Cho đến tận bây giờ, tôi hiểu tại sao ông Nguyễn Văn
Vĩnh lại thích câu thơ trên như vậy. Một đời ông, viết hàng vạn bài xã
thuyết, hàng ngàn phóng sự, điều tra, tiểu luận, dịch hàng trăm tác phẩm
trong tủ sách “Âu Tây tư tưởng”, hay như nhau, khó phân biệt được thế nào
là hơn thế nào là kém, vậy mà xem ý ông thì ông có vẻ thích thú nhất có một
câu thơ “Ve sầu kêu ve ve suốt mùa
hè…” lâu nay nằm trong tập Thơ ngụ
ngôn La Fontaine, bài Ve sầu và con kiến tả một con
ve sầu nghệ sĩ chỉ biết ca hát, “đến khi gió bấc thổi, nguồn cơn thật bối
rối” thì không có một hột thóc để ăn, phải sang nhà chị kiến càng mượn đỡ
tí lương thực để ăn cho khỏi chết. Chẳng may chị kiến lại là loài ích kỷ,
đã không cho mượn lại còn chế nhạo: “Chị khỏe ca hát, thế thì bây giờ mời
chị ca hát nữa đi, cho tôi xem nào!”.
Câu chuyện ngụ ngôn chỉ có thế thôi, nhưng ông Vĩnh
thú vị mấy câu đầu đến nỗi ngâm ngợi một mình, ông cho là chưa đủ. Bây giờ
những người bạn hay những người theo ông học hỏi ông đã từng đến thăm căn
nhà của ông ở Bưởi đều còn nhớ ông đã đặt đóng một bộ sa lông gụ, mà chiếc
ghế nào, chiếc bàn lớn bàn con nào cũng đều khảm xà cừ một dòng “Ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè” và
ghi ở dưới ba chữ viết tắt N.V.V.
Vì là bạn của mấy con trai ông và cùng học một trường
với con gái ông là cô Nội, rồi sau này lại được làm việc trong tờ báo do
ông làm chủ nhiệm, tôi đã nhiều lần đến chơi ở căn nhà đó, nhưng ngay lúc
ấy tôi chỉ cho là một cái thú riêng của “ông cụ”, và muốn thành thực hơn
một chút nữa tôi phải nói là có lúc tôi cho rằng đó là một cái thú cầu kỳ,
phù phiếm của mấy tay “lão tổ”. Là vì lúc ấy tôi còn trẻ người non dạ lắm
và cũng như những người trẻ người non dạ khác, tôi chưa biết được hết cái
chân tài, cái trí óc kỳ lạ của ông Vĩnh ra sao. Phải đợi đến khi ông mất đi
rồi, tôi sống qua bao nhiêu lớp sóng phế hưng, học thêm của trường đời mãi
mà không khôn ra được, tôi mới hiểu dần dần ông Vĩnh là một chánh khách,
một văn gia, một ký giả khan hiếm trong xã hội ta. Và kỳ sau khi ôn lại
cuộc đời ông để rút kinh nghiệm, để học hỏi, tôi mới bắt đầu hé thấy tại
sao ông lại đặt làm một bộ ghế sa lông có khảm xà cừ câu thơ “Ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè”.
Cả một cuộc đời ông Vĩnh - đời chánh trị, đời xã hội,
sống tâm tình bất quá cũng chỉ là một con ve sầu kêu ve ve trong thơ ngụ
ngôn của La Fontaine chỉ biết cho mà không biết lấy, chỉ biết sống cho
người khác mà không giới ý đến đời chính thân mình, chỉ biết làm việc rồi
héo hắt đi mà chết, không mong được ai hiểu biết.
Tâm sự u
uẩn của ông Vĩnh trong đời sống chánh trị
Nói cho biết đời sống chánh trị của ông Vĩnh, một vài
cuốn sách nói may ra mới hết. Riêng tôi, tôi nhận ngay rằng thuật lại những
hoạt động của ông, phân tách và mổ xẻ các hành động ấy để tìm hiểu chủ
trương và hoài bão của ông là một việc làm trên sức của tôi. Tôi chỉ biết
thuật lại sự thực, hoàn toàn thực mà chính tôi được biết.
Các động lực chính thúc đẩy ông Vĩnh làm chánh trị là
lòng yêu nước, muốn cho dân tộc ta tiến bộ để lần lần, theo từng giai đoạn,
giành lấy tự do độc lập, và môi trường để ông hoạt động là Hội Tam Điểm, một tổ chức chánh trị
văn hóa công khai và pháp lý lúc bấy giờ.
Nhưng nói đến Hội Tam Điểm, nhiều người quan niệm chỉ
có một ở nước ta tức là Loge Maconique. Trụ sở của hội này lúc ấy đặt ở 197
đường Gambetta Hà Nội. Sự thực đó là Tam Điểm Le Grand Orient (viết tắt là
G.O.). Bên cạnh Tam Điểm này, ở nước ta lúc đó còn một hội Tam Điểm nữa: đó
là “Logemixte Internationale” có cả đàn ông và đàn bà làm hội viên. Trụ sở
hội này đặt ở Đường Thành (Rue de la Citadelle) gần đường Bùi Xuân Phái,
người ta còn gọi hội này là Tổ
chức Khổng Tử (Loge Confucius). Muốn làm chánh trị lúc bấy giờ, hầu
hết đều phải gia nhập một trong hai tổ chức nói trên, nhưng đa số người
Việt Nam làm chánh trị nhập tổ chức Khổng Tử. Người Pháp thu hút những nhà
ái quốc vào tổ chức một cách chu đáo lắm: hội viên toàn là người trí thức
như Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Quang
Oanh, bác sĩ Luyện, Phạm Huy Lục, Nguyễn Văn Luận… Đây là chỉ kể sơ một số
người đã mất, còn một số nay hãy còn sống hay đã già yếu hoặc hãy còn hoạt
động, chúng tôi trộm nghĩ không được phép kể tên.
Một số vấn đề chính trị như trực trị của ông Vĩnh và
bảo hoàng của ông Phạm Quỳnh đều được đem mổ xẻ tại tổ chức Khổng Tử. Tổ
chức này thảo luận một cách cởi mở và xây dựng các vấn đề văn hóa, đại khái
vấn đề cải tổ ngành giáo dục do Nguyễn Văn Vĩnh khởi xướng đã được đem ra
thảo luận với sự hội họp đông đảo của các nhà học giả Âu châu như bác sĩ
Nerr chẳng hạn… Những vấn đề kinh tế, xã hội, cũng được mang ra thảo luận
một cách xây dựng.
Trong các hội viên của “Loge Confucius” hầu hết đã
chịu tài hùng biện và sự “xuất khẩu thành chương” của Thượng Chi Phạm Quỳnh
cũng như tài giải quyết các vấn đề rất phiền phức khó khăn.
Một người bạn cùng nhập hội với ông Nguyễn Văn Vĩnh
cùng ngày, cùng giờ, hiện sống tại đây, cho biết rằng ông Nguyễn Văn Vĩnh
đã bị các hội viên người Pháp ở bên “Loge G.O.” quay hết sức về đủ mọi
phương diện, nhứt là về phương diện chánh trị, nhưng có được dự những buổi
chạy, những buổi chất vấn, văn lý lúc mới gia nhập hội, người ta mới biết
tài ứng biến của ông Vĩnh ra sao.
Có một điều cần minh xác - vẫn theo lời ông bạn già,
có một số người hoặc mù quáng, hoặc là tay sai của thực dân, tung tin ông
Vĩnh bán nước, nịnh Tây, nhưng ai đã được dự ngày khảo sát ông Vĩnh lúc gia
nhập hội thì mới biết người Pháp có nhiều chứng cớ để buộc tội ông là một
tay cách mạng nguy hiểm cho chánh phủ bảo hộ.
Người ta không thể quên được ông Marty, giám đốc công
an Đông Dương, đã dùng hết cách để mua chuộc ông Vĩnh, chẳng hạn lập tờ Trung Bắc Tân Văn (mà giám đốc là
một người Pháp ký tên là Y Trạm, tức là mấy chữ trong tên Marty ghép lại
như kiểu Khánh Giư bắt chước sau này ký bút hiệu là Khái Hưng).
Trong đời chánh trị của ông Vĩnh còn một sự việc độc
đáo, ngổ ngáo, rất trội là lúc ấy ai trông thấy vua cũng cúi đầu nem nép,
ngửng lên nhìn “mặt rồng” là can tội “ngạo mạn”, vậy mà lúc vua Khải Định
đến ga Hà Nội, Nguyễn Văn Vĩnh là người ngổ ngáo duy nhất dám xông ra bắt
tay Khải Định làm cho ông tổng đốc lúc bấy giờ té xỉu đi, muốn chết và sau
lại đã kêu cha kêu mẹ và xin thiết ngay một phiên triều đặc biệt ngay ở Hà
Nội để xử tử “tên phiến loạn Nguyễn Văn Vĩnh bút hiệu Tân Nam Tử”. Nực cười
thay, Tây lại cho thế là “lố bịch” bác bỏ lời yêu cầu của ông tổng đốc họ
Đặng, còn riêng vua Khải Định thì chỉ cười mà phê mấy chữ vào đề nghị của
ông tổng đốc nịnh thần “Bọn nó cũng kỳ!”. Sau vụ này, ông Vĩnh về nhà thì
bà Vĩnh hạ sinh một con trai, ông mới đặt tên là Kỳ.
Nguyễn Văn Vĩnh, trong đời sống chánh trị, quả là một
con ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè, ca hát cho người ta vui nhưng rút lại bị
con kiến nó chửi bới và chế nhạo. Tôi muốn nhắc lại vụ một nhà “ái quốc”
nổi tiếng văn chương mà ai cũng đã biết (về sau làm quan trong triều) làm
cách mạng bị bắt, được ông Vĩnh vận động xin tha. Nhà “ái quốc lão thành”
này cảm ơn ông Nguyễn Văn Vĩnh, về làm tờ Tân Thị Báo ít lâu rồi trở cờ sang giúp việc Nam Phong của Phạm Quỳnh, viết
một ký sự nổi tiếng được Phạm Quỳnh hết lời ca ngợi, và sau đó “chơi” lại
luôn Nguyễn Văn Vĩnh (chỉ thiếu một điều xúi Tây bắt giam ông Vĩnh).
Sau này, học giả Trần Trọng Kim nhắc đến vụ này vẫn
phàn nàn rằng “ông Vĩnh nuôi ong tay áo”.
Điểm thứ ba ông Vĩnh giống con ve sầu kêu ve ve suốt
mùa hè là ông Vĩnh chơi cái trò cao siêu nguy hiểm là tương kế tựu kế chống
Pháp nhưng đi chơi với Pháp (vì không có cách gì làm khác được) và lấy tiền
của Pháp để nuôi các nhà cách mạng, bao bọc các nhà ái quốc để cho họ đỡ bị
tù đầy, đánh đập, chết chóc. Chính ông đã dùng tờ Trung Bắc Tân Văn của Marty để nuôi các nhà cách mạng, lập
ra tủ sách này, tạp chí kia để lấy tiền viện trợ rồi “đem các anh em bị tù
tội được thả (như Hoàng Tăng Bí, Dương Bá Trạc)… hoặc bị tình nghi là chống
Pháp (như Nguyễn Đỗ Mục, tức Hì Đình Nguyễn Văn Tôi, Ngọc Thỏ Dương Mầu
Ngọc)…” về làm việc. Đó là một cách giúp đỡ và bảo vệ anh em, mà chính ông
Vĩnh không hề giấu giếm vì ông đã công khai nói nhiều lần với anh em: “Tôi
xin thú thực với các cụ, tiền nong, cũng như lương bổng, công ăn việc làm
không phải là của tôi vì các cụ thừa biết suốt đời tôi công nợ, giúp mình
chưa xong thì còn mong gì giúp ai. Tiền ấy ở đâu ra? Xin các cụ đoán lấy.
Mà chắc các cụ cũng biết rồi. Ấy thế mà thiên hạ vẫn cho tôi là thằng bán
nước lấy tiền của Tây và hưởng nhiều bổng lộc riêng của Chính phủ bảo hộ!”.
Tưởng cũng nên biết rằng lúc ấy ở nước ta dân chúng
chưa làm chánh trị. Mà cả các nhà trí thức cũng chưa làm chánh trị mà chỉ
làm cách mạng nghĩa là tụi Tây thì bỏ đi ra ngoài hoạt động và trông vào sự
giúp đỡ của ngoại nhân. Cái chánh trị “mới mẻ” mềm dẻo, tương kế tựu kế của
Nguyễn Văn Vĩnh đối với ta lạ hoắc cho nên đa số không hiểu nổi. Mặt khác
lúc ấy đa số nhân dân lại hăng, chỉ nghĩ đánh Tây đuổi đi ngay tức khắc chớ
không hề biết lượng sức mình, biết chờ đợi, biết lấy văn hóa làm cách mạng
như cụ Phan Tây Hồ.
Con ve sầu ve ve suốt mùa hè ca hát không phải để làm
cho vui tai mình nhưng chính là mua vui cho đời. Mải nghĩ cho đời nhiều quá
nên quên cả mùa gió bấc, đến nỗi không còn có cái gì để ăn… Đã vậy đến lúc
đến vay con kiến thì con kiến lại còn khinh bỉ và chế nhạo. Nguyễn Văn Vĩnh
cũng không khác con ve sầu của La Fontaine mấy chút.
Nhưng đáng buồn hơn cả là trong khi tranh đấu khó
khăn như thế cho lý tưởng, trong khi vận lộn với đời sống xã hội và bị
chính anh em phản bội, trong khi Tây tìm các cách đe dọa vì không mua chuộc
“hoàn toàn” được như họ đã “mua” được Phạm Quỳnh, một số anh em khác ăn
lương của Trung Bắc Tân Văn
lại “phá” Nguyễn Văn Vĩnh từ trong phá ra, từ trên phá xuống. Những người
này không hiểu chính trị mềm dẻo và cao của ông Vĩnh, đã đành, họ tưởng
rằng ông Vĩnh có nhiều tiền lắm nên người thì ăn cắp, người thì phá hại,
người thì lừa đảo, người thì quỵt nợ, người thì xin xỏ, người lại mưu
“phỗng tay trên” cái này cái kia, nên công cuộc của ông Vĩnh xây dựng mỗi
ngày mỗi suy sụp để đi đến chỗ phá sản chua cay - đúng với điều Tây mong
muốn.
Về sau này, có nhiều người phê bình ông Nguyễn Văn
Vĩnh cho rằng một phần sự thất bại của ông bắt nguồn tự nơi ông quá tin
người. Nói về sự tin người, ông Vĩnh quả đã tin người hết sức. Chẳng hiểu
đó có phải là một đức tính của những nhà lãnh đạo không, chớ phàm ông đã
giao cho ai làm một công việc gì hay nhờ ai giúp đỡ bất cứ về phương diện
nào cũng thế, ông không nghi ngờ gì hết và tin rằng ông sẽ được giúp đỡ đến
nơi đến chốn. Nói riêng về công việc làm báo Trung Bắc Tân Văn, ông đã nhờ ai giữ mục nào thì ông hoàn
toàn tin cậy nơi người ấy, đản hoặc nếu mục ấy có dở ông cũng chẳng phàn
nàn hay tìm người thay đổi, mà ông chỉ giúp đỡ ý kiến hay khuyến khích cho
người ấy cải tiến và làm cho mục ấy hay hơn. Tất cả bạn hữu và cộng sự viên
đều được ông che chở và binh vực đến cùng.
Thay vì tất cả đều hết mình giúp ông để cho đạt được
mục tiêu tranh đấu, một số người - như trên đã nói - lại lạm dụng lòng tốt
của ông hoặc vô tình hay hữu ý hại ông. Bây giờ có một vài người bạn già
của ông làm chứng cho tôi: những cử chỉ hèn hạ ấy ngày một ngày hai đều đến
tai ông hết, nhưng ông chỉ cười khà khà và không hề “đối phó” hay chấp nhận
một thái độ gay gắt với bất cứ người nào phản bội ông.
Trước cử chỉ “người lớn” đó, một số người thấy thế
cho rằng ông “mềm yếu” và do đó chê là ông quá tốt nên không thành đại sự.
Nhưng một số người khác rộng rãi hơn lại quả quyết ông Vĩnh không đạt được
mục đích của ông đã vạch và phá sản lúc đang lên chỉ là vì ông thiếu cán bộ
trung kiên, chớ thực ra tin người không phải là tính xấu. Dù sao những
người cùng thời với ông Vĩnh đều cho rằng ông là một người bất mãn, về
phương diện gì ông cũng chẳng được hài lòng: đồng chí tốt thì ít, đồng chí
xấu thì nhiều, làm ơn nên oán, thêm nữa lại bị nhiều người hiểu lầm và cái
oan ấy không bao giờ ông cải chính. Tôi nhớ đâu chỉ có một hai lần ông nói
và viết trên Annam Nouveau
một câu đại khái: “Tôi ước gì một ngày kia có rất nhiều tiền để làm một cái
nhà bằng kiếng để ở, để cho ai cũng trông thấy rõ từng cử chỉ, từng hành
động của tôi”.
Đời sống
tâm tình của ông Vĩnh
Không biết nói và viết ra câu đó, ông Nguyễn Văn Vĩnh
có nghĩ đến các con ông không, chớ thật ra thì trước khi bị người ngoài
hiểu lầm (hay là không hiểu) ông đã bị chính một phần lớn các con ông không
hiểu ông rồi.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh có hơn mười người con thuộc ba
dòng máu khác nhau, bởi vì sinh thời ông có tất cả ba mối tình. Người vợ
tấm mẳn tục kêu là cụ cả, không buôn bán như hầu hết các chị em phụ nữ lúc
bấy giờ. Bà thuộc chi họ một nhà bán sách ở 34 Hàng Mã Mây. Ông Vĩnh lấy bà
cả lúc ông còn làm thư ký ở Bắc Ninh. Bà cả là một người đàn bà hiền lành,
ít nói, không hề để ý đến công việc làm ăn của ông mà cũng không cần biết
đến đời sống tình cảm của ông. Bà là một người phụ nữ Việt Nam thuần túy:
lấy chồng chỉ biết có chồng, chồng bảo sao thì nghe thế và chỉ biết thờ
chồng nuôi con.
Bà cả sanh được ba gái là các cô Loan, Nội và Vân và
bảy trai là Nguyễn Hải (bác sĩ mất lúc hãy còn trẻ vì bịnh lao); Nguyễn
Giang thi sĩ, họa sĩ, chủ báo; Nguyễn Dương, thương gia, kỹ nghệ gia;
Nguyễn Phổ chuyên viên ảnh kẽm; Nguyễn Kỳ, Nguyễn Dực, Nguyễn Hộ. Trong số
này chỉ có một mình Nguyễn Dương vào đây và đã mất, còn lại đều theo kháng
chiến chống Pháp ở Hà Nội. Ba cô Loan, Nội và Vân cũng đều qua đời trước
khi xảy ra chiến tranh Pháp Việt.
Bà thứ nhì mà ông Vĩnh chung sống là bà Lựu, một phụ
nữ Thổ nổi tiếng một thời là đẹp và sắc sảo. Ông Vĩnh quen biết và ăn ở với
bà Lựu là do một người bạn là Francois Hợi (tức Nguyễn Huy Hợi) giới thiệu.
Bà Lựu sinh với ông Vĩnh được một con trai và người con trai ấy đã tự dành
được một chỗ ngồi xứng đáng trong văn học sử, tuy là mất đi rất sớm. Người
con trai ấy là cậu bé đứng chụp chung bức hình với ông Vĩnh mà chúng tôi
đăng ở đầu số báo này: đó là thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp, tác giả nhiều bài
thơ mà bây giờ người ta vẫn thường nhắc nhở, ngâm nga, như Chùa Hương, Sơn Tinh - Thủy Tinh, vở kịch nổi tiếng Người học vẽ và nhiều truyện
ngắn, kịch ngắn đăng trong Phong
Hóa, Ngày Nay.
Mối tình của thân mẫu anh Pháp với ông Vĩnh thực là
não nùng, bi thảm. Bây giờ tôi còn nhớ cả cái nhà bà ở, cái chết của bà và
những chuyện phiền phức gây ra vì khẩu súng lục của ông phủ Trọng (lúc ấy
làm quản lý đồn điền Sallé), nhưng thực quả là tôi không có can đảm thuật
lại vì linh hồn của ba người đã quá cố là bà Lựu, ông Vĩnh và bạn tôi là
Nguyễn Nhược Pháp.
|
Nguyễn Nhươc Pháp |
Mối tình thứ ba đem lại cho ông Vĩnh thêm ba người
con nữa là anh Nguyễn Phùng (hiện giờ là giáo sư đại học ở Pháp), Nguyễn
Hiến (Phó giám đốc Quan thuế phụ trách hành chánh) và Nguyễn Tứ (đã mất từ
hồi còn nhỏ).
Tôi không dám ngạo mạn đem so sánh ba mối tình ấy ở
đây, nhưng theo các bạn già đồng chí của ông Vĩnh, theo các bà con thân
thuộc còn lại và theo các bạn hữu trạc tuổi với tôi từng được theo học ông
Vĩnh từ lúc ông Vĩnh bước vào đời thì mối tình thứ ba là mối tình thơ mộng
nhất và đem lại nhiều an ủi nhất cho ông.
Bà Suzanne lúc biết ông Vĩnh, kém ông nhiều tuổi. Có
người bạn thấy sự chênh lệch đó và biết rằng bà S. chỉ hơn Nguyễn Hải (tức
là con trai lớn của ông) có một tuổi, khuyên ông nên nghĩ lại thì ông cười
mà bảo: “Các anh ở ngoài cuộc không thể biết nổi; đó là mối tình đầu tiên
của tôi”. Lúc ấy bà S. ở Gia Lâm. Trong cuốn Bốn mươi năm nói láo, đoạn viết về Nguyễn Văn Vĩnh, tôi đã
tiết lộ ông Vĩnh đắc ý nhất cuốn Mai
Nương Lệ Cốt về phần văn dịch và cứ hôm nào dịch xong vài trang thì
trước khi đưa cho nhà in xếp chữ đăng Trung Bắc Tân Văn, ông lại cho người tâm phúc đưa sang Gia
Lâm cho bà S. xem trước.
Cũng trong thời kỳ này, hai bên trao đổi thư từ với
nhau thường nhật, bằng cả chữ Việt và chữ Pháp. Tôi còn nhớ một bức thư
viết chữ Pháp bắt đầu như thế này: “Si réellement vous m’aimez comme vous
m’avez fait savoir…” (Tạm dịch: Nếu thật tình thư thư có lòng yêu tôi như
thư thư đã từng cho biết…). Cũng trong số báo này, có đăng một hình chụp
lại một bức thư viết bằng cả chữ Pháp lẫn chữ Việt của ông Vĩnh viết lần
chót gửi từ Lào là nơi ông đi tìm vàng về, bắt đầu bằng hai chữ “chou
chérie”: thư đó cũng là gửi cho bà S. trước khi ông từ giã cõi đời.
Mối tình này quả thật là thơ mộng, nhưng cũng đượm
máu và nước mắt, nhưng bao trùm tất cả, hết thảy bạn hữu của ông Vĩnh hiện
đang còn sống đến bây giờ vẫn còn nhắc nhở đến lòng hy sinh cao đẹp của
người đàn bà tân tiến vào hạng nhất lúc đó là bà S. vì lấy ông Vĩnh, đã
trút bỏ bộ áo đầm để mặc áo the, chít khăn vuông mỏ quạ, lái xe hơi cho ông
Vĩnh đi hết nơi này đến chỗ kia để tranh đấu chánh trị, xem xét các công
cuộc xã hội và điều đình các việc kinh doanh.
Nhưng chính lúc ông Vĩnh gặp được một người bạn đường
đắc lực như thế thì ông cũng bắt đầu phá sản, kết cuộc là ông đã phải cùng
ông Clémenti sang đất Lào để tìm vàng và tại nơi đèo heo hút gió ấy, ở xứ
ăn mắm ngóe xa xôi ấy, ông đã trút hơi thở cuối cùng, để lại một đàn con mà
phần lớn tưởng là bố giàu, ăn xài như phá, một bà vợ gần như tay trắng,
không biết cách gì có tiền để nuôi con, đành lại phải đổi bộ quần áo Việt
Nam lấy bộ áo đầm để đi làm nơi sở cũ kiếm ăn độ nhật, với hình ảnh người
chồng yêu mến mà một số người xốc nổi đã phao vu là “ăn tiền của Tây”.
Nguyễn Văn Vĩnh, “con ve sầu kêu ve ve suốt mùa hè”,
đến khi nằm xuống đã đặt gia đình vào một “nguồn cơn bối rối” đúng như thơ
ngụ ngôn La Fontaine. Con kiến thấy ve sầu đến vay, chế nhạo; nhưng con người
thì khác con kiến: thấy bà Vĩnh thủ tiết thờ chồng nuôi con, có một vài ông
sẵn sàng cho mượn địa vị và tiền nong, nhưng đối với những người tốt bụng
đó, bà vẫn nói: “Tôi có thể kiếm được chồng dễ dàng nhưng bao giờ tôi kiếm
được một người cha như ông Nguyễn Văn Vĩnh cho các con tôi”.
Bà sống với hồn ông Vĩnh như thế cho tới nay, ở một
nơi ít có bụi phồn hoa của đô thành: suối Lồ Ồ, tụng kinh niệm Phật để chờ
ngày gặp lại người bạn trăm năm đã từng là một thiên thần của làng báo,
làng văn nhưng chính lại bị báo chí và văn chương làm cho điêu đứng và bắn
gẫy cánh trong lúc còn toan bay nữa.
|
gia đình Nguyên Văn Vĩnh |
|
No comments:
Post a Comment