2013
(Lê Minh Phong phỏng vấn các nhà văn, nhà thơ đương đại)
Lê Minh Phong: Theo anh chị, có hay không những yếu
tố cần phải loại trừ trong văn chương Việt hiện thời. Nếu có thì vì sao
chúng lại cần phải loại trừ?
Nguyễn Danh Lam: Trên tinh thần tự do, tôi nghĩ văn chương cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác, không có yếu tố nào là yếu tố cần loại trừ. Ngay cả trong phạm trù… hình sự, luật pháp, muốn “loại trừ” một cái gì đó cũng không hề đơn giản. Nó phải thuộc cỡ “tội phạm không thể cải tạo”. Trong văn chương, liệu có loại “tội phạm” này không nhỉ? Nếu có, đối tượng loại trừ nó chính là bạn đọc. Vấn đề có chăng, tôi nghĩ là phải nâng cao dân trí, để bạn đọc không loại trừ oan những kiệt tác, khi… họ đọc hoài mà chẳng hiểu, bèn để chúng mốc meo trên giá sách. Nhưng ngay cả việc này cũng không thể can thiệp thô bạo. Cần phải có thời gian. Việc của nhà văn tôi nghĩ là cứ viết.
Lý Đợi: Để trả lời câu hỏi này, nếu chi tiết, rất cần sự dài dòng, bởi lịch sử văn chương đã cho ta thấy một sự thật: để xác định cho được “những yếu tố cần phải loại trừ” là không hề đơn giản, thậm chí, bất khả. Qua thời gian, tiêu chí về những điều cần phải loại trừ, nếu có, cũng sẽ “trội/lặn” khác nhau, thay đổi khôn lường, thật khó để mà khư giữ như một thước đo vững bền. Chính vì thế, cách tốt nhất là đừng loại trừ, mà hãy để mọi thứ cứ bình đẳng sinh sôi, qua chu trình sinh lão bệnh tử, cái nào rồi chẳng tự nhiên mất đi, sớm hay muộn mà thôi. Hơn nữa, văn chương Việt hiện thời còn quá manh mún, yếu ớt và đơn điệu, chưa đủ “những yếu tố” khác biệt để mà cạnh tranh, làm gì đến mức loại trừ nhau. Mà có muốn loại trừ cũng không đủ lực, vì yếu thì làm sao… “ra gió”. Đó là chưa nói, trong tinh thần tìm kiếm cách chung sống tôn trọng sự khác biệt hoặc bản sắc riêng, mọi yếu tố đều có lý để tồn tại, “tính mặt trận” theo kiểu triệt tiêu lẫn nhau là rất ấu trĩ.
Khánh Phương: Xét về mặt sáng tạo thuần túy, không có bất cứ chất liệu gì, tính chất gì, cảm thức nào, lối viết nào, thao tác kỹ thuật nào, mỹ cảm nào..., mà lại cần phải loại trừ hay “đặt trong vùng cấm”. Đặt vấn đề “loại trừ” hay “vùng cấm” trong hoạt động sáng tạo thuần túy có nghĩa là không bao giờ có được sự sáng tạo theo đúng nghĩa của nó.
Nhưng, nếu xét về thái độ đối với hoạt động sáng tạo, xét về nguồn nhân lực của sáng tạo, thì lại có những yếu tố phải loại trừ. Ví dụ, thái độ đối với hoạt động sáng tạo. Có những hiện tượng không công bằng, phân biệt đối xử, ví dụ người viết cùng phe cánh với mình thì bốc thơm, người ngoài phe cánh thì coi như không tồn tại chẳng hạn. Hay cơ hội, mượn hoạt động sáng tạo văn chương cho những mục tiêu không văn chương. Những thái độ này cần phải loại trừ nếu muốn có một đời sống văn chương lành mạnh. Đối với nguồn nhân lực sáng tạo, cần phải loại trừ sự lười biếng, lặp lại chính mình, không có bước tiến nào so với hàng chục, vài chục năm trước.
Lê Vĩnh Tài: “Nhạy cảm”, “Cấm kỵ”, “Húy”… bao nhiêu yếu tố cần phải loại trừ trong văn chương Việt, từ xưa đến nay chứ đâu chỉ “hiện thời” như anh nói. Tuy nhiên, văn chương Việt hôm nay đối mặt với những chuyện “húy” theo một cách vô cớ, đang thành hài hước. Bỏ qua chuyện “chính trị, quan điểm”, cũng cũ và mệt mỏi quá rồi, ngay về sex cũng lắm chuyện. Nếu như người ta kết tội văn “trẻ” đang lạm dụng chuyện này thì với hình ảnh “máu chảy giữa hai đùi” của nhà văn khi nói về lần kinh nguyệt đầu tiên của cô gái trong Cánh Đồng Bất Tận lại lấy được nước mắt bao nhiêu bạn đọc. “Yếu tố cần loại trừ” là “máu” trong kinh nguyệt vẫn hay phải né tránh, giờ đã nhẹ nhàng như hình ảnh trời xanh mây trắng vịt bơi thuyền trôi… trên cánh đồng nước nổi xứ ấy. Vậy, vấn đề còn là tài năng của nhà văn.
Chúng ta chấp nhận những cái “cần loại trừ” vì dù sao nhà văn viết trong một chuẩn mực đạo đức xã hội, không thể khác. Ẩn dụ một chút cũng không sao. Chán nhất là những suy diễn vô cớ tạo điều kiện cho những thứ nhạt nhẽo lên ngôi, và chiều ngược lại là giả “cực đoan”, giả “nhạy cảm”, giả “húy”… để giả/đóng vai “dũng cảm” theo một cách hài hước mà chỉ có thời này mới có.
Nhưng tôi thấy sự “Húy” hiện nay cũng không phải là áp lực của người viết, mà mệt nhất là bạn đọc đã không còn coi văn chương là món ăn tinh thần của họ như ngày nào. Sự lạnh nhạt của bạn đọc là nỗi ám ảnh và là nỗi khiếp sợ của nhà văn hôm nay khi cầm bút chứ không phải chuyện “Húy”.
Đông Hà: Tôi nghĩ đời sống văn chương hôm nay đang có sự sôi động riêng của nó. Chưa bao giờ văn chương phát triển “rầm rộ” như hiện nay. Người làm thơ nhiều, người viết văn nhiều. Người trẻ làm thơ, người nghỉ hưu làm thơ. Người làm công việc dính dáng đến văn chương viết văn đã đành, đến cả ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ… cũng cầm bút viết văn thì khỏi phải nói đến sự bùng nở của văn chương như thế nào.
Nên nhìn một cách khái quát, văn chương Việt đang mang một diện mạo đa màu sắc. Có thứ văn chương giải trí, văn chương giãi bày, văn chương dưỡng già, văn chương phô diễn và văn chương nghề nghiệp. Ở đây tôi chú trọng loại văn chương nghề nghiệp hơn cả. Bởi ở đó người cầm bút nghiêm túc với những thứ mình viết thực sự. Người viết có ý thức nhiều hơn về sự toàn diện ở một tác phẩm mình làm ra.
Văn chương Việt đang chứa đựng nhiều yếu tố trong bản thân nội tại của nó. Các cuộc tranh cãi về sự cách tân thơ đã nổ ra âm ỉ từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay xem chừng vẫn chưa ngã ngũ. Ở đây tôi chú ý đến quan niệm thơ cũ và thơ đương đại vẫn đang có sự tranh luận ráo riết. Việc tranh cãi giữa thơ có vần và thơ không có vần, giữa cái được cho là cũ với cái được xem là Tân hình thức cũng khiến cho nhiều diễn đàn dậy sóng. Giải thưởng của các tổ chức uy tín trao tặng cho các tập thơ thiên về sự cách tân đổi mới cũng chưa thuyết phục được độc giả. Người ta vẫn còn đang phân vân nghi ngại rất nhiều trong vấn đề nên giữ thơ theo kiểu cũ hay đổi thơ theo cái mới.
Tuy nhiên, dù cũ hay mới, dù thế nào đi chăng nữa, văn chương Việt hiện nay cần loại bỏ bớt kiểu thơ cổ động và văn minh họa. Xuất phát từ quan niệm văn học là vũ khí chiến đấu, đã quá lâu chúng ta hướng ngòi bút vào một mặt trận nào đó được đặt ra để rồi lại cho ra đời và cổ vũ cho loại văn chương phản ánh một vấn đề này một vấn đề kia theo kiểu tôn xưng hoặc phê phán. Kiểu này, thời kỳ văn học chống Mĩ và hậu chiến, chúng ta đã làm xong.
Đã đến lúc giở một tờ báo/ tạp chí chuyên ngành văn học ra, chúng ta không nhất thiết phải gặp bất kỳ bài viết nào mang tính định hướng nữa. Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại. Nhà văn cũng là người có thiên hướng dự cảm trước thời đại. Hãy cho phép nhà văn nói lên tiếng nói của mình trước cuộc sống. Và xa rời thể loại cổ động, minh họa.
Lê Minh Phong: Là người sáng tạo trong bối cảnh dung hợp nhiều trào lưu như hiện nay, anh chị có hướng sáng tạo của mình tới một trào lưu nào đó hay không, như Hậu hiện đại, Tân hình thức chẳng hạn?
Khánh Phương: Những trào lưu, hay còn gọi là lối viết, đã thịnh hành trên thế giới, như lối viết siêu thực, tượng trưng, lối viết hậu - hiện đại, tân - hình thức, chủ nghĩa cổ điển tự nhiên, lối viết hiện thực huyền ảo… đáp ứng nhu cầu bộc lộ tâm thức và sáng tạo trong hoàn cảnh thế giới và con người biến đổi, cũng như nhu cầu có được những lý thuyết mới trong việc thực hành ngôn ngữ. Đôi khi, một số trào lưu cũng đáp ứng nhu cầu bông đùa với chữ nghĩa hoặc đời sống, như một kiểu “sáng tạo”. Các trào lưu kể trên cũng để lại những tên tuổi đỉnh cao trong văn chương, mà theo lịch sử văn học, manh nha từ thế kỷ 19, kéo dài qua thế kỷ 20 cho tới tận thời điểm này, những tên tuổi nào thì tôi miễn kể ở đây vì đã quá quen thuộc. Biết tới và học tập kinh nghiệm ngôn ngữ của các nhà văn lớn từ các trào lưu đó là điều bắt buộc, cái này còn được gọi là “kiến thức nền”. Tôi kinh ngạc biết rằng, một số người viết ở Việt Nam, cũng “nổi tiếng” hẳn hoi, hoàn toàn không thèm biết tới những kiến thức nền này. Họ chỉ viết bằng kinh nghiệm ngôn ngữ có được từ trải nghiệm sống cá nhân (những gì họ đã trải qua).
Nhưng, khi thực sự viết, dù “nghịch chữ” hay “nghiêm túc”, không ai lại ngoái đầu nhìn những “kiến thức nền” làm gì cả. Người viết không thể bị câu nệ vào kiến thức.
Đông Hà: Dù sáng tác trong hoàn cảnh nào, tôi cũng chỉ mong tác phẩm của mình được độc giả đọc được. Tôi không câu nệ thơ cũ hay mới, cũng không nhất nhất bắt mình phải đi vào vũ điệu của Tân hình thức hay Hậu hiện đại mà chỉ luôn băn khoăn mình đã nói được điều gì trong tác phẩm đó và tác phẩm vừa viết ra có phải là mình không, liệu độc giả khi đọc có chấp nhận nó như một tác phẩm văn chương không? Thơ Đường cũ rích, nhưng giờ đọc lại đôi câu vẫn rợn người, thơ văn Lý Trần cũ rích nhưng đọc lại câu kệ của Mãn Giác thiền sư vẫn đắm đuối. Bởi những tác phẩm đó đã nói được cái điệu sống thời của họ. Thì tác phẩm mình có làm được vậy không? Chứ loay hoay mới cũ tân hình thức hậu hiện đại mà không nói được chút gì thời mình sống, thì thôi, nên bỏ.
Biết đâu đến một lúc nào đó, với những gì mình để lại, nếu thực sự có giá trị, thì bản thân nó sẽ trở thành một trào lưu mới thì sao???
Lê Vĩnh Tài: Tôi nghĩ “hậu hiện đại” ở Việt Nam đang bị suy diễn và xa dần với nghĩa thực của chính nó. Đọc các bài viết về “hậu hiện đại” ở Việt Nam hiện nay cứ “đá” nhau, tức anh ách. Thành ra thì cứ viết thôi. Viết như những gì mà đến giờ tôi vẫn còn có thể hiểu và thích. “Tân hình thức” lại là một chuyện khác, thuần kỹ thuật hơn. Mà kỹ thuật thì nghề nào không cần, chẳng cứ gì văn chương.
Lý Đợi: Theo quan sát của tôi, một tác giả bậc thầy thường có tối thiểu ba thứ trong “văn bản” của người đó. Đầu tiên là hiểu biết về “lịch sử văn chương/ nghệ thuật”, trực tiếp hoặc gián tiếp, nơi mà người đó sẽ “xưng danh” với đời. Những tác giả “đẻ ngang hông” theo nghĩa hoàn toàn mù lịch sử vấn đề thì thường chỉ là “tiểu văn nhân loại khá”, dù trời có cho một mớ năng khiếu. Thứ hai, là hiểu biết về “lịch sử mỹ học”, để qua đó tìm kiếm cái gu thẩm mỹ (hoặc phản thẩm mỹ) cho tác phẩm của mình. Những tác giả nào không phác họa được bối cảnh mỹ học (hoặc phản mỹ học) trong tác phẩm thì vĩnh viễn chỉ là loại văn chương minh họa, tuyên truyền hay giải trí thường tình. Thứ ba, là hiểu biết về “lịch sử kỹ thuật viết”, chẳng thể có một tác giả tử tế, chứ đừng nói nhà cách tân hay bậc thầy, mà cách viết hoặc bút pháp nói chung của người đó “vẫn y như cũ”, nghĩa là xưa sao nay vậy. Các bậc thầy văn chương luôn là người “tạo ra” hoặc “hoàn chỉnh” một trào lưu, một trường phái nào đó. Các bậc thầy đã như vậy, hạng tác giả cóc con như tôi, chuyện ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi, nói cách khác, không chịu ảnh hưởng mới lạ, còn ảnh hưởng là bình thường.
Hơn nữa, ngoài chuyện sống trong không gian và thời gian theo nghĩa vật lý, con người còn phải sống trong thời đại của mình. Đương nhiên không thể và không bao giờ có tình trạng tất cả loài người sẽ được sống cùng một thời đại, nhưng ước muốn ấy thì nên có. Với hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi vẫn thấy phần nhiều tác giả Việt đang viết theo kiểu “người muôn năm cũ”, với lý sự “miễn hay thì thôi”. Tôi tôn trọng những chọn lựa ấy, nhưng rõ ràng nó cho thấy họ đã cố gắng phớt lờ hoặc lạc rơ với thời đại của mình.
Nguyễn Danh Lam: Tôi không nghĩ mình cần tập thể hình, hoặc nhịn ăn… để mặc vừa một cái áo nào đó. Nếu nói cụ thể, ví dụ “cái áo” Hậu hiện đại chẳng hạn, đó là một lý thuyết rất… co giãn - bởi mọi điểm đều là trung tâm và cũng là ngoại biên - một dạng “lượng tử văn hóa”. Vì thế tôi lại càng không cần phải gò mình vào đó. Tôi đã tiếp xúc với các tài liệu cùng dòng văn học Hậu hiện đại từ khá lâu. Và tôi yên tâm một điều, mình cứ viết như chính mình, đó là Hậu hiện đại. Hậu hiện đại là giải trung tâm, vì vậy không thể biến nó thành trung tâm để nhất quyết quay quanh nó. Với tôi, Lyotard, Homer, Márquez, hay Bút Tre… đều là Hậu hiện đại.
Lê Minh Phong: Theo anh chị, trong sáng tạo văn chương, lý tính và cảm tính điều gì quan trọng hơn?
Khánh Phương: Những kinh nghiệm lý tính hình thành nên bước đầu nhận biết của chúng ta về thế giới, như một người muốn có nhận thức khoa học. Nhưng, một cách bền bỉ và sâu rộng, những kinh nghiệm cảm tính theo chúng ta từ ấu thơ và chiếm vị trí quan trọng ngay khi chúng ta thực sự muốn có một cảm quan và nhận biết sâu sắc, mang dấu ấn cá nhân đích thực về đời sống. Bởi vì sáng tạo văn chương không thể được tìm thấy trong những nội dung mà tất cả mọi người đều công nhận, truyền tải theo hình thức dễ thấy, phổ quát. Tuy nhiên, lại không thể tách rời nhận biết lý tính và cảm tính trong sáng tạo văn chương nghệ thuật. Lý tính là cái bệ đỡ cho một phần nào đó trong sáng tạo, nhưng không phải điểm xuất phát, cũng không phải mục đích. Trong triết học, thì cái đẹp được xem là lĩnh vực thuần túy của cảm tính. Nhưng thực tế cũng cho thấy rằng, trong tác phẩm văn chương, nếu chỉ là sự triền miên hay hỗn loạn của nhận biết cảm tính, thì dù có đẹp đẽ lạ lùng đến đâu cũng khó mà giải mã và gây hứng thú cho người đọc.
Đông Hà: Trong sáng tạo văn chương, tôi nghĩ, lý tính và cảm tính đều quan trọng như nhau. Không nhất thiết phải phân định cái nào nhiều hơn cái nào. Cảm tính cho ta sự rung cảm trước vấn đề mình đặt bút. Với người sáng tác, xúc cảm quan trọng lắm. Anh không có sự rung cảm thì khó có thể viết để truyền lại sự rung cảm đó cho người đọc. Nhưng nếu chỉ vịn theo cảm xúc thì đôi khi vấn đề lại quá đà hay đi lung tung quá khỏi ý tưởng ban đầu. Đến lúc này thì rất cần lý tính. Lý tính giúp ta điều chỉnh để đi đến sự trọn vẹn cho tác phẩm. Hơn nữa, lý tính cũng là nơi cất giữ kiến thức. Mà kiến thức thì rất quan trọng trong bất cứ một tác phẩm nào. Điều này đôi khi có sự quyết định lớn đến tầm vóc của tác phẩm.
Sẽ rất khác nhau giữa một bài thơ giãi bày của một vị hưu trí và một bài thơ của một nhà thơ được xem là chuyên nghiệp là vì vậy.
Lý Đợi: Tôi không chú ý đến hai khía cạnh này, bởi khó phân biệt rạch ròi quá, vì trong lý tính có cảm tính và ngược lại. Tôi chỉ chú ý đến khía cạnh làm việc chuyên tâm hay hững hờ, mua vui mà thôi, một cây bút được xem là có ý thức thì đầu tiên và sau cùng, phải có sự chuyên tâm. Chưa có một khảo sát quy mô nào, nhưng theo cảm nhận chủ quan của tôi, số tác giả thực sự chuyên tâm (hoặc thực sự đủ điều kiện để chuyên tâm) cho văn chương ở Việt Nam còn quá ít.
Lê Vĩnh Tài: “Cảm tính” của một nhà văn có tài năng thì dĩ nhiên quan trọng. Còn “cảm tính” chung chung thì chẳng bao giờ quan trọng, với văn chương cũng vậy. Đời sống mà nhiều cảm tính quá cũng chỉ làm phiền người khác. Đạo đức không đúng chỗ làm khổ người ta, chưa nói đến đạo đức giả.
Nguyễn Danh Lam: Nếu làm thơ, tôi nghĩ cảm tính quan trọng hơn. Còn viết văn, phần lý tính chiếm ưu thế, đặc biệt là tiểu thuyết. Vì tôi viết văn, nên bàn thêm vài ý. Dù nói lý tính quan trọng, nhưng tôi cũng rất sợ những nhà văn viết quá lý tính. Đọc họ tôi thấy hoảng, thấy nể, nhưng không thấy yêu. Cặp Jean-Paul Sartre, Albert Camus là một ví dụ. Sartre quá lý tính, Camus “nghệ sĩ” hơn. Sartre “bẻ cổ” Camus hoài về lý thuyết, nhưng thực tâm tôi yêu Camus chứ khó lòng yêu Sartre. Hoặc Milan Kundera giai đoạn sau là một ví dụ khác. Ông quá kỳ khu, bài binh bố trận. Mỗi tác phẩm của ông là một tòa cao ốc kỳ vĩ. Mới bước vào, thời gian đầu tôi rất choáng, nhưng về sau lại thấy… bực mình, khó chịu khi đọc ông! Văn học châu Âu khoảng nửa thế kỷ nay tôi cũng thấy vậy. Họ quá “kinh nghiệm”. Tôi thích văn học Mỹ. Tôi nghĩ trung tâm của văn học Mỹ vẫn là con người mà họ đề cập, chứ không phải kỹ thuật viết.
Lê Minh Phong: Anh chị có muốn thay đổi phong cách của mình trong tương lai không? Nếu có thì yếu tố nào sẽ được phá vỡ đầu tiên trong lối viết của anh chị?
Nguyễn Danh Lam: Đổi mới là một ước mong, một đòi hỏi thiết yếu của việc viết. Nhưng tôi ngẫm, không khéo mình lại nhảy từ cái vòng luẩn quẩn này sang vòng luẩn quẩn khác. Cái vòng đầu là sự lặp lại trong cách viết của mình. Còn cái vòng sau đó là muốn đổi mới. Nó cũng như… Hậu hiện đại vậy. Ta muốn “giải thoát” mình bằng cách tìm đến Hậu hiện đại, rồi sau đó ta lại nhốt mình vào lý thuyết đó. Và cuối cùng tôi nghĩ, Phật trong ta chứ Phật không trong kinh. Cứ sống, đọc, viết… Thời gian thay đổi, suy tư thay đổi, tình cảm thay đổi, kinh nghiệm thay đổi… hẳn trang viết cũng theo đó mà thay đổi. Và còn một cách thay đổi nữa, rất nghiêm túc, đó là… không viết gì nữa cả!
Khánh Phương: Khái niệm “phong cách” vừa có ý nghĩa nhất quán, vừa có ý nghĩa đa dạng, nhiều biểu hiện. Ở đây tôi hiểu câu hỏi của bạn có nghĩa là, anh chị có muốn làm ra cái gì đó khác hẳn với những “cái của mình” từ trước giờ hay không. Xin trả lời, về bản chất, sáng tạo vừa phải là sự tích lũy, vừa phải là đột phá. Ngay cả cố gắng “làm khác đi” thì cũng luôn phải đối chiếu với cái cũ để xem cái đang làm đã tạo ra khoảng cách với cái cũ hay chưa. Sự tích lũy có thể điều khiển được, nhưng đột phá lại thuộc về vô thức, không điều khiển được bằng lý trí. Nhưng tích lũy đến mức độ nào đó có thể tạo ra đột phá. Và đột phá cũng có thể đến từ trường hợp không tích lũy, nhưng quy luật này thực tế ít thấy trong văn chương. Tôi không bao giờ cố gắng để chống lại chính mình. Nhưng một bài thơ hay truyện ngắn của tôi, ngay từ khi tôi hình dung nó sẽ hiện ra như thế nào, đã không bao giờ giống với một bài thơ hay truyện ngắn nào của tôi từng viết trước đó. Vượt qua chính mình mới đem lại niềm vui.
Lý Đợi: Thi sĩ và nhà phê bình Ezra Pound (1885 - 1972) cho rằng có 6 cấp độ của tác giả văn chương: các nhà phát minh; các bậc thầy; các nhà truyền bá; các tiểu văn nhân loại khá; những người trong văn học; và những nhà tạo mốt. Tôi tạm tin vào cách chia hay cách phân loại này, vì chưa thấy cách nào khả dĩ và thuyết phục hơn. Với “đồ hình” như vậy, nếu là người cầm bút có ý thức, bạn cũng nên ướm thử mình đang ở cấp độ nào để biết mà ứng biết với tương lai. Nếu bạn là nhà phát minh hay nhà tạo mốt, thay đổi phong cách là đương nhiên; nếu bạn là bậc thầy thì chẳng còn thời gian nữa đâu; còn nếu bạn là nhà truyền bá, tiểu văn nhân loại khá hay người trong văn học, có thay đổi phong cách hay không cũng chẳng ích gì.
Đông Hà: Với những gì mình có được trong thời gian sáng tác qua, tôi chưa nghĩ mình đã định hình được một phong cách. Nhà văn, nhà thơ định hình được một phong cách theo tôi khó lắm. Làm thế nào mà khi đọc lên vài câu, người nghe đã nhận ra hơi hướng tác phẩm của người nào không dễ. Nhưng điều tôi nghĩ rằng mình đã làm được, là đã tạo ra được một giọng điệu nào đó theo cái tạng của mình.
Thơ tôi viết thường buồn. Khởi đầu đôi khi cũng muốn viết về cái gì đó vui vui nhưng chả hiểu sao đến hồi kết lại thấy giọng buồn xuất hiện. Phải chăng tôi đã đưa cái riêng tư cá nhân vào trang viết của mình quá nhiều nên nó thế.
Thành thử giờ ngẫm lại, có lẽ tôi cần phải thay đổi về biên độ cảm xúc. Phải mở rộng biên độ cảm xúc về những vấn đề trong cuộc sống, sự rung cảm của mình mới bật lên tiếng nói chung của đồng loại. Văn chương là tác phẩm thuộc về cá nhân nhưng phải lấy được sự rung cảm của đồng loại, đấy mới là thứ văn chương đích thực, theo tôi là vậy.
Phần nữa, tôi muốn thay đổi cách viết. Viết như thế nào để người đọc vẫn nhận thấy đó là một bài thơ, nhưng không ê a theo lối cũ. Và phải đậm chất tư duy của một người lao động thực thụ chứ không thể ăn may vào những tứ thơ bất chợt được kiếm tìm bằng tài năng thiên bẩm nữa.
Có lẽ là thế.
Lê Vĩnh Tài: Nếu muốn thì nói làm sao để anh tin? Và ai cho anh thay đổi? Như thế nào là “hay” và “đẹp”? Vừa rồi, Cái Đẹp của nhà thơ Triệu Lam Châu và nhà thơ Inrasara có trùng khít với nhau không? Vậy thì ai phải thay đổi? Chúng ta sẽ chọn lựa ra sao, cả yếu tố sáng tạo cũng như những lợi ích mà chúng ta sẽ có khi theo đuổi? Mỗi thể chế chính trị khác nhau có thể biến hóa những tiêu chuẩn cái đẹp khác nhau, nhưng nhà văn cứ ngụy trang cho cái đẹp ấy một giá trị vĩnh cửu, và mọi thứ sẽ thế nào?
Viết hôm nay ai biết mai còn viết được nữa không?
Nhưng thế hệ nào cũng có những nhà văn tài năng, những “gừng càng già càng cay” riêng của thế hệ ấy. Những nhà văn này không những “phá vỡ lối viết” của họ mà còn có thể thay đổi cả quan niệm thẩm mỹ của bạn đọc. Những “tầm vóc” mà chúng ta không thể/không nên hy vọng sớm “khi người ta trẻ”. Nhưng những nhà văn thích “thay đổi & phá phách” cũng nên dè chừng. Chúng ta vẫn còn những nhà thơ “dịch” thơ Việt ra thơ Việt. Còn nhiều bạn đọc đang không chịu nổi những thứ lạ mắt treo tòn ten, vẫn thích những điều quen thuộc cũ kỹ hàng ngày vẫn người ta vẫn gặp vẫn thương vẫn nhớ… và chờ đợi những nhà văn nói thay cho họ. Giản dị như họ vẫn nghĩ. Réo rắt như một giấc mơ…
Lê Minh Phong: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh chị. Kính chúc anh chị an lạc và sáng tạo.
L.M.P
Nguyễn Danh Lam: Trên tinh thần tự do, tôi nghĩ văn chương cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác, không có yếu tố nào là yếu tố cần loại trừ. Ngay cả trong phạm trù… hình sự, luật pháp, muốn “loại trừ” một cái gì đó cũng không hề đơn giản. Nó phải thuộc cỡ “tội phạm không thể cải tạo”. Trong văn chương, liệu có loại “tội phạm” này không nhỉ? Nếu có, đối tượng loại trừ nó chính là bạn đọc. Vấn đề có chăng, tôi nghĩ là phải nâng cao dân trí, để bạn đọc không loại trừ oan những kiệt tác, khi… họ đọc hoài mà chẳng hiểu, bèn để chúng mốc meo trên giá sách. Nhưng ngay cả việc này cũng không thể can thiệp thô bạo. Cần phải có thời gian. Việc của nhà văn tôi nghĩ là cứ viết.
Lý Đợi: Để trả lời câu hỏi này, nếu chi tiết, rất cần sự dài dòng, bởi lịch sử văn chương đã cho ta thấy một sự thật: để xác định cho được “những yếu tố cần phải loại trừ” là không hề đơn giản, thậm chí, bất khả. Qua thời gian, tiêu chí về những điều cần phải loại trừ, nếu có, cũng sẽ “trội/lặn” khác nhau, thay đổi khôn lường, thật khó để mà khư giữ như một thước đo vững bền. Chính vì thế, cách tốt nhất là đừng loại trừ, mà hãy để mọi thứ cứ bình đẳng sinh sôi, qua chu trình sinh lão bệnh tử, cái nào rồi chẳng tự nhiên mất đi, sớm hay muộn mà thôi. Hơn nữa, văn chương Việt hiện thời còn quá manh mún, yếu ớt và đơn điệu, chưa đủ “những yếu tố” khác biệt để mà cạnh tranh, làm gì đến mức loại trừ nhau. Mà có muốn loại trừ cũng không đủ lực, vì yếu thì làm sao… “ra gió”. Đó là chưa nói, trong tinh thần tìm kiếm cách chung sống tôn trọng sự khác biệt hoặc bản sắc riêng, mọi yếu tố đều có lý để tồn tại, “tính mặt trận” theo kiểu triệt tiêu lẫn nhau là rất ấu trĩ.
Khánh Phương: Xét về mặt sáng tạo thuần túy, không có bất cứ chất liệu gì, tính chất gì, cảm thức nào, lối viết nào, thao tác kỹ thuật nào, mỹ cảm nào..., mà lại cần phải loại trừ hay “đặt trong vùng cấm”. Đặt vấn đề “loại trừ” hay “vùng cấm” trong hoạt động sáng tạo thuần túy có nghĩa là không bao giờ có được sự sáng tạo theo đúng nghĩa của nó.
Nhưng, nếu xét về thái độ đối với hoạt động sáng tạo, xét về nguồn nhân lực của sáng tạo, thì lại có những yếu tố phải loại trừ. Ví dụ, thái độ đối với hoạt động sáng tạo. Có những hiện tượng không công bằng, phân biệt đối xử, ví dụ người viết cùng phe cánh với mình thì bốc thơm, người ngoài phe cánh thì coi như không tồn tại chẳng hạn. Hay cơ hội, mượn hoạt động sáng tạo văn chương cho những mục tiêu không văn chương. Những thái độ này cần phải loại trừ nếu muốn có một đời sống văn chương lành mạnh. Đối với nguồn nhân lực sáng tạo, cần phải loại trừ sự lười biếng, lặp lại chính mình, không có bước tiến nào so với hàng chục, vài chục năm trước.
Lê Vĩnh Tài: “Nhạy cảm”, “Cấm kỵ”, “Húy”… bao nhiêu yếu tố cần phải loại trừ trong văn chương Việt, từ xưa đến nay chứ đâu chỉ “hiện thời” như anh nói. Tuy nhiên, văn chương Việt hôm nay đối mặt với những chuyện “húy” theo một cách vô cớ, đang thành hài hước. Bỏ qua chuyện “chính trị, quan điểm”, cũng cũ và mệt mỏi quá rồi, ngay về sex cũng lắm chuyện. Nếu như người ta kết tội văn “trẻ” đang lạm dụng chuyện này thì với hình ảnh “máu chảy giữa hai đùi” của nhà văn khi nói về lần kinh nguyệt đầu tiên của cô gái trong Cánh Đồng Bất Tận lại lấy được nước mắt bao nhiêu bạn đọc. “Yếu tố cần loại trừ” là “máu” trong kinh nguyệt vẫn hay phải né tránh, giờ đã nhẹ nhàng như hình ảnh trời xanh mây trắng vịt bơi thuyền trôi… trên cánh đồng nước nổi xứ ấy. Vậy, vấn đề còn là tài năng của nhà văn.
Chúng ta chấp nhận những cái “cần loại trừ” vì dù sao nhà văn viết trong một chuẩn mực đạo đức xã hội, không thể khác. Ẩn dụ một chút cũng không sao. Chán nhất là những suy diễn vô cớ tạo điều kiện cho những thứ nhạt nhẽo lên ngôi, và chiều ngược lại là giả “cực đoan”, giả “nhạy cảm”, giả “húy”… để giả/đóng vai “dũng cảm” theo một cách hài hước mà chỉ có thời này mới có.
Nhưng tôi thấy sự “Húy” hiện nay cũng không phải là áp lực của người viết, mà mệt nhất là bạn đọc đã không còn coi văn chương là món ăn tinh thần của họ như ngày nào. Sự lạnh nhạt của bạn đọc là nỗi ám ảnh và là nỗi khiếp sợ của nhà văn hôm nay khi cầm bút chứ không phải chuyện “Húy”.
Đông Hà: Tôi nghĩ đời sống văn chương hôm nay đang có sự sôi động riêng của nó. Chưa bao giờ văn chương phát triển “rầm rộ” như hiện nay. Người làm thơ nhiều, người viết văn nhiều. Người trẻ làm thơ, người nghỉ hưu làm thơ. Người làm công việc dính dáng đến văn chương viết văn đã đành, đến cả ca sĩ, diễn viên, nghệ sĩ… cũng cầm bút viết văn thì khỏi phải nói đến sự bùng nở của văn chương như thế nào.
Nên nhìn một cách khái quát, văn chương Việt đang mang một diện mạo đa màu sắc. Có thứ văn chương giải trí, văn chương giãi bày, văn chương dưỡng già, văn chương phô diễn và văn chương nghề nghiệp. Ở đây tôi chú trọng loại văn chương nghề nghiệp hơn cả. Bởi ở đó người cầm bút nghiêm túc với những thứ mình viết thực sự. Người viết có ý thức nhiều hơn về sự toàn diện ở một tác phẩm mình làm ra.
Văn chương Việt đang chứa đựng nhiều yếu tố trong bản thân nội tại của nó. Các cuộc tranh cãi về sự cách tân thơ đã nổ ra âm ỉ từ những năm cuối thế kỷ XX đến nay xem chừng vẫn chưa ngã ngũ. Ở đây tôi chú ý đến quan niệm thơ cũ và thơ đương đại vẫn đang có sự tranh luận ráo riết. Việc tranh cãi giữa thơ có vần và thơ không có vần, giữa cái được cho là cũ với cái được xem là Tân hình thức cũng khiến cho nhiều diễn đàn dậy sóng. Giải thưởng của các tổ chức uy tín trao tặng cho các tập thơ thiên về sự cách tân đổi mới cũng chưa thuyết phục được độc giả. Người ta vẫn còn đang phân vân nghi ngại rất nhiều trong vấn đề nên giữ thơ theo kiểu cũ hay đổi thơ theo cái mới.
Tuy nhiên, dù cũ hay mới, dù thế nào đi chăng nữa, văn chương Việt hiện nay cần loại bỏ bớt kiểu thơ cổ động và văn minh họa. Xuất phát từ quan niệm văn học là vũ khí chiến đấu, đã quá lâu chúng ta hướng ngòi bút vào một mặt trận nào đó được đặt ra để rồi lại cho ra đời và cổ vũ cho loại văn chương phản ánh một vấn đề này một vấn đề kia theo kiểu tôn xưng hoặc phê phán. Kiểu này, thời kỳ văn học chống Mĩ và hậu chiến, chúng ta đã làm xong.
Đã đến lúc giở một tờ báo/ tạp chí chuyên ngành văn học ra, chúng ta không nhất thiết phải gặp bất kỳ bài viết nào mang tính định hướng nữa. Nhà văn là người thư ký trung thành của thời đại. Nhà văn cũng là người có thiên hướng dự cảm trước thời đại. Hãy cho phép nhà văn nói lên tiếng nói của mình trước cuộc sống. Và xa rời thể loại cổ động, minh họa.
Lê Minh Phong: Là người sáng tạo trong bối cảnh dung hợp nhiều trào lưu như hiện nay, anh chị có hướng sáng tạo của mình tới một trào lưu nào đó hay không, như Hậu hiện đại, Tân hình thức chẳng hạn?
Khánh Phương: Những trào lưu, hay còn gọi là lối viết, đã thịnh hành trên thế giới, như lối viết siêu thực, tượng trưng, lối viết hậu - hiện đại, tân - hình thức, chủ nghĩa cổ điển tự nhiên, lối viết hiện thực huyền ảo… đáp ứng nhu cầu bộc lộ tâm thức và sáng tạo trong hoàn cảnh thế giới và con người biến đổi, cũng như nhu cầu có được những lý thuyết mới trong việc thực hành ngôn ngữ. Đôi khi, một số trào lưu cũng đáp ứng nhu cầu bông đùa với chữ nghĩa hoặc đời sống, như một kiểu “sáng tạo”. Các trào lưu kể trên cũng để lại những tên tuổi đỉnh cao trong văn chương, mà theo lịch sử văn học, manh nha từ thế kỷ 19, kéo dài qua thế kỷ 20 cho tới tận thời điểm này, những tên tuổi nào thì tôi miễn kể ở đây vì đã quá quen thuộc. Biết tới và học tập kinh nghiệm ngôn ngữ của các nhà văn lớn từ các trào lưu đó là điều bắt buộc, cái này còn được gọi là “kiến thức nền”. Tôi kinh ngạc biết rằng, một số người viết ở Việt Nam, cũng “nổi tiếng” hẳn hoi, hoàn toàn không thèm biết tới những kiến thức nền này. Họ chỉ viết bằng kinh nghiệm ngôn ngữ có được từ trải nghiệm sống cá nhân (những gì họ đã trải qua).
Nhưng, khi thực sự viết, dù “nghịch chữ” hay “nghiêm túc”, không ai lại ngoái đầu nhìn những “kiến thức nền” làm gì cả. Người viết không thể bị câu nệ vào kiến thức.
Đông Hà: Dù sáng tác trong hoàn cảnh nào, tôi cũng chỉ mong tác phẩm của mình được độc giả đọc được. Tôi không câu nệ thơ cũ hay mới, cũng không nhất nhất bắt mình phải đi vào vũ điệu của Tân hình thức hay Hậu hiện đại mà chỉ luôn băn khoăn mình đã nói được điều gì trong tác phẩm đó và tác phẩm vừa viết ra có phải là mình không, liệu độc giả khi đọc có chấp nhận nó như một tác phẩm văn chương không? Thơ Đường cũ rích, nhưng giờ đọc lại đôi câu vẫn rợn người, thơ văn Lý Trần cũ rích nhưng đọc lại câu kệ của Mãn Giác thiền sư vẫn đắm đuối. Bởi những tác phẩm đó đã nói được cái điệu sống thời của họ. Thì tác phẩm mình có làm được vậy không? Chứ loay hoay mới cũ tân hình thức hậu hiện đại mà không nói được chút gì thời mình sống, thì thôi, nên bỏ.
Biết đâu đến một lúc nào đó, với những gì mình để lại, nếu thực sự có giá trị, thì bản thân nó sẽ trở thành một trào lưu mới thì sao???
Lê Vĩnh Tài: Tôi nghĩ “hậu hiện đại” ở Việt Nam đang bị suy diễn và xa dần với nghĩa thực của chính nó. Đọc các bài viết về “hậu hiện đại” ở Việt Nam hiện nay cứ “đá” nhau, tức anh ách. Thành ra thì cứ viết thôi. Viết như những gì mà đến giờ tôi vẫn còn có thể hiểu và thích. “Tân hình thức” lại là một chuyện khác, thuần kỹ thuật hơn. Mà kỹ thuật thì nghề nào không cần, chẳng cứ gì văn chương.
Lý Đợi: Theo quan sát của tôi, một tác giả bậc thầy thường có tối thiểu ba thứ trong “văn bản” của người đó. Đầu tiên là hiểu biết về “lịch sử văn chương/ nghệ thuật”, trực tiếp hoặc gián tiếp, nơi mà người đó sẽ “xưng danh” với đời. Những tác giả “đẻ ngang hông” theo nghĩa hoàn toàn mù lịch sử vấn đề thì thường chỉ là “tiểu văn nhân loại khá”, dù trời có cho một mớ năng khiếu. Thứ hai, là hiểu biết về “lịch sử mỹ học”, để qua đó tìm kiếm cái gu thẩm mỹ (hoặc phản thẩm mỹ) cho tác phẩm của mình. Những tác giả nào không phác họa được bối cảnh mỹ học (hoặc phản mỹ học) trong tác phẩm thì vĩnh viễn chỉ là loại văn chương minh họa, tuyên truyền hay giải trí thường tình. Thứ ba, là hiểu biết về “lịch sử kỹ thuật viết”, chẳng thể có một tác giả tử tế, chứ đừng nói nhà cách tân hay bậc thầy, mà cách viết hoặc bút pháp nói chung của người đó “vẫn y như cũ”, nghĩa là xưa sao nay vậy. Các bậc thầy văn chương luôn là người “tạo ra” hoặc “hoàn chỉnh” một trào lưu, một trường phái nào đó. Các bậc thầy đã như vậy, hạng tác giả cóc con như tôi, chuyện ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi, nói cách khác, không chịu ảnh hưởng mới lạ, còn ảnh hưởng là bình thường.
Hơn nữa, ngoài chuyện sống trong không gian và thời gian theo nghĩa vật lý, con người còn phải sống trong thời đại của mình. Đương nhiên không thể và không bao giờ có tình trạng tất cả loài người sẽ được sống cùng một thời đại, nhưng ước muốn ấy thì nên có. Với hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi vẫn thấy phần nhiều tác giả Việt đang viết theo kiểu “người muôn năm cũ”, với lý sự “miễn hay thì thôi”. Tôi tôn trọng những chọn lựa ấy, nhưng rõ ràng nó cho thấy họ đã cố gắng phớt lờ hoặc lạc rơ với thời đại của mình.
Nguyễn Danh Lam: Tôi không nghĩ mình cần tập thể hình, hoặc nhịn ăn… để mặc vừa một cái áo nào đó. Nếu nói cụ thể, ví dụ “cái áo” Hậu hiện đại chẳng hạn, đó là một lý thuyết rất… co giãn - bởi mọi điểm đều là trung tâm và cũng là ngoại biên - một dạng “lượng tử văn hóa”. Vì thế tôi lại càng không cần phải gò mình vào đó. Tôi đã tiếp xúc với các tài liệu cùng dòng văn học Hậu hiện đại từ khá lâu. Và tôi yên tâm một điều, mình cứ viết như chính mình, đó là Hậu hiện đại. Hậu hiện đại là giải trung tâm, vì vậy không thể biến nó thành trung tâm để nhất quyết quay quanh nó. Với tôi, Lyotard, Homer, Márquez, hay Bút Tre… đều là Hậu hiện đại.
Lê Minh Phong: Theo anh chị, trong sáng tạo văn chương, lý tính và cảm tính điều gì quan trọng hơn?
Khánh Phương: Những kinh nghiệm lý tính hình thành nên bước đầu nhận biết của chúng ta về thế giới, như một người muốn có nhận thức khoa học. Nhưng, một cách bền bỉ và sâu rộng, những kinh nghiệm cảm tính theo chúng ta từ ấu thơ và chiếm vị trí quan trọng ngay khi chúng ta thực sự muốn có một cảm quan và nhận biết sâu sắc, mang dấu ấn cá nhân đích thực về đời sống. Bởi vì sáng tạo văn chương không thể được tìm thấy trong những nội dung mà tất cả mọi người đều công nhận, truyền tải theo hình thức dễ thấy, phổ quát. Tuy nhiên, lại không thể tách rời nhận biết lý tính và cảm tính trong sáng tạo văn chương nghệ thuật. Lý tính là cái bệ đỡ cho một phần nào đó trong sáng tạo, nhưng không phải điểm xuất phát, cũng không phải mục đích. Trong triết học, thì cái đẹp được xem là lĩnh vực thuần túy của cảm tính. Nhưng thực tế cũng cho thấy rằng, trong tác phẩm văn chương, nếu chỉ là sự triền miên hay hỗn loạn của nhận biết cảm tính, thì dù có đẹp đẽ lạ lùng đến đâu cũng khó mà giải mã và gây hứng thú cho người đọc.
Đông Hà: Trong sáng tạo văn chương, tôi nghĩ, lý tính và cảm tính đều quan trọng như nhau. Không nhất thiết phải phân định cái nào nhiều hơn cái nào. Cảm tính cho ta sự rung cảm trước vấn đề mình đặt bút. Với người sáng tác, xúc cảm quan trọng lắm. Anh không có sự rung cảm thì khó có thể viết để truyền lại sự rung cảm đó cho người đọc. Nhưng nếu chỉ vịn theo cảm xúc thì đôi khi vấn đề lại quá đà hay đi lung tung quá khỏi ý tưởng ban đầu. Đến lúc này thì rất cần lý tính. Lý tính giúp ta điều chỉnh để đi đến sự trọn vẹn cho tác phẩm. Hơn nữa, lý tính cũng là nơi cất giữ kiến thức. Mà kiến thức thì rất quan trọng trong bất cứ một tác phẩm nào. Điều này đôi khi có sự quyết định lớn đến tầm vóc của tác phẩm.
Sẽ rất khác nhau giữa một bài thơ giãi bày của một vị hưu trí và một bài thơ của một nhà thơ được xem là chuyên nghiệp là vì vậy.
Lý Đợi: Tôi không chú ý đến hai khía cạnh này, bởi khó phân biệt rạch ròi quá, vì trong lý tính có cảm tính và ngược lại. Tôi chỉ chú ý đến khía cạnh làm việc chuyên tâm hay hững hờ, mua vui mà thôi, một cây bút được xem là có ý thức thì đầu tiên và sau cùng, phải có sự chuyên tâm. Chưa có một khảo sát quy mô nào, nhưng theo cảm nhận chủ quan của tôi, số tác giả thực sự chuyên tâm (hoặc thực sự đủ điều kiện để chuyên tâm) cho văn chương ở Việt Nam còn quá ít.
Lê Vĩnh Tài: “Cảm tính” của một nhà văn có tài năng thì dĩ nhiên quan trọng. Còn “cảm tính” chung chung thì chẳng bao giờ quan trọng, với văn chương cũng vậy. Đời sống mà nhiều cảm tính quá cũng chỉ làm phiền người khác. Đạo đức không đúng chỗ làm khổ người ta, chưa nói đến đạo đức giả.
Nguyễn Danh Lam: Nếu làm thơ, tôi nghĩ cảm tính quan trọng hơn. Còn viết văn, phần lý tính chiếm ưu thế, đặc biệt là tiểu thuyết. Vì tôi viết văn, nên bàn thêm vài ý. Dù nói lý tính quan trọng, nhưng tôi cũng rất sợ những nhà văn viết quá lý tính. Đọc họ tôi thấy hoảng, thấy nể, nhưng không thấy yêu. Cặp Jean-Paul Sartre, Albert Camus là một ví dụ. Sartre quá lý tính, Camus “nghệ sĩ” hơn. Sartre “bẻ cổ” Camus hoài về lý thuyết, nhưng thực tâm tôi yêu Camus chứ khó lòng yêu Sartre. Hoặc Milan Kundera giai đoạn sau là một ví dụ khác. Ông quá kỳ khu, bài binh bố trận. Mỗi tác phẩm của ông là một tòa cao ốc kỳ vĩ. Mới bước vào, thời gian đầu tôi rất choáng, nhưng về sau lại thấy… bực mình, khó chịu khi đọc ông! Văn học châu Âu khoảng nửa thế kỷ nay tôi cũng thấy vậy. Họ quá “kinh nghiệm”. Tôi thích văn học Mỹ. Tôi nghĩ trung tâm của văn học Mỹ vẫn là con người mà họ đề cập, chứ không phải kỹ thuật viết.
Lê Minh Phong: Anh chị có muốn thay đổi phong cách của mình trong tương lai không? Nếu có thì yếu tố nào sẽ được phá vỡ đầu tiên trong lối viết của anh chị?
Nguyễn Danh Lam: Đổi mới là một ước mong, một đòi hỏi thiết yếu của việc viết. Nhưng tôi ngẫm, không khéo mình lại nhảy từ cái vòng luẩn quẩn này sang vòng luẩn quẩn khác. Cái vòng đầu là sự lặp lại trong cách viết của mình. Còn cái vòng sau đó là muốn đổi mới. Nó cũng như… Hậu hiện đại vậy. Ta muốn “giải thoát” mình bằng cách tìm đến Hậu hiện đại, rồi sau đó ta lại nhốt mình vào lý thuyết đó. Và cuối cùng tôi nghĩ, Phật trong ta chứ Phật không trong kinh. Cứ sống, đọc, viết… Thời gian thay đổi, suy tư thay đổi, tình cảm thay đổi, kinh nghiệm thay đổi… hẳn trang viết cũng theo đó mà thay đổi. Và còn một cách thay đổi nữa, rất nghiêm túc, đó là… không viết gì nữa cả!
Khánh Phương: Khái niệm “phong cách” vừa có ý nghĩa nhất quán, vừa có ý nghĩa đa dạng, nhiều biểu hiện. Ở đây tôi hiểu câu hỏi của bạn có nghĩa là, anh chị có muốn làm ra cái gì đó khác hẳn với những “cái của mình” từ trước giờ hay không. Xin trả lời, về bản chất, sáng tạo vừa phải là sự tích lũy, vừa phải là đột phá. Ngay cả cố gắng “làm khác đi” thì cũng luôn phải đối chiếu với cái cũ để xem cái đang làm đã tạo ra khoảng cách với cái cũ hay chưa. Sự tích lũy có thể điều khiển được, nhưng đột phá lại thuộc về vô thức, không điều khiển được bằng lý trí. Nhưng tích lũy đến mức độ nào đó có thể tạo ra đột phá. Và đột phá cũng có thể đến từ trường hợp không tích lũy, nhưng quy luật này thực tế ít thấy trong văn chương. Tôi không bao giờ cố gắng để chống lại chính mình. Nhưng một bài thơ hay truyện ngắn của tôi, ngay từ khi tôi hình dung nó sẽ hiện ra như thế nào, đã không bao giờ giống với một bài thơ hay truyện ngắn nào của tôi từng viết trước đó. Vượt qua chính mình mới đem lại niềm vui.
Lý Đợi: Thi sĩ và nhà phê bình Ezra Pound (1885 - 1972) cho rằng có 6 cấp độ của tác giả văn chương: các nhà phát minh; các bậc thầy; các nhà truyền bá; các tiểu văn nhân loại khá; những người trong văn học; và những nhà tạo mốt. Tôi tạm tin vào cách chia hay cách phân loại này, vì chưa thấy cách nào khả dĩ và thuyết phục hơn. Với “đồ hình” như vậy, nếu là người cầm bút có ý thức, bạn cũng nên ướm thử mình đang ở cấp độ nào để biết mà ứng biết với tương lai. Nếu bạn là nhà phát minh hay nhà tạo mốt, thay đổi phong cách là đương nhiên; nếu bạn là bậc thầy thì chẳng còn thời gian nữa đâu; còn nếu bạn là nhà truyền bá, tiểu văn nhân loại khá hay người trong văn học, có thay đổi phong cách hay không cũng chẳng ích gì.
Đông Hà: Với những gì mình có được trong thời gian sáng tác qua, tôi chưa nghĩ mình đã định hình được một phong cách. Nhà văn, nhà thơ định hình được một phong cách theo tôi khó lắm. Làm thế nào mà khi đọc lên vài câu, người nghe đã nhận ra hơi hướng tác phẩm của người nào không dễ. Nhưng điều tôi nghĩ rằng mình đã làm được, là đã tạo ra được một giọng điệu nào đó theo cái tạng của mình.
Thơ tôi viết thường buồn. Khởi đầu đôi khi cũng muốn viết về cái gì đó vui vui nhưng chả hiểu sao đến hồi kết lại thấy giọng buồn xuất hiện. Phải chăng tôi đã đưa cái riêng tư cá nhân vào trang viết của mình quá nhiều nên nó thế.
Thành thử giờ ngẫm lại, có lẽ tôi cần phải thay đổi về biên độ cảm xúc. Phải mở rộng biên độ cảm xúc về những vấn đề trong cuộc sống, sự rung cảm của mình mới bật lên tiếng nói chung của đồng loại. Văn chương là tác phẩm thuộc về cá nhân nhưng phải lấy được sự rung cảm của đồng loại, đấy mới là thứ văn chương đích thực, theo tôi là vậy.
Phần nữa, tôi muốn thay đổi cách viết. Viết như thế nào để người đọc vẫn nhận thấy đó là một bài thơ, nhưng không ê a theo lối cũ. Và phải đậm chất tư duy của một người lao động thực thụ chứ không thể ăn may vào những tứ thơ bất chợt được kiếm tìm bằng tài năng thiên bẩm nữa.
Có lẽ là thế.
Lê Vĩnh Tài: Nếu muốn thì nói làm sao để anh tin? Và ai cho anh thay đổi? Như thế nào là “hay” và “đẹp”? Vừa rồi, Cái Đẹp của nhà thơ Triệu Lam Châu và nhà thơ Inrasara có trùng khít với nhau không? Vậy thì ai phải thay đổi? Chúng ta sẽ chọn lựa ra sao, cả yếu tố sáng tạo cũng như những lợi ích mà chúng ta sẽ có khi theo đuổi? Mỗi thể chế chính trị khác nhau có thể biến hóa những tiêu chuẩn cái đẹp khác nhau, nhưng nhà văn cứ ngụy trang cho cái đẹp ấy một giá trị vĩnh cửu, và mọi thứ sẽ thế nào?
Viết hôm nay ai biết mai còn viết được nữa không?
Nhưng thế hệ nào cũng có những nhà văn tài năng, những “gừng càng già càng cay” riêng của thế hệ ấy. Những nhà văn này không những “phá vỡ lối viết” của họ mà còn có thể thay đổi cả quan niệm thẩm mỹ của bạn đọc. Những “tầm vóc” mà chúng ta không thể/không nên hy vọng sớm “khi người ta trẻ”. Nhưng những nhà văn thích “thay đổi & phá phách” cũng nên dè chừng. Chúng ta vẫn còn những nhà thơ “dịch” thơ Việt ra thơ Việt. Còn nhiều bạn đọc đang không chịu nổi những thứ lạ mắt treo tòn ten, vẫn thích những điều quen thuộc cũ kỹ hàng ngày vẫn người ta vẫn gặp vẫn thương vẫn nhớ… và chờ đợi những nhà văn nói thay cho họ. Giản dị như họ vẫn nghĩ. Réo rắt như một giấc mơ…
Lê Minh Phong: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của anh chị. Kính chúc anh chị an lạc và sáng tạo.
L.M.P
No comments:
Post a Comment