Tuesday, February 5, 2013

Đối thoại về thơ Nguyễn Quang Thiều




Mặc Lâm, biên tập viên RFA



 Trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật lời khen không phù hợp hay sáo rỗng là cách giết chết tài năng. Mặc Lâm mời nhà thơ InraSara trao đổi một vài vấn đề có liên quan đến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều 



Mặc Lâm: Thưa anh, trong các tâng bốc quá mức đối với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều thì nhà thơ Hoàng Hưng cho rằng “Nguyễn Quang Thiều, khi lúc đầu mới cách tân thơ cũng nhiều người chê bôi, nhưng khi anh ấy có địa vị một chút trong Hội Nhà văn thì lại được đề cao”. Phải chăng Nguyễn Quang Thiều chỉ là một nạn nhân của thói tâng bốc nịnh bợ xuất hiện ngày một nhiều trong hội Nhà văn Việt Nam?

InraSara: Đó là nhận định chưa công bằng với Nguyễn Quang Thiều. Từ Sự mất ngủ của lửa đoạt Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993, sự “cách tân” thơ Nguyễn Quang Thiều đã gây nên dư luận hai chiều, cả khen lẫn chê, chứ không chỉ “nhiều người chê bôi”. Như vậy, nhà thơ này không phải “được đề cao” chỉ khi “có địa vị một chút trong Hội Nhà văn”, mà là trước đó, ở mức độ vừa phải. Chỉ khi rục rịch Tọa đàm khoa học “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” từ đầu tháng 6-2012, sự “đề cao” mới rộ lên. Chẳng những đề cao mà là tụng ca, tụng ca thành một cao trào bất bình thường. Ngay tại diễn đàn được coi là hàn lâm nhất là Viện Văn học.
Không ít người đã dị nghị. Từ dị nghị đến công phá, công phá cả khía cạnh ngoài văn học. Vô hình chung, Nguyễn Quang Thiều trở thành nạn nhân lúc nào không hay. Tôi không biết anh Thiều có nhận ra như vậy không.

Mặc Lâm: Hai mươi năm trước thì nhiều người đã cho rằng thơ của Nguyễn Quang Thiều là một “hiện tượng”. Có chậm quá hay không khi đưa ra nhận định này trong không gian thơ u ám đầy bất trắc hiện nay?

InraSara: Quá chậm nữa là đằng khác. Chuyện xảy ra từ 20 năm trước rồi. Từ Sự mất ngủ của lửa in năm 1992 đến Bài ca những con chim đêm xuất bản năm 1999, Nguyễn Quang Thiều đã hình thành một giọng thơ riêng, không thể nói là không độc đáo. Thế nhưng một hiện tượng đúng nghĩa khi nó mới xuất hiện, và nhà phê bình phát hiện và gọi tên nó. Đằng này khi kêu một nhà thơ đã qua 30 năm chữ nghĩa là một hiện tượng, dễ bị cho là nói theo. Nhất là trong không gian thơ đầy u ám, bất trắc như hiện nay.

Mặc Lâm: Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp cho rằng “cách tân” của Nguyễn Quang Thiều có hơi hướm của thơ miền Nam nhiều chục năm trước? Nhận xét này theo anh có điểm nào chưa thỏa đáng?

InraSara: Chẳng những hơi hướm thôi, mà còn đi sau rất lâu. Thế nào đi nữa, muốn đánh giá nghiêm túc một sự kiện hay tác giả văn học, cần phải có cái nhìn toàn cảnh. Gần 40 năm sau khi đất nước thống nhất, văn học hiện đại Việt Nam đã không nhận được cái nhìn toàn cảnh kia. Nên mọi đánh giá đều thiếu khuyết và bất cập.
Trước hết, có thể nói hầu hết tác giả thơ miền Nam còn chưa được xuất hiện công khai trong nước, nói chi việc ghi nhận công bằng đóng góp của thế hệ thơ đầy tài năng này.
Thì đã vậy, đành vậy. Thế thơ của Nhóm Nhân văn - Giai phẩm đứng ở đâu? Người ta đã đánh giá họ đúng mức chưa? Nếu nói cách tân, nhóm thơ này đã cách tân từ những năm 60 rồi. Người ta không ghi nhận thành tựu đó. Mãi 30 năm sau, khi tác phẩm họ được xuất bản công khai, người ta vẫn cứ muốn đẩy họ về phía tối.
Không nói đâu xa, đi trước Nguyễn Quang Thiều một bước, vài nhà thơ “thời chống Mỹ” đã làm cuộc phá rào ngoạn mục. Nguyễn Duy phản biện xã hội qua hai tập thơ sáng giá: Nhìn từ xa… Tổ quốcKim mộc thủy hỏa thổ. Hay Thanh Thảo với Khối vuông Rubic và Từ một đến một trăm thể hiện tư duy nghệ thuật khác lạ. Hoặc người cùng thế hệ như Dương Kiều Minh ở tập Củi lửa với nhiều “cách tân” khá thành công ba năm trước đó.
Cần có cái nhìn toàn cảnh trong tiến trình phát triển thơ Việt: trước và sau 75, Bắc và Nam, trong nước và hải ngoại, chính thống và phi chính thống… mới mong có được sự đánh giá công bằng. Còn chưa thì, “đổ” hết tính mở đường cách tân thơ Việt cho Nguyễn Quang Thiều là một bất cập tai hại.
Ngoảnh lại một năm văn học, hay hội thảo đánh giá một sự kiện văn học, một tác giả là cần thiết. Nhưng với không khí oi ả tình hình thời sự hôm nay, nó như thể một lẩn tránh, hơn nữa - một lạc đề. Thật vô bổ. Vô bổ, nên đáng thất vọng.

Mặc Lâm: Nếu nói thơ Nguyễn Quang Thiều thiếu chất trẻ và bứt phá cái hợp lý để tìm tính phi lý trong cấu trúc thơ của các nhà thơ Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ anh có hoàn toàn đồng ý?

InraSara: Tôi xin nói ngay là thơ hậu hiện đại của Bùi Chát, Lý Đợi, Phan Bá Thọ không có gì là phi lí cả. Nó rất thực, cái thực rất đời thường. Nó không từ nan bất kì thủ pháp nào, cả cổ điển lẫn hiện đại. Tinh thần phi tâm hóa ở mọi bộ phận của loại thơ này đã ít nhiều gây khó chịu với người tiếp nhận. Bởi nó xa lạ với mọi loại thơ trước đó. Còn cấu trúc thơ của Nguyễn Quang Thiều thì khác. Nó rơi rớt từ tượng trưng, ít nhiều lấn sân siêu thực và nhất là hiện đại. Nó tiếp nhận rất nhiều từ những người đi trước. Không vấn đề gì cả.
Sau đó anh đã cố gắng vượt thoát nhưng đã không thể.

Mặc Lâm: Sân thơ hậu hiện đại có chỗ nào cho Nguyễn Quang Thiều bày hàng của mình hay không và nếu không thì tại sao?

InraSara: Tôi nói Nguyễn Quang Thiều không thể. Và anh đã không thể. Dù anh rất “cố gắng” vận dụng vài thủ pháp hậu hiện đại ở Cây ánh sáng và Lò mổ. Nguyễn Quang Thiều cứ mắc kẹt ở bên kia bờ hiện đại. Mắc kẹt và rớt lại phía sau. Anh vẫn còn đầy nghiêm cẩn, nghiêm cẩn đến nghiêm trọng. Tâm tính với tâm thức đó cản ngăn nhà thơ biết cười vào mấy nỗi nghiêm trang, nghiêm nghị, do đó anh không thể đưa thơ tiếp cận chất humor - humor hậu hiện đại. Như Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh. trước đó hay Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lê Vĩnh Tài sau này.
Đó là chưa nói Nguyễn Quang Thiều xu hướng hướng tâm, từ thái độ thơ cho đến sinh hoạt nghệ thuật. Cho nên không thể đòi hỏi Nguyễn Quang Thiều hậu hiện đại, như vài người viết phê bình đã cố tình đẩy anh về phía xa xôi ấy. Hướng tâm, Nguyễn Quang Thiều không thể không né tránh các vấn đề thời sự cộm, cái cộm khả năng va chạm cơ chế mà anh là một bộ phận khôn rời.
Một nhà thơ còn escape from freedom thì vời xa cả vực thẳm với hậu hiện đại.

Mặc Lâm: Hiện tượng tranh cãi này tuy bề mặt khá văn học nhưng hình như có cái gì đó có vẻ làm dáng và cố đánh bóng một chủ đề đã cũ. Trong không khí oi ả của tình hình thời sự hôm nay điều này có làm cho người đọc thơ cảm thấy thất vọng hay không?

InraSara: Ở đây hoàn toàn thiếu không khí tranh luận văn học lành mạnh. Bên (chính thống) thì tụng ca, bên kia thì tìm cách vùi dập. Đây là căn bệnh khó chữa trị của phê bình Việt Nam mấy mươi năm qua. Trong tiểu luận “Điểm danh 10 căn bệnh phê bình văn học Việt Nam hôm nay”, tôi đã một lần nêu chúng ra và phân tích. Nhưng đến nay căn bệnh vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Nó biến thành hội chứng mãn tính khó chữa trị.
Đó là điều rất đáng thất vọng.
Người ta trốn tránh thời sự nóng bỏng của xã hội để làm một điều gì đó gần như là vô bổ. Nói thế không phải là đừng làm gì cả với sự kiện văn chương đương đại. Ngoảnh lại một năm văn học, hay hội thảo đánh giá một sự kiện văn học, một tác giả là cần thiết. Nhưng với không khí oi ả tình hình thời sự hôm nay, nó như thể một lẩn tránh, hơn nữa - một lạc đề. Thật vô bổ. Vô bổ, nên đáng thất vọng.

Mặc Lâm: Xin cám ơn anh.

No comments: