Sunday, May 26, 2013

Các đảng phái chính trị



Để gìn giữ và bảo vệ các quyền và tự do cá nhân, một dân tộc dân chủ phải hợp tác để định hình chính phủ do họ lựa chọn. Cách thức chính để thực hiện điều đó là thông qua các đảng phái chính trị.
  • Các đảng phái chính trị là các tổ chức tự nguyện liên kết nhân dân và chính phủ. Các đảng phái chính trị tuyển các ứng cử viên và vận động bầu họ vào các chức vụ công, và huy động nhân dân tham gia lựa chọn các nhà lãnh đạo chính phủ.
  • Đảng chiếm đa số (hay đảng được bầu lên để kiểm soát các chức vụ trong chính phủ) muốn ban hành thành luật một số chính sách và chương trình khác nhau. Các đảng đối lập tự do phê phán những ý tưởng chính sách của đảng chiếm đa số và đưa ra những đề xuất riêng của mình.
  • Các đảng phái chính trị mang đến cho công dân cách thức buộc các quan chức của đảng được bầu lên phải chịu trách nhiệm về những hành động của họ trong chính phủ.
  • Các đảng phái chính trị dân chủ tin vào những nguyên tắc dân chủ từ đó họ nhận thức được và tôn trọng quyền lực của chính phủ được bầu lên, ngay cả khi lãnh đạo của đảng họ không nắm quyền.
  • Giống như bất cứ nền dân chủ nào, thành viên của các đảng phái chính trị phản ánh sự đa dạng của các nền văn hóa mà trong đó họ xuất hiện. Một số đảng phái nhỏ được xây dựng trên cơ sở một loạt niềm tin chính trị. Các đảng phái khác được thành lập vì những lợi ích kinh tế hoặc cùng chung lịch sử. Các đảng khác nữa lại là những liên minh lỏng lẻo của công dân, họ có thể chỉ liên kết lại với nhau vào thời điểm bầu cử.
  • Tất cả các đảng phái chính trị dân chủ dù là các phong trào nhỏ hay các liên minh quốc gia lớn, đều chia sẻ giá trị thỏa hiệp và khoan dung. Họ biết rằng chỉ có thông qua các liên minh rộng lớn và hợp tác với các đảng phái chính trị và các tổ chức khác họ mới có thể lãnh đạo và có tầm nhìn chung để giành được sự ủng hộ của nhân dân trong nước.
  • Các đảng phái dân chủ nhận thức được rằng quan điểm chính trị là dễ thay đổi và có thể thay đổi được, và trong cuộc tranh luận hòa bình, tự do và công khai họ có thể đạt được sự đồng thuận từ những đụng độ về ý tưởng và giá trị.
  • Khái niệm đối lập trung thành là trọng tâm đối với bất kỳ nền dân chủ nào. Khái niệm đó có nghĩa là tất cả các bên trong cuộc tranh cãi chính trị-dù họ có những khác biệt sâu sắc đến đâu-đều chia sẻ những giá trị dân chủ cơ bản đó là tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, quyền được bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Các đảng thất cử sẽ trở thành các đảng đối lập, nhưng họ tin rằng hệ thống chính trị sẽ tiếp tục bảo vệ quyền được tổ chức và phát biểu của họ. Theo thời gian, đảng của họ sẽ có cơ hội để tái vận động cho những ý tưởng của mình và giành lá phiếu của nhân dân.
  • Trong một nền dân chủ, cuộc đấu tranh giữa các đảng phái chính trị không phải là một cuộc chiến sinh tử mà là một cuộc cạnh tranh để phục vụ nhân dân.

No comments: