Sunday, February 24, 2013

Định nghĩa hay mô tả nghệ thuật đương đại?


Honoré Daumier
Thăm các xưởng hoạ: Cực kỳ! Tuyệt! Trời đất!
  

                                                               Nguyễn Đình Đăng
 
Trong phần đầu bình luận mới đây cho cuốn “Vietnamese Contemporary Art 1990 – 2010” (Nghệ thuật đương đại Việt Nam 1990 – 2010) của hai tác giả Bùi Như Hương và Phạm Trung, Ilza Burchett đã trách các tác giả rằng họ nhầm lẫn định nghĩa với mô tả nghệ thuật đương đại, nhưng bản thân Ilza Burchett cũng không thể đưa ra một định nghĩa thích hợp.

  Sự thực là đoạn trích dẫn từ Kathrin Busch cũng chẳng phải là một định nghĩa nghệ thuật đương đại, mà chỉ đơn thuần nêu ra một số khía cạnh (không phải là bản chất) của nghệ thuật đương đại, như sự bão hòa cao độ của kiến thức lý thuyết, rằng nghệ thuật đương đại trở thành một nghiên cứu hoặc một hình thức kiến thức độc lập tự thân, v.v. Tuy nhiên, những khía cạnh này rất chung chung vì chúng cũng có thể được áp dụng cho cả nghệ thuật thời Phục Hưng, Baroque, Cổ điển, ấn tượng, v.v.

Chúng ta đều biết rằng luật viễn cận tuyến tính đã được xây dựng bằng luận thuyết của Piero Della Francesca, những bức tranh và bản vẽ của Leonardo da Vinci được dựa trên kiến thức tiên phong và xuất sắc của ông về giải phẫu cơ thể người v.v. Theo nghĩa như vậy, “định nghĩa” của Kathrin Busch có chất lượng cũng tương tự như của các tác giả “Vietnamese Contemporary Art 1990 – 2010″. Các tác giả này đã chỉ ra những khó khăn phải đối mặt khi cố gắng đưa ra một “định nghĩa” cho nghệ thuật đương đại. Sự thực là không tồn tại một định nghĩa như vậy. Những gì ta có chỉ là các khái niệm đa dạng.

Tiếp theo, khi khẳng định rằng “(ngay cảnhững nghệ sĩ đương đại nào không hoặc tự cho rằng mình không quan tâm, không được truy cập hoặc tiếp xúc, hoặc không muốn dây với bất kỳ tư tưởng triết học nào bằng bất cứ cách nào vì bất cứ lý do gì, thì họ vẫn cứ thuộc về thế giới ‘đương đại’ của chúng ta, một thế giới tràn ngập mọi loại thông tin, không thể tránh khỏi ảnh hưởng lên các tác phẩm của họ,” Ilza Burchett đã mâu thuẫn với chính mình. Tuyên bố của bà thực chất có nghĩa là các nghệ sĩ đương đại thực ra có thể không cần bất kỳ nền tảng lý thuyết hay tư tưởng triết học nào, nhưng vẫn cứ là “đương đại”, đơn giản chỉ vì họ sống và sáng tạo trong thời đại của chúng ta.

Nghệ thuật đương đại không phải là chủ nghĩa hậu hiện đại như một quan niệm triết học. Việc các sinh viên có thể phải học lý thuyết của Plato và Aristotle về sự bắt chước trong nghệ thuật hoặc lý thuyết hậu hiện đại tại các trường nghệ thuật không có nghĩa là lý thuyết về sự bắt chước hoặc lý thuyết hậu hiện đại là định nghĩa của nghệ thuật đương đại [1]. Theo J.F. Lyotard, “Văn bản mà nghệ sĩ hậu hiện đại viết, tác phẩm anh ta sáng tác, về nguyên tắc mà nói, không theo các quy tắc định trước, và không thể đánh giá chúng theo một phán quyết mang tính định đoạt, bằng cách áp dụng các phân loại quen thuộc cho văn bản hoặc tác phẩm. Những quy tắc và phân loại như vậy chính là những gì mà tác phẩm nghệ thuật đang tìm kiếm. Nghệ sĩ và nhà văn sáng tạo không theo quy tắc để xây dựng các quy tắc cho những gì sẽ được làm ra.”[2] Nói cách khác, nghệ thuật hậu hiện đại cũng tựa như giao thông tại Hà Nội, nơi mà quy tắc duy nhất là không-có-quy-tắc.

Hơn nữa, nghệ thuật đương đại, được hiểu như nghệ thuật của thời đại chúng ta đang sống, không còn là hậu hiện đại nữa. Thời hậu hiện đại đã cáo chung khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (khoảng những năm 1989 – 1990). Việc phát minh ra internet và mạng nhện toàn cầu trong những năm 1992 – 1994, thời đại kỹ thuật số, và các tình huống mới trên thế giới bao gồm cả sự sụp đổ của khối cộng sản (1991), sự suy tàn của các thể chế độc tài toàn trị, sự nở rộ khắp nơi của nền dân chủ, chiến tranh chống chủ nghĩa khủng bố, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc bành trướng ở Đông Á, việc trái đất bị nóng lên, và sự thoái trào của các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima, v.v. chỉ là một số diễn biến đã thực sự lật một trang mới trong lịch sử nhân loại. Hoàn cảnh thế giới hiện nay buộc chúng ta phải tự vấn sâu sắc thái độ mà chúng ta có từ thời kỳ hậu hiện đại – thời mà chân lý và công lý đã được thay thế bằng đồng thuận nhóm, sự trình diễn tốt, tiện nghi, và lợi nhuận. Nghệ sĩ không đứng ngoài xu thế chung đó bởi lẽ, trước khi là một nghệ sĩ, y là một con người, một công dân, cho dù có là một công dân thế giới đi chăng nữa. Một lần nữa, chúng ta thấy các giá trị nghệ thuật mà nghệ sĩ đưa vào tác phẩm đang trở nên quan trọng bên cạnh giá trị thương mại. Niềm kính trọng đối với kỹ năng của nghệ sĩ đang dâng lên. Sự đánh giá đối với các họa sĩ thực sự biết vẽ, các điêu khắc gia thực sự biết tạc tượng, các nhà văn thực sự biết viết, đang ngày một gia tăng.



10/1/2013


_____________

[1] Cũng nên đặc biệt thận trọng trong việc đọc có chọn lọc để khỏi sa vào thứ khoa học giả hiệu vô nghĩa được viết trong các tác phẩm của các “trí tuệ thiên tài” như Jean Baudrillard, Gilles Deleuze hay Felix Guatarri.

[2] J.F. Lyotard, The postmodern condition: A report on knowledge (Manchester University Press, 1984).




Nguồn blog Nguyễn Đình Đăng 




No comments: