Monday, February 25, 2013

Người đàn ông không cười



LX : Nhà văn Kawabata Yasunari sinh năm 1899 tại Osaka. Năm 1968, ông là người Nhật đầu tiên và là người châu Á thứ ba được trao tặng giải thưởng Nobel Văn học. Nối tiếng với những tác phẩm như « Xứ Tuyết – Yukiguni »; « Tiếng rền của Núi - Yama no Oto » hay « Người đẹp say ngủ - Nemueru bijo ». Năm 1972 Kawabata tự sát, kết liễu cuộc đời và sự nghiệp.

                                                       Kawabata Yasunari - 
 
Bầu trời hiện ra xanh thẳm, gợi nhớ thứ đồ sứ tuyệt đẹp. Tôi nằm trên giường, đầu óc chỉ mãi theo dõi sắc nước trong dòng sông buổi sớm thay đổi ra sao.
Người diễn viên, đóng vai chính trong bộ phim của chúng tôi đúng mười ngày nữa phải trở về với công việc ở một nhà hát, do đó tuần tới phải quay thông tầm cả ngày lẫn đêm. Với tư cách tác giả kịch bản, trong khâu quay phim, tôi không có việc gì đáng kể. Nhưng sau những đêm không ngủ, môi tôi se lại, nứt nẻ và con mắt thì đau nhức bởi ánh sáng chói chang trên trường quay. Đêm qua, tôi lại trở về khách sạn khi mọi vì sao đã tắt hết trên nền trời; cố nhiên là người mệt mỏi vô hạn.
Nhưng sắc trời gợi nhớ tới chất đồ sứ tuyệt vời kia lập tức khiến lòng tôi dịu lại. Trong tâm trí tôi hiện lên những hình ảnh đẹp và rất nhiều bóng dáng yêu kiều. Trước tiên, tôi hình dung lại cái phố Xitdô đầy sức quyến rũ. ở đó tôi từng ngồi ăn ở khách sạn "Cơridăngtêma", gần chiếc cầu lớn. Qua khung cửa sổ tầng ba, tôi mãi ngắm màu xanh rực rỡ của cây cối trên đỉnh núi Higaxi. Cả ngọn núi như nằm trong lòng bàn tay. Cảnh tượng bình thường, nhưng do chỗ vừa từ Tokyô tới, tôi không khỏi kinh ngạc trước vẻ tươi tắn của đám lá non mới nhú. Rồi tôi nhớ tới những mặt nạ sân khấu treo ở một cửa hàng đồ cổ. Những mặt nạ cười, loại đã lâu đời lắm.
- Chết thật ! ý nghĩ hay đấy chứ !
Quá vui bởi một ý đồ sáng tạo nảy ra bất thần, tôi vớ ngay giấy bút và lia thật nhanh. Tóm lại là tôi muốn chữa lại cảnh cuối cùng trong kịch bản. Đánh dấu chấm hết vào cuối bản thảo xong, tôi thấy chưa yên, còn chua thêm một ít dòng để dặn riêng đạo diễn.
Cảnh cuối cùng trong bộ phim tôi viết theo lối ước lệ. Trong các khuôn hình ở phần kết này, các vai chính sẽ hiện ra trong những mặt nạ cười.
Viết về một thực tại hắc ám tôi đã cố nhiên, nhưng không sao điểm thêm vào trong phim được một ít nụ cười tươi tắn. May quá, bây giờ, ít ra là ở đoạn kết, hiện thực sẽ bớt nặng nề đi, các mặt nạ với nụ cười nhân hậu.
Cuộn bản thảo lại, tôi tính chuyện gửi nó tới xưởng. Trong phòng làm việc chẳng còn gì ngoài chồng báo xếp trên bàn.
Trước mắt tôi chỉ có người phụ nữ bán căng tin đang nhặt vỏ báo trước xưởng làm đạo cụ trang trí.
- Phiền bà chuyển hộ cái này tới tận tay đạo diễn ngay khi ông ta tỉnh dậy, - tôi nói thêm khi chuyển cho người đàn bà phong bì bản thảo.
Trong kịch bản này của tôi, hành động chính xảy ra tại một bệnh viện tâm thần. Nhưng sau nhiều ngày quan sát những cảnh quay cuộc sống của đám người mất trí, tôi đâm hoảng: nếu không tìm ra bằng được một ít tia sáng tươi vui nào đó để rọi vào câu chuyện tâm tối khủng khiếp này, bộ phim chắc chắn bị đổ. Nhưng một cái happy ending cần thiết không sao tìm nổi - đấy vốn là một đặc điểm trong cách viết của tôi, dấu vết của một lối nhìn u ám. Do đó, tôi mừng đến mức khó nói nên lời, khi nghĩ ra cảnh mặt nạ. Tôi vui vẻ hẳn lên khi hình dung ra đoạn cuối phim mọi bệnh nhân trong viện, không trừ một ai, hiện ra trong những mặt nạ đang cười. Thật là một cảnh comic chói sáng.
Những tấm kính dầy dùng làm mái che xưởng phim dường như đã thu vào mình tất cả sắc xanh. ánh sáng ban ngày nuốt dần cái màu xanh thẳm từng gợi nhớ tới màu sứ xơtô tuyệt diệu trên trời. Tâm hồn hoàn toàn tưh thái, tôi quay về khách sạn, và thiếp đi một lúc hết sức khoan khoái.
Người được cử đi mua mặt nạ quay về xưởng vào lúc mười một giờ đêm.
- Từ sáng đến giờ, tôi phóng ô tô đến tất cả các cửa hàng đồ chơi ở Kiôtô - Ông ta kể, - nhưng không tìm đâu được một mặt nạ ra hồn. Chỉ có loại này...
- Để tôi xem nào - tôi bảo, và khi ông ta mở túi ra, tôi chỉ còn cách quay đi thất vọng - ồ... à... Cái này thì chưa được.
- Tôi cũng đã đoán thế, - người nhân viên phụ trách đạo cụ buồn bã gật đầu. - Tôi còn nhớ mang máng rằng ở một cửa hàng nào đó, tôi đã nhìn thấy một mặt nạ rất hợp, nên cả ngày đi sục khắp mọi cửa hàng, vậy mà vẫn công cốc...
Tôi nói gần như phát khóc, khi mâm mê trên tay chiếc mặt nạ kỳ cục, chỗ lồi chỗ lõm.
- Tôi tính mặt nạ là muốn dùng thứ mặt nạ sử dụng trên sân khấu. Nó kia. Bản thân mặt nạ phải là một tác phẩm nghệ thuật thực thụ. Còn thứ đồ giả này đưa ra chỉ tổ mua cười.
Nhìn vào chiếc mặt nạ màu nâu với cái lưỡi thò ra đỏ chói trông rất rợ, tôi nói thêm:
- Tôi cần thứ mặt nạ trắng, nhẵn, lôi cuốn người ta bằng nụ cười hiền dịu. Mang thứ mặt nạ này lên phim trước hết trông cứ tối sầm.
- Chuyện khó gỡ đây, - đạo diễn cười khi cho trường quay tạm ngừng công việc và nhìn vào chiếc mặt nạ - Hay ta cứ lấy mấy cái này, quét màu vào dùng tạm vậy.
Sáng mai đã bắt đầu quayđoạn cuối: các thứ mua ở cửa hàng đồ chơi không dùng được, nhưng muốn tìm cho ra thứ mặt nạ cổ như tôi muốn thì không còn thời gian, rút cuộc đạo diễn đề nghị: hay cùng lắm, ta tự làm lấy một ít mặt nạ bằng các loại xen-luy-lô có ở xưởng.
- Không, - tôi phản đối, - giữa hai con đường chỉ được chọn một: hoặc tìm cho ra những mặt nạ có giá trị nghệ thuật thực thụ; hoặc ý định của tôi phải tạm gác lại.
- Biết thế, hãy để tìm thêm chuyến nữa. Bầy giờ mười một giờ. ở khu Tân Kiôtô có lẽ phố xá chưa đóng cửa hết đâu.
- Anh đi với tôi ? - Tôi tỏ ý hoan hỉ.
Chúng tôi lên xe, phóng thẳng trên con đập qua sông. Trên bờ sông đối diện, ở khu bệnnh viện đa khoa, các cửa sổ còn để đèn, ánh sáng lấp lánh trên mặt nước. Thật khó hình dung là sau những cửa sổ đó, các bệnh nhân đang quằn quại trong bệnh tật. "Nếu như không tìm thấy những mặt nạ thích hợp - tôi tự nhủ - không khéo trong đoạn kết phim, mình phải đưa ra hình ảnh những khuôn mặt cửa sổ bệnh viện chói sáng trong đêm và đổ bóng trên mặt sông ?"
Cùng với người phụ trách khâu kịch bản, tôi la cà khắp cửa hàng đồ chơi ngay trước khi các cửa hàng này kịp đóng cửa. Cũng mua được khoảng hai chục mặt nạ phụ nữ, loại mặt tròn, bồi bằng giấy. Nhưng vẫn chưa phải thứ mặt nạ tôi cần. Trông chúng có đẹp thật, nhưng còn xa mới đáng gọi là những chế phẩm có ý nghĩa nghệ thuật thực thụ. Còn phố Xitdô thì các nhà đã đóng cửa đi ngủ cả.
- Ráng chờ chút xíu, - người phụ trách khâu kịch bản rẽ vào một phố nhỏ. - Ngõ này có nhiều cửa hàng đồ cổ chuyên bán các đồ cúng Phật ngày xưa. Tôi ngờ may ra có thể có các thứ đạo cụ dùng trong sân khấu Nô.
Nhưng tất cả các cửa hàng trong ngõ đều đã đóng cửa. Tôi ghé mắt qua lỗ khóa gần như hết tất cả các cửa hàng đó.
- Được, bảy giờ sáng mai tôi sẽ có mặt ở đây, - người đồng hành của tôi quả quyết. - Bây giờ đang đêm, chắc cũng chưa cần làm gì vội.
- Mai tôi sẽ đi với anh. Xin nhớ đánh thức tôi dậy.
Nhưng anh ta không đánh thức tôi, mà đi một mình, và khi tôi đến xưởng mọi người đang bắt tay vào quay đoạn cuối. Rút cuộc, người ta cũng tìm được năm mặt nạ cổ đẹp không chê vào đâu được. Theo đúng ý đồ của tôi, lẽ ra cần đến hai mươi hoặc hơn nữa, ba mươi chiếc. Nhưng chỉ cần năm cái loại này, những nụ cười kì diệu chắc đã đủ sức thức dậy trong lòng người xem những cảm giác cao thượng tốt đẹp. Lòng tôi dịu lại, tôi cảm thấy mình đã hoàn thành nghĩa vụ với những con người bị bệnh tâm thần mà cuộc sống của họ được sử dụng làm cơ sở cho kịch bản.
- Mặt nạ rất quý, tôi không mua nổi nên đành thuê tạm, - người phụ trách kịch bản nói. - Chỉ bôi bẩn một chút thôi, người ta sẽ không nhận trả lại.
Sau khi đã dặn dò đủ điều những người sử dụng mặt nạ, chúng tôi yêu cầu họ rửa tay cẩn thận trước khi cầm vào chúng. Ai nấy nâng niu, như những của quý.
Nhưng khi quay xong vẫn không trách khỏi có chuyện: một trong năm mặt nạ bị ố một vệt vàng trên má.
- Tai họa ! - Người phụ trách kịch bản kêu lên buồn bã. - Hay ta thử cố tẩy đi...
- Thôi được, - tôi an ủi anh ta. -Tôi xin trả tiền và lấy cái mặt nạ ấy vậy.
Thật ra lâu nay, tôi vẫn có ý tìm một mặt nạ loại đó. Tôi thường ước ao con người ta trong tương lai, phải có khuôn mặt đầy ánh sáng và lương thiện, với những nụ cười rạng rỡ như vậy.
Trở lại Tokyo, tôi lập tức rẽ về nhà và từ đó, đến thăm vợ tôi đang nằm bệnh viện. Bọn trẻ trong nhà cũng đang ở đấy thăm mẹ. Chúng truyền tay nhau chiếc mặt nạ, tỏ ý thích lắm. Tôi càng lấy làm hài lòng.
- Bố, bố thử đeo xem sao ! - Một đứa đưa mặt nạ cho tôi.
- Bố không thích.
- Bố cứ thử đeo xem.
- Không !
- Bố đeo cơ... - Thằng con trai nhỏ nhất nói giọng nũng nịu và nhón chân lên, toan ấn vào mặt tôi. Tôi bắt đầu cáu, nhưng may, vợ tôi đã lên tiếng cứu vãn.
- Thôi con. - Vợ tôi khẽ quát thằng nhỏ.
- Hay ta đeo cho mẹ vậy ! - Lũ trẻ cùng cười rúc rích và quay cả về phía mẹ.
- Không được làm thế các con, mẹ đang ốm !
Tôi định ngăn chúng lại, nhưng đã muộn.
Một điều khủng khiếp nào đó đã xảy ra khi chiếc mặt nạ được đeo vào mặt người vợ ốm đang nằm trên giường.
Tôi vội giỡ chiếc mặt nạ khỏi mặt nàng. Vợ tôi thở hổn hển. Nhưng tôi ngạc nhiên bởi một điều khác. Khi tôi vừa gỡ mặt nạ ra, khuôn mặt nàng hiện ra xấu xí một cách thậm tệ gần như trở thành kì quái. Tôi rợn cả tóc gáy khi nhìn vào khuôn mặt phờ phạc đó. Người tôi thảng thốt như lần đầu tiên trong đời nhìn thấy nó. Chỉ cần chiếc mặt nạ tuyệt vời đặt trên khuôn mặt vợ tôi chốc lát, lập tức tôi cảm thấy tất cả vẻ xấu xí của nó. Hơn nữa, không phải chỉ xấu xí, khó coi, khuôn mặt đó giờ đây còn hiện ra héo hon, trầm uất đến cực độ. Ngay khi đã gỡ khỏi chiếc mặt nạ xinh đẹp kia một lúc, khuôn mặt đó vẫn hiện ra đặc biệt thảm hại, nhạt nhẽo.
- Bây giờ bố đeo thử xem, bố ! - Lũ trẻ bắt đầu xoay sang tôi. - Bây giờ đến lượt bố.
- Đủ rồi, buông ra ! - Tôi nói xẳng và kịp đứng lên.
Nếu tôi đeo mặt nạ vào và sau đó gỡ nó ra, biết đâu, trong mắt vợ tôi, tôi chả hiện ra kỳ cục đến quá quỷ sứ !
Cái mặt nạ xinh đẹp thật xảo quyệt. Nó làm nảy sinh trong tâm trí tôi một mối nghi ngờ khủng khiếp: hay khuôn mặt vợ tôi - mà bấy lâu tôi quen thấy, với nụ cười dịu dàng nhân hậu - chẳng qua cũng chỉ là một thứ mặt nạ ? Phải chăng nụ cười trên khuôn mặt người phụ nữ cũng là được tạo ra như chiếc mặt nạ đã được tạo ra như thế này ?
Quỷ tha ma bắt những cái mặt nạ này ! Quỷ tha ma bắt những thứ được bày vẽ này đi !
Tôi quyết định phải lập tức gửi tới xưởng phim ở Kyoto một bức điện trong đó viết "Bỏ ngay các đoạn phim sử dụng mặt nạ". Nhưng rồi tôi xé bức điện thành từng mảnh nhỏ.

NB

No comments: