14:40 | 16/06/2014
Triển lãm của Nguyễn Mạnh Hùng và Jun Nguyen-Hatsushiba (thường được công chúng Việt Nam biết đến với tên Jun Nguyễn) vừa khai mạc chiều thứ sáu, ngày 13/6 (giờ Pháp) tại bảo tàng MAC/VAL (Paris).
Nguyễn Mạnh Hùng bên bức “Trước nhà thờ”
Đây là hai gương mặt đại diện cho nghệ sỹ thị giác đương đại được mời lưu trú, sáng tác và triển lãm ở Pháp nhân Năm Việt Nam - Pháp 2014. Giám tuyển của dự án nghệ thuật này là Valerie Labayle.
Bảo tàng MAC/VAL ở Vitry sur Seine - ngoại ô Paris, nhưng rất gần trung tâm. Đây là một bảo tàng chuyên về nghệ thuật đương đại. Bảo tàng dành cho mỗi nghệ sỹ một phòng triển lãm khá lớn.
Giễu nhại tranh xú- vơ- nia
Triển lãm của Nguyễn Mạnh Hùng có cái tên “L’Avventura - Lãng Du” gợi nhớ đến một bài hát lãng mạn của Pháp được dịch ra tiếng Việt trong trào lưu “nhạc xanh - nhạc trẻ” trước năm 1975. Cái tên khá “sến” một cách cố ý và nội dung tác phẩm của Hùng tạo ra một nghịch lý kích thích tâm trí người xem.
Hùng mua tranh xú - vơ - nia (souvenir) ở các chợ đồ cũ tại Paris rồi vẽ thêm vào khung cảnh hiền hòa và thơ mộng đó những hình ảnh hiện đại theo ý mình. Đa phần là những hình ảnh có tính xung đột, vũ trang… Sự tương phản, lai ghép, cách thức “chế tạo” tác phẩm này dù khá hài hước trên bề mặt, nhưng ẩn tàng sự đe dọa, bạo lực ngấm ngầm. Dưới một chiều hướng khác, lại thấy sự coi thường vũ trang và bạo lực, dưới bất cứ lý do nào.
Tác phẩm "Bảo vệ thôn làng"
Có thể thấy trong 18 bức tranh ở triển lãm, có khá nhiều chi tiết giễu nhại, kiểu như các nhà sư Thiếu Lâm trong bộ dạng phim truyền hình, hùng hổ tạo dáng trước một nhà thờ Pháp (Hùng nói anh khoái nhất bức này, mang tên “Trước nhà thờ”); hoặc tự họa trong bộ dạng nghênh ngang, kiểu “trai làng” đứng giữa đường… làng Pháp (bức “Bảo vệ thôn làng”). Ở một số bức khác như “Trên bờ kè”, “Bảo vệ bờ biển”… Nguyễn Mạnh Hùng sử dụng một số chi tiết hài hước đậm đặc chất Việt Nam, về ngôn ngữ tạo hình gần với biếm họa.
Tên Nguyễn Mạnh Hùng ký cạnh tên tác giả tranh cũ người Pháp. Một sự hợp tác kỳ lạ.
Hỏi anh rằng có sợ rắc rối về vấn đề bản quyền? Hùng nói, đây là những tranh rẻ tiền và nay ở dạng vô thừa nhận, có bức khi anh gặp được, nó đang được sử dụng để đậy thùng hàng; như vậy thì chắc là không có vấn đề gì.
Bức “Trên bờ kè” của Nguyễn Mạnh Hùng
Anh cũng cho biết, giá mua những tranh này khi chúng ở chợ đồ cũ dao động trong khoảng 5 - 50 Euro (khoảng 150.000 – 1.500.000 đồng VN). Hỏi đã bán được bức nào từ triển lãm này chưa, Hùng cười: Chưa! Có vẻ họa sỹ không hy vọng việc này. Ngay tại Paris, nơi nghệ thuật đương đại rất phát triển, dòng tranh này vẫn là thứ ngoài lề với đa số người xem. Nhưng biết đâu đấy, triển lãm chỉ mới bắt đầu.
Sắp đặt duy nhất có mặt trong triển lãm của Nguyễn Mạnh Hùng là một đám lính đặc nhiệm đồ chơi bằng nhựa, trong tư thế bắt giữ tội phạm nguy hiểm hoặc khủng bố. Và kẻ tội phạm này là một tuýp màu dầu đang được sử dụng. Sắp đặt này đơn giản nhưng tạo được sự đa nghĩa thú vị.
Tranh được vẽ từ âm thanh
Phòng triển lãm của Jun Nguyễn thì hơi giống một phòng karaoke với một màn hình rất lớn và hai chiếc micro được đặt ngang tầm đứng phía trước. Tên của triển lãm là “Don't we all want to be in tune?” (Lẽ nào chúng ta không muốn điều chỉnh?”.
Sắp đặt duy nhất tại triển lãm. Đám binh sỹ đè tuýp thuốc vẽ, như đè khủng bố
Thiết bị của Jun Nguyễn có chương trình phần mềm cho phép người xem (phải hai người tự nguyện cùng lúc) tham gia “làm” tác phẩm cùng với tác giả. Người tham gia nói hay hát, hoặc đơn giản là hú vào đó với nhiều cung bậc, rồi hình vẽ sẽ hiện ra trên màn hình lớn.
Cơ chế của việc này là: Tiếng của mỗi người sẽ tạo ra một đường thẳng ngang hoặc dọc, rồi hai đường tung hoành ấy cắt nhau sẽ tạo ra một điểm, có tọa độ. Tọa độ này sẽ được máy ghi lại để vẽ thành cái hình nhỏ nằm giữa màn hình.
Dĩ nhiên, không nên bình luận sự “đẹp/ xấu” của hình vẽ này theo cách nhìn thông thường. Tùy theo sự tương tác của từng người, hình vẽ sẽ ngoằn ngoèo, đi theo các hướng lung tung không thể đoán định. Tác phẩm thú vị ở chỗ nó đưa ra một gợi ý, rằng có thể vẽ bằng mọi thứ. Đây cũng là quá trình mà người xem cần phải kết nối với nhau bằng mắt, bằng tai và quan trọng hơn, bằng chính trạng thái của mình để cùng tạo ra một tác phẩm.
Bức "Kẻ thù chung"
Jun Nguyễn là một nghệ sỹ quốc tế theo đúng nghĩa: bố Việt, mẹ Nhật. Sau khi cha mẹ ly hôn, anh rời Tokyo sang Mỹ để rồi giữa tuổi thanh niên lại trở về TPHCM sống cho đến nay. Quá trình làm nghệ thuật của anh là quá trình bộc lộ sự ám ảnh về sự cô đơn, lẻ loi giữa cộng đồng và sự tha hương.
Triển lãm lần này, anh còn đưa ra loạt tranh từ giấy và mực. Cho một khối lượng mực vào giữa tờ giấy, anh nhỏ nước lên và theo dõi sự di chuyển của những hạt mực “ly khai” khỏi cộng đồng. Sau khi khô lại, tác phẩm xong.
Triển lãm kết thúc 21/ 9/ 2014.
Theo Lê Anh Hoài - TP