Wednesday, February 20, 2013

THÔNG ĐIỆP TỪ BỘ LẠC KOGI




NTM : Trong kỳ Ðại hội Tôn giáo Thế giới họp tại thành phố Chicago (Hoa Kỳ), đại biểu các nước trên thế giới vô cùng kinh ngạc khi nghe ký giả Lan Ereira trình bày cuộc du hành kỳ thú vào xứ huyền bí của bộ lạc Kogi - một bộ lạc mà từ mấy ngàn năm qua chưa thấy tài liệu sử sách nào nói tới. Họ sống trên núi cao, trong rừng sâu, tách biệt khỏi thế giới văn minh chúng ta.





Người Kogi dường như luôn giữ bí mật về sự hiện hữu của mình. Vì thế, họ thường rút vào trong những khu rừng rậm rạp, sâu thẳm và định cư nơi những núi cao quanh năm mây mù bao phủ dày đặc. Về mặt địa lý, đây là vùng đất huyền bí thuộc rặng Sierra, nơi người dân bạo dạn của xứ Nam Mỹ cũng không dám bén mảng đến vì sợ thần linh nơi đây quở phạt.

Sự khám phá ra bộ lạc Kogi này là tình cờ hay đúng vào thời điểm quan trọng mà nhân loại đang cần tới họ? Năm 1974, một máy bay đã lạc vào khu rừng rậm xứ Colombia thuộc Nam Mỹ, về phía bắc của rặng Sierra. Viên phi công của máy bay này đã phát hiện ra phía dưới thấp thoáng một công trình xây cất cổ xưa bằng đá, có hình dạng kim tự tháp, nhưng không giống kim tự tháp Ai Cập hay kim tự tháp ở Nam Mỹ.

Nhờ sự phát hiện đó, nhiều nhà khảo cổ và địa chất học đã đến nơi đây bắt đầu khám phá. Họ đã khẳng định rằng, công trình xây cất khác lạ này chứng tỏ người dân nơi đây có nền văn minh rất cao. Ðiều chứng minh rõ ràng là những con đường đi lại được làm bằng đá và rất có hệ thống. Ngoài ra, còn có những đường cống thoát nước mà cấu trúc cũng như cách xây cất rất có kỹ thuật. Khi phân tích về đồng vị phóng xạ để xác định thời gian thì các nhà khảo cổ đã khám phá ra rằng, đây là di tích của nền văn minh xuất hiện cách nay khoảng 7-8 ngàn năm, nghĩa là còn trước cả thời đại văn minh của xứ Incas và Maya ở Nam Mỹ.

Thời gian đầu các nhà khảo cổ không gặp bất kỳ một bóng dáng nào của thổ dân sinh sống ở đây khi họ tới để tìm hiểu, nghiên cứu. Mọi vật như chìm trong im lặng đến kỳ lạ, Những công trình xây cất bằng đá lâu đời dần dần được khám phá thêm, nhất là các khối đá lớn được cắm nơi những con đường có ghi các ký hiệu hay chữ rất lạ. Như vậy, vùng đất bí hiểm này chắc chắn có người trú ngụ. Nhưng tại sao không thấy người nào? 

Về sau họ mới biết rằng, nơi đây có một bộ lạc tên là Kogi, đó là hậu duệ của một nền văn minh cổ xưa đã biến mất từ mấy ngàn năm trước. Người dân Kogi rất nghi kỵ những người khác bộ lạc. Họ hầu như không muốn liên lạc hay tiếp xúc với bất kỳ ai. Vì thế, họ rút dần lên vùng núi cao, nơi mây mù bao phủ quanh năm, nhằm cách ly với loài người hiện đại.

Một số nhà khoa học và nhà báo đã tìm mọi cách gặp gỡ, tiếp xúc với người bộ lạc Kogi, nhưng tuyệt nhiên không thành công vì người Kogi thường tìm cách lảng tránh.

Về sau do may mắn hay vì một lý do nào khác, một ký giả của đài BBC Luân Ðôn tên là Alan Ereira đã được một người đại diện của bộ lạc Kogi tiếp xúc. Người đó cho hay là ký giả này sẽ được tự do vào thăm và chuyện trò với người của bộ lạc. Họ còn cho biết là ký giả có thể mang theo 4-5 người đi theo để phụ giúp.

Ðầu năm 1993, ký giả Alan Ereira cùng với 5 người khác (gồm một ký giả, ba nhân viên thu hình và một nhân viên y tế) lên đường. Ðể có thể thu thập được nội dung của cuộc trao đổi phỏng vấn với người Kogi, phái đoàn này còn tìm được một người của bộ lạc kề cận nói được tiếng Kogi để làm thông dịch.

Sau một thời gian len lỏi trong rừng sâu núi thẳm của vùng Nam Mỹ, họ lên một đỉnh núi cao của miền Sierra sau khi hồi hộp đi qua chiếc cầu treo như lơ lửng trên những hố sâu vực thẳm để vào nơi bộ lạc Kogi sinh sống. Họ được một số người đại diện bộ lạc ra đón. Ðó là những vị trưởng lão. Những người này ăn mặc giống nhau: vải dệt từ những loại sợi dày màu trắng, đầu đội mũ có vành hơi rộng cũng màu trắng, tóc màu đen, dài, quăn, da ngăm ngăm...

Trước tiên, phái đoàn được biết là họ được phép ở lại đây ba ngày. Ðây là một trường hợp đặc biệt và sẽ không bao giờ còn có sự gặp gỡ như vậy nữa.

       Khi nhóm của ký giả Lan Ereira an toạ trên những cái ghế thấp bằng thân cây thì một vị cao tuổi trong bộ lạc mời họ uống nước và bắt đầu nói như giải thích:

- Có thể đây là một ngoại lệ, vì từ mấy ngàn năm qua chúng tôi theo điều luật nội bộ, không bao giờ tiếp xúc với bất cứ ai bên ngoài. Quý vị sẽ hiểu rõ nguyên do vì sao mà Hội đồng trưởng lão của bộ lạc chúng tôi đã quyết định có cuộc hội ngộ hôm nay. 

Nhân viên y tế trong phái đoàn ngỏ ý muốn “xem qua” sức khoẻ cho một người đang đứng gần đấy. Viên y sĩ lần lượt dùng các dụng cụ y khoa đo huyết áp, khám phổi, răng, thử máu, v.v... Ðiều kỳ lạ là không tìm thấy một dấu hiệu nào về bệnh tật hay sức khoẻ suy yếu nơi người Kogi được kiểm tra cẩn thận. Ðặc biệt nhất là hàm răng của người này rất khoẻ, không có dấu vết hay tình trạng răng hỏng hay sâu. Tuy vậy, vị trưởng lão cho biết là vẫn có trường hợp có người qua đời vì bệnh, nhưng rất ít và thường xảy ra khi đứa bé mới lớn. Một khi vị trưởng lão khám nghiệm thấy không thể chữa khỏi thì cha mẹ đứa bé chấp nhận mất con vì họ cho đó là luật của tự nhiên. Tuổi thọ của người Kogi rất cao, thường là hơn 100 tuổi.

Khi thấy những người Kogi hay cầm các ống bằng gỗ đựng vôi và dùng cái que gỗ xoay vòng cho vôi tan, lâu lâu lại chấm vào lưỡi, thì Alan Ereira hỏi vị trưởng lão: 
 - Thưa trưởng lão, người có thể giải thích về những cái ống vôi và hành động làm tan vôi cho chúng tôi biết rõ ý nghĩa được không?
Vị trưởng lão đáp:
- Hành động mà ông thấy đó rất có ý nghĩa vì nhắc nhở mọi người trong chúng tôi luôn ghi nhớ: hãy trau dồi mài dủa Thân và Tâm, giúp hiểu rõ đời sống một cách đúng đắn và vẹn toàn. Cũng chính nhờ vậy mà mỗi người đều ý thức được những việc khác kỳ diệu, phi thường hơn.

Phái đoàn đã quan sát nhiều nơi, tuy nhiên vẫn còn nhiều vùng bị giới hạn không thể tới hay không thể quan sát tìm hiểu được. Theo ký giả Ereira, người trong bộ lạc có tư tưởng rất tự do, phóng khoáng. Mọi người đều có quyền phát biểu trong các cuộc thảo luận. Tại đây, chung cuộc sẽ là quyết định tập thể chứ không do nhân vật quyền uy nào ra lệnh.

Dưới đây là một số câu hỏi - trả lời giữa những người trong phái đoàn và vị trưởng lão:

Hỏi: Xin cho biết quý vị quan niệm ra sao về bệnh tật?

Thế giới có nhiều khác biệt về sắc tộc, phong tục tập quán, nhưng cũng vẫn có những điều tương hợp nhau. Cũng như trong một gia đình, người anh phải chỉ bảo cho người em nhiều điều mà người em chưa biết, nhưng phần lớn các em vì còn hăng hái, bướng bỉnh nên họ thường không nghe theo. Và trải qua biết bao ngàn năm rồi mà họ vẫn không nghe, chưa hiểu, chưa thấy, chưa giác ngộ trong cuộc sống. Vì thế, những đàn anh như chúng tôi đành phải im lặng chờ đợi, biết đâu khi đàn em đi vào nếp sống gọi là văn minh khoa học kỹ thuật thì trí óc họ sẽ mở mang bừng sáng để thấy rõ mình đã sai lầm lớn lao trong cách sống như thế nào. Nhưng chờ mãi mà những người này ngày càng lầm lạc mê mờ, tự huỷ hoại mình và cả môi trường đất đai nơi họ sinh sống. Sự sai lầm lớn lao ấy đã tới giai đoạn hiểm nguy báo động. Vì thế, chúng tôi suy nghĩ và quyết định là đã đến lúc phải lên tiếng, phải nói rõ về những sai lầm mà những người em phạm phải. Chính vì lẽ đó mà có buổi gặp hôm nay, vì nếu chậm sẽ quá muộn...

Khi quý vị bước chân vào đây và quan sát đời sống của những người dân chúng tôi thì quý vị chắc chắn sẽ thấy có sự trái ngược lạ lùng với đời sống của quý vị. Một bên là văn minh tiến bộ, một bên đơn sơ mộc mạc. Tuy nhiên, đời sống càng văn minh tiến bộ bao nhiều thì sự xấu xa, nguy hiểm tàn tạ lại càng đến mau bấy nhiêu. Trong khi đời sống đơn sơ mộc mạc bình thản thì lại làm cho con người được an cư lạc nghiệp. Ðiều mà chúng tôi muốn đề cao ở đây là sức khoẻ của mọi người trong các làng. Phần lớn mọi người ít có vấn đề hay không có vấn đề gì.

Nếu quý vị quan sát kỹ môi trường và thiên nhiên, quý vị sẽ thấy tất cả đều có một nhịp sống hài hoà để giữ cân bằng sinh thái. Một khi con người sống không thuận theo thiên nhiên, tức là trái với luật tự nhiên. Mà trái với luật tự nhiên thì cơ thể sẽ có những xáo trộn và từ đó phát sinh bệnh.

Hỏi: Thế nào là sống thuận theo thiên nhiên? Giúp cân bằng thiên nhiên?

Trả lời: Chúng tôi xin nêu một thí dụ mà thí dụ này chính quý vị đã và đang thực hiện. Ðó là việc gieo trồng canh tác của quý vị ngày càng phát triển, nhưng vì đuổi theo lợi nhuận, cạnh tranh nên quý vị đã dùng những chất hoá học thúc đẩy tiến trình phát triển của cây trái, của lúa mì, lúa mạch. Ngay cả những súc vật nuôi như heo, gà, bò, cá, tôm... quý vị cũng dùng cả hoá chất để thúc đẩy chúng lớn. Làm như vậy tức là quý vị đã làm trái tự nhiên, quý vị đã gây ra sự mất cân bằng hài hoà của mọi sinh vật trong thiên nhiên. Dĩ nhiên là những rau trái, hoa quả, lúa gạo, cá tôm sẽ tích chứa trong chúng vô số chất độc hại và khi quý vị ăn vào thì chuyện gì sẽ xảy ra? Tại sao người Âu Mỹ ngày nay bị ung thư quá nhiều và tình trạng tật bệnh này ngày càng lan tràn sang các nước Á Châu, Úc Châu? Tại sao tại các nước gọi là văn minh tiến bộ của quý vị ngày càng phát sính ra những loại bệnh lạ, bệnh nan y khủng khiếp? Tất cả chính là do con người ngày càng mê mờ, u tối vì chỉ biết chạy theo vật chất, lợi nhuận mà thôi. Vì thế, họ luôn gây hại cho môi trường sống, luôn làm mất cân bằng thiên thiên, không sống hài hòa với thiên nhiên, đúng luật thiên nhiên...
Sự mất cân bằng trong thiên nhiên còn thấy rõ khi hàng ngày những chất độc hại từ các nhà máy, các lò luyện quặng, tàu hỏa, xe hơi lan toả khắp không trung. Các chất độc từ những chất phế thải chôn vào lòng đất tạo ra điều mà quý vị gọi là ô nhiễm môi trường, khiến Trái đất phải chịu hậu quả nguy hiểm - không những tai hoạ cho bầu khí quyển, đất đai, cây cối, mà cả nguồn nước cũng bị ô nhiễm. Rồi sự đào sông, xẻ núi, đốn cây rừng, khai phá các hầm mỏ, rút hết các tinh túy của lòng đất v.v... cũng vậy. Loài người đã tàn phá Trái đất một cách nghiệt ngã, không nương tay, cơ hồ như làm cho Trái đất rỗng đi trong khi trên mặt đất thì lại xây dựng các công trình to lớn nặng nề. Nếu quý vị có chút suy nghĩ phân tích một cách đơn giản thì rõ ràng loài người hiện nay đang làm cho Trái đất mất cân bằng. Làm sao trong tình trạng ấy mà những đường nứt nơi lòng đất ngày càng không nở toác ra và làm sao không xảy ra những vụ sóng thần, động đất khủng khiếp?

Hỏi: Chúng tôi thấy quý vị canh tác trồng trọt rất đơn sơ, làm sao có đủ thực phẩm để dùng và tại sao không thấy quý vị tích trữ lương thực để phòng khi đói rét nguy hiểm?

Trả lời: Con người thường bị cái tham lam làm cho mù quáng, vì tham lam mà sinh ra chiến tranh, vì tham lam mà sinh ra thù hận. Trong bộ lạc chúng tôi ai cũng ăn ngày 3 bữa và cũng không quan tâm tới vấn đề ăn uống. Chim chóc bay nhởn nhơ không khổ nhọc vì cái ăn, chúng đâu cần gieo hạt, bón cây mà vẫn không bị chết đói, vì thiên nhiên đã lo liệu đủ cho chúng rồi. Chúng tôi nghĩ rằng, “Thiên nhiên đã lo liệu đầy đủ cho mọi loài thì cứ yên tâm mà sinh sống”. Chúng tôi biết cách tạo ra lắm hoa màu cây trái, nhưng dễ làm lệch lạc sự cân bằng của tự nhiên. Vì thế chúng tôi chỉ canh tác theo lối đơn giản và hái trái cây trong rừng như thuở xa xưa, tuy mộc mạc đơn sơ nhưng tâm hồn thanh thản. Chúng tôi tạo thức ăn trong an bình. Tại sao chúng tôi không lo để dành, tích trữ thực phẩm? Vì làm như thế tức là tạo ra sự tham lam mù quáng, muốn chiếm đoạt, đó là khởi phát của chiến tranh, xâu xé, đó là mầm mống của trộm cắp giết người... Chúng ta hiếm khi thấy thú vật chim muông tàng trữ thức ăn cho chúng. Sự dư thừa thường làm rối loạn trật tự thiên nhiên. Ðiều thấy rõ là khi mình chiếm hữu nhiều cho mình thì người khác và sinh vật khác sẽ bị thiếu hụt. Như vậy là không công bằng, là vi phạm luật tự nhiên và khiến thiên nhiên mất cân bằng... Do đó, phương châm nuôi dưỡng từ tổ tiên chúng tôi đến nay vẫn luôn sống vừa đủ, không có sự dư thừa... là vậy.

Hỏi: Khi không ăn thịt cá hay bất cứ loài động vật lớn nhỏ nào có phải là quý vị bị ảnh hưởng bởi tôn giáo nào không? Theo quý vị thì chỉ ăn độc nhất rau trái có lợi như thế nào? 

Trả lời: Như đã trình bày từ trước, tổ tiên chúng tôi xuất hiện trên Trái đất này rất xưa, xưa hơn tổ tiên quý vị rất nhiều. Các tôn giáo mà quý vị thấy hiện nay trên thế giới, chỉ xuất hiện sau khi loài người đã quá dã man độc ác. Còn tổ tiên chúng tôi đã sống theo sự an lành, thiện tâm giúp đỡ mọi loài từ đó tới nay như chuyện tự nhiên của thiên nhiên. Chúng tôi không bị lệ thuộc vào tôn giáo nào cả. Con người vốn đã có sẵn thiện tâm và lòng tốt khi mới sinh ra. Chính vì tham lam mê mờ, ganh đua ganh ghét mà sinh ra chống đối nhau, xâu xé, giành giật nhau, dẫn tới chiến tranh. Loài người hiện nay đang đắm chìm trong các u tối đó. Chúng tôi thì không. Chúng tôi không săn bắn, không đánh cá nên không giết hại sinh vật nào. Chúng sống hòa đồng với chúng tôi như quý vị nuôi chó mèo vậy. Trái đất là nơi sinh sống của mọi loài. Tại sao loài người lại bắt, giết, ăn thịt các loài khác? Mọi loài sinh vật đều biết đau đớn. Tại sao ta lại ăn “cái đang đau khổ"? Ăn cái đau khổ thì cơ thể ta sẽ bị gì? Còn vấn đề chỉ ăn rau trái, quý vị hỏi là có lợi như thế nào thì xin trả lời rằng: Trong rau quả có nhiều thứ mang lại sức khoẻ tốt lành cho con người. Nhiều chất quý trong cây khi vào cơ thể sẽ giúp cơ thể có khả năng chống lại các độc tố gây bệnh. Nhiều khi gặp trở ngại trên đường đi hay lạc lối trong rừng sâu không có thức ăn, chúng tôi có thể ngậm vài lá cây nào đó để bồi bổ cơ thể. Một trong các môn học của mọi người trong bộ lạc chúng tôi là cây cỏ vì chúng tôi sống gần gũi với cây cỏ nhiều hơn cả.

Hỏi: Quý vị vừa cho biết về môn học cây cỏ, vậy nơi đây trường ốc ra sao, công việc giảng dạy tiến hành như thế nào? 

Trả lời: Chúng tôi giảng dạy cho con trẻ từ tấm bé về nhiều lãnh vực, như cách ăn uống cũng phải dạy, ví dụ khi ăn phải tập nhai kỹ, phải từ tốn, ngẫm nghĩ, chú tâm, phải đưa tư tưởng vào việc đang ăn. Tránh vừa ăn vừa nói, không được vừa ăn vừa nghĩ ngợi tới vấn đề nào khác... Môn học dành riêng cho thanh niên khi tới tuổi hai mươi là quan trọng hơn cả và khó khăn hơn cả. Tới độ tuổi này, người thanh niên trong bộ lạc được gửi tới một túp lều tranh hay một hang đá. Nơi đây vị trưởng lão sẽ chỉ dẫn phương cách học tập. Phải nói đây là phương cách tu tập để trở thành một người Kogi hoàn thiện, có năng lực, biết sống và biết suy nghĩ thế nào cho hợp cách. Người thanh niên sẽ ngồi xếp bằng, quay mặt vào vách để từ đó ngẫm nghĩ, suy tưởng về con người mình, về thế giới tự nhiên, nghĩa là liên kết, ràng buộc giửa con người và thiên nhiên, giữa con người và cây cỏ, thú vật, ngày đêm, đất đai, rừng núi. Sự kiên trì là điều cốt lõi và thời gian sẽ đánh giá được sự kiên trì. Do đó, thời gian mà người thanh niên ngồi quay mặt vào vách trong túp lều phải là 9 năm. Chín năm suy ngẫm nhiều vấn đề và cũng là thời gian để bản thân con người mình và thiên nhiên liên kết gần gũi nhau, biết rõ nhau, trở thành hợp nhất. Khi an trú ở một nơi hiu quạnh vắng vẻ như thế để tự suy ngẫm, khám phá bản thân mình và khám phá thiên nhiên, người thanh niên này sẽ ăn rất ít. Khi tu tập, họ chỉ ngậm vài lá cây, uống chút ít nước để giữ cho cơ thể được an bình mà thôi. Thường thì vị trưởng lão sẽ đến giảng dạy theo một giờ nhất định. Vị này sẽ hướng dẫn học trò về những điều gọi là bí mật của vũ trụ tự nhiên, về tâm thức, về ý thức và hành động của chính bản thân mình. Sau 9 năm tu tập xét mình, xét thiên nhiên như thế với thế ngồi quay mặt vào vách.

       Khi những người thanh niên bước vào tuổi 30, họ đã trở thành một con người chững chạc, có khả năng “giao cảm với vũ trụ thiên nhiên”. Chính nhờ vậy, dù sống nơi núi cao đầy mây mù, dù trong rừng thẳm thâm u của Nam Mỹ, họ vẫn biết được những gì đã và sẽ xảy ra trên thế giới. Ðây chính là câu trả lời vì sao chúng tôi sống nơi tận cùng mù mịt của địa cầu mà lại có thể biết những gì xảy ra ở bên ngoài, như đã từng trình bày trong những lần giải thích cho quý vị về tình trạng bất an, đen tối, đầy nguy hiểm mà loài người đang gây ra trên thế giới... 
Hỏi: Quý vị quan niệm hay biết rõ về vũ trụ như thế nào?
Trả lời: Sống hòa hợp với vũ trụ, thâm nhập vũ trụ với tâm thức mình thì ta sẽ thấu triệt, hiểu rõ được nhiều thứ trong đời sống. Lý do là vũ trụ như một tấm gương soi vĩ đại, từ đó phản ánh mọi sự mọi việc, nên khi ta hoà nhập với vũ trụ là ta biết rõ những điều đã và sẽ xảy ra. Vì con người và vũ trụ là một, nên khi biết rõ mình tức là biết rõ vũ trụ, tự nhiên. Mà biết rõ vũ trụ tức là biết rõ các định luật của thế giới tự nhiên, trong đó có ta, các loài sinh vật, nghĩa là tất cả. Và khi đã hiểu rõ các định luật ấy rồi thì ta sẽ không bao giờ dám làm điều gì, dám nghĩ điều gì vượt ra ngoài hay trái ngược với các định luật ấy. Nếu con người làm trái với thiên nhiên là sẽ bị đào thải, bị tận diệt.

Còn ý niệm về vũ trụ thì nhờ tĩnh tâm giao cảm với vũ trụ mà chúng tôi biết rằng, lúc vũ trụ chưa hình thành là một khoảng trống không. Cái trống không vô tận ấy chính là Mẹ Vũ trụ mà chúng tôi gọi là Kaluma. Mẹ Vũ trụ là một trạng thái tuyệt đối của Tâm thức. Mẹ Vũ trụ không phải là Đấng Tạo hóa như loài người nghĩ. Chính nhờ cái tâm thức lan toả này mà phát sinh ra tư tưởng. Nhờ sự vận hành, chuyển hoá của tư tưởng mà phát sinh ra tất cả mọi thứ như ta thấy ngày nay. Ðiều này mới nghe qua thì quá mơ hồ trừu tượng. Chỉ khi nào quý vị áp dụng phương thức suy ngẫm như lối ngồi quay mặt vào vách trong thời gian 9 năm của chúng tôi thì tâm thức quý vị mới dễ hoà vào tâm thức vũ trụ. Lúc đó quý vị mới thấy rõ những gì tôi vừa trình bày. 
Như vậy, cái Tâm là rất quan trọng. Mọi thứ đều do tâm tạo. Nhờ phương thức tĩnh tâm để giao cảm với vũ trụ mà chúng tôi biết chỉ trong vùng không gian của chúng ta thôi có 9 thế giới phát sinh từ tâm thức. Mọi thứ nơi 9 thế giới ấy đều có cùng quy luật là sinh ra, lớn lên, phát triển, rồi chết. Những quy luật ấy còn có những chi tiết mà nếu loài người tự cho là văn minh tiến bộ tìm cách phá vỡ các quy luật thì hậu quả lại rất tai hại. Loài người hiện đang sinh sống nơi thế giới thứ 9. Ðiều quan trọng cần nhớ là thế giới này không phải dành riêng cho loài người, mà còn cho mọi sinh vật khác. Vì thế mà việc đánh, bắt, giết hay ăn thịt các sinh vật là vi phạm quy luật tự nhiên. Nói về sự vi phạm quy luật tự nhiên thì loài người đã hành động trái với luật tự nhiên từ lâu rồi...

Hỏi: Theo quý vị thì loài người hiện nay đã hành động trái với luật tự nhiên thế nào?

Trả lời: Buổi gặp gỡ 3 ngày tại bộ lạc chúng tôi chính là mục đích để nói lên cái sai lầm của loài người hiện nay, cái nguy cơ tai hại mà loài người đã gây ra. Nói rõ hơn là loài người từ lâu đã làm trái với định luật thiên nhiên, gây tai họa không những cho Trái đất mà còn cho cả chính họ. Con người cứ mê mờ khi nghĩ rằng mình có khả năng cải tạo thiên nhiên, cải tạo cuộc sống. Con người ngày càng văn minh tiến bộ với những máy móc tuyệt hảo tinh vi. Nhưng quả thật ý tưởng đó quá sai lầm vì khả năng con người dù thông minh tài giỏi tới đâu vẫn không thể thay đổi quy luật của tự nhiên, cũng như chế ngự đưọc cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Con người không thể ngăn cản sóng thần, bão tố, động đất, lũ lụt và nhất là dịch bệnh và sự chết. Càng ngày con người càng có cảm tưởng rằng mình có khả năng chế ngự được thiên nhiên và thực hiện được những gì mà con người muốn như đẩy lùi bệnh tật, tạo ra sinh vật mới ngay trong phòng thí nghiệm, kéo dài tuổi thọ, làm mưa nhân tạo, chế tạo những vũ khí giết người tinh vi siêu đẳng và nhất là vũ khí hóa học, vi trùng... Và những cuộc thí nghiệm nổ bom hạt nhân. Nhưng con người không biết rằng, khi đẩy lùi bệnh tật thì lại làm phát sinh ra những loại vi trùng hay độc tố mới và tạo ra thứ bệnh mới khác. Khi chế tạo vũ khí sinh học, hóa học thì ngay lúc đang thí nghiệm cũng đã đưa vào không khí mầm bệnh độc hại rồi, từ đó mới có những bệnh lạ phát sinh ở người và loài vật. Khi làm thay đổi thế giới tụ nhiên là làm xáo trộn quy luật của sự sống... Thuốc ngừa thai, sự tạo sinh vật mới, thuốc tăng cường sức khoẻ, chống ung thư, ngăn chặn lão hoá đều trái luật tự nhiên. Hậu quả sẽ tàn phá đời sống tự nhiên của con người và mọi sinh vật. Trái đất là nơi loài người sinh sống, mọi loài cư trú và phát triển nhưng hằng ngày con người vô ý thức tàn phá đất đai, cây cối, thú vật một cách mù quáng. Thế giới văn minh của quý vị dùng thuốc khai quang, diệt cỏ, thuốc trừ sâu rầy, thuốc tăng trưởng gia súc và hoa màu. Những thứ thuốc ấy đều là các chất độc hại, chúng ngấm vào đất đai, biển cả, sông ngòi, chất chứa vô số chất phế thải độc hại, từ đó con người, các động vật và nhất là các loài thủy sản đã đưa vào cơ thể biết bao chất độc từ nước. Riêng không khí thì rõ ràng ngày nay đang tràn ngập các độc chất gây ô nhiễm trầm trọng. Tất cả sẽ là nguyên nhân gây nên vô số thảm họa với loài người, các bệnh ung thư và bệnh lạ ngày càng phát triển lan tràn khắp thế giới. Đồng thời, với những thay đổi lệch lạc về khí hậu, đất đai, môi trường mà do chính loài người gây ra, đang phát sinh những biến động từ thiên nhiên như sóng thần, lụt lội, đất khô cằn, hạn hán, động đất và sau cùng là Trái đất sẽ bị hủy hoại và nạn diệt vong đến vời mọi loài sinh vật, cả loài người và sẽ xảy ra không lâu nữa. Ðiều tệ hại hơn là khi con người phát sinh phát triển tới nay chưa có lúc nào là không tranh giành, tàn sát lẫn nhau, chưa khi nào là không có hận thù. Không những thế, nhiều quốc gia tiên tiến muốn trở thành bá chủ đã không ngừng phát triển các loại máy móc, kỹ thuật tối tân, một mặt thì thăng tiến cuộc sống trong giả tạo nhưng đồng thời lại tận dụng những chất rất nguy hiểm mà về lâu dài sẽ ảnh hưởng lên cơ thể, gây ung thư. Các quốc gia giàu có với kỹ nghệ phát triển hiện nay biết rõ sự tai hoạ của những chất độc hại, nên đã lợi dụng danh nghĩa toàn cầu hoá thương mại để nhắm vào các nước nghèo, tới đó mở mang phát triển kỹ nghệ vừa được nhân công rẻ vừa có chỗ thải bỏ các chất độc hại. Làm như vậy ngầm mục đích là nếu có xảy ra nguy cơ nào từ các chất thải độc hại đó thì chỉ đất nước ấy gánh chịu hậu quả mà thôi, chứ không ảnh hưởng tới đất nước của họ. Quý vị hãy tưởng tượng rồi đây các quốc gia nghèo và yếu kém sẽ ra sao khi họ hoan hỉ để các công ty nước ngoài thuê đất và xây dựng những nhà máy đồ sộ. Tại đó sẽ sản xuất vô số mặt hàng với vật liệu là những thứ mà hiếm ai biết được chôn cất vào đất đai hay trôi chảy vào sông lạch. Kết quả là quốc gia đó sẽ bị hậu quả tàn hại nặng nề vì không khí, sông ngòi, hồ ao và đất đai, cây cối sẽ tràn ngập đủ các chất ô nhiễm mà chính quyền không biết. Từ đó trong dân chúng sẽ phát sinh vô số chứng bệnh lạ và hậu quả lâu dài là ảnh hưởng tới các yếu tố di truyền của cả dân tộc.

Loài người vẫn tự hào là mình văn minh, không biết cái văn minh của mình là con dao hai lưỡi tàn hại toàn thể nhân loại. Ðã đến lúc loài người hãy thức tỉnh. Ðó chính là lời kêu gọi thiết tha của chúng tôi nhắn gửi nhờ quý vị trao lại cho loài người hiện nay. Mong quý vị gửi ngay thông điệp này đến thế giới càng sớm càng tốt, nếu không thì quá muộn.

Hỏi: Qua cuộc gặp gỡ đặc biệt này, quý vị có điều gì cần cho chúng tôi biết thêm không?

Trả lời: Chúng tôi xin nhắc lại là sở dĩ có sự đồng ý tiếp xúc với quý vị trong 3 ngày là vì chúng tôi muốn chuyển một thông điệp cho những người mà chúng tôi coi là những người em trong đại gia đình nhân loại.
Như trên chúng tôi đã trình bày,.ngày nay loài người đang tự đào hố để chôn mình. Càng văn minh, con người càng lầm lạc, mê mờ. Càng văn minh, con người càng làm trái với luật của thế giới tự nhiên. Càng ngày con người càng tham lam. Mà càng tham lam thì càng chia rẽ, hận thù nên bạo lực, chiến tranh, khủng bố luôn diễn ra mà kết quả không tránh khỏi là thế giới chiến tranh lần thứ ba sẽ phải xảy ra. Nhưng chiến tranh lần này quả là khốc liệt và bi thảm. Lý do là cả kẻ hận thù và người bị hận thù đều bị tiêu diệt, thế giới lại đi vào giai đoạn của hổn mang, một giai đoạn xuất hiện trong vũ trụ cách đây hàng tỉ năm.

       Một lần nữa, chúng tôi tha thiết yêu cầu quý vị hãy mang thông điệp này đến cho thế giới bên ngoài để loài người văn minh hiện nay thức tỉnh, nếu không thì sẽ quá muộn.
GHI CHÚ: Trong tập tài liệu của phái đoàn có ghi thêm câu hỏi của một nhà báo rằng, tại sao sống ở một nơi có thể nói là biệt lập với thế giới văn minh sôi động bên ngoài mà những người Kogi lại có thể biết được quá nhiều những gì mà ngay những người sống hiện nay ở những thành phố lờn cũng chưa chắc biết hết, thì được vị đại diện bộ lạc trả lời như sau: Mọi sinh vật, kể cả cây cối, động vật và con người, đều có sự liên hệ ràng buộc mật thiết với nhau qua nhiều hình thức như cái mà quý vị thường gọi là từ trường, là hào quang, là tâm linh, năng lực tinh thần v.v... Tuy nhiên, không ai nghĩ và biết điều đó, vì con người sống ở những vùng đất gọi là văn minh tiến bộ bị chi phối bởi vô số công việc phải làm mới mong đáp ứng nổi những nhu cầu “vật chất” mà họ ham muốn có. Khi vật chất lấn át, đè nén, bao trùm toàn bộ cuộc sống thì tâm linh bị lu mờ, che lấp. Chỉ ngoại trừ những nhà tu hành, thiền quán hay tĩnh tâm mới có khả năng nhận biết. Con người có thể nhận biết những gì xảy ra ở khoảng cách xa qua thần giao cách cảm hay qua tập trung tư tưởng. Mọi người trong bộ lạc chúng tôi tới tuổi trưởng thành đều biết tập trung rèn luyện, phát triển mặt tâm linh trong 9 năm bằng cách tĩnh tâm suy ngẫm, giúp họ “giao cảm với thiên nhiên, vũ trụ”, từ đó biết được những gì xảy ra xung quanh, ở cả những nơi mà họ chưa hề đặt chân tới.


Khi học hỏi về cây cối thì người Kogi được giảng dạy ghi khắc trong lòng là phải biết quý trọng cây cối. Ngay cả đám cỏ cũng phải tôn quý nó. Nhờ cây mà ta có bóng mát, nhờ cây mà gió lớn bị ngăn chặn, lũ lụt không lan tràn, cây cỏ là thức ăn bổ dưỡng và là thuốc chữa bệnh của con người. Biết rõ điều đó, ta không bẻ cành, chặt cây, phá hoại rừng. Cây cối và con người liên quan mật thiết với nhau. Việc phá hoại, hủy diệt cây cối là làm mất cân bắng thiên nhiên và sẽ dẫn tới sự mất cân bằng trong cơ thể con người.





No comments: