nhà văn Nhật Tuấn |
Nhà văn
Nhật Tuấn
Mấy năm trước, khoảng tháng 4- 2004, trả lời
Phạm Thị Hoài trên talawas về “hậu hiện
đại, tôi có nói đại ý tôi hy vọng trên bãi cứt của “nghệ thuật đương đại” sẽ
mọc lên kỳ hoa dị thảo.
Từ đó đến nay, thơ calligramme (thơ đồ hình),
thơ non sens (thơ không nghĩa), thơ hypertext (thơ siêu văn bản), thơ photo,
thơ video, thơ installation (sắp đặt), thơ performance (trình diễn)…. tấp nập, ì xèo trong cái chợ thơ “hậu hiện
đại”.
1. Trong cái chợ thơ đó, chưa bao giờ người
ta được thấy sự nghiệp “giải phóng âm hộ” lại rầm rộ đến thế. Tất nhiên việc
“giải phóng” cái “vưu vật Thượng Đế ban cho” này chỉ nhằm làm sao… cho “sướng”
chứ tuyệt nhiên không dùng nó để chống lại cường quyền, ác bá. Bởi vậy thơ “hậu
hiện đại” tha hồ bày hàng, rao bán trong chợ mà tuyệt nhiên không bị mấy anh
“gác chợ” “gọi hỏi”, ngược lại các thi sĩ trong nước còn được Nhà nước cho tiền
mở trại sáng tác, còn được báo chí bốc lên mây xanh, các nữ thi sĩ hải ngoại
tha hồ “múa bút trong quần” vẫn được Nhà nước ưu ái cấp VISA về nước làm thẩm mỹ
giá rẻ.
Thế là “thơ hậu hiện đại”, cả trong lẫn ngoài
nước từ nay có chung một “cảm hứng chủ đạo” là giải phóng âm hộ
Người ta đã đổ khá nhiều giấy mực về thơ của
nhóm Nhân văn – Giai Phẩm, nhất là nhà thơ Trần Dần. Bị “xử lý” với cái án
không tuyên vô cùng khủng khiếp là “cách ly” khỏi đời sống, hàng xóm lân bang,
bạn bè không ai dám đến gần, rồi thì trên đầu luôn lơ lửng cái môi đe doạ bị
“cắt sổ gạo”, bởi vậy các văn thi sĩ chỉ còn cách chạy trốn nào... thư viện tìm
thú vui trong trò chơi chữ nghĩa. Từ đó phát sinh ra lối làm thơ có thể gọi là
“công nghệ Trần Dần” tức né cho thật xa hiện thực, chơi chữ chơi nghĩa nhưng
tuyệt nhiên không chơi “chính trị” – không phản kháng hiện thực, ngay cả buông
một tiếng thở dài cũng không. Đeo chữ “thọ” sau đít rồi, các “phu chữ” mới ra
sức phát minh, tìm tòi. Đệ tử chân truyền của “công nghệ Trần Dần” phải kể đến
Lê Huy Quang, Dương Tường... và sau này là mấy em làm thơ “hậu hiện đại” như
chị Vi Thuỳ Linh: "tôi là chung thân duy mĩ", chị Phan Huyền Thư:
"Ngoài chữ ra tôi không quan tâm tới bất cứ thứ gì…". Nhóm "Mở
miệng" ở Sài Gòn cũng vậy, phần lớn họ chỉ "mở miệng" chuyện
thân xác và giường chiếu. Vậy là các bác yên tâm nhé, các cháu là "chung
thân duy mĩ", không bao giờ có ý định động chạm tới cái "ổn
định" của các bác; cứ in, cứ kết nạp Hội thoải mái; khỏi lo chống đối,
phản kháng, xét lại. Cái “sự thực ở ngoài đời” được chuyển hóa thành “sự thực
trong tác phẩm” quả là vô cùng hiếm hoi, thay vào đó là những "vô
thức", "cõi tự nghiệm", "phi thời gian", "bên kia
bờ vũ trụ"… được dùng nhiều hơn bao giờ hết trong "nghệ thuật đương
đại".
“Để lại sau lưng cội nguồn, quên đi thân phận
tha hương, cho nghệ thuật là quỹ đạo duy nhất của thơ... thơ không có địa lý,
dân tộc màu da, thơ không có tính từ...”
Nếu đạt tới độ “vô tính” vậy thì chắc là tác
phẩm viết ra người trong nước không đọc đã đành mà mấy bác già tha hương cũng
chẳng đọc, đám con nít thì không rành tiếng Việt, vậy chắc chỉ còn mấy anh “tây
sồn sồn” coi với nhau và “sướng” với nhau. Vậy thì còn gì là thơ.
03 – 08 – 2008
*thơTảnĐà
No comments:
Post a Comment