Sunday, July 27, 2014

Tương Lai NHA TRANG

                                                                                        du ký MIÊNG

Mỗi bận làm du khách quê nhà, mỗi bận đều thấy đất nước mình thay đổi. Chỗ nào cũng xây cất khách sạn bốn, năm sao sang trọng, nhà hàng cao cấp, cà phê sân vườn, nhà cửa đập cũ xây mới khang trang đẹp đẽ. Sài Gòn thì khu khách sạn bình dân Phạm Ngũ Lão lắm anh da đen ngồi chờ các chị da vàng tới mua, dân đàng hoàng ít ai dám lai vãng. Riêng Nha Trang càng ngày du khách Nga càng tấp nập. Mà chẳng chỉ là du khách, đã có vài cửa hàng chủ là người Nga trong Nha Trang Center mới mở vài năm nay.
Để đáp ứng nhu cầu, có nơi tiệm sách biến thành tiệm nữ trang, tiệm hải sản bình dân và quầy bán trái cây mọc lên, nhiều cửa hàng trước kia đề thêm tiếng Anh thì nay là tiếng Nga, hay có cửa hàng chỉ đề tiếng Nga. Nhưng nghe nói nếu du khách Tây - Mỹ được dân làm ăn ưa thích bao nhiêu thì với du khách Nga, họ hơi bị... lúng túng bấy nhiêu. Ví dụ từ ngày xích lô bị cấm, “luật là luật” nên khắp nơi áp dụng triệt để, gây khó khăn cho thành phần nhờ chiếc xích lô mà có cơm ăn hay nuôi con lên đại học. Nha Trang cũng chẳng còn chiếc nào chạy rễu (riêng Đà Nẵng có chiêu độc, đã cho tân trang tất cả xe xích lô cùng một kiểu. Một đoàn lợp mái che màu đỏ đều đặn, bóng bẩy sáng trưng, chở du khách lòng vòng thành phố, rất khang trang lịch sự, chẳng những đã không hề xáo trộn đời sống người dân mà dân còn được hí hửng đi lên). Bỗng dưng dạo này du khách Nga nhiều, xích lô ở đâu lại lù lù xuất hiện ở Nha Trang, nhưng lăng nhăng mỗi cái mỗi vẻ. Chở một bà Nga to đùng, đạp đã đủ bở hơi, nhưng cái bở hơi nhất là nghe bà ta... trả giá! Hỏi taxi rằng du khách Nga nhiều, có khá hơn không, trả lời dân Nga chỉ đi bộ, đi taxi thì trả giá kinh lắm, trông béo mà xào khét nghẹt. Có năm trự to hơn voi, đòi đi tới..., khi nói giá, họ chê đắt, cuối cùng có một xe tư nhân chịu đi, năm chàng nhét như cá hộp vào chiếc xe nhỏ. Một tài xế taxi khác than là buổi sáng chở ông Nga xuống chợ Đầm, trả tờ năm trăm ngàn đồng, không có tiền thối lại, ông Nga nói để đi đổi, và chờ hoài ông ta vẫn... chưa đổi được. Tài xế bèn về chờ trước cổng khách sạn, tới trưa ông mới về, đón hỏi, ông ta phùng mang nói đã trả rồi, bảo tài xế nói dối! Chẳng những mất cuốc xe sáng mà còn mất cả buổi chờ, lại mang tiếng gian. Cảnh ba bà Nga mua ba trái xoài, bỏ lên cân, và ba cái mông vĩ đại cúi xuống nhìn lom lom vào cái cân nhỏ xíu chỉ trỏ xí xô xí xà với người bán, hai bên vụng về ngôn ngữ tình dùng bằng dấu đôi tay coi cũng chẳng thông cảm nhau là mấy. Trên tay du khách Nga luôn kè kè cái máy tính tiền. Đó là chưa kể thảm: một cặp vợ chồng ra chợ mua 3 trái cà chua, chồng chôm thên 2 quả bỏ vào xách. Cô hàng bắt gặp, đổ xách ra, trả lại tiền, đuổi đi.



Nhiều người nói thấy Nga là ngán, vì họ... kẹo lắm. Chậc, thì mỗi người mỗi tính. Chớ như chợ Đầm, thiên hạ bảo tết vừa rồi nếu không có du khách Nga thì không có tết, vì hàng ế ẩm quá do vật giá cứ hăng hái tiến lên trong khi đồng tiền nhà nhà cứ án binh bất động. May nhờ có Nga, váy ngắn váy dài vẫn treo lủng lẳng mới được thỉnh đi, sau khi đã trả giá cực kỳ chăm chỉ. Thì cũng nên thương thương họ chút. Vì vậy nghe nói dạo này mua áo quần xay nhỏ thì khó, mà xay lớn thì tha hồ. Hễ thấy các ông bà sồn sồn phì phì, tay xách bao ny lông thức ăn, thì có bị dọa chặt đầu cũng nói đó là khách Nga. Du khách sang thì ở khách sạn bốn, năm sao hoặc những khu “sinh thái” ít thấy ai lai vãng, nhất là ăn bận loàng xoàng tay xách túi thực phẩm linh tinh.

Hồi giữa tháng 4, một bà Nga tắm biển bị cá nhái đâm sầm vào cổ, tê liệt không cử động được. Con cá này chắc bị bệnh loãng xương, lại mánh mung trò mờ ám bị bắt quả tang nên quýnh quá tuôn chạy không nhìn trước ngó sau. Kết quả là thân mến đặt vào cổ bà Nga 23 mảnh xương lưu niệm. Đựng vào đĩa, chụp hình. Thiên hạ kinh hoàng “Cả một đĩa xương!”. Dám bà Nga được vào Guinness, trường hợp đầu tiên và độc đáo nhất thế giới, nhưng con cá nhái chỉ có cái mõm dài làm kế sinh nhai mà tặng đi rồi thì tiêu tán cuộc đời, hết phương tiện nuôi vợ con, như xích lô bị cấm. Nghe tin ca mổ dài bảy tiếng rưỡi thành công mỹ mãn, “trên cả tuyệt vời”, thiên hạ mừng rơn. Dù sao cũng hú vía không phải “hàng nội”, bởi thiên hạ bảo trường hợp đó mà là một bà Việt Nam thì khác hẳn. Thành quả vinh quang vì dĩ nhiên phái đoàn mổ xẻ cũng phải chọn giữa các chú thím “mát tay”. Bởi Nha Trang đang có nhiều “phi vụ” với Nga, có nhà hàng chuyên thù tiếp khách Nga, nhiều dịch vụ dành riêng cho dân Nga... Cho nên người ta nói cái tin “cá cắn” này khiến chính quyền và dân làm ăn Nha Trang lo hết lớn, không phải sợ bị cắn, mà tiếng lành đồn xa tiếng dữ đồn càng xa, khách nào cũng ngại cá thay vì cắn câu lại chơi khăm cắn cổ, thì ai còn thèm du tới đây để các “phi vụ” lên hương. Cho nên khi bà Nga nói cười được thì phái đoàn ủy ban nhân dân tới thăm ngay, ủy lạo, tặng hoa tặng quà chu đáo, và chắc là diễn tả trăm phần thân thiện.

Hội An được xem là “thành phố văn hóa” thật ra cũng vì nó nhỏ, dễ tổ chức điều hành. Nha Trang có rộng lớn hơn nhưng mọi sinh hoạt cho du khách hầu như chỉ dồn vào con đường chính Trần Phú và các con đường dẫn tới Trần Phú, nên cái hay cái dở chung quanh những khu này dễ bị để ý. Trừ đường Trần Quang Khải trẻ trung tấp nập và có vẻ ngăn nắp khang trang, Nguyễn Thị Minh Khai là một trong những con đường già nua lổm chổm, mỗi sáng mỗi chiều người ta bán ăn chiếm hết lề đường, lò than rực lửa mịt mù khói thịt nướng bay tán loạn, hay nồi nước dùng sôi sùng sục, và linh tinh món, sáng sớm người bán rửa lề đường để bày hàng, bọt xà phòng và rác rưởi lềnh bềnh trên dòng nước đọng, vì mỗi người chỉ quét khúc đường “của mình” rồi dừng. Làm đường cố ý chừa khoảng 4-5 tấc cách lề để nước chảy xuống cống. Nhưng năn nỉ nước cũng không chịu chảy vì có nơi miệng cống nhỉnh cao hơn. Trông thật bẩn thỉu nhếch nhác. Nhà ở phố mà làm ăn đành phải chịu vậy, nhưng nếu cố giữ sạch sẽ thì vẫn tốt hơn cho bộ mặt Nha Trang. Đường có tên sang trọng là Biệt Thự và là “khu phố Tây” thì đoạn gần tới đường Trần Phú rất dơ dáy luộm thuộm, có vẻ là khu cho xe rác đậu. Và khỏi nói là nhiều nơi mùi bàng quang xả ra xông lên nồng nặc. Và cũng khỏi nói là mạnh ai nấy quét rác hất ra đường. Nghe nói những ngày lễ lạt xe ca khắp nơi đổ tới, thiên hạ ăn uống nhậu nhẹt vẫn không tự thu dọn bỏ vào thùng rác, cứ bừa trên bãi, nhân viên vệ sinh quét dọn luôn tay mà vẫn không xuể. Mình mà không gìn giữ thành phố mình, con đường mình cho sạch sẽ, thì du khách chẳng lý do gì bọc rác rến trong túi chờ đến chỗ có thùng mới bỏ.






Ở các quảng trường dọc Trần Phú, mỗi sáng nhiều nhóm tập thể dục, khí công, múa quyền... là một hình ảnh độc đáo của Nha Trang văn minh thân thiện trong mắt du khách. Nhưng cùng lúc với tất cả các phát triển về xây cất, về dịch vụ, nếu giải quyết được những hình thức vệ sinh cơ bản nhất, bộ mặt Nha Trang sẽ có cái nhìn tốt hơn với du khách bốn phương. 

                                                                   nguồn amvc.fr