Wednesday, February 20, 2013

Một nhà thơ hậu hiện đại


Hữu Ngọc
 
Trước hết, thế nào là văn học hiện đại? Tách riêng một số khuynh hướng Kitô giáo và nghệ thuật, tính hiện đại (modernism) trong văn học xuất hiện ở phương Tây vào hai thập kỷ đầu thế kỷ 20 (có tài liệu Anh lại cho là giữa thế kỷ 20), phản ánh một cuộc khủng hoảng của nền văn minh, do cuộc tàn sát Thế chiến I (1914-1918) và các luồng tư tưởng khoa học, triết học mới (Freud, Einstein, Marx...), xã hội thay đổi, con người lo âu, ý thức về cái vô lý của sự sống. Do đó văn học mang tính thể nghiệm rất nhiều, xét lại để phá các quy tắc cũ mang tính quốc tế và liên ngành (kết hợp với các nghệ thuật khác như điện ảnh, hội họa...), chống lại các khái niệm hiện thực thế kỷ 19 (đề cao siêu thực).

Khái niệm văn học của hậu hiện đại (post modernism) thì quả thật lơ mơ. Tôi gọi điện hỏi ông P.D., nhà khoa học vật lý tinh thể đồng thời là người sành thơ. Theo ông, đó là một từ ai muốn hiểu thế nào cũng được, làm gì có trào lưu hậu hiện đại văn học. Một tài liệu của Anh lại khẳng định hậu hiện đại là một phong cách và phong trào văn nghệ vào cuối thế kỷ 20 chống lại các phong cách hiện đại nên nó pha trộn các nét truyền thống với hiện đại. Thực ra, chỉ trong kiến trúc, hậu hiện đại mới thực rõ nét: chống lại phong cách quốc tế và đơn thuần, đòi hỏi đa dạng, phù hợp với bối cảnh dân tộc và địa phương. Trong văn học, hậu hiện đại có thể xuất hiện với khuynh hướng phản ứng chống lại tiểu thuyết mới hiện đại không có cốt truyện và sự phủ nhận các thể loại cũ, hoặc trở lại cái cũ nhưng thể hiện kiểu mới.

Nhân gặp nhà thơ hậu hiện đại Mỹ J. Duemer, tôi có trao đổi với ông về vấn đề này. Theo ông, thời kỳ hiện đại là thời kỳ quan niệm thế giới (văn minh) tan vỡ từng mảnh, nhưng còn có hy vọng hàn gắn tạo lại thể thống nhất (có thể lấy nhà thơ Anh gốc Mỹ T.S.Eliot làm mốc). Còn trong hậu hiện đại, nhà văn cũng thấy thế giới (văn minh) tan vỡ từng mảnh nhưng không có hy vọng hàn gắn thành nhất thể, nên chỉ chơi với từng mảnh, và có phong cách mỉa mai, đùa cợt (có thể lấy nhà thơ Mỹ Ginsberg, vô chính phủ, chống lối sống Mỹ, xã hội đồng tiền và công thức làm điển hình, từ 1950).
Vậy Milos có là nhà thơ hậu hiện đại không? Xin để các nhà phê bình trả lời. Tôi là độc giả, chỉ cần cảm nhận thơ ông. Milos sinh năm 1930 tại Nam Tư cũ, bố mẹ là người Rumani, ông nhập quốc tịch Thụy Điển năm 34 tuổi, hiện sống ở đó. Ông viết tiếng Rumani, Thụy Điển, Pháp, Anh... Ông được nhận rất nhiều giải thưởng văn học quốc tế. Thơ ông viết thường ngắn, lời giản dị, nói thẳng, không loanh quanh hoa hòe, hoa sói. Thơ sâu lắng, nhiều tứ ngộ nghĩnh và đậm triết lý. Ông là người tha thiết sống chân thật, vì tình người, tình yêu:

Tôi nhìn thấy em/ Và tôi nghĩ miên man/ Rằng tình yêu là linh hồn/ Là hương thơm của điều vô tận/ Trong khu rừng thẳm/ Vũ trụ / Đó là em!

Một tâm hồn lãng mạn như ông chỉ có thể sống vì thơ, cho thơ:

Thế giới của tôi là những vần thơ/ Với những bài thơ
Không một ai mang thơ đến ngân hàng thế chấp

Nhà thơ làm sao chấp nhận được nền văn minh của đồng tiền, sự giả dối, chính trị bịp bợm:

Thế gian này thật buồn thảm xiết bao/ Bởi có khi/ Sự dũng cảm có nghĩa là/ Dám lôi sự thật ra từ trong chai rượu
Khi hạnh phúc có nghĩa là/ Biết sống thu mình hiền lành trong vỏ ốc/ Trên con đường thiên lý/ Điều dối trá được nâng lên thành văn hóa đỉnh cao/ Luật pháp và đạo lý thông thường/ Bị xua quét như rác trên đường phố/ Đạo lý được bán mua/ Như chiếc cúc tà áo rách/ Sự thật ngủ quên...
Nền văn minh kỹ trị, duy lý, vật chất và tiêu thụ đã biến:
Tôi là máy/ Anh là máy/ Nó là máy/ Tất cả đều là máy

Khuôn mẫu Thụy Điển mức sống cao và dân chủ cao chưa hẳn đã là hay:

Thụy Điển là đất nước/ Con người đã mất thói quen/ Tự một mình đi lên/ Nhà nước cầm tay từng người/ Như dắt tay lũ trẻ/ Chỉ tâm hồn của đất nước này/ Là chết cứng vì trống rỗng/ Và chán chường/ Bởi các điều kiện sống/ Đã vươn tới ngưỡng đỉnh cao 

Cũng như ở các nước phát triển khác:

Chúng ta sống trong một thế giới/ Hiện đại và văn minh/ Tiền nhiều, nhà đẹp, bể bơi sang/ Những đứa con xinh và tất cả/ Tất cả, tất cả đều hoàn thiện/ Duy chỉ con người/ Hình như ta cảm thấy/ Ngày càng hiếm và xa...

Tiện nghi vật chất thừa thãi, vẫn chưa là hạnh phúc:
Con người cần trái tim để làm gì?
Mà bấy nhiêu năm nó cứ đập hoài
Để đến một ngày tắt nhịp...




No comments: