Hỏi chuyện nhà văn Tạ Duy Anh
66 bài viết ngắn, giống như những “status” phản ánh hiện trạng tâm lý của dân chơi facebook. Tuy nhiên, với ngòi bút có ý thức và chuyên nghiệp, Làng quê đang biến mất? (NXB Hội Nhà văn, 2014), tác phẩm mới nhất của nhà văn Tạ Duy Anh, không dừng lại ở việc bày tỏ suy nghĩ, mà thật sự đưa độc giả vào thế phải săm soi lại thực tại, phải phản ứng và bày tỏ thái độ. Sách đang gây sự chú ý của bạn đọc.
* Thưa nhà văn Tạ Duy Anh, ông có thể giải thích lý do đặt tên cho cuốn sách này là Làng quê đang biến mất?
- Tôi vốn là người cẩn trọng khi đặt tên tác phẩm của mình. Thông thường công việc đó chiếm khá nhiều thời gian của tôi. Bởi vì tôi quan niệm, cái tên không chỉ để gọi, phân biệt, mà thực sự phản ánh số phận của tác phẩm, là “điềm báo” trước tác phẩm ấy sẽ sâu sắc hay hời hợt.
Ở đây tôi có cả thảy 66 sự lựa chọn. Nhưng tôi đã lựa chọn cái tên Làng quê đang biến mất, vì thứ nhất, tập sách này bàn về thái độ ứng xử mang tính văn hóa, thứ hai, đó là vấn đề xã hội rất quan trọng hiện nay. Không thể yên lòng được khi không gian sinh tồn, không gian đạo đức truyền thống, không gian mà mỗi chúng ta từng coi như cái nôi đang mất dần, đang bị làm cho biến dạng, đang bị tước đoạt về mặt thẩm mỹ… tức là đang có một sự “biến mất” cái cốt lõi nhất làm nên phẩm giá của mỗi người trong chúng ta. Nó là gốc của mọi vấn đề còn lại và tôi muốn mọi người phải chú ý một cách tương xứng để thể hiện thái độ ngay lập tức.
* Chúng tôi nghĩ rằng: Làng quê đâu có thể “biến mất”, cái mà ông muốn truyền tải thông điệp tới bạn đọc có phải là sự phá vỡ không gian làng quê xưa, cái văn hóa cốt lõi của người Việt đang “tan biến”?
- Cảm giác của anh về cơ bản là chính xác. Nhưng nếu anh đồng ý thêm với tôi rằng làng quê của chúng ta không chỉ là cái nôi sinh thành từ ngàn đời của cư dân Việt, một không gian sinh tồn đảm bảo cho chúng ta cảm giác bình yên, cho chúng ta ký ức, sự gắn bó bền chặt với cội nguồn…mà nó còn là nơi kết tụ nên những giá trị văn hóa trong đó có nhiều yếu tố mang tính định dạng chúng ta về căn cước, thì anh sẽ đồng cảm với nỗi âu lo của tôi. Tôi thấy rất rõ nhiều thứ trong cái không gian ấy đang biến mất. Không còn chỉ là cảm giác nữa, mà có thể thực chứng. Có điều gì đó còn hơn cả sự nguy hiểm mà tôi muốn cảnh báo mọi người, nhất là giới trẻ, những người sẽ quyết định tương lai đất nước, rằng nếu cứ lao theo những giá trị nhất thời, nếu cứ cổ súy cho sự thô kệch, nếu cứ tiếp tục dễ dãi thì sẽ đến lúc không chỉ làng quê, mà chính chúng ta cũng sẽ biến mất, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
* Theo cảm quan của riêng tôi, cuốn Làng quê đang biến mất thực sự là một tác phẩm mang tính thời đại mà ở đó chất báo chí, chất sử học và cả văn học đan xen phản ánh muôn mặt đời sống của xã hội Việt Nam trong giai đoạn lịch sử này.
- Cảm ơn những đánh giá đầy ưu ái của anh về sự nghiệp văn chương còn khiêm tốn của tôi. Tôi đã và luôn dành một không gian tuyệt đối sau tác phẩm cho độc giả, họ là người có quyền tối cao đưa ra những “định lượng” về tác phẩm nào đó của mình và với tôi họ luôn có lý. Về cuốn Làng quê đang biến mất, quả thực đây là lần thứ hai, sau cuốn Ngẫu hứng sáng-trưa-chiều-tối, tôi lại thử phiêu lưu vào những lĩnh vực mà anh vừa kể, lần này ở mức thể hiện thái độ cá nhân cao hơn. Tôi biết rằng những gì mình cần cho công việc ấy còn rất thiếu: đó là vốn hiểu biết thực tế còn nhỏ nhoi, học vấn và sự từng trải còn mỏng, thiếu cơ bản. Nhưng sự can đảm đối mặt với thực tại thì tôi luôn có đủ để không lùi bước trước bất cứ thách thức nào. Tôi đã lao động bằng 150% sức mình. Nhưng chúng được đến đâu thì lại không phải do tôi quyết định. Tôi chỉ có thể tự tin nói với anh rằng, tôi đã thể hiện toàn bộ lương tâm nghề nghiệp và cảm giác lo lắng của mình trong tập sách.
* Các tác phẩm văn học nghệ thuật, đích cuối cùng cũng là phản ánh thân phận con người, những thăng trầm của lịch sử một đất nước, của nhân loại.
- Không có gì phải bàn về cái đích của văn học nghệ thuật mà anh đề cập. Nhưng tôi đặt mục tiêu bé hơn nhiều trong tác phẩm mới nhất của mình. Tôi sẽ nói với độc giả của tôi rằng, Làng quê đang biến mất là cuốn sách thể hiện trách nhiệm xã hội của một nhà văn. Tôi thực sự đã làm một thử nghiệm với ngòi bút của mình. Thay vì tạo ra một hiện thực mới như vẫn làm trong các sáng tác hư cấu, tôi muốn chia sẻ những điều đang diễn ra hàng ngày, bên ngoài mỗi ngôi nhà, với những người dân bình thường, với giới trẻ, theo cách mà tôi suy nghĩ, đánh giá về mỗi sự kiện khi nó xảy ra. Tôi đưa ra cái nhìn mang tính cá nhân về mỗi sự kiện ấy, đặt nó vào giữa cái tổng thể văn hóa chung. Phần việc còn lại là của độc giả. Họ sẽ tự lọc ra thứ họ cần.
* Còn nếu nói Làng quê đang biến mất là những tiếng nói phản biện cho sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh về kinh tế, đa dạng về văn hóa, nhưng vẫn giữ được cái cốt lõi của văn hiến nước Việt?
- Nhà văn trước hết phải là người hữu ích với đất nước và đồng bào mình. Không có cái điểm tựa quan trọng ấy, chẳng ai tìm thấy cảm hứng và lý do cho những dấn thân đơn độc thường là rất cay đắng. Tôi luôn nhớ lời một ông thầy, khi ông nhắc lại lời của một vĩ nhân: Dân tộc nào càng có nhiều nhà phản biện, thì dân tộc ấy càng có phúc lớn. Phản biện là yếu tố tự nhiên của bất cứ tác phẩm nào. Thiếu yếu tố này không bao giờ ai đó được coi là nhà văn thực sự. Xã hội thiếu phản biện trước sau cũng đi vào ngõ cụt hoặc giậm chân tại chỗ.Chỉ những người có trách nhiệm với xã hội mới đòi hỏi ở nó một sự hoàn thiện không ngừng. Tôi luôn luôn nghĩ thế khi xác định trách nhiệm nghệ sĩ của mình và trước khi ngồi vào bàn viết.
* Các cụ nhà ta vẫn thường nói “trung ngôn nghịch nhĩ”, những điều mà ông bàn luận đều là những vấn đề hệ trọng của đất nước, được dư luận quần chúng quan tâm, nó trở thành vấn đề “hot” trên các trang nhật báo. Để nói thật, viết thật ông có gặp trở ngại gì không?
- Tôi có đủ kinh nghiệm để kết luận rằng, với người cầm bút nói riêng và với bất cứ ai, trở ngại hay gặp nhất thường do chính bản thân mình tạo ra. Mỗi người hoàn toàn có đủ khả năng và tư cách để cho mình tự do. Tôi rất ghét những ai dễ dàng đổ lỗi cho hoàn cảnh để biện minh cho những việc làm thiếu dũng khí của mình. Mỗi người sinh ra là đã có tự do. Vấn đề là anh có dám sử dụng cái tự do thiên định ấy hay không mới là điều đáng nói. Còn những trở ngại khác chỉ đáng coi là thứ yếu, vụn vặt, không quan trọng mặc dù đôi khi nó khiến mình mệt mỏi hoặc gặp một vài khó khăn nào đó. Nói thẳng ra thì khi viết báo cũng như khi sáng tác, tôi không quan tâm sẽ gặp trở ngại nào, hoặc có gặp thì tôi cũng không ngại phải đối diện. Tôi chỉ quan tâm xem những điều mình viết có thật với suy nghĩ của mình hay không.
* Xin cảm ơn ông.
Theo Phùng Hoàng Anh