Việt Nam, mi đã sinh ra ta
và cho ta những lòng rãnh đầy bóng tối
VN, từ ngày mở mắt cho ta, mi đã cho
ta cuộc đời hầm hố
Mi đã cho ta từng hạt thóc củ khoai
bòn rút từ đất cằn
VN, mi đã cho ta một người cha cháu
chắt của lũ người bị phân sáp
Và một người mẹ chết trong cô đơn
nghèo túng giữa sự bất lực của đàn con
(VN, Tổ quốc và em)
DC
đã từng viết những câu tự sự như thế về cuộc đời ông. “Thất lạc quê hương từ
tuổi thơ” (Khi Kha luân bố tìm đường…) ông tiêu biểu cho một thế hệ bi
tráng trưởng thành giữa hận thù và bạo lực của cuộc chiến tương tàn, mang trong
tim óc các mâu thuẫn của một thời đại vùi dập cả dân tộc và nhân tính của những
kẻ sống sót. Là dân Công giáo di cư không bao giờ quên đất tổ, là anh thanh
niên du học Hoa Kỳ trở về thành trí thức chống Mỹ, là một Ki tô hữu ôm ấp hoài
bão công bằng xã hội nhưng phải làm bạn đường bất đắc dĩ với chế độ cộng sản,
là một tấm lòng thủy chung với đất nước đồng bào lại phải sống lưu vong cho đến
ngày nhắm mắt nơi xứ lạ, DC đã sống một kiếp người nhiều bất mãn và thống hận;.
con đường dài bất hạnh (Hy vọng), vực sâu của vực sâu trong thung lũng
nước mắt (Tử vực sâu của vực sâu), cuộc sống không hơn gì cái chết
như ông đã có lẩn thốt lên trong thơ mình:
trong và ngoài vực thẳm
cuộc sống vẫn tiếp tục, cố nhiên
cuộc sống không hơn gì cái chết trả
góp
(Niềm bí ẩn)
Tôi
quen và thân với DC vào những năm 79-80. Lúc ấy chiến tranh lan tràn từ biên
giới phía Bắc đến Cămpuchia, những làn sóng người bắt đầu rời VN trong hỗn
loạn, công khai như Hoa kiều hoặc bí mật như dân boatpeople ; chưa kể các
biến động ở Đông Âu và Liên Xô (công đoàn Đoàn Kết, vụ án Sakharov…). Từ Âu đến
Á hệ thống cộng sản toàn cầu không còn che
ngày càng phơi bày lồ lộ. Chúng tôi,
những kẻ vì tình tự hay tâm huyết đã chọn ở lại sau tháng 4-1975, dần dà cảm
nghiệm ra các mức độ khó lường của sự lưu đày tại chỗ. Tương tự thời kỳ Nhân
Văn Giai Phẩm ngoài Bắc lịch sử hình như lặp lại ở Sài gòn, lần này âm thầm và
phức tạp hơn. Vừa chứng kiến vừa chia sẻ số phận của một thành phố bị bôi xóa
tuổi tên, những con người còn giữ được nhân tính và óc tim độc lập kín đáo tìm
đến với nhau. Mạng lưới trí thức văn nghệ underground hình thành và lan rộng
với các quan hệ bằng hữu nối dài khắp nước. Bên ly cà phê đắng và chén rượu
nhạt, chúng tôi chuyền tay nhau những trang thơ văn quốc tế hoặc quốc cấm. Bên
dưới tháng ngày câm nín tự do tư tưởng và sáng tạo lại được nung nấu để chống
trả tuyệt vọng và sa đọa. Nhiều sáng tác bỏ túi, truyện ngắn hoặc thi phẩm,
được bí mật thai nghén như mấy dòng chữ nghẹn ngào đầy phẩn uất sau đây của DC:
VN, những ngày ở thành phố HCM ta là một con chó
ta chạy trên những đường rày cong
queo bên những toa tàu đổ
ta làm kế hoạch lớn cho mi bằng cách
lượm nước mắt khô
và gói ghém những nỗi niềm thương
nhớ
…
VN, hơn một trăm tên đồ tể của mi
ngồi cãi lộn với nhau về chế độ bao cấp
trong lúc người ta yêu bỏ xác ngoài
biển khơi
VN, ta không còn ai để thở than
những buổi tối buồn
VN, những ngày cúp điện những đêm
xét hộ khẩu mi ở đâu?
…
VN, mỗi ngày mi nướng bao nhiêu mạng
người?
VN, mi làm cách mạng sao dám nói
dối?
VN, mồ cha những thằng công an khu
vực của mi
VN, mỗi ngày mi tra tấn bao nhiêu
người vô tội ở Phan Đăng Lưu, Đại Lợi?
VN, chừng nào mi mở khách sạn Hilton
để bỏ tù thế giới?
…
VN, mi đã cướp của ta 8 năm trời đẹp
nhất
mi đã cắm vào sọ ta cái chùa Một cột
của mi với bọn lãnh đạo ngồi trên
…
VN, ta thù ghét mi khi mi thả lũ con
rừng rú xuống đồng bằng
Ta thù ghét mi khi mi xua đuổi những
nạn nhân hiền hòa ra biển
(VN, Tổ quốc & Em)
Các đoạn trích trên đây làm sống lại
sự bưng bít ngột ngạt của chuồng thú toàn trị mà những ai không có cơ hội sống
ở VN trong vòng chục năm sau 1975 khó thể hình dung. Theo lời một thi sĩ chứng
nhân khác, đó là “ thời gian đơn điệu, lê thê, ù lì,…thách đố biến hóa, lập
lờ giữa sống và chết.” (Cung Trầm Tưởng, Ainsi parlait le Poète). Bị dồn
đến chân tường của nhẫn nhục, con người phải tìm cách đào thoát nếu không muốn
tự sát vì cuồng trí hay vì liều mạng trong cơn nộ khí. Save your soul! Sauve
qui peut!
Phép
lạ đã đến với DC và gia đình. Một buổi chiều tháng 7-1983 họ lên chiếc phi cơ
Air France chính thức bay sang Pháp. Lúc ấy đi hay ở không còn là chọn lựa, lưu
vong là giải pháp duy nhất bất kể giằng xé hoặc phân thân. Kẻ ly hương dĩ nhiên
phải chấp nhận đủ loại mất mát cụ thể và ra đi với hành trang là mớ dự phóng
hão huyền kèm theo chút hi vọng mơ hồ về một ngày mai tốt đẹp hơn. Đã từng du
học và có kinh nghiệm sống ở nước ngoài vào tuổi thanh niên, ông không ảo tưởng
nhiều về phương Tây của tự do cạnh tranh và bóc lột. Thấp thoáng trước mắt là
cuộc mưu sinh vất vả nơi quê người ở cái tuổi cận kề ngũ thập. Lúc chia tay bài
thơ DC tặng riêng tôi nói lên mối ưu tư và linh cảm ấy;
anh sẽ nhìn xuống từ trên máy bay
sài gòn trong cơn mưa dầu nắng lửa
những mái nhà chật chội những cõi
lòng tan vữa
paris trong tầm tay!
anh sẽ nhắm mắt để tận hưởng
một chút say
cái ghế êm thoải mái cái cảm giác
thoát chết
chiếc nón cối xa dần ảo tưởng cuối
cùng đã hết
paris trong tầm tay!
rồi anh sẽ chệnh choạng bước thêm
vài bước
để nôn tháo ra những ý nghĩ chua cay
và khi trở lại ghế ngồi anh sẽ khóc
paris trong tầm tay!
( Paris trong tầm tay )
Nhưng
ông không có duyên với Paris. Sang Pháp ông định cư với gia đình ở Strasbourg
miền đông bắc cách thủ đô ánh sáng gần 400 cây số.. Tại đây bắt đầu cuộc đời di
dân đúng nghĩa; hai vợ chồng vừa kiếm sống vừa nuôi con ăn học. Thời buổi ấy
kinh tế nước Pháp không khả quan, công ăn việc làm khó kiếm, nhất là với hạng
người mới nhập cư tuổi quá trung niên. Xứ người không phải là một tuần trăng
mật cho kẻ nhàn du! Như nhiều bạn bè đồng cảnh ngộ khác ông học được kinh
nghiệm thấm thía: Mưu sinh là một chữ đen tối (Hy vọng). Tại Lộ trấn
(tên ông gọi Strasbourg) ông hiểu ra cái giá phải trả cho tự do;
đây là nơi định mệnh
đã lựa cho tôi làm chốn tạm dừng
chân
trong cuộc mưu sinh cưỡng bách
…
đây là nơi mỗi ngày tôi lui tới
vẽ vạch cắt dán những hình ảnh dàn
dựng những trang chữ
để làm đẹp cho sự giả dối của người
tứ xứ
…
đổi lấy miếng cơm miếng bánh
cùng cực của lưu đầy
…
( Đây là dòng Yên hà )
Dù sao Lộ trấn cũng là một trung tâm
văn hóa hàng đầu của Âu châu nằm ngay biên giới Pháp-Đức, thành phố của ông tổ
ngành in ấn Gutenberg và nơi Goethe từng trọ học với mối tình thời trai tráng.
Ở đây không thiếu điều kiện thông tin, sách báo…cho những dự án văn hóa văn
nghệ nếu bạn là người rảnh rỗi. Mà món này thì DC rất dư dả vào khoảng cuối
tuần trống vắng không bạn hữu hoặc trong những chuỗi ngày nhàn cư không tìm
được việc làm! Phải nói thật rằng nhà thơ kiêm dịch giả của chúng ta đến với
cây bút và trang giấy không như một chàng tài tử phong lưu mà như cái lẽ sống
còn của kẻ đang bị số mệnh tước đoạt dần mọi thứ thiết yếu : quê hương,
bằng hữu, người yêu, kể cả hi vọng …Nhưng với mối lo sinh kế canh cánh cùng bao
phiền muộn khó giải khuây trang giấy của nhà thơ lưu vong lắm lúc chỉ phản
chiếu nỗi chết mòn:
…
mỗi ngày anh trút hơi thở lên trang
giấy
hơi thở đóng băng
mỗi ngày anh nắn nót từng giòng chữ
giòng chữ hóa đá
anh đằm mình trong bụm cỏ
gặm nhấm ngày qua như một cọng rác
anh lau mặt bằng tình thương mòn mỏi
gạt những sợi tóc bạc dần…
( Mỗi ngày )
Rải
rác khắp các bài thơ DC kể từ khi rời đất nước là nỗi đau nhức lặng câm của kẻ
lưu vong; những mũi gai của hiện thực đời tôi, những mũi gai đã lặn
vào bên trong ( Cái chết đã ổn định ). Kinh nghiệm mưu sinh cơ cực nơi xứ
người giúp ông cảm thông sâu xa thân phận các đồng bào đi lao động ở nước ngoài
vừa làm lao tù của tư bản toàn cầu vừa làm con tin của hệ thống mafia bản địa,
những nạn nhân của sự nguyền rũa lịch sử từ thuở xung đột Đông-Tây trong Chiến
tranh Lạnh đến thời mâu thuẫn Bắc-Nam của bóc lột toàn cầu hóa. Sự từng trải và
suy tư già dặn cho phép nhà thơ thống nhất khái quát và cụ thể vào từng câu thơ
mang tính mệnh đề như sau:
Tôi nói về kinh nghiệm một thiểu số
tuyệt đối
thiểu số của một người
bị nghiền nát giữa hai thế giới…
( Cái chết đã ổn định )
Nhiều lúc đuối sức hay yếu
lòng ông muốn xuôi tay bỏ mặc không còn thiết đến sự sống (trong vài bức thư
riêng DC đã tâm sự với tôi điều này). Sự chán nản hiện sinh ấy chúng ta có thể
thông cảm và tôn trọng. Nhưng điều khó hiểu đến mức gần như nghịch lý ở ông vẫn
là khả năng chủ động cao độ trước trang giấy trong những ngày giờ đen tối nhất.
Bỏ sang bên những thảm huống riêng tư, bậc thầy của nghệ thuật ngôn từ này
không bao giờ chùn bút trong lao động chữ nghĩa hoặc trong sáng tác. Dù mang
bóng dáng một Từ Thức thời đại lạc loài giữa chợ trong miệng lẩm bẩm mấy câu
thơ hoài cảm DC trái lại rất tĩnh táo nơi bàn viết. Công việc dịch thơ mà ông
gọi là niềm vui mỗi ngày thực chất là sự lao tâm miệt mài và tự giác kéo
dài gần nửa thế kỷ. Ở Pháp nó giúp ông quên đi tuổi tác, bệnh tật và cô đơn đã
đành. Nhưng dịch thuật còn là sự chọn lựa thông minh của một ngòi bút chuyên
nghiệp trong cuộc sống tha hương, ngày ngày vừa ôn luyện tiếng mẹ vừa trau dồi
ngoại ngữ. Nó có khả năng nâng dịch giả lên hàng siêu công dân giữa các nền văn
hóa dị biệt và phức tạp của trái đất hôm nay, biến ông thành sứ giả hiếm quí
của dân tộc mình trong thời buổi giao lưu đa chiều trong ngôi làng toàn cầu thu
nhỏ.
Không ít người đã bày tỏ lòng
thán phục hoặc ngưỡng mộ đối với DC, trầm trồ trước sự nghiệp dịch thuật đồ sộ
có một không hai : hàng trăm tác giả, hàng nghìn bài thơ dịch, chưa kể văn
xuôi. ( Có dịp tôi sẽ công bố thêm các dịch phẩm chưa phổ biến được DC gửi gắm
). Ông đúng là con ong có sức chuyển tải vô địch (ý tượng rất đạt của Hoàng
Ngọc Tuấn), bền bỉ bay tìm mật nhụy khắp mọi miền hoa thơm cỏ lạ của thi ca thế
giới làm quà cho người đọc VN. Nhưng hiếm có ai tìm hiểu sâu hơn về động cơ ẩn
tàng đằng sau sự nghiệp ấy. Đừng quên rằng bên cạnh việc dịch thơ ông còn biên
tập và xuất bản thơ; quan trọng hơn ông còn sáng tác thơ liên tục kể từ mấy bài
vần điệu đầu tay trong tập Hạnh Hoa. Sự đam mê miệt mài với những con
chữ, niềm khao khát sáng tạo bất chấp mọi hoàn cảnh tiêu cực, óc mạo hiểm phiêu
lưu vưọt xa các lằn ranh của thị hiếu thời thượng… --- tất cả đòi hỏi một lời
giải thích căn nguyên.
Theo tôi đó là nỗi ám ảnh không đáp
số về yếu tính của thi ca, vừa là ân sủng vừa là nguyền rủa đã bám gót các nhà
thơ chân chính kể từ phong trào lãng mạn Sturm und Drang; đó cũng là
tham vọng cướp lửa trời của Rimbaud và các nhà siêu thực. Chắc chắn DC là một
trong số vài thi sĩ VN hiếm hoi đã đẩy đến cùng sự truy vấn vừa thẩm mỹ vừa
siêu hình này. Vào cuối đời ông thường nhắc đến Hoelderlin, Borges và Celan
trong số các thi hào ông đã tuyển dịch. Sự thương mến và sùng kính này có lý do
của nó; ba nhân vật trên đã si mê Nàng Thơ đến độ mù lòa, loạn trí, hay tự sát!
Dù ông sáng tác không nhiều (trên dưới không quá một trăm bài thơ thường là
ngắn), từng chữ từng câu từng đoạn đều thể hiện sự tìm tòi, thử nghiệm ngôn từ
và ý tượng không mệt mỏi, và những bài thơ thành công của ông đánh dấu từng
chặng đáng kể trong cuộc khai phá riêng các bờ cõi lạ kỳ của thi ca. Nét biệt
lệ khác tạo nên bản sắc của một nhà thơ ngoại hạng là sự không bằng lòng và
không dừng lại với thành tựu của hôm qua. Khác xa bọn ráp chữ nối câu dễ dãi và
ồn ào nơi chợ sách, DC không bao giờ tự mãn với tác phẩm hoặc tự hào về tiếng
tăm của mình. Như ông từng viết ngắn gọn trong lời mở đầu cho thi tập Thơ
Diễm Châu (ấn bản 1993, có sửa chữa) :…Tất cả đã được viết với một ý
thức rõ rệt: đây chỉ là một khởi đầu. Tôi không ân hận gì về điều này. Đối với
riêng tôi, thơ phải thế: luôn luôn ở tình trạng khởi đầu..
Điều cốt yếu sau cùng chúng ta nên
nhắc nhau để tránh một ngộ nhận nghiêm trọng : DC chưa bao giờ là một nghệ sĩ
duy mỹ tìm đến thơ văn để tránh né những vấn đề và phiền trược của cõi thế. Ông
không đầu hàng lịch sử dù đã rời xa đất nước và mất hầu hết các điểm tựa trong
cộng đồng dân tộc. Ở chốn tha hương ông không từ bỏ trách nhiệm của người trí
thức. Adorno từng nói: Giấy bút là trú quán cho người nào đánh mất quê
hương. Nơi căn phòng nhỏ tại khu chung cư số 14 rue Tacite ở Lộ trấn, DC đã
mượn bàn viết với máy chữ để dựng lại mái nhà thơ và mở mặt trận văn hóa cuối
cùng của đời mình. Cả đời gắn bó với sinh mệnh đất nước làm sao ông quên được
thứ quyền lực ma quỉ vẫn phủ trùm trên đời sống tinh thần và tâm linh của cả
dân tộc ? Thông điệp gián tiếp của hàng nghìn bài thơ ông dịch, sáng tác,
hoặc xuất bản gửi cho các cộng đồng người Việt khắp nơi qua sách báo với
internet là gì nếu không phải là sự tuyên chiến trường kỳ với các bộ máy kiểm
duyệt và công an văn hóa vẫn hàng ngày can thiệp hay xâm phạm tự do tư tưởng và
thông tin trong nước? Hãy cùng lắng nghe những lời sau đây để mặc niệm người
chiến sĩ văn hóa vừa vĩnh biệt chúng ta:
Trong
hành trình ngắn ngủi của chúng ta trên trái đất, một quê
hương vẫn thường được áp đặt lên mỗi người chúng ta; quê hương ấy chỉ có ý
nghĩa đối với chúng ta khi chúng ta tự ý biến đổi tình trạng trên thành một
tình yêu vô hạn hoặc vô điều kiện. Có lẽ thơ là một quê hương hay kẻ
báo hiệu một quê hương mà chúng ta thực sự có quyền chọn lựa, cái quyền bất
khả nhượng cao quý mà thiếu nó, chúng ta chỉ còn là người…
(DC
đề tựa thi tuyển Ở Phía Nam của Tâm Hồn Tôi)
Từ
1945, trong suốt sáu mươi năm của bi kịch lịch sử và văn hoá ở VN, nhiều nhà
thơ nhà văn đã cảm nhận được vấn đề này, đặc biệt là nhóm Sáng Tạo hoặc phong
trào Nhân Văn Giai Phẩm. Nhưng chưa có ngòi bút nào khắc họa được một cách minh
bạch và cô đọng như thế CHỦ QUYỀN của THI NHÂN, cái quyền tự quyết bất khả
nhượng của trí tưởng tượng và óc sáng tạo.
Vào kỷ nguyên của văn minh liên lục
địa với các lối sống đa văn hóa chủ quyền nói trên là chìa khóa thần để mở rộng
cánh cửa của lòng khoan dung và sự thông cảm đại đồng, giải phóng từng cá nhân
khỏi các thứ chủ nghĩa dân tộc kỳ thị hẹp hòi và các tín ngưỡng với tập quán bộ
lạc không ngừng được tân trang khắp nơi trên trái đất hôm nay. Bằng nhận thức
và thái độ, bằng lao động nghệ thuật và hoạt động văn hóa, DC xứng đáng là một
gương mặt tiên phong vừa là một nhân cách lớn của văn học VN đương đại. Một bậc
đàn anh, người thày, người bạn vừa nằm xuống. Dù không còn kịp nữa tôi vẫn muốn
nói thầm với DC: Định mệnh ngang trái không chiến thắng được ông mà trái
lại!
Cambridge 1-5/7-2007
CHÂN PHƯƠNG
P.S. Bạn đọc có thể lên mạng
internet để tham khảo các bài thơ được trích dẫn trong bài viết này, đặc biệt
là amvc.free.fr và tienve.org .
PHỤ ĐÍNH
Bài viết ngắn sau đây là lời
mở đầu cho THƠ DIỄM CHÂU, một tập hợp gồm ba thi phẩm Người làm vườn
và bông hoa, Đốm hương, Niềm vui mỗi ngày (thơ dịch). Có thể xem đây là bản
tuyên ngôn nhỏ gói ghém cảm nghiệm và trầm tư của một người cả đời sống chết
với thơ văn.
Có
người bước vào thơ như ta bước lên một chuyến xe- chuyến xe đưa ta trở lại
những chốn thân yêu nhưng không dừng lại ở đó..
Nhìn
lại đoạn đường đã qua, tôi còn như thấy những hàng dừa xõa tóc bên song gội
nắng, một phiến áo lam cuốn hút mọi trăng sao, đôi ống tay áo lụa chấp chới ở
cuối một con đường vòng. Ôi cơn mưa nghiêng đã xóa nhòa mọi vết hôn!
Và
tôi còn thấy nữa những người bạn hăm hở trong lẽ đấu tranh, quỵ ngã trong tàn
bại, nhưng lúc nào cũng thơ ngây trong trắng và, ngay cả lúc ngã, vẫn còn rực
cháy như những cụm than hồng rơi rớt trong đêm sài gòn.
Tôi
là một người làm thơ không chuyên, chỉ biết viết khi lòng mình xúc động, yêu
thơ tha thiết dù chưa bao giờ dám nghĩ tới chuyện ở lại vĩnh viễn với nguồn say
đắm. Nhưng biết đâu Thơ, như một nguồn đắm say vĩnh viễn, Thơ vẫn đợi chờ tôi ở
cuối cuộc hành trình..
Đã
một phần tư thế kỷ trôi qua trên những bài đầu tiên của tập sách này, nhưng đây
cũng không phải là những bài thơ đầu tiên trong đời tôi. Tôi đã viết chúng ra
trong không khí hối hả, lo toan.. của cuối những năm 60 sang đầu thập niên 70,
một số ít trong chiếm đóng và phần còn lại trong lưu đầy. Tất cả đã được viết
với một ý thức rõ rệt: đây chỉ là một khởi đầu. Tôi không ân hận gì về điều
này. Đối với riêng tôi, thơ phải thế: luôn luôn ở tình trạng khởi đầu.. Và nối
tiếp, nếu có thể được.
(lược bỏ đoạn cuối)
DIỄM CHÂU
No comments:
Post a Comment