Friday, March 8, 2013

Phê bình kiểu Nguyễn Quân

Sự diêm dúa của từ ngữ 


Họa sĩ Nguyễn Gia Hòa



Nhà phê bình Nguyễn Quân trong một hội thảo về điêu khắc.
Báo Thể thao-Văn hóa, số ra ngày 30-11-2012 (trang 30+31) nhân ngày Điêu khắc gia nổi tiếng Nguyễn Hải từ trần, có đăng bài Nguyễn Hải – Cô đúc và Hào sảng của tác giả Nguyễn Quân.
Trong phần dẫn luận của báo có nhắc một ý: “Ở triển lãm Điêu khắc toàn quốc năm 1973, nhiều tác phẩm giờ đây vẫn là đỉnh cao của Điêu khắc Việt Nam, trong đó có một số là của tác giả Nguyễn Hải… Tuy vào thời điểm ấy, nhiều người nhìn chúng với những ý nghĩa về xã hội hơn là những đóng góp về Nghệ thuật. Giờ đây, nhìn lại những tác phẩm mà Điêu khắc gia Nguyễn Hải đã để lại cho cuộc đời, người ta có thể giật mình…” (Tôi tóm tắt lại).
Rồi tiếp đó, TTVH giới thiệu bài viết của họa sỹ – nhà phê bình Nghệ thuật Nguyễn Quân – về điêu khắc của Nguyễn Hải.
Mở đầu bài viết của mình, nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân nhắc lại: “Nguyễn Hải nói về vẻ đẹp của khối: Đó là khi ta bóp hết sức bình sinh mà nó không ‘VÀO’, không thay đổi được nữa.”
Sức căng bề mặt (Force de Surface – Lực bề mặt, hay Surface de Force – bề mặt lực) là điều ta thường nói về vẻ đẹp của khối, cũng như hội họa thường nói về đường sức (ligne de force). Cả hai giúp ta dò tìm ra những đặc sắc của ngôn ngữ hai loại hình điêu khắc, hội họa (dù chúng biến thể ở thể loại nào, và dù chúng trong không gian 3 chiều hay trên mặt phẳng 2 chiều). Hai đặc tính ấy có giá trị như tiêu chí để quy chiếu “TÍNH LỒI”, cũng như giá trị quy chiếu “TÍNH LÕM” ở tượng H. Moore, thậm chí dùng để tham chiếu được sang cả tượng của Giacometti (TÍNH CO) và vô vàn tác giả khác.

Người nghiêng số 4 – tượng của H. Moore.

Chó- tượng của Giacometti.
Một khi LỒI hay LÕM đã đạt độ ĐỦ và ĐÚNG (xét về tương quan chi tiết và toàn bộ), chúng sẽ không “VÀO” hay “RA” nữa. Cần gì phải thay đổi?
Suy cho cùng, Nghệ thuật điêu khắc là nghệ thuật tạo ra tương tác LỒI, LÕM (với TÍNH CO ở giữa).
Tiếc thay! Nhà phê bình Nghệ thuật Nguyễn Quân – Người có công “ghi nhớ” và chuyển cho bạn đọc một định nghĩa của Nguyễn Hải, có một nội hàm quy chiếu sáng rõ như vậy – lại có vẻ không đoái hoài đến nó. Thay vào đấy, ông mải làm văn, và tán!
*
Xin trích nguyên văn một câu bình luận của Nhà phê bình Nghệ thuật tiêu biểu này về tượng Nguyễn Hải: “Bức Nguyễn Văn Trỗi bị trói chặt vẫn đứng hiên ngang, gương mặt tươi sáng cương nghị và đôi bàn tay, đôi bàn chân gân guốc tụ máu trở thành biểu tượng của ý chí giải phóng”.

Lược bỏ bớt các phụ từ liên kết ít quan trọng, ta có một chuỗi từ:
- Bị trói chặt
- Đứng hiên ngang
- Mặt tươi sáng cương nghị
- Bàn tay bàn chân gân guốc tụ máu
- Biểu tượng của ý chí giải phóng (cụm từ cuối cùng này một cán bộ tuyên giáo bình thường cũng viết được).

Bạn thử chỉ cho tôi đâu là sự phân tích về mặt đóng góp cho nghệ thuật ở khía cạnh ngôn ngữ điêu khắc? Khối bàn chân phồng lên vì tụ máu chăng?
Tiếp nối một tinh thần phê bình như vậy, Nguyễn Quân bình tượng Thánh Gióng: “Bức Thánh Gióng với “Ông Gióng” trẻ thơ – phi phàm mà gần gũi như tượng đình làng vặn mình trên một tuấn mã bốc lửa ngang trời như những vân mây lưỡi mác thời Mạc cũng biểu tượng sức quật khởi của cả dân tộc”.

Tượng Thánh Gióng của Nguyễn Hải
Lại thử áp dụng sự lược bỏ, ta có:
- Trẻ thơ
- Phi phàm
- Gần gũi như tượng đình làng
- Vặn mình
- Tuấn mã bốc lửa ngang trời
- Vân mây lưỡi mác thời Mạc

Trẻ thơ phi phàm, tuấn mã bốc lửa ngang trời… Tôi đoan chắc điêu khắc gia Nguyễn Hải không coi đây là giá trị tinh túy lắm nếu xét về tài năng nghề nghiệp của ông. Tuấn mã bốc lửa ngang trời… dường như ông Quân bất giác tả cảnh do bị chi phối bởi điển tích “Thánh Gióng về trời”. Giá như ông chỉ bị chi phối bởi từ “ngang” – một sự trùng lặp (có lẽ ngẫu nhiên ở thị giác của ông) với phương ngang của con ngựa tượng – ông sẽ định rõ được toàn bộ đuôi, thân, đầu ngựa và ngọn lửa là một cấu trúc có tính Trục (axe) cực kỳ quan trọng, một đường sức lớn chi phối toàn bộ cấu trúc của khối tượng Thánh Gióng, đóng một vai trò quy chiếu để phân tích tiếp. Nhưng vì chữ làm mất tỉnh táo, ông chỉ say sưa với từ tuấn mã (ngựa đẹp) dùng quen mồm trong cuộc sống hàng ngày, mà không phân tích vẻ đẹp điêu khắc của con ngựa tượng. Khối điêu khắc ngựa này không “xạ ảnh” tuấn mã ngoài đời. Còn nếu sợ lãng phí một từ hay, ông có thể thử viết “tuấn mã tượng” xem sao?
Các cụm từ còn lại trong đoạn bình luận: gần gũi như tượng đình làng – vặn mình – vân mây lưỡi mác thời Mạc – có khá hơn, bởi chúng còn có giá trị so sánh với thành tựu mỹ thuật cổ của dân tộc. Nhưng đến đây, quả bóng “trách nhiệm phân tích vẻ đẹp của khối” lại bị đẩy cho độc giả.
Nhưng đọc đoạn này, ta phải đoán ý Nguyễn Quân, rằng tuy chân dung “Ông Gióng” phi phàm (không giống đa số) nhưng vẫn gần gũi người xem, không cách biệt với tình cảm quần chúng – kể cả tướng mạo cũng như cách tạo hình – giống như tượng đình làng gần gũi với những người nông dân bao đời nay. Đó là hai kênh thẩm mỹ khác nhau (dân gian truyền thống và bác học hiện đại) mà chỉ có tác giả và những người làm nghệ thuật nắm được những bí mật hội tụ giữa chúng. Nguyễn Quân dè xẻn lộ ra tí chút: “Hiệu quả gần gũi đều như nhau”.
Tác giả không chịu nói rõ, thôi ta đành theo công thức tư duy như sau:
- “Ông Gióng” của Nguyễn Hải gần gũi như tượng đình làng. Tượng đình làng thế nào? Thì cũng gần gũi như tượng ông Gióng của Nguyễn Hải!
Tôi chợt nhớ đến 2 câu thơ của nhà thơ Ngô Văn Phú:
Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng, bông trắng như mây

A giống B, B giống A, về phương diện thông tin, cả 2 ví von trên suýt trở thành một thứ Tam đoạn luận … ngắc ngoải! Đúng là bó tay!
Còn cụm từ “vặn mình”, tôi thấy có ý nghĩa hơn cả về phân tích tạo khối, nhưng tôi ngờ rằng tác giả viết bởi sự trực quan bất chợt, có tính mô tả bề ngoài theo khuynh hướng tư duy quen thuộc của ông, kiểu như “tư thế hùng dũng”… chẳng hạn.
*
Nhưng vẫn chưa sợ bằng đoạn Nguyễn Quân viết về hai tác phẩm Thủ khoa HuânMở cõi của Nguyễn Hải:
“‘Tiếng nói’ hình khối còn cô đúc hơn, hào sảng hơn, đậm tính địa phương gốc gác tác giả hơn mà vẫn đồng thời mang tầm ‘Toàn quốc’ và ‘Thời đại’.”


Tượng Thủ Khoa Huân của Nguyễn Hải.
Có thể rút ra hai ý cơ bản
1. Tác giả đau đáu bởi hai từ “cô đúc” và “hào sảng”. Chúng xuyên suốt từ đầu bài viết nên tác giả mới nhấn mạnh: “còn… hơn”. Tuy nhiên, qua sự phân tích hai tác phẩm Nguyễn Văn TrỗiThánh Gióng của nhà phê bình, tôi thành thật thú nhận rằng mình không thể nào hiểu ra “sự cô đúc hình khối” ở đâu? “sự hào sảng của khối” thì càng chịu chết.

2. Những cụm từ: “đậm tính địa phương gốc gác”, “tầm toàn quốc và thời đại”, có lẽ cũng đồng dạng với lối phân tích kiểu “biểu tượng của ý chí giải phóng” và “biểu tượng sức quật khởi của cả dân tộc”.
Phê bình gia viết tiếp:
Với một sự thông tuệ thị giác lạ thường và cảm xúc hình khối vừa cô đúc, tinh nhã, vừa trực tiếp, ngang tàng hiếm có Nguyễn Hải đã tạo hình khối cụ thể bằng đá, đồng… cho cái khẩu hiệu/cứu cánh ‘Dân tộc – Hiện đại’ của nền Nghệ thuật hiện thực XHCN”.

Kiên trì với cách phân tích của mình, tác giả tung ra một loạt từ ngữ du dương, réo rắt về âm điệu: “thông tuệ thị giác”, “tinh nhã”, “ngang tàng” v.v… có giá trị tập làm văn, nhưng ít giá trị phân tích cụ thể.
Người viết trẻ 20-30 tuổi, khoe văn chương còn thông cảm. Người viết đã bạc tóc trong trường văn, trận bút, thiết nghĩ ai cũng nên răn mình, cố gắng để tránh xa.
*
Thế rồi, đọc trên báo An ninh Thế giới, số giữa tháng 11-2012 (trang 11), có bài của nhà báo Xuân Ba nhan đề Những lát cắt của Tôn Đức Lượng nói về cuộc đời và tác phẩm của lão họa sỹ này. Trong bài có dẫn lời Nguyễn Quân nói về Tôn Đức Lượng: “Tác giả hy sinh cá tính sáng tạo, khiêm tốn lùi về phía sau làm một thư ký của thời đại”.

Sản xuất đá răm – Ký họa của Tôn Đức Lượng
Lại có 3 ý cần nói rõ
1. Xem tranh của cụ Tôn Đức Lượng, tôi thấy cụ chẳng phải hy sinh cá tính sáng tạo tý nào. Quan điểm về thẩm mỹ tạo hình của lão họa sỹ bộc lộ khá đầy đủ. Nhìn rộng ra, trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, các họa sỹ ví dụ như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Mai Văn Hiến v.v… đâu có phải hy sinh cá tính sáng tạo. Họ chỉ “điều chỉnh” để giữ nó vẹn nguyên (dĩ nhiên sự “điều chỉnh” này là cực kỳ khó nhọc, có khi phải trả giá, nhưng đây lại là câu chuyện khác). Nếu cụ Lượng phải hy sinh – điều mà tôi chưa thấy – tôi ngờ rằng đây là điểm điều chỉnh chưa khéo của cụ.

2. Ai cũng có cá tính, dù ít dù nhiều (kể cả không có cá tính cũng là cá tính). Cá tính sáng tạo là hiếm hoi, có người cả đời phấn đấu cũng không có được. Cá tính sáng tạo đến đẳng cấp cao là thiên bẩm – trời cho. Ví dụ: Picasso, người vẽ hình thiên bẩm (Picasso – Dessinateur d’instinct). Quý giá vậy, can cớ gì lại “hy sinh”? Nhìn ảnh chân dung cụ, tôi trộm nghĩ cụ không theo hướng tư duy này. Đừng gán ghép vô lối thế!
3. Những nhận xét của ông Nguyễn Quân – với đặc tính cố hữu của mình – là kết quả của thứ “xảo thuật ngôn từ” khá vụng. Hy sinh cá tính sáng tạo là cách nói ẩn ý, tránh nói thẳng một điều có khi là nặng nề. Thư ký thời đại là cách nói hình ảnh mập mờ: Có khi đãi bôi qua quýt cho xong chuyện, có khi lại là phong Thánh kiểu như “Chứng nhân thời đại”. Được phong thánh thì có lẽ không hợp với sự khiêm tốn của cụ, còn nói cụ chỉ như người ghi chép cần mẫn, công chức (giống bình luận bóng đá: cầu thủ X. Y chỉ là “công nhân đá bóng”), tôi không dám nghĩ rằng đấy là tôn vinh cụ.
Cái tốt nhất theo tôi là hãy trân trọng tranh cụ vẽ đúng cái gì nó có. Đấy mới là sự tôn trọng chân thành.
Ba ý nói rõ này của tôi khiến tôi nghĩ rằng những nhận xét của ông Quân không nói thẳng về nghệ thuật của họa sỹ Tôn Đức Lượng – chúng hình như khác đấy!

Họp đội sản xuất – Ký họa của Tôn Đức Lượng
*
Tóm lại, sau khi đọc qua những đoạn bình luận tác phẩm của Nguyễn Quân, chỉ có thể kết luận về bút pháp phê bình của ông như sau:

1. Vẫn chỉ là phân tích nặng về ý nghĩa xã hội (kiểu ra ngõ gặp anh hùng) chứ không phải phân tích đóng góp về nghệ thuật (ngôn ngữ điêu khắc).
2. Phân tích nghệ thuật của tác phẩm nặng về Tử vi tướng số (Tướng mạo). Điều này đã trở thành tâm thức xã hội trong xét duyệt, thưởng thức. Chả trách mà ở những tượng đài chúng ta làm, chân dung các danh nhân như Lý Thái Tổ, Trần Hưng Đạo, Quang Trung v.v… đều như anh em sinh đôi cả, vì các nghệ sỹ phải tập trung vào mô tả một loạt tính cách đã được mặc định, chẳng hạn: cương nghị, quả quyết, lẫm liệt, trí tuệ (cấu tạo trán nhất thiết phải cao) và… phi phàm v.v…

Tượng Lý Thái Tổ

Tượng Quang Trung

Tượng Trần Hưng Đạo
3. Ca ngợi một tác giả lừng danh rất khó bởi có nguy cơ nói a dua, khen kiểu “phò mã tốt áo”. Nhưng một diễn viên đã mất công đeo râu, vẽ mặt để đóng vai khanh tướng mà đứng vào dàn đồng ca nói đế trong chèo thì quá uổng!
4. Và tiếc thay! Những cơ hội phân tích sự đóng góp về nghệ thuật đã bị bỏ qua.
*
Công bằng mà nói, cuộc sống khó khăn khiến chúng ta phải bươn chải để sinh tồn. Việc chạy sô liên tục hết đám đông giao đãi này đến vụ việc, lễ lạt kia khó có thời gian để chu toàn mọi thứ. Nhưng cũng cần điều chỉnh, bằng cách tự vấn lại trí lực của mình. Nếu hạn chế, ta chỉ cần thống kê số lượng, kể tên tác phẩm, so sánh, mô tả quy hoạch nếu là công trình nghệ thuật có quy mô lớn (như ông Quân viết về công trình Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh của điêu khắc gia Nguyễn Hải) sau đó nói lại những nhận xét thành tựu mà xã hội đã công nhận, là cũng đủ cho dung lượng một bài viết (như bên văn học có mục “Điểm sách”). Phê bình đáp lễ là sự áp dụng triệt để cách nói bóng bẩy, “người khôn ăn nói nửa chừng …” nhằm mục đích “Anh em bốn bể là nhà”, mở miệng vẫn ăn tiền. Đây là kiểu giết chết phê bình hiệu quả nhất.
Trừ phi, ai chủ trương lập ra một trường phái phê bình “xã giao” thì lại khác!
Suy nghĩ vẩn vơ: không lẽ cứ áp dụng một công thức sơ sài là quan sát qua loa một đối tượng nghệ thuật, rồi hớn hở mặc sức vung bút. Phê bình dễ vậy sao?
Bệnh đến thế này đã là mãn tính. Và như thế, ông Quân không đơn độc!

No comments: