Nuôi dưỡng trái tim nồng ấm
Nếu chúng ta cứ coi mình là trung tâm và chỉ quan
tâm tới chính mình, sẽ dẫn tới sự thiếu tin tưởng, sợ hãi và nghi
ngờ. Quan tâm tới lợi ích của người khác sẽ làm giảm sợ hãi và nghi
ngờ, trong khi đó một tâm thức rộng mở và minh bạch làm phát sinh
niềm tin và tình bằng hữu.
Gia trì tôn tượng Tathagata Tsal và truyền trao giáo pháp tại Sikkim
Đức Đạt Lai Lạt Ma ban gia trì cho tôn tượng Tathagata Tsal tại
Ravangla, vương quốc Sikkim, Ấn Độ 25 tháng Ba năm 2013. Photo / Tenzin
Choejor / OHHDL |
Trong lời phát biểu, thủ tướng Pawan Chamling đặc biệt tri ân
lên Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đặt tên cho dự án tôn tượng Tathagata Tsal
và dành thời gian tới đại lễ gia trì ngày hôm nay. Ông nhấn mạnh
rằng người dân Sikkim từ lâu đã sống trong sự hòa hợp và nhiều tín
ngưỡng được tôn trọng nơi đây trong một tiểu bang với 328 chùa Phật
giáo, 318 thánh đường Hindu, 74 nhà thờ Thiên chúa, 7 nhà thờ Hồi
giáo và 2 thánh đường đạo Jain. Ông mong nguyện rằng quần thể tôn
tượng Phật sẽ thu hút khách hành hương từ khắp nhiều nơi. Ông nói
rằng chính phủ Sikkim hoạch định chính sách dựa trên các giá trị
Phật giáo, cam kết hỗ trợ các tôn giáo khác nhau và thúc đẩy các giá
trị tích cực nơi người dân. Ông nhắc tới việc, nương theo lời dạy
của Đức Đạt Lai Lạt Ma, một thư viện và trung tâm nghiên cứu sẽ được
thành lập trong quần thể của tôn tượng.
Tổng thống Sikkim, H.E. BP Singh, chia sẻ về ân phước của Đức Đạt
Lai Lạt Ma giành cho Sikkim và người dân nơi đây. Ông đã so sánh Thủ
tướng với vị Hoàng đế Ấn Độ Ashoka vĩ đại, ngài đã kiến lập vô
số các thánh tích, thiết lập Phật giáo trên khắp Ấn Độ và quản lý
đất nước dựa trên các giá trị Phật giáo. Ông kêu gọi công chúng
hãy khắc ghi lời dạy của Đức Phật về bất bạo động và lòng từ bi.
Tiếp đến Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chúc mừng và dạy rằng:
"Tôi đã đến để gia trì cho tôn tượng rất đặc biệt này; chúng
ta đã cử hành các nghi thức Hộ pháp Phổ ba Kim cương
(Vajrakilaya), bởi vì thánh địa có nhân duyên về mặt lịch sử với
Bản tôn thiền định này. Bản thân nơi chốn này rất thanh bình,
rộng mở và an bình, và tôn tượng làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên của
cảnh quan nơi đây, do đó tôi mong nguyện tất cả sẽ truyền cảm hứng,
mang lại sự chuyển hóa nội tâm cho những người hành hương tới đây.
"
Đức Đạt Lai Lạt Ma cùng Gyaltsap Goshir Rinpoche (bên trái), Thống
đốc Sikkim BP Singh và Thủ tướng Pawan Chamling (R) tại đại lễ
gia trì tôn tượng Phật Tsal Như Lai, Ravangla, Sikkim, Ấn Độ 25 tháng
ba năm 2013. Photo / Jeremy Russell / OHHDL |
Ngài chia sẻ rằng ngài đã biết đến thủ tướng trong nhiều năm và
rất ngưỡng mộ các dự án xây dựng di sản Phật giáo tại Sikkim,
trước đây là tôn tượng đạo sư Liên Hoa Sinh (Guru Padmasambhava)
trên đồi Samdruptse, bây giờ là tôn tượng Đức Phật và cả tôn tượng
Bồ tát Quán Âm sắp hoàn thành.
"Tôi cầu nguyện rằng tất cả những tâm nguyện cao quý của quý
ngài sẽ nhanh chóng thành tựu viên mãn không chút trở ngại.”. Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng giáo pháp của Đức Phật
bao gồm vô số phương pháp để rèn luyện tâm thức, theo khuynh
hướng, căn cơ mỗi chúng sinh.
Giáo pháp của đức Phật được kết tập trong hơn 300 tập
Kangyur và Tengyur kinh điển Phật giáo, mà chúng ta cần tu học. Kinh
sách không chỉ là đối tượng để kính ngưỡng, thờ phụng mà chúng ta
cần mở ra và đọc. Chúng ta cần phải biết tâm thức vận hành như
thế nào, những cảm xúc vận hành ra sao. Cầu nguyện là chưa đủ, chúng
ta phải trưởng dưỡng thân tâm. Văn học Phật giáo rất phong phú kiến
thức về tâm thức và ngày nay đang thu hút sự quan tâm của các nhà
khoa học hiện đại, những người nhìn thấy những phương pháp này như là
cội nguồn đích thực của sự an bình nội tâm.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ với thính chúng vào dịp đại lễ gia
trì tôn tượng Phật Tathagata Tsal, Ravangla, Sikkim, Ấn Độ 25 tháng
ba năm 2013. Photo / Tenzin Choejor / OHHDL |
Khán đài phía trước tôn tượng Tathagata Tsal, Ravangla, Sikkim, Ấn Độ 25 tháng ba năm 2013. Photo / Tenzin Choejor / OHHDL |
Thính chúng lắng nghe giáo pháp, Ravangla, Sikkim, Ấn Độ 25 tháng ba năm 2013. Photo / Tenzin Choejor / OHHDL |
Vào buổi chiều, Đức Đạt Lai Lạt Ma trở lại khán đài chia sẻ về
bộ luận "37 phẩm Bồ tát hạnh" của đại học giả Ngulchu Thogme
Sangpo. Ngài luận giải rằng Pháp có thể được hiểu là cứu vớt
chúng ta khỏi khổ đau. Pháp là một thuật ngữ có thể được áp dụng cho
tất cả các truyền thống tôn giáo trên thế giới. Chúng ta có thể đặt
câu hỏi Pháp bảo vệ chúng ta khỏi đau khổ bằng cách nào. Pháp có
năng lực như vậy bởi giúp rèn luyện chúng ta điều phục được các
cảm xúc tiêu cực đang làm phát sinh khổ đau. Pháp cho phép ta chuyển
hóa thân tâm tự do khỏi khổ đau.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chia sẻ về sự khác biệt giữa các tôn giáo hữu
thần, có xu hướng đặt niềm tin vào một đấng sáng tạo và những truyền
thống tôn giáo vô thần không tin tưởng vào đấng sáng tạo, mà thay vào
đó dựa trên nền tảng luật nhân quả. Phật giáo dạy rằng nếu bạn làm
điều thiện bạn có khuynh hướng đạt được quả thiện và nếu bạn làm điều
ác, bạn tạo ra các nhân của khổ đau và bất an. Từ quan điểm này,
những trải nghiệm khổ đau và an lạc đều phụ thuộc vào mỗi chúng
ta. Ngày nay, tất cả các chính truyền thống tôn giáo của thế giới đang
phát triển mạnh ở Ấn Độ, nơi đây sự tôn trọng và hòa hợp giữa các
truyền thống là một thực tại từ cổ xưa nhưng lại rất sống động.
Chư Phật đã từ bi hiển thị cho chúng sinh con đường để có thể
chứng đạt giải thoát giác ngộ. Thogme Sangpo là một vị Bồ Tát và một
hành giả trứ danh, ngài đã từ bi trước tác nên bộ luận này.
"Một khi chúng ta đã cùng tìm hiểu bộ luận với nhau, xin hãy
đừng lãng quên và để bụi bám trên kệ sách. Chỉ để kinh sách
trong nhà thôi thì không có nhiều lợi ích, bạn phải đọc, tư duy
về ý nghĩa, và trở nên thấm nhuần với lời kinh. Bạn phải áp dụng
giáo pháp vào trong đời sống hàng ngày. Tôi đã được truyền trao
bộ luận này từ đại học giả thành tựu Kunnu Lama Rinpoche, Tenzin
Gyaltsen. "
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc lại rằng con đường Bồ Tát cần phải được thực
hành chứ không chỉ đơn thuần là đối tượng của cầu nguyện; cũng như
Đức Phật đã làm, bạn hãy thực hành và tích lũy công đức. Đây là
cách thức làm cho đời sống của chúng ta có ý nghĩa. "37 phẩm"
truyền dạy về các ứng dụng trong con đường thế gian, sau đó hướng
đạo các cách thức để phát triển tâm tỉnh thức giác ngộ. Tiếp đến
các phương tiện thiện xảo, trí tuệ và sáu Ba la mật, và cuối cùng là
hồi hướng, kết thúc 37 phẩm thực hành.
Ngày 26 Tháng 3 năm 2013 - Quán đỉnh Bạch độ Phật mẫu
Trường thọ tại Ravangla và Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy
rằng chỉ viếng thăm chùa, tự viện và tán tụng cầu nguyện không
tận trừ được bóng tối của vô minh đang che mờ chúng ta, chỉ có trí
tuệ mới là đối trị cho quan kiến lầm sai nơi mỗi người.
Đức Đạt Lai Lạt Ma truyền trao giáo pháp tại Ravangla, Sikkim, ngày 26 tháng 3 năm 2013. Photo / Tenzin Choejor / OHHDL |
Bát Nhã Tâm Kinh dạy rằng ngũ uẩn không có tự tính cố hữu,
sắc chính là không, không chính là sắc, điều đó không có nghĩa
là không có sắc tướng mà sắc tướng tồn tại phụ thuộc vào các
duyên bên ngoài. Khi chúng ta thấy một thứ gì hấp dẫn, chúng ta
khuyếch đại những phẩm chất của nó. Nhà tâm lý học người Mỹ Aaron
Beck đã chia sẻ với ngài rằng, 90% phản ứng của chúng ta trong
những trường hợp như trên là do phóng chiếu của chính tâm ta. Quan
điểm này phù hợp với luận giải của đức Long Thọ. Kết luận trên của
những nhà khoa học không dựa trên niềm tin, mà dựa trên các thí
nghiệm và suy luận.
Một trái tim nồng ấm sẽ mang lại lợi ích cho tất thảy mọi người.
Nếu, thay vào đó, bạn lừa dối, chèn ép và lợi dụng người khác, bạn
sẽ không hạnh phúc, bạn sẽ không có bình an nội tâm. Vì vậy
tốt hơn hết là hãy chia sẻ một trái tim nồng ấm. Không làm tổn
hại chúng sinh, năng làm những việc lành, tịnh hóa các nghiệp
chướng, đó là con đường dẫn tới Phật quả.
Trong đại lễ quán đỉnh Bạch độ Phật mẫu Trường thọ, Đức Đạt
Lai Lạt Ma đã hướng đạo cho toàn thể thính chúng một nghi thức
toát yếu khai phát Bồ đề tâm tỉnh thức, hạnh nguyện Bồ tát.
Ngài dạy rằng ngài luôn phát hạnh nguyện Bồ tát mỗi ngày, bắt
đầu với nguyện lực sống mỗi ngày nương theo giáo pháp của Đức Phật.
Về quán đỉnh Bạch độ Phật mẫu mà ngài đang truyền trao, ngài dạy rằng:
"Giáo pháp này xuất phát từ truyền thừa quan kiến bí mật của
Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ V. Tôi đã thụ nhận được những quán đỉnh
và khẩu truyền và đã nhập thất nghiêm mật các giáo pháp này,
tôi truyền trao giáo pháp này tại nơi đây bởi vì vương quốc
Sikkim có nhân duyên với giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ V".
Tiếp theo ngay sau buổi lễ quán đỉnh là lễ cúng dường lên Đức Đạt Lai Lạt Ma, thỉnh cầu ngài trường thọ.
Sau đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã tới thủ phủ Gangtok bằng đường bộ.
Tất cả dọc theo tuyến đường, ở các thị trấn và các làng mạc, hàng
ngàn người đứng xếp hàng dọc hai bên đường, cầm khăn chúc phúc
và hoa, đốt hương trầm để cung đón Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tại Kendra
Manan thủ phủ Gangtok, ngài đã giảng pháp cho khoảng 1000 sinh
viên.
Rất đông thính chúng tham dự lễ quán đỉnh Bạch độ Phật mẫu
được trao truyền bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Ravangla, Sikkim, ngày 26
Tháng 3 năm 2013. Photo / Tenzin Choejor / OHHDL |
"Trước hết, tôi xin lỗi vì đã đến trễ gần một giờ", Đức Đạt Lai Lạt
Ma bắt đầu, "bởi vì thời tiết bất ổn tại Ravangla nên chúng tôi quyết
định đi bộ thay vì máy bay trực thăng, do đó thời gian lâu hơn. Tuy
nhiên, tôi được trao cơ hội chiêm ngưỡng các ngôi làng, người dân,
các vườn chè, những khu rừng và các vườn hoa lan tuyệt đẹp của
các bạn. Đây là một khu vực rất xanh tươi trù phú, các bạn rất có
phước duyên được sinh sống nơi đây.
"Tôi vô cùng hoan hỷ được gặp gỡ quý thiện hữu tri thức trẻ
tuổi ngày hôm nay. Thời gian luôn vận động không ngừng nghỉ, không
có gì làm dừng lại được. Thế kỷ hai mươi đã trôi qua và cùng với
đó là rất nhiều người trong thế hệ của chúng tôi. Đó có lẽ là thế
kỷ quan trọng nhất trong lịch sử về sự thay đổi và phát triển công nghệ,
nhưng cũng là một kỷ nguyên của bạo lực khủng khiếp nhất. Nhiều
người ước tính có 200 triệu người đã chết, là kết quả của bạo lực trong
thế kỷ XX. Đây là lý do tại sao điều quan trọng là hãy tận dụng các
cơ hội để làm cho thế kỷ XXI hòa bình hơn."
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chỉ ra rằng, ở mức độ toàn cầu, dân số đang
ngày càng tăng, nhưng nguồn tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt. Có
một khoảng cách lớn giữa người giàu và người nghèo, giữa các nước khu
vực Bắc và Nam. Ngay cả khi sự phát triển đi đầu ở một số nơi trên
thế giới, thì ở nhiều nơi khác nạn đói vẫn xảy ra. Ngài dạy
rằng chúng ta cũng cần đồng thời phải nâng cao mức sống của nhiều
người. Ngay bây giờ chúng ta đang có một cơ hội để có một hướng đi mới,
nếu nỗ lực, chúng ta có thể chuyển hóa những sai lầm trong quá khứ của
mình.
"Các bạn, những ai chưa đến 30 tuổi thật sự thuộc về thế
kỷ 21. Tương lai nằm trong tay các bạn. Thế kỷ này tràn đầy sự an
lạc hay sợ hãi và phá hủy đều hoàn toàn phụ thuộc vào các
bạn.”
Một bé trai đã lên cúng dường đức Đạt Lai Lạt Ma khi bắt đầu
buổi giảng pháp với sinh viên ở Gangtok, Sikkim, ngày 26 tháng ba
2013. Photo / Jeremy Russell / OHHDL |
Đức Đạt Lai Lạt Ma dạy rằng, ngài luôn coi bản thân chỉ là một
trong 7 tỉ con người, là những động vật xã hội, phụ thuộc vào phần còn
lại của cộng đồng. Là con người, chúng ta có một trí tuệ tuyệt hảo,
ta nên sử dụng nó để thu hẹp khoảng cách giữa bề ngoài và hiện thực.
Thế hệ trẻ ngày hôm nay là niềm hy vọng của chúng tôi cho tương lai,
trong khi thế hệ cũ, thế hệ của ngài bây giờ có trách nhiệm phải nói
với các bạn trẻ về những sai lầm mà họ đã làm trong quá khứ.
"Là động vật xã hội, nhân tố trọng yếu để có một đời sống an
lạc là tình bằng hữu, sự tin tưởng và tâm thức rộng mở. Tất cả
chúng ta đều như nhau, đều là thành viên của cùng một gia đình nhân
loại. Niềm tin tưởng là nền tảng của tình bằng hữu và chúng
ta sẽ có được, nếu như, bên cạnh những kiến thức có được từ giáo
dục phổ thông, ta phát triển một trái tim nồng ấm. Điều
này đưa đến sự tự tin và sức mạnh nội tâm, thông qua niềm tin và tình
bằng hữu sẽ dẫn đến sự hợp tác với những người khác. Nhưng
nếu chúng ta cứ coi mình là trung tâm và chỉ quan tâm tới chính
mình, sẽ dẫn tới sự thiếu tin tưởng, sợ hãi và nghi ngờ. Quan tâm tới
lợi ích của người khác sẽ làm giảm sợ hãi và nghi ngờ, trong khi
đó một tâm thức rộng mở và minh bạch làm phát sinh niềm tin và tình
bằng hữu.
"Nhiều nhà khoa học nổi tiếng đang bắt đầu thừa nhận rằng
một trái tim nồng ấm rất có ích cho sức khỏe thể chất của chúng ta
bởi vì nó mang lại bình an nội tâm. Họ có bằng chứng cho thấy một tâm
thức lành mạnh là yếu tố quan trọng giúp duy trì một cơ thể khỏe
mạnh".
Đức Đạt Lai Lạt Ma nhắc lại rằng ngài chia sẻ với tư cách như một
con người như bao người khác. Sự khác biệt duy nhất giữa ngài và các
sinh viên đang lắng nghe là họ còn trẻ và ngài đã ở tuổi 78. Ngài
nhận thấy khi cho rằng mình là người Tây Tạng, là một Phật tử, là
Đức Đạt Lai Lạt Ma, một sự phân biệt thứ yếu, nó tạo ra khoảng cách
với nhiều người và tạo ra các rào cản để tiến bộ.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ giáo pháp với hơn 1000 sinh viên tại
thủ phủ Gangtok, Sikkim, ngày 26 tháng ba năm 2013. Photo / Jeremy
Russell / OHHDL |
Người Tạng và người Sikkim cùng chia sẻ truyền thống tâm linh
chung và tri thức Tây Tạng khởi nguồn từ truyền thống Nalanda, nơi
mà nghiên cứu và phân tích luôn được coi trọng.
"Đừng nghĩ Phật giáo chỉ là những lời cầu nguyện, gõ
trống, thổi tù và hay treo cờ cầu nguyện. Tất cả các nghi thức đó
đều có vai trò của mình, nhưng không có bằng chứng nào về các bậc
thầy Nalanda từng tham gia các nghi thức như vậy. Các ngài tu học
và áp dụng những điều đã được học vào trong sự thực hành."
Một phụ nữ trẻ đã đặt câu hỏi liệu nghiệp tiêu cực có thể được thay
đổi, Đức Đạt Lai Lạt Ma cho rằng đó là một câu hỏi hay, nhưng tự hỏi
liệu “tiếng Anh chưa thuần thục” của ngài có đủ trả lời. Ngài dạy
rằng:
"Hãy tưởng tượng một buổi sáng bạn mất bình tĩnh và nói những
lời nặng nề với một ai đó và làm tổn thương họ. Điều này tạo ra nghiệp
xấu. Nhưng nếu vào buổi chiều, bạn gặp lại người đó, bạn xin lỗi và
kết bạn trở lại thì nó giúp thanh lọc các nghiệp xấu.”
Một học sinh khác hỏi: "Nhiều người coi ngài là một đấng thượng đế, như vậy có đúng không?"
Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời đơn giản: "Một số người coi tôi
là “Thượng đế sống”, có người khác lại coi là “quỷ”- cả hai
đều là vô nghĩa. Tôi coi bản thân là một con người bình thường".
Thính chúng lắng nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Gangtok, Sikkim, ngày 26 tháng 3 năm 2013. Photo / Jeremy Russell / OHHDL |
Với câu hỏi làm thế nào để điều phục lòng tham, Đức Đạt Lai Lạt
Ma khuyên hãy phân tích giá trị của tiền. Hãy tự hỏi liệu nó thực sự
mang lại hạnh phúc. Hãy hỏi xem những người sống trong cảnh xa xỉ
liệu thực sự hạnh phúc hơn. Ngài nhớ lại rằng trước đây ngài đã
chia sẻ tại Gangtok về giới hạn của giá trị vật chất, trong khi
giá trị của sự phát triển tinh thần là vô hạn.
Cuối cùng, một sinh viên đặt câu hỏi liệu sự giận dữ có bao giờ
mang lại bất kỳ lợi ích nào không. Ngài đã dạy rằng, nó phụ
thuộc vào lợi ích nào ở đó. Nếu có một thái độ hay thực
hiện một hành động gay gắt để bảo vệ hay bênh vực lợi ích
của người khác, thì đó cũng có thể là một lý do chính đáng.
Nhưng, ngài dạy rằng, điều này cho thấy sự cần thiết phải tìm
hiểu và học hỏi để đối trị được những cảm xúc của chúng ta. Ngài
khuyên người đặt câu hỏi nên tìm hiểu bộ luận “Nhập Bồ Tát
hạnh” của đạo sư Shantideva, ở đó luận giải rõ về chủ đề này.
Ngài cho biết ngài đã thụ nhận sự luận giải về bộ luận vào năm
1967, đã tụng đọc nhiều lần và đã truyền dạy khoảng 30 đến 40 lần
kể từ đó. Ngài cho rằng chương 6 & 8 có những lời dạy đặc biệt
hiệu quả, bộ luận có sẵn bản dịch tiếng Tây Tạng và tiếng Anh. Ngài
dạy rằng:
"Bộ luận đó không đắt tiền; hãy mua và đọc."
Phúc Cường trích dịch
No comments:
Post a Comment