Wednesday, March 6, 2013

Nhà văn nghĩ gì, làm gì mùa hè này



Nhà thơ Chân Phương


Phan Nhiên Hạo: Chào anh Chân Phương. Cuộc sống của anh mùa hè này ở Boston có gì vui, buồn, đang bận rộn chuyện gì?

Chân Phuơng: Cuối tháng Tư vừa qua tôi mua được một ngôi nhà trên đảo Hog Island cách Bostonphía đông nam khoảng 25 dặm đường bộ (nếu đi phà từ Boston ra chỉ mất khoảng nửa tiếng và có thể thưởng ngoạn phong cảnh biển trời quanh cảng Boston). Từ đó tôi khá bận rộn với cái nhà này vì phải mua sắm bày biện và sắp xếp lại bao nhiêu là sách báo chở từ Cambridge ra đảo, chưa kể công việc vườn tược với mảnh sân nhỏ trước nhà. Tôi vẫn giữ lại căn hộ cũ để mỗi tuần về đó lang thang các quán rượu, tiệm sách khu Harvard Square và theo dõi sinh hoạt văn hóa qua sách báo mới in hoặc phim kịch các thứ. Ngắn gọn mà nói, tôi đang phân thân giữa hai lối sống, cũng như hai nhịp độ sinh hoạt giữa phố chợ văn minh và đảo biển thanh vắng.
Về đời sống đô thị thì tôi chắc Hạo cũng chẳng lạ gì, nên tôi sẽ thuật lại đôi điều về niềm vui ngoài đảo trong mùa hè này. Những ngày nắng đẹp tôi lái xe hoặc dùng xe đạp đi ra bãi tắm cách nhà một dặm để tắm nắng (nước biển còn lạnh nên ít người bơi lội) và đọc sách. Bãi Nantasket dài độ năm cây số, nếu có thêm mấy hàng dừa với thùy dương thì sẽ khá giống Nha Trang. Đây là một bãi tắm có tiếng trong vùng vì không xa Boston, lại thêm cát sạch nước trong nên mùa hè tấp nập du khách cũng như dân địa phương đến nghỉ mát. Tôi tránh ra đây lúc cuối tuần nhộn nhịp, và lợi dụng các buổi tương đối vắng người để thư nhàn hay đọc sách trước trùng khơi mênh mông…
Cùng với các tạp chí mới, hai quyển sách theo tôi ra biển mấy hôm nay là cuốn phê bình văn học của Martin Amis, The War Against Cliché và tiểu thuyết Windows on the World (bản dịch tiếng Anh) của nhà văn Pháp Frédéric Beigbeder. Xin có ít lời về tiểu thuyết lý thú này; tác giả lấy biến cố 9-11 ở New York làm bối cảnh, các nhân vật chính là người cha với hai con trai bị kẹt từ 8:30 đến 10:29 giờ sáng trong nhà hàng Windows on the World trên tầng 107 của một Twin Towers. Mỗi chương tiểu thuyết trần thuật một phút của buổi sáng cuối cùng của ba cha con và các thực khách có cùng số phận. Bằng ngòi bút tả chân pha lẫn phong cách ghi chép tư liệu, tác giả giúp người đọc sống lại cái biến cố kinh hoàng ấy. Một chi tiết cuối, Beigbeder đã viết cuốn docu-fiction này để tưởng niệm 2,079 nạn nhân của ngày 9-11.
Một thói quen khác của tôi từ khi ra ở đảo nhỏ là đọc báo địa phương để tìm hiểu về dân tình và sinh hoạt thường ngày ở vùng biển này, nhờ đó biết được nhiều chuyện mới lạ. Chẳng hạn giai thoại về lão Fred, 82 tuổi, già nhất trong đám ngư phủ ở đây, nhưng vẫn chưa hưu trí. Những hôm đẹp trời lão thả ghe chài đi thăm ba trăm (!) cái rọ sắt dưới đáy biển để vớt bắt tôm cua, nhất là loại tôm rồng (lobster) đặc sản New England. Còn nhiều chuyện khác… Tôi dự định sẽ khảo cứu thêm sách báo để viết một bài ký về khu vực, đặc biệt về thị xã Hull và vịnh Hingham Bay quanh chỗ ở mới của mình.
Không còn gì lý tưởng bằng những ngày hè đẹp trời ở biển với cà phê thơm đậm buổi sáng cạnh trang sách hay và cốc rượu ngon buổi tối trước màn ảnh nhỏ chiếu một cuốn phim tuyệt tác, nếu có thể gạt qua một bên các sự kiện chính trị-kinh tế xáo động mấy tháng vừa qua. Nhưng con người không thể tránh né thời cuộc. History is back!

Phan Nhiên Hạo: Có thể nói đây là một mùa hè rất “nóng” ở Việt Nam, trong ý nghĩa chính trị, xã hội: những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, vụ án Cù Huy Hà Vũ… Ở ngoài này chắc anh cũng có theo dõi tin tức. Một nhà văn hải ngoại như anh cảm nhận thế nào về những chuyện này? Chúng có liên hệ gì đến việc sáng tác của anh không?

Chân Phương: Thành thật mà nói, tuy rằng làm di dân ở Mỹ tôi vẫn cố gắng bám sát tin tức Việt Nam và Á Đông. Lâu nay vài quan hệ thân tình trong nhóm Bauxit vẫn liên lạc và đều đặn cung cấp thông tin “nóng” trong nước cho tôi, chưa nói những trang mạng mà tôi đọc khá thường xuyên. Điều này cũng bình thường thôi, tôi nghĩ về mặt này, người nào còn có tấm lòng với quê hương và đồng bào thì cả trong giấc ngủ cũng bị ám ảnh chứ đừng nói chi ban ngày tỉnh thức!
Theo dõi sự kiện Trung Quốc và vụ án Cù Huy Hà Vũ, tôi có suy nghĩ như sau: Tình hình nóng hiện nay trong nước đã lột mặt nạ tập đoàn Hà Nội, đây là một cơ hội lịch sử cho người Việt thấy rõ chân tướng giả ngụy của họ. Khi đàn áp các cuộc biểu tình nói trên, họ đã đánh rơi mặt nạ dân tộc chủ nghĩa mà năm vừa rồi họ đã cố sơn phết tân trang với tuồng hài Nghìn Năm Thăng Long (!). Ý thức hệ Cộng Sản tiêu ma là chuyện đã rồi, mất thêm lá cờ dân tộc đậm đà nước sơn nữa thì đám phù thủy Ba Đình sẽ tìm đâu ra ma thuật mới để ngụy tạo tính chính thống lịch sử cho họ? Kinh tế thị trường tự do đang lâm trọng bệnh chăng?
Bạo quyền Hà Nội đang ở trong thế liên minh ma qủy với bạo quyền Bắc Kinh, và những mặc cả trong bóng tối giữa băng đảng yếu với các Bố Già hung ác phương Bắc đã đưa bè lũ Hà Nội vào thế kẹt. Họ chỉ có thể chống trả sự xâm lăng tiệm tiến của Bắc Kinh bằng cách động viên lòng yêu nước của dân Việt lâu nay đã bị nhiểm độc mất máu vì bao điều bất mãn với cái chế độ công an chuồng trại gớm ghiếc phủ trùm lên giang sơn hình chữ S. Để tránh khỏi họa mất nước và khôi phục sức chiến đấu của dân tộc, tập đoàn cai trị phải cấp bách trả lại chủ quyền chính trị và các quyền công dân cho mọi người Việt. Với 80 triệu thần dân chỉ biết gục đầu cam phận trong một kiếp sống vừa chán ngấy vừa ô nhục, lấy đâu ra lực lượng để mà sống mái với thiên triều phương Bắc? Rõ ràng Hà Nội đang lưỡng đầu thọ địch, một bên là ý đồ xâm lược từ Bắc Kinh, một bên là cao trào dân chủ trong nước và trên cả thế giới ngày nay. Muốn khỏi mất nước thì phải trả lại người dân quyền làm người và mọi quyền công dân, nghĩa là nghiêm chỉnh chấp nhận cuộc chơi dân chủ, nhưng làm vậy thì sẽ mất chức mất quyền và có thể mất đảng hoặc mất đầu. Đúng là băng đảng Ba Đình đang đối mặt từng ngày với cái nghịch lý nan giải (aporia) nhức óc bể đầu hơn tất cả những vấn nạn ngôn thuyết mà Derrida cùng các môn phái hàn lâm Hậu Câu Trúc-Hậu Hiện Đại từng phải gỡ rối trước đây. Tóm lại các cố gắng đàn áp, ngăn chặn hiện nay trước làn sóng yêu nước và cao trào dân chủ-ý thức công dân chỉ biểu lộ sự lúng túng của một chế độ về bản chất vẫn không có gì thay đổi, vẫn đạp vào mặt người dân như bọn phong kiến ngày xưa.
Câu hỏi về quan hệ giữa sáng tác cá nhân và thời cuộc đụng vào chỗ tâm đắc đồng thời cũng là nỗi đau trầm tích của tôi. Trong thơ cũng như văn xuôi những gì tôi viết ít nhiều đều gắn bó hoặc tương ứng với thời thế, đặc biệt là thế sự Việt Nam nơi mà tôi chưa khi nào rời bỏ trong tâm tình và nhận thức. Đâu phải chỉ mới mấy tháng hè “nóng” vừa qua, từ khi rời Việt Nam ra đi năm 1986 đến nay có thể nói những bài thơ thế sự của tôi là các mảnh chắp nối của bài trường thiên về thân phận con người thời đại dưới bóng lịch sử, đặc biệt trong đó có lịch sử Việt Nam và Á Đông.



Phan Nhiên Hạo: Những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc, lúc mới diễn ra, Sài Gòn đi đầu và rầm rộ hơn Hà Nội, nhưng rồi nhanh chóng rơi vào im lặng, trong khi biểu tình ở Hà Nội vẫn tiếp tục kéo dài đến nay. Theo anh, có phải sự khác biệt của giới trí thức Nam-Bắc là một nguyên nhân của tình trạng này, nếu thật sự có những khác biệt?

Chân Phương: Liều mạng trả lời câu hỏi này chắc tôi sẽ bị mấy anh chị trong nước như Phục An, Thận Nhiên, Nguyễn Tấn Cứ… chê cười “thằng mù sờ voi.” Xin bạn đọc thông cảm cho những nhận xét cá nhân có tính giả thiết sau đây về hiện tình đấu tranh chính trị ở hai miền Nam Bắc, tiêu biểu là Sài Gòn và Hà Nội.
Vì sao đợt sóng biểu tình ở Sài Gòn tan biến nhanh? Theo tôi có một số nguyên nhân lịch sử xã hội quan trọng hơn là các khác biệt bản chất giữa trí thức Nam-Bắc. Có lẽ nó xuất phát từ vài nhóm người tranh đấu kiểu tự phát vì bức xúc trước biến cố mất đất mất đảo, nhưng không thành phong trào liên tục một phần do thói quen “vô chính phủ” của người dân đã chán ngấy chế độ lâu nay, khiến họ không tha thiết lắm với các dự định hoạt động chính trị trường kỳ. Đây có thể là một dạng “anomie”, sự băng hoại của khả năng liên kết trong các cộng đồng nhằm thực hiện những mục tiêu xã hội có ý nghĩa. Một nguyên nhân đáng bàn khác đã lặn vào tâm lý miền Nam là mặc cảm “ngụy Sài Gòn,” một chấn thương tâm lý tập thể khiến người ta dè dặt trong hành vi dân sự để tránh bị chụp mũ “diễn tiến hòa bình,” hoặc bị tặng thêm nón cối “các thế lực thù địch”(!).
Cuộc chiến Việt Nam kéo dài với những khúc quanh phức tạp của nó đã sinh ra nhiều “bộ lạc” mới trong Nam. Kể từ ngày nhất thống sơn hà, người Sài Gòn bước ra khỏi cửa là có thể gặp nhiều loại anh hùng: đám Mặt Trận Giải Phóng, bọn Ba Mươi Tháng Tư, nhóm tập kết, phe nằm vùng, đoàn người Nam tiến gồm bộ đội và người Bắc mới, ngụy cũ, ngụy mới (có thân nhân nước ngoài), dân ODP sau này quay về gia nhập nhóm Việt Kiều thời hậu mở cửa, người gốc Hoa, vân vân… Vì dân số học phức tạp như thế nên sự nghi kỵ, bè phái chủ nghĩa, hội chứng bầy đàn là chuyện thường ngày ở huyện, khó có chuyện “trăm họ một lòng vì đại nghĩa” ngoài những lúc rượu vào lời ra bàn luận truyện Tàu nơi quán nhậu.
Tóm lại, không cần âm mưu “chia để trị” của bọn giấu mặt nào đó mà chính lịch sử Việt Nam từ 1954 đã sản sinh ra cái xã hội miền Nam phân hóa ngày nay.
Quan sát và tìm hiểu hơn chục lần biểu tình ở Hà Nội từ hai tháng qua tôi có vài nhận xét sau đây:
– Tại các trung tâm đô thị như Hà Nội, Hải Phòng… đang hình thành một xã hội dân sự tuy chưa có qui mô sâu rộng nhưng đã tạo được liên kết giữa một số nhân sĩ lão thành với trí thức trẻ (sinh viên, học sinh có ý thức công dân) và quần chúng có nhiệt tình trong các giới. Nên nhớ một điều, tập hợp này là nhân dân đã từng đồng cam cộng khổ với đảng cầm quyền từ 1945 nên họ không có mặc cảm chính trị với tập đoàn Ba Đình, và các mồm tuyên giáo cũng như công an văn hóa không thể dễ dàng chụp mũ họ được.
– Một số lớn trí thức miền Bắc từng có dịp du học ở Liên Xô trước đây cũng như các nước cộng sản Đông Âu cũ nên họ không những hiểu được sâu sắc sự phá sản của hệ thống chuyên chính kiểu Stalin mà còn tiếp thu được bài học đấu tranh hợp pháp với nhà cầm quyền. Ý thức chính trị của họ được thể hiện gần đây qua vụ án Cù Huy Hà Vũ và những cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh, với chiến lược đấu tranh trong vòng hiến pháp Việt Nam và luôn tôn trọng các nguyên tắc dân chủ. Họ có diễn đàn công khai trên internet được trí thức Việt trong và ngoài nước cộng tác, được media thế giới quan tâm, và đã thiết lập được trong chừng mực nào đó tính đối trọng với bộ máy tuyên truyền một chiều của nhà cầm quyền.
– Thoạt đầu phong trào biểu tình nổ ra chủ yếu vì nỗi bất bình tự phát của dân Hà Nội, nhưng trên cơ sở của những gì tôi vừa nêu trên, các hoạt động tách rời của các nhóm trí thức hoặc các thành phần xã hội khác biệt đã liên kết gắn bó với nhau, tạo nên một “xã hội dân sự mặc nhận” như một bài nhận định mới đây trên Bauxite Việt Nam đã phân tích (xem bài “Sự Khó Xử Của Nhà Cầm Quyền,” đăng ngày 17 tháng 8, 2011). Không những thế, cái xã hội dân sự này đang từng bước trưởng thành qua diễn tiến đấu tranh hợp pháp bất bạo động, qua những cuộc biểu tình vừa phát huy lòng yêu nước vừa củng cố tác phong công dân tích cực, không còn thờ ơ hay gục mặt trước thời cuộc. Phương thức đấu tranh thông minh này càng khiến nhà cầm quyền và bộ máy đàn áp công an lúng túng chẳng biết đối phó ra sao, trừ vài thao tác trung cổ như đạp vào mặt dân hoặc dùng cơ bắp vũ phu tống người vào xe thùng như gà vịt. Nhưng rõ ràng không thể một sớm một chiều ngăn chặn hay giải tán cái xã hội dân sự đã ra đời một cách hữu cơ và càng ngày càng có ý thức về các quyền chính trị hợp tình hợp lý của nó. Cần phải nói thêm, cuộc tranh đấu của người dân Hà Nội đang diễn tiến trong bối cảnh phức tạp của tình hình Trung Đông với sự sụp đổ đồng loạt của nhiều tập đoàn cai trị độc tài đang được cả nhân loại bị áp bức theo dõi từng ngày.
Có phải đây là thời cơ hiếm có cho Việt Nam, là “thiên thời” giúp cho các phong trào dân chủ- nhân quyền lớn mạnh? Chỉ biết rằng, theo sự quan sát của những người trong cuộc tại Hà Nội nhận định về các cuộc biểu tình nổi dậy từ sự chuyển mình của xã hội dân sự ấy: “một tiền lệ chưa từng có đã được hình thành” (bài dẫn trên). Điều khác biệt giữa Sài Gòn và Hà Nội có lẽ nằm ở điểm này. Trong khi cái khung nền xã hội miền Nam nửa phức hợp nửa băng hoại chưa có thể sản sinh các phong trào đấu tranh dân chủ trường kỳ, ở miền Bắc và đặc biệt tại thủ đô “Thăng Long nghìn năm,” “bước ngoặt lịch sử”đã đến?

Phan Nhiên Hạo: Anh đang viết gì hoặc dự định viết gì trong bối cảnh thời sự chính trị và xã hội Việt Nam mùa hè này?

Chân Phương: Không cần các nhà lý luận văn học dông dài về khái niệm intertextuality, hằng ngày chúng ta bơi ngụp trong đại dương thông tin, và nếu chưa bị điên dại hay bão hòa số hóa bắt buộc chúng ta phải lột xác thành một sinh vật liên văn bản. Một ví dụ cá nhân: trong mấy ngày suy nghĩ để trả lời các câu hỏi liên quan đến Việt Nam này, tôi đồng thời còn bám sát các biến động kinh tế Hoa Kỳ-Âu châu (với khủng hoảng xã hội bên Anh) và thời sự Trung Đông. Hiện tình Việt Nam đối với tôi chẳng khác gì những nét màu nóng khu biệt trên nền tranh thế giới thắm đậm máu lửa Trung Đông lem luốc sắc đen dầu thô loang dần ở mặt trái bức tranh (một phần có vụ Hoàng Sa), được chấm phá thêm với các đốm cháy từ các cơn sốt vàng và tiền tệ. Không riêng gì tôi, là những công dân thời toàn cầu hóa, suy nghĩ và tình cảm từng ngày của chúng ta không thể không cộng hưởng với bản đại hòa tấu đầy tạp âm này. Trong nỗi buồn vui cộng hưởng này có lúc bức xúc phóng bút tôi viết được ít câu thơ hoặc vài cảm nghĩ; đó là những hạt mầm chờ cơ duyên để hoá thành bài thơ hay bài nhận định sau này. Dự định chưa có chi cụ thể nhưng biết đâu dưới những vùng tiềm thức được cày xới là sự hứa hẹn của một mùa gặt mới (như trong mấy ý thơ của René Char và Seamus Heaney).
Phần lớn thời giờ nhàn hạ lúc này tôi dành cho việc đọc và trầm tư… Đó là thói quen tôi luyện được qua nhiều mùa hè trước đây. Sau từng chặng dài của hành trình tri thức và sáng tạo, người nghệ sĩ cần dừng chân, lách khỏi vòng quay chóng mặt của thông tin và kiến văn để suy nghiệm và rà soát lại các tọa độ với điểm ngắm tư tưởng cũng như tâm linh của mình. Đó là ý nghĩa mấy chữ “mise au point” trong tiếng Pháp, người Mỹ gọi là tune-up.
Nhưng cũng may trong tuần vừa rồi lúc duyệt qua các trang nhật báo và tạp chí tôi gặp được một đoản văn của Ibrahim Al Koni, nhà văn lớn của đất nước đang cháy rực lửa khởi nghĩa. Tôi đã xúc động nhiều khi đọc bài “Libya: Tiếng Gọi Của Bổn Phận” trên nguyệt san Le Monde Diplomatique, tháng Bảy, 2011. Những suy tư của ông về lưu đày và nỗi nhục vong quốc làm tôi nhớ lại đoản tác “Bài Học của Dòng Sông” tôi viết 20 năm trước (Nguyễn Mộng Giác đã đăng trên một số báo Văn Học khoảng mùa thu 1991), trong đó tôi cũng có những nhận định về nỗi ô nhục của những kẻ phải bỏ xứ ra đi. Thế là tôi ngồi vào bàn phím bắt đầu đọc lại để dịch Al Koni (từ bản tiếng Pháp), vừa gõ chữ vừa ngẫm nghĩ: Đây đúng là cái người Việt Nam và phong trào dân chủ trong nước đang cần, phải cố gắng dịch cho hay cho đạt văn chương và tư tưởng của thiên hạ để dân mình có thể tham khảo và bình luận. Vì chúng ta chia mẫu số chung với người dân Libya, Syria, Cuba, Miến Điện, Trung Quốc… khát vọng dân chủ của những nạn nhân lâu đời của các chế độ độc tài hà chính.
Nhờ bản dịch này (đăng trên Da Màu), ít ra tôi cũng có cơ hội đóng góp một cái gì đó mùa hè này trên mạng cho độc giả Việt Nam, đồng thời góp một tiếng vỗ tay riêng chào mừng cuộc khởi nghĩa thắng lợi ở Libya.
 

Phan Nhiên Hạo: Cảm ơn anh Chân Phương.

(Thực hiện bởi Phan Nhiên Hạo qua email, 8.2011)

No comments: