Thursday, February 7, 2013

Palei có gì lạ không em?




  Inrasara CHÚC MỪNG NĂM MỚI


Hôm nay đám thiêu Cả sư, anh ạ
                               


Phần II. Chương 3

- Nằm đây với anh đi, em. – Tôi nói. Em đến nằm cạnh tôi. Trời Phan Rang về chiều, nắng đã dịu đi nhiều. Khách Thang Halam Kamay kéo tới lúc càng đông. Khách quen và lạ. Sắp Tết, và thêm sự kiện hiếm nữa, có lẽ.
- Đám thiêu mà làm nên sự kiện, cũng lạ em nhỉ.
- Do mươi năm nay mình đồng loạt làm đám thiêu khô, chỉ chức sắc mới được hưởng tập tục này. Em cũng thấy lạ nữa là.

Phía dưới.
Mưk hlău văn minh vậy, sao mọi người kêu man rợ nhỉ
Phải rồi. Chứ trên video nhìn bắt ớn
Mỗi nơi mỗi khác, mỗi thời mỗi khác mà
Để đến ba tuần thế thấy cũng ghê
Mi phải học biết tôn trọng chức sắc mới được
Em nói chuyện vệ sinh ấy mà
Vệ sinh quái gì mậy
Đám trẻ đi qua bàn xa hơn nên không còn nghe tiếng.

- Em không nghe mùi gì cả. – Em nói.
- Tùy mùa em à. Đây là mùa lạnh, gió thổi mạnh một chiều. Chứ xưa gặp mùa mưa thì hơi mệt. Mà bà con ta thì thích đám tươi, chứ không muốn chôn.
- Là sao?
- Chôn ăn đất thì thành ma. Ma đói hiện về gây phiền họ hàng. Đau bụng hay trúng gió cũng kêu ma nhập. Hơn nữa, ngày xưa điều kiện kinh tế khó khăn, đã chôn xuống thì tình cảm mọi người nguội đi, ít có cơ hội giở lên làm đám. Con cháu thêm lo.
Năm ngoái chú họ lúc hấp hối, đã kêu tôi tới nhờ tôi năn nỉ họ hàng cho ông được hưởng đám thiêu. Dẫu sao ông chú cũng là một thầy Mưdôn cao đạo. Biết chú sắp đi, tôi hứa đại. Nhưng tôi không thể giữ lời hứa. Chỉ chức sắc Bà-la-môn mới nhận được đặc ân này, còn lại tất cả đều chung số phận chịu làm ma thời hạn nhất định.
- Em thấy bạn trẻ kia đề cập đến vệ sinh không phải là sai.
- Chăm mình sợ thành ma còn hơn sợ bệnh, em à.
- Do mình tin có ma đấy thôi.
- Tin thì hẳn rồi. Không tin, bà con có chừa đâu. Tên cúng cơm cha mẹ mình cũng bị Gru Kalơng réo lên đầy đủ bảy lần để đuổi hồn ma khỏi bệnh nhân ấy. Hỏi con cháu nghe có đau không!

Phía ngoài, góc bàn hướng Bắc.
Các bà kể bác leo máy bay ra Hà Nội cúng vái tháp Chàm vừa dựng lên ngoài ấy
Các bà tin và nói ra miệng thế
Không thấy Cả sư xưa bệnh lên bệnh xuống do mở cửa tháp Pô Klong cho du khách xem là gì
Chăm nói lek di pabah di dalah. Miệng thế gian mà, linh khỏi nói
Mi bậy nào, nói trù
Trù gì mà trù. Chuyện rành rành ra đó. Các bác ấy nói chớ gì tui
Mi con nít không biết tôn trọng chức sắc

… ông biết ông đổ bệnh vì chuyện kiêng kị cho linh hồn thần yang tổ tiên cửa tháp mở toang hoác thế ai mà chịu nổi ông tin ông mất ăn mất ngủ rồi nằm liệt giường chiếu mấy năm trời bảo ông bỏ đức tin kia thì không thể rồi người ta khuyên ông sao không viết đơn thư lên trên rằng đừng mở cửa tháp kiểu đó nữa cửa tháp năm có hai lần mở phải cúng tế phải có thầy Kadhar kéo đàn Kanhi hát lễ với cả sư đọc kinh mới mở thế mà hôm nay người trực tháp tùy tiện mở không bệnh hoạn thì cũng tai nạn ai không biết chính bản thân cả sư hay người nhà chịu gánh haruk haram trước tiên sợ gì mà không đơn thư lên trung ương kêu…

- Riêng gì Việt Nam, cả thế giới ấy chứ. – Tôi nói.
- Bà con tin mới có chuyện.
- Dân Tàu còn dựng lên cả làng khổng lồ gom cả ngàn di tích lịch sử lại.
- Các bác cho rằng Cả sư chỉ nên mưliêng kanư tháp sống thôi.
- Làm sao cho trúng đây anh? – Em hỏi, tôi nói: – Chịu!

Phía dưới, gốc xoài.
Tao đoán thế nào cũng xảy ra tranh giành
Chế độ này còn khối thứ khác lớn hơn để lo
Vụ Cả sư êm đẹp chóng vánh thôi
Không giống chế độ cũ đâu, mi miễn lo
Tao không nói chính quyền, tao nói Chàm mình
Úi, trên khỏ cái là răm rắp vâng dạ, ở đó mà tranh với chấp

- Vụ đó thế nào, anh?
- Ừ, kể ra buồn lắm, – tôi nói, quay sang hôn nhẹ lên đôi mắt em.
Tôi đứng lặng trên đồi cao tháp Pô Rômê nhìn xuống đám đông hỗn loạn dưới kia. Lúc đó khoảng 8 giờ sáng tháng Mười. Mùa Katê. Trời nắng đẹp. Mưa mấy ngày trước làm cây cỏ xanh tươi dịu mắt. Hoa tagalau nở tím lối lên tháp. Tệ quá, lúc này đang xảy ra vụ tranh chấp Cả sư. Vài chiếc xe trâu xen với chục chiếc xe bò. Đám đông nhốn nháo giăng hàng ngang. Tiếng la hét loạn xà ngầu. Một người đàn ông bị thương ôm đầu đầy máu. Xe nhà binh chạy xộc tới.
- Thằng này sao đứng trơ trơ thế kia? – Chú Đ thúc mạnh vào sườn tôi.
- Làm gì nào? – Tôi hỏi.
- Phải ném đi chớ.
Một cách vô thức, tôi cầm lên hai cục gạch. Cục gạch của tháp. Tôi nhìn thấy non chục thanh niên phía bên kia đang xông lên lối chính lên tháp. Họ bị đẩy lùi, rồi lại tiếp tục ào lên. Ba lần bốn lượt như thế. Hai người sắp đến bậc thứ ba trên cùng, thì bị đánh văng xuống.
- Thằng ngu quá, mầy ném đại vào lùm cây kia đi, còn đứng trơ đó…
Ông ném tới tấp. Tôi cũng ném bừa đi hai cục gạch. Tôi không biết mấy trăm cục gạch tháp được ném đi oan uổng như thế. Tôi quay vào khu tháp chính để xem lễ thì bà con cho biết lễ xong sớm. Cả sư cùng đoàn tùy tùng đã thoát ra ngõ sau phía nam tháp về Pabhan từ lâu rồi. Lúc đó chưa tới 10 giờ.
Nghe đồn các làng Chăm, bên theo phe Quận trưởng người đồng tộc, bên thì theo phe Tỉnh trưởng. Hai phe thao túng và đầu độc không khí tôn giáo Bà-la-môn đang kì tàn lụi. Tôi tí tuổi đầu, không hiểu đâu là đâu. Chỉ thấy quá lạ, và nghe đau.
Đau đến tận hôm nay…

- Người yêu em không dưng im thế? – Em lay mạnh vai tôi.
- Hồi đó anh bé tí mà. Anh có đọc hồi kí ông anh họ xa, – tôi nói. – Rất ngán, em à.
- Gì anh?
- Lịch sử lặp lại. Chúng ta không còn biết mình về đâu nữa.
- Em thấy nhiều người có vẻ sợ điều gì khác.
- Vậy à?
- Nếu Chăm Bà-ni hay Chăm Bà-la-môn không cải tổ, không chịu ngồi lại với nhau để làm cái gì đó cứu vãn tình hình, thì không biết điều gì xảy đến ngày mai.
- Có lẽ thế. Vài người Bà-ni do chán tập tục cũ đã vào đạo Chúa. Rồi mấy gia đình Chăm Bà-la-môn vào thánh đường Islam xamyang.
- Người mình mãi chịu bị lôi kéo và thao túng.
- Anh cũng không biết ngày mai thế nào nữa.

No comments: