Friday, February 8, 2013

Hồi lý của bà Madeleine Riffaud (Trích )





NGƯỜI TA TỪNG GỌI CHỊ LÀ RAINER

                 

Trong những năm gian khổ ghê gớm và chiến đấu không khoan nhượng ấy, Madeleine Riffaud cảm thấy mình tràn đầy sức mạnh của tuổi thanh xuân phơi phới. Chính cái sức trẻ, nồng nhiệt và trong sáng ấy đã gắn bó chị với các chiến sỹ của phong trào giải phóng. Cô gái bé nhỏ gắn mình với các đàn anh, đàn chị đang giải phóng mình khỏi tội ác và nỗi xấu xa, đã chiến đấu dũng cảm. Lòng dũng cảm của Madeleine Riffaud đã nung nấu những vần thơ của chị, và tài năng của chị phản ánh lòng quả cảm của cả một dân tộc đang ngợi ca sự nhạy cảm và trí thông minh của mình, niềm tin của mình vào sự kiện, vào tiền đồ tốt đẹp hơn. Hơn tất cả, ở nước Pháp, những vần thơ của chị hoà chung vào tiếng nói của hàng triệu người đang không ngừng mơ tưởng sẽ có một ngày họ được hát lên tình huynh đệ của họ. Tiếng “đồng chí” luôn luôn trở đi trở lại như cái bắt tay trung thực tạo ra nhờ con người bình đẳng mãi mãi .
Đôi khi tiếng hát ấy thấm đượm lòng yêu nhớ quê hương, gần như tuyệt vọng, nhưng nó vẫn xanh thắm với cuộc sống: “Trên đời này không có gì đáng quan tâm hơn bạn của tôi và kẻ thù của con người”. M. Gorki đã viết như vậy. Madeleine Riffaud “tên phản loạn và khủng bố” bị kết án tử hình năm 20 tuổi, hiểu rằng mối quan tâm tuyệt đối ấy một ngày kia sẽ xoá hai tiếng kẻ thù theo mọi nghĩa. Và chị đã hành động. 



Paul Éluard

(Tựa cho cuốn Nắm Đấm, 1944)
 


                                                                  



Năm 1942 tôi 18 tuổi.

Tôi thuộc số ít thanh niên nam nữ vừa tròn 20 tuổi ngày Paris được giải phóng. Những sử gia sinh sau thế chiến rất lâu phân tích về chúng gọi đó là một huyền thoại nạm vàng. Họ mò tìm trong những báo cáo của sở cảnh sát mà bây giờ họ được tự do khai thác, với một sự thách thức nghề nghiệp. Ví dụ họ nói về Manondian - nhà thơ người Acneri của phong trào những người du kích và cư trú (chỉ những người cư trú chính trị trên đất Pháp khi bị Đức chiếm đóng). Tham gia phong trào kháng chiến của De Gaudle (ND-FTL-MOI=Franc-Tireurs et patisan-Main-d’ Euvere immigrec) với một giọng dửng dưng hơi vô cảm.
Họ phải biết rằng trong thời tuổi trẻ chúng tôi không hề có bất cứ một toan tính nào mà ngày nay họ gán cho một số lãnh tụ kháng chiến. Chúng tôi hoàn toàn tự nguyện, chúng tôi biết chúng tôi đang liều thân như thế nào, chúng tôi không chờ đợi bất cứ một phần thưởng nào. Chúng tôi chỉ có lòng căm giận của chúng tôi, sự trong sáng của chúng tôi, tình yêu (nhân dân) của chúng tôi. Ánh sáng đó không bao giờ còn có thể lấy lại được nữa.
Có ai trong chúng tôi nghĩ rằng mình sẽ còn được sống nửa thế kỷ sau giải phóng? Rằng năm nay là năm kỷ niệm trọng thể trong phạm vi quốc gia và quốc tế, cái ngày từng sôi lên những kỷ niệm sâu xa nào đây còn ủ kín trong lòng chúng tôi. Đã có một người, nhiều người mà chúng tôi đợi mãi, đợi hoài mà vẫn không bao giờ về được để dự cuộc họp hàng tháng. Họ không chỉ chết cho nước Pháp mà họ đã cứu chính chúng tôi bằng cách cắn răng im lặng chịu tra tấn, nhục hình để làm thất bại cuộc truy đuổi của bọn phát xít. Họ đã chết như thế. 
Phải, chúng tôi đã chôn sâu trong lòng tất cả những cái đó, nói về thời trẻ của chúng tôi, cuộc hành trình cá nhân của chúng tôi (chứ không phải của lịch sử với chữ L hoa). Ngày nay chúng tôi tham gia các cuộc hội thảo, chúng tôi trả lời những cú phone của trẻ em yêu cầu chúng tôi làm chứng cho các em, giúp các em làm các bài người ta ra cho các em dịp hè về một thời kỳ mà đối với các em xa xôi hơn thời đại của những con khủng long. Ký ức là một lao động, một lao động rất nghiêm ngặt. Nó làm đau đầu. Một lao động về chính mình loại trừ mọi thương xót giống như năm 1945, chúng tôi lại nghe thấy tiếng nói này: “Cô đã sống sót chứ không phải chúng tôi, hãy làm việc giữ lấy lửa”.


Năm nay món nợ sống sót được thanh toán sòng phẳng một lần cho mãi mãi. Chúng tôi phải cảnh giác, phải đứng gác không được buông rời nghĩa vụ vệ binh của mình trước những sự xuyên tạc lịch sử. Bởi thế tại sao lại không vui vẻ làm chứng lại một số trong vô vàn bạn chiến đấu của chúng tôi, những người lính vô danh của phong trào giải phóng, không tên, không quân phục, không lai lịch đã tiếp nối những người bị lãng quên trong một cuộc chiến tranh thế giới.
Bên cạnh rất nhiều những chứng dẫn đã được ghi âm và quay phim, tôi, Madeleine Riffau chỉ có một điều rất nghèo nàn để cung cấp: Rainer. Cô ta, nghĩa là những bài thơ của cô viết từ khi vừa ra khỏi tuổi ấu thơ, trong tuổi thiếu niên giữa chiến khu đầu tiên của nước Pháp và cả ở Fresnes từ đó đến nay đã 50 năm rồi.
Đọc lại những bài thơ ấy, Rainer làm sống lại cái tuổi cô đã viết những vần thơ ấy, cô hiểu rằng những câu thơ viết từ thủa 18 đã trở thành những hiện vật bảo tàng, trở thành tư liệu không cần xét đến giá trị nghệ thuật. Qua những trang viết ấy người ta có thể hình dung một cô gái Paris trong hồi chiếm đóng của phát xít, trong hàng ngũ du kích quân đã mơ tưởng như thế nào.
Không hề có “cuộc khiêu vũ đầu tiên” (cô đã xem phim này). Gia đình cũng không hề giới thiệu với cô chàng trai nào, không có cả những cuộc vượt khảo trạch hết cuộc này đến cuộc khác. Tuổi vị thành niên không còn là điều tồi tệ lớn nhất từ khi cô gái trẻ được nhận vào hàng ngũ “những kẻ nổi loạn”. Những người đàn ông, đàn bà mà cô được giới thiệu khi đó, cô không bao giờ được biết tên thật của họ, cũng như cuộc đời của họ. Họ cũng chỉ được biết cô qua cái tên Rainer.
Cuộc khiêu vũ đầu tiên cuối năm 1942, là một buổi tối ghi tên vào hàng ngũ những người chống Phát xít, ghi bằng phấn trên tường của con phố có trường y khoa, và nếu có tiếng chân người tới gần, họ giả làm những cặp tình nhân. Rất lâu sau này khi hồi tưởng lại, cô nói: “Mình chưa bao giờ được tự do đến thế“. Như Vercors năm 1945, cô nghĩ: “Chúng ta đã sung sướng bởi vì dù trải qua muôn vàn gian khổ, không có hạnh phúc nào lớn hơn là được thấy cái cao quý trong trái tim những người ta yêu”.
Sau này Raine buồn bã nối về hàng ngàn đàn ông, đàn bà từ trại tập trung về sau bấy nhiêu đau đớn và kỳ tích, họ sống một cuộc sống tầm thường và bị thương hại. Cô thích thú thấy mình đã dấn thân vào hiểm nguy trong suốt 30 năm trong 50 năm của đời mình. 30 năm lặn lội với cây bút hay máy quay phim tên tay, với tư cách phóng viên chiến tranh có mặt ở tất cả những điểm nóng trên thế giới, cô đã tận mắt thấy biết bao đau khổ nhìn từ xa hay trên góc phố của mình. Điều đó khiến cô chỉ dám nói với một thái độ rất khiêm tốn về những cuộc phiến lưu của cô bé Rainer. Và cô cũng chỉ kể lại 30 năm sau, theo yêu cầu khẩn thiết của Jean Jacques Block khi ông làm bộ phim truyền hình kỷ niệm 30 năm giải phóng Paris.
Qua quyển sách này, nhờ có sự giúp đỡ Gilles Plazy, có lẽ tôi sẽ có thể thay thế được đôi mắt mù loà của tôi, lại được sống lại một thời gian, làm cô gái đã sống cuộc chiến đấu của mình mà chẳng hiểu gì cả về những gì đã xảy ra ở nước Pháp cũng như trên toàn thế giới sau năm 1945. Người ta không thích cho người khác đọc những vần thơ thủa thiếu thời của mình khi người ta đủ trưởng thành, rừ khi chính người ta lại thích thú đọc lại, sống lại tinh thần của thời niên thiếu trong đó.
Ngày ấy tôi tên là Rainer.

                                                                M. Riffaud

Một bài thơ trích trong tập On le appeilat Rainer

MỘT BỨC TƯỜNG

 Một bức tường, một sơm mai
Hai mươi viên đạn trong da thật
Vĩnh biệt
 Khi sống, hoà bình ở cùng anh,
Để lại bóng anh trên tường
Và đi qua.
       (tháng 2/1944)



 
(Người dịch: Song Kha)

No comments: