Nobel Văn học là đỉnh cao nhưng không phải đỉnh cao nào cũng làm hoan hỉ tất cả mọi người. Việc lựa chọn của viện Hàn lâm Thuỵ Điển những năm gần đây chắc chắn sẽ làm chạnh lòng những ai đã trót yêu thích thế giới văn chương của Kafka, Jorge Louis Borges, Umberto Eco, Robbe – Grillet, Italo Calvino…
Vào năm 1967, John Barth tuyên bố “văn chương đã đến hồi cạn kiệt”. Lo lắng của John Barth không phải vô lý, bởi trước mắt nhà văn hậu hiện đại này người ta đã đẩy sự thực hành văn chương đến chỗ mà những người hiện thực chủ nghĩa không thể tưởng tượng được rằng chúng sẽ được gọi là nghệ thuật. Dường như mọi quy ước thể loại đã bị các nhà văn làm xô lệch. Không còn chuẩn mực nào được giữ nguyên trong cấu trúc, diễn ngôn, hình tượng...
Tuy nhiên, những năm gần đây, chủ nhân của các giải Nobel lại không phải là những nhà văn, nhà thơ nằm trong số những người làm cho nghệ thuật văn chương đi đến sự xô lệch nói trên. Nobel Văn học năm 2011 xướng tên Tomas Tranströmer. Trong thế giới thi ca của Toàn tập thơ Tranströmer (Nguyễn Xuân Sanh dịch và giới thiệu, NXB Văn Học 2000), ít có sự đột biến về thi pháp. Nhà thơ hướng mình đi đến sự giản dị, trầm lặng và những xúc cảm ngọt ngào của con người trước thế giới. Tranströmer xếp đặt những điều bình dị bên nhau làm nên điều phi thường, không phải thông qua những cách tân mạnh mẽ về hình thức mà bằng sự sâu lắng tinh tế của một nhà thơ vĩ đại.
Ngày 11.10.2012, một lần nữa Nobel Văn học làm thất vọng những ai muốn đẩy văn chương đi đến những cách tân triệt để khi người được vinh danh là Mạc Ngôn. Không thể phủ nhận được khí lực sáng tạo của Mạc Ngôn khi ông có tầm bao quát rộng lớn về xã hội Trung Quốc có nhiều biến động và sự suy đồi. Tuy đều lấy văn hoá Trung Hoa làm căn nền sáng tạo nhưng có những khác biệt lớn trong lối viết của Mạc Ngôn và Cao Hành Kiện (chủ nhân giải Nobel 2000). Lối viết của Cao Hành Kiện đẩy người đọc đi đến những cách tân táo bạo về mặt hình thức. Trong khi đó, kỹ thuật của văn chương hậu hiện đại không phải là lựa chọn chủ động của Mạc Ngôn. Bao trùm lên các tiểu thuyết của Mạc Ngôn vẫn là lối viết hiện thực. Nhân vật thực, không gian thực, ít có xáo trộn về cấu trúc, lối mô tả hiện thực và tham vọng mô phỏng khách quan vẫn là những yếu tố căn bản. Tất nhiên không thể loại trừ trong thế giới của ông tính chất huyễn ma, huyền thoại... nhưng đây không phải là lựa chọn tối ưu của người viết dựa trên một nền tảng mỹ học và thi pháp huyền thoại rắn chắc. Thậm chí Herta Müller (nhà văn đoạt giải Nobel 2009) cho rằng Mạc Ngôn được vinh danh là “một thảm hoạ, một thất vọng sâu sắc”. Viện Hàn lâm Thuỵ Điển tìm tới Mạc Ngôn bởi vì họ cho rằng văn chương của ông là “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo trộn lẫn với những câu chuyện dân gian, lịch sử và hiện đại”. Không phải họ không có lý, nhưng sẽ thuyết phục hơn nếu họ chỉ ra những hạt sạn tồn tại thực sự trong việc Mạc Ngôn cấy ghép yếu tố huyền ảo với cuộc sống hiện đại – trò chơi mà không phải nhà văn nào cũng có thể tìm tới.
Những ai ưa thích lối kể chuyện theo cách cũ một lần nữa vui mừng đón nhận tin chủ nhân của Nobel Văn học năm 2013 là Alice Munro. Người Việt khó có thể có một cái nhìn tổng quan về văn chương Munro bởi cho đến nay ở Việt Nam chỉ duy nhất tập truyện ngắn Trốn chạy của bà được Trần Thị Hương Lan chuyển sang Việt ngữ (Nhã Nam xuất bản năm 2012). Nhưng qua Trốn chạy và những phát ngôn của Munro trên báo chí thì rõ ràng đối với những ai khuyến khích sự cách tân táo bạo mang tính khiêu khích trong nghệ thuật, Munro không phải là món khoái khẩu của họ. Munro từng nói rằng: “Tôi muốn kể những câu chuyện theo cách cũ, điều chắc chắn sẽ xảy ra với ai đó nhưng tôi muốn điều đó được chuyển tới độc giả bằng những cách tiếp cận mới. Tôi muốn người đọc cảm thấy một câu chuyện cũ nhưng vẫn rất đáng ngạc nhiên. Đó là cách mà tôi cảm thấy mình có thể truyền tải tốt nhất qua mỗi cuốn truyện ngắn”.
Phải chăng, viện Hàn lâm Thuỵ Điển đã chán những nhà văn khai phá táo tạo về kỹ thuật khi những năm gần đây họ thường tìm tới những lối viết bình dị, sâu lắng? Dù sao đi nữa thì những tìm tòi, khai phá, những cách tân liều lĩnh của những nhà văn ưa mạo hiểm chơi trò siêu hư cấu một cách có ý thức và có hệ thống hiện nay vẫn là nơi để những người đọc khó tính tìm tới đòi hỏi, nơi để người đọc nhìn thấy những khả thể hư cấu thực sự, nơi để đưa ra những cách nhìn khác về hiện thực khách quan và nhìn thấy những giới hạn của khoa học hiện đại trước sự thăm dò của văn học trong việc khám phá thế giới bên trong của con người. Nghệ thuật siêu hư cấu là một trò chơi, nó tự trình bày cách chơi của mình. Một trò chơi mà nó tự nhìn chính mình và cười chính mình. Bản thân nó không dừng lại ở sự quy chiếu ngoại cảnh mà nó tự lấy nó làm đối tượng... Những nỗ lực cách tân này mới khiến nghệ thuật biến thiên không ngừng, đưa sáng tạo làm tròn bổn phận của nó: làm ra cái mới.
Lê Minh Phong