối
Xao xác én hoàng hôn
Liệng từng vòng mệt mỏi
Trong cõi lòng tương tư
Nơi con tim hấp hối
Chiều tà gieo trách cứ
Theo sợi nắng cuối trời
Đêm xuống trên cánh rừng
Ánh trăng mọc gỉ ối
Vì sao im vắng thế
Tiếng nhạc phách đâu rồi ?
1911
Món quà cho riêng mình và độc nhất
Tôi làm chi với xác thân này ?
Nhận được niềm vui sống thở lặng yên
Làm sao tôi biết cảm tạ ai đây ?
Là kẻ làm vườn - tôi cũng là hoa,
Không đơn chiếc trong ngục tù trần thế.
Thân nhiệt cùng hơi thở của tôi
Trên kính thiên thu trong suốt nằm phơi.
In lên mặt thủy tinh họa tiết hiện hình,
Nhưng bây giờ chẳng người nào nhìn thấy.
Mặc cặn bả thời khắc cứ tuột trôi -
Hoa văn diễm lệ này phải còn lại mãi.
1909