Hôm nay, có người nói về cái Ngã, bỗng dưng,
cái Ngã của tôi lại trỗi dậy đùng đùng, cả cuộc đời như một cuốn phim được quay
lại , như mình đối diện với chính mình .
Tôi sinh ra là người con thứ hai trong gia
đình ( có nghĩa là “ chị Ba đó ). Không phải là con cưng vì trên mình là anh
trai – mà anh trai bao giờ cũng được cưng, sau mình là mấy em gái , mà em nhỏ hơn
thì phải được cưng hơn. Mồ côi cha từ nhỏ,
tôi lại may mắn có được bà ngoại, ông ngoại dạy
từ nết ăn, nết ở, cách đi, cách đứng, hạnh phúc có được dù trong thời
gian ngắn ngủi , một người mẹ dạy con biết làm người trung thực, làm người “không
biết sợ cái gì ngoài sự thật” . Nhưng tôi lại nghĩ rằng mình sẽ sống trong sự
thương chìu của mọi người – TỐ NGA mà
12 tuổi, xa Ông Bà đi ra Bắc, Mẹ lại vào tù và
bị đày đi khắp miền Nam từ Chí Hòa đến Côn Đảo, Phú Quốc, Phú lợi …Sống trong tập
thể của học sinh miền Nam , tôi quen với việc sống với chính nội tâm của mình,
quen tha thứ cho những ức hiếp, xúc phạm , hẹp hòi , quen chấp nhận cảnh sống
không có gia đình.Hè, Tết … các bạn đi về với gia đình, tôi ở lại với lèo tèo vài
người bạn cùng cảnh . Dù vậy, không hiểu
sao, tôi cứ luôn nghĩ là cuộc đời rồi sẽ vô cùng suôn sẽ, dễ dàng,
tuy vẫn luôn nhớ một câu châm ngôn của người Nga : sống trong đời như đi trên một
cánh đồng khô hạn. Tố Nga mà !
Thế rồi, những bất công, những đau khổ bắt đầu
đến ngay từ khi tôi còn là một cô gái rất
trẻ. Có những nỗi oan còn hơn oan của Thị Kính ( Thị Kính thật đấy nhé ) . Đau
khổ, thất vọng đến mức đã có lúc muốn buông
tay để dòng sông Đuống kéo trôi đi lúc nước đang chảy xiết , hay lao vào một
chiếc xe hơi đang chạy trên đường Hà nội. Nhưng rồi tôi vẫn tiếp tục sống, tiếp tục chịu đựng, tiếp tục ngạc
nhiên đến ngẫn ngơ : không lẽ cuộc đời của cô gái tên Tố Nga này mà lại như vậy sao ?
18 tuổi, 28 tuổi , 38 tuổi , 48 tuổi …. Cũng đã
nhiều lần, các bạn cùng làm , cùng sống với nhau những lúc gian khổ đã nói rằng
: mình mà như Tố Nga thì có lẽ đã tự tử lâu rồi . Thực tình ý nghĩ ấy lại không
hề có trong đầu óc căng thẳng như dây đàn của mình. Cũng không hề có ý trách
những người đã làm cho mình hết sức khổ cực. Không trách những người đã viết những bài báo bôi nhọ mình công khai hàng mấy
năm trời. Chỉ thương cho hai đứa con phải
chịu những thử thách quá khắc nghiệt không đáng có. Và trong tôi, lại vẫn
chỉ có một cảm giác ngạc nhiên : cuộc đời
của Tố Nga mà như vậy hay sao?
Nghĩ cho cùng, tai họa của năm 18 tuổi chỉ là chuyện nhỏ so với những tai họa tiếp
sau, nhưng qua mỗi thử thách , không hiểu vì sao , lòng mình nhẹ nhàng hơn : không
hận, không giận, mà lại thấy thương cho những ai cứ phải suốt ngày đi tìm cái xấu
của người khác để mà ghét, để mà đánh, để mà vùi dập người ta. Chính nhờ vậy mà
mình sống được, sống qua những năm tháng gian nan ấy. Có lần, bạn hỏi vì sao tôi
còn cười được. thấy mặt là thấy cười. Tôi đã có một câu trả lời làm bạn tưởng tôi
điên : vì Tố Nga này luôn ở trong tim của mọi người. Mà đúng vậy, không ngoa chút
nào đâu : với những người bạn chân tình, có đúng là Tố Nga ở trong tim của bạn,
và không cần thanh minh, không cần giải thích, bạn vẫn tin, vẫn thương con người
đang bị “đánh “ tơi bời này không ? Còn những người ghét mình, không những họ
phải để mình trong tim, mà cả trong đầu của họ ngày đêm để tìm cho ra những gì
xấu để mà tố cáo , để mà đánh, để mà bôi nhọ ? Mình thương vì thấy họ cực quá,
muốn cười với họ cho họ vơi đi những năng lượng tiêu cực làm vẫn đục tâm trí.
May thay, bây giờ, những người bạn ấy đã trở thành bạn rồi. Với lại, cái mặt đáng
ghét của Tố Nga không cười thì “ ngầu ‘ lắm . Mình bao giờ cũng muốn mang lại niềm vui , hay ít ra là sự bình an nên
phải cười thôi, còn nước mắt, cứ hãy trôi vào trong lòng.
Cũng buồn cười. Những năm tháng ấy, cứ trời yên
biển lặng hơi lâu, mình lại lo, không biết có cái gì ghê gớm sắp đến không ?
Khi còn là hiệu trưởng, tôi rất nóng tính và tự bào chữa cho mình là ‘ vì
yêu thương mọi người và mong giúp cho mọi người tốt hơn. “ Tôi nóng tính với đồng
nghiệp, nóng tính với chị em, anh em , nóng tính với lãnh đạo , nóng tính với cả
những đứa con mà mình giành cả cuộc đời của mình để chăm lo, nuôi dưỡng. Cứ nghĩ
rằng mình tốt, tâm mình tốt…Nhưng sao cũng có những người tốt thật sự mà con đường
vẫn cứ hanh thông ? Nhân đã gieo thì quả
đến ngay. Mình làm tốt 1.000 lần, một lần nóng tính , xúc phạm nhân cách của người
thì 1.000 lần kia đã bị quên, còn lại là
sự oán trách, tức giận của người khác. Đã đi qua các trường Lê Thị Hồng Gấm, trường Marie
Curie, trường Sư Phạm kỹ thuật, nơi nào mình cũng đã làm rất nhiều việc tốt, để
lại nhiều điều hay. Nhưng cái mà giáo viên nhớ lại chính là những lần mình xúc
phạm người ta . Thương anh, thương em nhưng anh , em của tôi đã không ít lần đau
lòng vì những lời nói dữ của tôi .
Tôi đã từng quay trở lại từng trường, xin lỗi
từng người , nhưng phải chi, tôi đừng có gây ra những điều mà ngàn lần xin lỗi
cũng không xóa hết cái vết tôi đã gây ra
Còn nhớ những năm, cứ mỗi sáng thức dậy, tôi lo
lắng không biết hôm nay Saigon Giải Phóng có tha cho mình hay không ? Buổi trưa,
nhìn vào mắt con để xem , hôm nay bạn bè con có nói gì làm đau lòng con không ?
Dù bị oan, dù không phạm lỗi , nhưng tôi đã hiểu rằng, tôi đã gieo nhân dữ qua
những trận nóng của mình. Hy sinh cả cuộc
đời cho con thì nó cũng chỉ nhớ những lần mẹ giận , những lần mẹ bất công, rầy
oan… Đến lúc này thì không còn ngạc nhiên vì sao mình lại bị đau khổ như vậy nữa.
Nghĩ cho cùng, c ái NGÃ bị mất lần đi không
do mình mà là do chính cuộc đời đã dạy cho mình, đã rèn cho mình. Vũ khí để chiến
đấu với chinh mình lại là cái mà Ông Bà, Cha Mẹ để lại cho : lòng nhân hậu, tính
trung thực với chính mình . Không muốn làm cho người buồn, có gan nhìn bản chất
của mình để mà thấy mình sai ở chỗ nào rồi ráng mà đổi con người của mình trước
khi đòi người khác hiểu và thương mình. Cái Ngã mất dần đi khi mình có thể thấy
rằng mình có thể cúi thấp hơn để cho người khác cao hơn, có thể chịu thiệt một
chút nếu điều đó làm cho người khác vui hơn một chút, cái Ngã mất dần đi khi sự
an nguy của người khác cũng quan trọng như sự bình an của chính mình. Ôm vào lòng
một cháu bé không có đủ chân tay mà vẫn lao động để tự nuôi sống mình, mới c ảm
thấy tất c ả may mắn mà cuộc đời đã cho mình , mới thấy rõ rằng những gì mình đã
phải trãi qua không bằng một phần nhỏ cái mà các cháu bất hạnh đang gánh chịu.
Và lúc đó, mình có đủ sức để cho cái tôi của mình trở thành nhỏ bé và gánh nặng
của cuộc đời nhẹ hơn - nhẹ hơn thôi chứ cũng chưa nhẹ tênh.
Năm tháng qua, Tố Nga hôm nay đã qua cái tuổi 70 – không còn là hiếm
nữa. Cũng đã giải đáp được tại sao có lúc quá cực, quá khổ để mà phần lớn thời
gian - phần lớn thôi chứ không tất cả , được THÂN TÂM AN LẠC .
Lẫn thẫn, tự hỏi đến cái lúc gần với mặt đất
hơn , xa bầu trời xanh hơn một chút, đã có đủ sức mà gởi cho tất cả mọi người một
tình yêu thương trong sáng để ra đi không còn chút gì áy náy vì đã làm cho ai đó
phiền lòng không ? đã có đủ thanh thản mà quên đến tận cùng những buồn phiền để
chỉ còn giữ một lòng biết ơn với Đời , với Người hay không ?
Ở tận bầu trời Tây lạnh lẽo, xám xịt mùa đông
này, cái NGÃ của NGA vẫn rất nhớ đất nước yêu quý thấm đẫm máu suốt bao nghìn năm
giữ nước đang không yên bởi , cái Ngã của Nga vẫn nhớ đến từng người bạn đang tặng
cho Nga nghị lực để mà vượt qua mọi cái gì cần vượt để đi vui vẻ đi đến cuối
con đường cần phải đi.
30
/ 01 / 2012
No comments:
Post a Comment