Monday, February 4, 2013

Thị trường nghệ thuật

Ben Davis - Hoàng Lan dịch


Hẳn bạn không muốn đọc thêm bài viết nào về nghệ thuật và tiền nữa. Tôi thực sự cũng chẳng muốn viết một bài như vậy. Hệt như chính tôi cũng chẳng muốn đọc thêm bài viết nào về chuyện con người đang hủy hoại hành tinh xanh này ra sao; Nhưng sự thực là con người đang hủy hoại trái đất, và (vì vậy) cho tới khi không còn chuyện đó nữa, tôi sẽ (vẫn phải) vui khi thấy có xuất hiện những bài báo phản ánh về chuyện đó.
Tôi muốn đưa ra ba điểm chính, thêm vào những bài viết đầy phẫn nộ dấy lên trong thời gian gần đây, tấn công vào tiền và ảnh hưởng của nó lên nghệ thuật.



Khách bộ hành đi ngang một cửa kính trưng bày thiết kế của nghệ sĩ Nhật Yayoi Kusama tại một cửa hàng của Louis Vuitton ở khu Marina Bay Sands, Singapore. Những chấm bi “đặc sản” của Kusama giờ đã bước vào lãnh địa của thời trang, trong một bộ sưu tập mới của nhãn hiệu thời trang Pháp Louis Vuitton – gồm túi xách, kính râm, giày, và áo khoác.

Những mâu thuẫn không chống đỡ được
Đâu là hai xu hướng lớn, không thể bàn cãi trong giới nghệ thuật vào những năm gần đây?
Đầu tiên: các tác phẩm tiến ngày một gần hơn tới dòng văn hóa pop (pop culture). Học giả Johanna Drucker gọi xéo xu hướng đó bằng từ “mỹ học đồng lõa.” Ngày càng nhiều các nghệ-sĩ-nổi-tiếng-kết-bè theo đủ kiểu, làm không gian não chúng ta nghẹt cứng; ngày càng lắm các tác phẩm sắp đặt cỡ khủng được dùng làm điểm thu hút ở các công viên giải trí.
Một xu hướng khó tránh khỏi: cơn cuồng nghệ thuật vì coi đó là một thứ tài sản, hoặc như tôi thường gọi tắt là AaaAc (Art as an Asset Class).


Vâng, khi dừng lại để suy nghĩ một chút, bạn sẽ thấy rành rành rằng hai xu hướng này thật trái ngược nhau, chỉ sánh vai được với nhau khi chúng nằm trong… suy nghĩ của ta, bởi cái điều kiện tiên quyết để có chúng chính là sự hiện hiện của một khoản tiền kếch xù – hoặc là tiền để dựng nên một môi trường hoành tráng tốn nhiều triệu đô-la (để chứa các sặp đặt cỡ khủng), hoặc tiền để đánh bạc một cách ngoạn mục tại các nhà đấu giá. Nhưng đây là tiền dùng cho những mục đích rất khác nhau.
Để nghệ thuật có thể hoạt động như một cỗ máy đầu tư kiếm tiền hiệu quả, giá trị của nó phải tăng đều đặn sau một thời gian dài – thậm chí dài cả mấy thập kỷ. Thế nhưng văn hóa pop, theo định nghĩa, là một loại hình văn hóa ngắn hạn, liên tục thay đổi và “bôi xóa” chính mình. Đề tài của nó, mới giây trước còn là mối quan tâm nóng bỏng, đến giây sau đã biến thành một thứ tò mò được người đời nửa nhớ nửa quên. Dĩ nhiên, dung hòa sự căng thẳng đấy là việc có thể làm được, nhưng đến lúc nào đó, mọi thứ sẽ đổ vỡ không theo cách này thì cách kia.
Điềm báo ấy dường như đã xảy đến cho trường hợp Damien Hirst. Những tác phẩm gần đây của ông đã gây thất vọng khi đưa lên sàn đấu giá – một sự thật dường như này sinh từ tình trạng căng thẳng nói trên. “Tôi nghĩ ban đầu thì Hirst là một nghệ sĩ giỏi,” Georgina Adam nói, “nhưng từ lâu ông ấy đã trở thành nhà sản xuất các mặt hàng xa xỉ.”

Damien

Arginine Decarboxylase của Damien thu về hơn $1.4 triệu tại nhà đấu giá Christie’s
Dù các màn kịch kiểu-Hirst, theo cách ngắn hạn, đã tạo nên những món hàng dễ chịu mà mấy tay “nhà giàu mới phất” lùng mua như thể chúng là những biểu tượng hiển nhiên của sự tinh tế; nhưng cuối cùng, ai cũng thấy, nếu nghệ sĩ đem gả tác phẩm của mình cho thói thường của thời trang đại chúng – một thứ bắt buộc phải tiến hóa liên tục – thì đấy không thể là một chiến lược hay ho để làm nên những tác phẩm nghệ thuật thuộc tầm “có giá trị đầu tư”.
Và nếu là một người quan tâm đến nghệ thuật đương đại theo nghĩa đầu tư, không gì khiến tôi rợn tóc gáy hơn việc: các hãng thời trang cứ bị ám ảnh phải làm sao móc nối với nghệ thuật đương đại cho bằng được. Quả là AaaAC.
*
(Còn tiếp)

No comments: