TÂM SỰ CÙNG “Thằng Mõ” và “Chẹc Chẹc”
TÚ RỌI ghi nhanh
Một kiếp sống ổn định và an toàn, có lẽ là ước mơ của đại đa số con người trên thế giới này. Bức tường thành của sự thỏa mãn cuộc sống hiện tại đang ngày một cao lớn và vững chãi vây kín lấy tâm trí loài sinh vật thông minh nhất hành tinh . Vậy mà có những cá nhân, phải nói là “quái đản” so với phần đông kia, luôn tận dụng từng phút giây từng giọt sức sống từng hạt năng lượng từng cơ hội để chọc một cái lỗ ở bức tường kia, chui ra.
Số phận của những người luôn cố gắng vượt lên mọi khuôn khổ, như những đóa hoa vươn mình đón ánh ban mai, chưa bao giờ là những bức tranh màu hồng. Nếu không muốn nói, gian khổ đắng cay vất vả hay cô độc là những tính từ bao trùm lên cuộc sống của họ.
1. Tình cờ vào một buổi chiều nắng sắp tắt, tôi đã may mắn được nghe những lời chuyện trò tâm sự của hai người bạn, hai người nghệ sĩ già nhưng vẫn luôn đau đáu sự nghiệp cách tân nền nghệ thuật nước nhà, nhà thơ Nguyễn Đình Chính và nhạc sĩ Ngọc Đại.
Tôi và nhà thơ Nguyễn Đình Chính đang ngơ ngác trong khu nhà ở ven hồ Tây thì một người đàn ông đầu tròn trọc lóc vén tấm rèm cửa nhẹ nhàng vọng ra, “Chính à, đây, đây cơ mà, nhà Đại ở đây mà”.
Diện cái áo phông trắng cũ mèm cùng cái quần soóc kéo cao ( chắc là cho mát ), nhạc sĩ Ngọc Đại nở nụ cười tươi rói đón hai bác cháu tôi vào nhà. Nhà thơ Nguyễn Đình Chính thì tôi không lạ, luôn diện một chiếc áo phông bạc phếch đi kèm cái quần âu phủi đầy bụi đất, dáng người dong dỏng cao cùng mái tóc muối tiêu, ánh mắt hiền hiền cùng nụ cười thường trực trên môi.
Ngồi vào cái bàn tròn uống nước, nhạc sĩ Ngọc Đại khà khà sung sướng khoe nhà thơ về món nghề mới học được, đó là món nghề pha trà của nghệ thuật trà đạo, vừa nói nhạc sĩ vừa thoăn thoắt đôi tay lấy trà cho vào ấm rồi pha nước tráng trà đầy kĩ nghệ.
2. Nhạc sĩ Ngọc Đại mới đây ra mắt làng nhạc tác phẩm “Thằng Mõ”, phổ nhạc theo lời tập thơ “Chẹc Chẹc” của nhà thơ Nguyễn Đình Chính. Tác phẩm này gặp đủ chuyện khó khăn trên trời dưới biển, gặp nhiều ý kiến trái chiều từ cả dư luận cho tới những trí sĩ trong nước, nhưng nhắc tới nó thì hai người nghệ sĩ lại cười tưng tửng như đây là một việc hết sức bình thường, như là đã kinh qua chuyện này hàng vô số lần.
Nhạc sĩ Ngọc Đại trùng giọng như tỏ ý hơi tiếc nuối. Dư luận quay lưng với tác phẩm của ông là chuyện thường. Nhưng đến cả những tầng lớp gọi là “nhân sĩ trí thức” cũng hờ hững mới là chuyện đáng nói. Ông như lạc lõng với tất cả. Rầu rĩ khi bàn tới nền nghệ thuật nước nhà, tôi như mường tượng được bức tranh tối màu của những người tiên phong luôn loay hoay đục phá tìm một lối đi mới cho những tác phẩm của mình.
Tuy rằng con đường tìm tòi cái mới lạ không êm ái, nhưng nó không (chưa) bao giờ quật ngã được ông. Mỗi lần ông nhắc tới tác phẩm của mình, ông như sôi sục bầu nhiệt huyết trong mình. Chắc vì nhiệt quá, ông cởi phăng cái áo phông treo lên ghế, thản nhiên cởi trần lồ lộ cái bụng bia tròn ung ủng, đoạn đứng dậy cầm cái điếu cày rít lấy một hơi, tiếp tục hăng say kể chuyện.
Ông yêu ông quý ông trân trọng tình bạn với nhà thơ Nguyễn Đình Chính. Tập thơ Chẹc Chẹc của nhà thơ cũng thuộc dòng cách tân mạnh mẽ, gặt không ít gió mưa trong làng văn thơ nước nhà từ nhiều tầng lớp. Đã có những người cùng nghề, tỏ ý chê bai tập thơ này trước mặt nhạc sĩ Ngọc Đại. Ông đã đập mạnh tay xuống bàn , đứng dậy chỉ thẳng mặt chửi, chửi đanh thép không nể nang. Ông kể mà như đang chửi thật, mặt phừng phừng đứng dậy tay chỉ thẳng, giọng điệu vô cùng mạnh mẽ.
Châm điếu Thăng Long, nhà thơ bình thản, rít một hơi rồi mỉm cười vui vẻ nhìn ông bạn già đang mặt đỏ miệng quát tháo tay chỉ trỏ. Đúng là chỉ có tình bạn chân thật mới khiến vị nhạc sĩ kia “ra tay” bảo vệ bạn ghê gớm tới vậy.
3.Tâm sự mới biết, nhà thơ tặng ông nhạc sĩ bài thơ đã lâu, từ khi nó mới ra đời. Lúc đó nhạc sĩ bận bịu quá nên cũng không để ý. Vậy mà trong những tháng ngày ốm bệnh nặng, “hai tay sõng soài trên giường”, nhạc sĩ Ngọc Đại lại vô tình đọc tới những vần thơ mà người bạn tặng đã lâu, và như một liều thuốc kháng sinh đặc chế, ông như “bừng tỉnh”, tinh thần lại căng tràn năng lượng để ra đời tác phẩm sáng tạo gây chấn động tiếp theo.
“Thằng Mõ” đã ra đời như vậy. Và một bát phở cùng cốc cà phê sáng thay lời cảm ơn người bạn nhà thơ, đã mang tới cho ông một luồng sinh khí mới, một nguồn nhiên liệu mới cho ông tiếp tục nổ máy đi tiếp trên con đường gian truân mà vị nhạc sĩ đã chọn.
Tôi thật sự cảm phục ý chí và lập trường của cả hai người nghệ sĩ. Họ là điển hình của mẫu người không ngủ quên trên vinh quang. Cả hai đều lao động không ngừng nghỉ, mặc dù tuổi đã không còn trẻ ( cả hai đều đã xấp xỉ thất thập cổ lai hy ), nhưng tôi thấy tâm hồn họ còn quá trẻ so với cái thân xác đang héo mòn kia. Cái rốt ráo, vục vặc tìm kiếm ánh sáng mới luôn hiện hữu trong tâm trí họ. Và tôi tìm thấy ở trong đó, một cụm từ mà cả hai người đều nhắc đến, đều coi là cái đích cuối cao cả nhất để hướng tới trong những tác phẩm của mình, đó là sự “bừng tỉnh”.
Phải chăng, đám đông xã hội hiện nay như đang trong những cơn mê dài triền miên ?
Những tác phẩm điện ảnh kinh điển, văn chương lai láng hay âm nhạc hay bất cứ sản phẩm nghệ thuật hiện nay, nếu nói tới cái tầm đã chạm tới, thì đó là tầng cảm xúc. Xúc cảm thăng hoa, trái tim rúng động có lẽ đang mãnh liệt hơn bao giờ hết, hiện hữu trong mọi ngóc ngách, như một thứ nhu cầu cơ bản nhất của xã hội.
Nhưng nó không đủ mạnh để chữa căn bệnh u mê đã di căn tới gần như toàn bộ xã hội hiện nay. Thuốc giải, có lẽ chỉ có thể là cái thượng tầng của nghệ thuật chân chính mà hai ông (và có thể có thêm vài người nữa) đang cùng nhau lọ mọ tìm kiếm, quái đản, và cô đơn.
TÚ RỌI