VIỆT NAM: QUYỀN DÂN TỘC TỰ QUYẾT
- Ơ… ấp cái nào bây giờ..!!!
Từ “công hàm Phạm Văn Đồng”1958 đến “thỏa thuận Thành Đô” 1990
Năm 1990, sau sự sụp đổ của cộng sản liên bang Nga Xô viết và sự tan rã của khối XHCN Đông Âu, Đảng và nhà nước cs Việt Nam mà lúc đó tổng bí thư (TBT) là Nguyễn Văn Linh có hô hào “Đổi mới”, kêu gọi đầu tư kinh tế, nguồn lực, từ các nước tư bản. Cuộc đổi mới của nước Việt Nam cộng sản thời kỳ đó trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, đều được thực hiện một cách nửa vời. Riêng về mặt chính trị thì không có một dấu hiệu nào khả quan, vì tuy một mặt kêu gọi đổi mới và nhận đầu tư của các nước tư bản, nhưng đảng và nhà nước Việt Nam lại âm thầm làm những cuộc móc nối với đảng và nhà nước Trung cộng để tìm những giải pháp tồn tại theo “định hướng” của họ. Những người cầm đầu của đảng và nhà nước Việt Nam không muốn đánh mất địa vị, quyền lực và quyền lợi mà họ đang nắm trong tay. Sự sụp đổ ngay tại gốc rễ phát sinh của nhà nước cộng sản, liên bang Nga Xô viết, và sự tan rã của khối XHCN Đông Âu khiến đảng và nhà nước Việt Nam run sợ.
Họ không muốn hiệu ứng Domino từ sự sụp đổ này làm tan rã nốt những quốc gia “cộng sản” còn sót lại, trong đó có Việt Nam. Hô hào đổi mới, và kêu gọi các nước tư bản đầu tư, thậm chí từng bước hướng tới và gia nhập khối Asean- liên minh về ngoại giao, kinh tế, văn hóa của nhiều nước Đông Nam Á có khuynh hướng dân chủ và tự do, hay hăm he gia nhập khối TPP hiện nay… chỉ là một nước cờ dự phóng.
Nếu có chuyện đổi mới thật sự, thì độc quyền về quyền lực của đảng cs Việt Nam đâu còn nữa. Các quốc gia tư bản chỉ chấp nhận cuộc chơi bình đẳng về “đầu tư” cũng như dung nạp Việt Nam vào những khối quyền lợi về kinh tế mà họ đang tham gia, với điều kiện Việt Nam phải có những thay đổi căn bản về nhân quyền cũng như về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội theo tiêu chuẩn mà họ đưa ra. Tuy nhiên những tiêu chuẩn này của các nước tư bản lại giống như một … screw driver có khả năng tháo gỡ những ốc vít quan trọng đang giữ đứng được cấu trúc của đảng và nhà nước cộng sản.
Cấu trúc này đồng nghĩa với quyền lực và quyền lợi của đảng viên, và nhất là quyền lực tối cao của đầu não chính trị bộ. Tôi thực sự cho rằng cả Chính trị bộ của đảng cộng sản Việt nam và luôn cả những người đang nắm những chức vụ cao nhất của nhà nước Việt nam hiện nay, không có bất kỳ ai đã vì say mê hay tin tưởng vào chủ nghĩa cs mà ra sức duy trì và bảo vệ nó, cũng như duy trì và bảo vệ đảng và nhà nước cs trên mảnh đất Việt Nam. Tất cả bọn họ chẳng qua muốn bảo vệ và duy trì địa vị, quyền lực và quyền lợi mà họ đang nắm trong tay, nhờ vào cái mà đảng và nhà nước đã chiếm được, nhân danh chủ nghĩa này.
Những câu như: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, hoặc “Không có gì quý hơn độc lập tự do” rốt ráo chỉ là những câu chữ bị lợi dụng để thúc đẩy đại đa số dân chúng xông tới trước, đem cái chết để bảo vệ sự an toàn của đảng và nhà nước. Đối với những người “cộng sản” này, Tổ quốc không có nghĩa lý gì với họ, tất cả chỉ để vun bồi cho đảng cs của họ, bởi vì đảng cs còn tồn tại thì quyền lực và quyền lợi của họ còn tồn tại.
Những khẩu hiệu đó có công dụng phủ dụ, ủy lạo cảm xúc yêu nước của người dân vào những thời điểm cần thiết, trong khi đảng và nhà nước cs Việt Nam lại luôn tìm cách thậm thụt “đi lại”, ký kết những thoả thuận trao đổi quỷ ma với Trung cộng, chỉ nhằm để bảo vệ quyền lực và quyền lợi của họ. Bất kể những thỏa thuận đó chà đạp lên quyền thiêng liêng của Tổ quốc và nhân dân.
Tháng 9/ 1990, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng cùng bộ sậu Đỗ Mười, Lê Đức Anh… sang Trung quốc, tới Thành Đô để chầu hầu. Tại đây đã diễn ra một hội nghị giữa những tay đầu sỏ của đảng cs và chính quyền Trung quốc: Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng (thủ tướng quốc vụ viện), Giang Trạch Dân (TBT) và đảng cs Việt nam. Nội dung của hội nghị này đến hôm nay vẫn còn là một bí mật.
Đảng cs Việt nam từ khởi thủy tới nay vẫn luôn làm những chuyện bí mật sau lưng nhân dân mặc dù họ luôn hô hào, đất nước, Tổ quốc là của nhân dân, guồng máy đảng và nhà nước chỉ là để phục vụ nhân dân, làm đầy tớ cho dân. Nhưng guồng máy “đầy tớ” này vận hành theo chủ trương của đảng.
Chúng ta thử nhìn lại lịch sử của đảng cs từ hơn nửa thế kỷ qua trên đất nước Việt nam. Đảng cs Việt nam chưa hề có bất cứ chủ trương nào để cho nhà nước cs Việt nam thực hiện được những điều công ích cho đất nước và dân tộc. Ngược lại, những chủ trương đường lối của đảng luôn cục bộ, chỉ để duy trì sự tồn tại của đảng cs.
Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và bộ sậu Đỗ Mười, Lê Đức Anh “hội nghị” với Trung quốc tại Thành Đô trong một bối cảnh chính trị thế giới hết sức hỗn mang. Hội nghị Thành Đô giữa đảng cs Trung quốc và đảng cs Việt Nam diễn ra theo cung cách cũng vô cùng mờ ám. Tôi tin rằng cả thế giới sẽ không bao giờ quên vụ thảm sát Thiên An Môn, chính họ Đặng ra lệnh dùng xe tăng và quân đội tàn sát hơn 7000 sinh viên và thường dân Trung quốc tranh đấu cho tự do, sự kiện vừa xảy ra chỉ một năm trước đó. Tôi không thể tưởng tượng, đảng và nhà nước cs Việt Nam lại có thể “kết tình anh em” với một đảng và chính quyền bản chất và hành vi man rợ, từng ra lệnh “sát cách vô luận” trong cuộc chiến xâm lược Việt Nam 1979 như vậy!
Trên nguyên tắc, một hội nghị song phương giữa hai quốc gia phải được mỗi bên đồng thời công bố cho nhân dân nước mình. Sau hội nghị Thành đô, không thấy phía Trung cộng công bố bất cứ điều gì với nhân dân của họ. Riêng đảng và nhà nước cs Việt nam thì đã kéo lê về một đống rác, đó là “4 tốt và 16 chữ vàng” vô nghĩa lý hoặc với những ý nghĩa hết sức mờ ám. Cho đến nay, những đại họa đối với nền kinh tế và đời sống Việt nam từ “4 tốt, 16 chữ vàng” này, mỗi người dân Việt nam đều vô cùng thấm thía và đau xót.
Tôi thấy đã đến lúc đảng và nhà nước cộng sản Việt nam nên công bố cho toàn dân biết nội dung của cái gọi là hội nghị Thành đô. Đừng nên để cho Trung cộng ra tay công bố trước và tiếp tục dùng nó làm chiêu bài để ép buộc đảng và nhà nước cs Việt Nam phải tuân phục.
“Thỏa thuận” bí mật (!) của những người chết:
Dù cs Việt nam công bố trước hay Trung cộng công bố trước những kết quả của hội nghị Thành Đô thì cũng vậy, những “kết quả” đó không có giá trị gì trong giờ phút hiện tại.
Cũng giống như cái gọi là “công hàm Phạm Văn Đồng”, kết quả của hội nghị Thành đô là thỏa thuận bí mật của những người đã chết, không được bất cứ người dân nào biểu quyết.
Hội nghị Thành Đô diễn ra năm 1990, tại sao sau hội nghị không có một công bố nào về những kết quả của nó?
Đó là thoả thuận giữa hai quốc gia chứ không phải thỏa thuận giữa “gian phu dâm phụ” hay đầu trộm đuôi cướp, những thỏa thuận đó phải được minh bạch ngay thời điểm kết thúc hội nghị.
Nếu không có gì được công bố, thì có nghĩa là không đạt tới một thỏa thuận nào giữa hai bên. Cho đến ngày hôm nay (24 năm trôi qua), nếu có bất cứ điều gì được đưa ra, được gán cho là “thỏa thuận” giữa cs Trung quốc và Việt Nam tại Thành Đô hay bất cứ địa điểm nào, vào năm 1990, hay bất kỳ năm nào, thì đều là những món hàng giả hiệu và không có giá trị.
Trừ phi, phải có mặt đầy đủ những người đã tham gia ký kết vào “thỏa thuận” đó như Đặng Tiểu Bình, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Đỗ Mười… để làm chứng.
Sau khi tung ra cái gọi là “công hàm Phạm Văn Đồng” viết gởi cho Chu Ân Lai ngày 14 tháng 9 năm 1958 thì Trung cộng liền công bố quyết định ký ngày 4/9/ 1958 về “chủ quyền lãnh hải”, như một sự bao biện cho hành động xâm lược, người dân Việt Nam buộc phải quan tâm và xem xét đến cái gọi là “công hàm” đó, nhưng là để phủ quyết nó .
Những thoả thuận tại hội nghị Thành đô cũng vậy, nếu được công bố tức thì, thì may ra còn được người dân Việt Nam cứu xét và phán quyết ngay lúc đó. Còn nếu để đến 24 năm sau mới “công bố” thì nó hoàn toàn không có giá trị.
Đây là năm thứ 14 của thiên niên kỷ thứ III, không còn là thời Trung cổ hay phong kiến, không thể chấp nhận những hành động lạc hậu man rợ kiểu “chỉ phúc định hôn”(chỉ vào bào thai trong bụng hứa hôn cho hai đứa trẻ chưa ra đời), tức là không thể bắt những người đang sống hôm nay thực hiện những điều được bí mật ký kết giữa những kẻ đã chết.
Theo nguồn tin từ một nhà báo trong nước, xin được giấu tên, sau “Hiệp định về Biên giới trên biển và đất liền” năm 1999, ký giữa nhà nước cs Việt nam đứng đầu là TBT đảng Lê Khả Phiêu và Trung cộng, Việt Nam đã mất 16000 km2 (mười sáu ngàn ki lô mét vuông) đất liền và 111000 km2 (một trăm mười một ngàn ki lô mét vuông) mặt biển cho Trung cộng, là do đảng cs Việt nam dâng cho quan thầy để đảm bảo cho những cái ghế của mình.
Chuyện này cũng đã bị giấu giếm bấy lâu nay.
Đã tới nông nỗi này, thì đảng và nhà nước cs Việt Nam phải biết đây là giờ phút tối hậu để minh bạch tất cả những khuất tất còn lại trước nhân dân, đồng thời đảng và nhà nước cs Việt nam, như một chính quyền hiện hành của đất nước, phải có thái độ dứt khoát thực hiện Quyền Dân Tộc Tự Quyết cho Việt Nam.
Trung cộng đã đưa thêm 3 giàn khoan vào biển Đông và tiếp tục xâm lấn, gây hấn vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, đâm nát tàu cảnh sát biển Việt Nam, bộc lộ rõ dã tâm độc chiếm biển Đông, nhưng cho đến nay đảng và nhà nước cs vẫn chưa có 1 hành động nào phù hợp để đáp trả.
Nếu đảng và nhà nước cs Việt Nam không thực hiện được Quyền Dân Tộc Tự Quyết cho Việt Nam thì 90 triệu dân Việt, sẽ phải thực hiện quyền đó. Quyền dân tộc tự quyết nằm trong tay tất cả và từng người dân Việt Nam.
Chín mươi triệu dân Việt Nam sẽ quyết định, “công hàm Phạm Văn Đồng” là có giá trị hay không. Chín mươi triệu dân Việt Nam sẽ quyết định thỏa thuận Thành Đô có “giá trị” hay không.
Tôi thật sự không hiểu tại sao một vài nhà trí thức Việt Nam đang lưu vong ở hải ngoại, lại có thể hả dạ khi Trung cộng trưng ra những “bằng cớ” như “công hàm Phạm Văn Đồng” hay sách giáo khoa địa lý… để có thể mười mươi kết án đảng cs Việt Nam rõ rành là quân bán nước. Như vậy, cũng khác nào các nhà “trí thức” đó cung cấp thêm bằng chứng thừa nhận quyền lực tối hậu của đảng cs trên đất nước Việt Nam.
Với tôi, những thông tin như vậy không có chút gì đáng mừng mà đáng buồn. Buồn cho dân tộc, cho đất nước. Phẫn nộ và khinh ghét những ai đã phó mặc và dung túng cho Trung cộng, bên cạnh những hành vi ngang ngược, coi thường công pháp quốc tế, lại tùy tiện lũng đoạn thông tin, chứ tuyệt nhiên không thể “hả dạ”. Chỉ những ai vô minh mới có thể hả dạ khi đất nước lâm nguy, cho dù đó có là dịp để tỏ mối thù riêng.
Chính quyền cs Việt Nam không phải do dân bầu ra, cho dù hiện thời họ có nắm quyền cai trị đất nước. Những thỏa thuận riêng tư bí mật của họ, khi đã không được sự xem xét và phán quyết của nhân dân, sẽ bị chính nhân dân phủ quyết.
Trần Nghi Hoàng
27th, June, 2014