Wednesday, May 22, 2013

Tin nhanh

Luật sư Lê hiếu Đằng trả lời phỏng vấn 

Bản án cho Phương Uyên và Nguyên Kha phản ánh khuynh hướng phát xít

 

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ, luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng đây là một bản án tàn bạo. Theo luật gia, bản án này không chỉ phản ánh một khuynh hướng mà ông cho là “phát-xít”, mà còn cả xu thế ngả theo một Trung Quốc vốn có khuynh hướng bành trướng, rất là nguy hiểm.

RFI: Kính chào luật gia Lê Hiếu Đằng! Ông có nhận xét như thế nào về bản án dành cho Nguyễn Phương Uyên và Đinh Nguyên Kha?
Luật gia Lê Hiếu Đằng: Có thể nói là hiện nay nhân dân cả nước đang rất phẫn nộ trước bản án dành cho hai em đó. Thành ra trong lời kêu gọi chúng tôi dùng chữ “phẫn nộ” là đúng như thực chất. Bởi vì thực ra hành động của hai em là hành động yêu nước – chống Trung Quốc, chống tham nhũng – nhưng từ hành động đó mà đi đến bản án đến sáu năm cho em Uyên và tám năm cho em Kha, thì đúng là rất là tàn bạo! Đối với hai em đều còn trẻ, rồi tương lai các em sẽ như thế nào.
Ở đây có hai vấn đề. Một là phẫn nộ lên án việc đó. Thứ hai là khâm phục hành động có thể nói là hiên ngang, và những phát biểu rất là đúng đắn của em Uyên và em Kha trước tòa – nhất là em Uyên, thái độ rất là chững chạc.
Mà chúng tôi nói thật, rất thất vọng là khi em Uyên bị bắt thì cũng đã có nhiều nhân sĩ trí thức gởi kiến nghị lên chủ tịch Trương Tấn Sang, để mà có sự can thiệp, chỉ đạo với các ngành chức năng, xem xét trường hợp này. Nhất là em Uyên là một đoàn viên thanh niên, trong Ban chấp hành Đoàn trường, tức là nằm trong hệ thống của Đảng và Nhà nước. Thế thì vì lý do gì mà các em có những hoạt động như vậy? Rất tiếc là chủ tịch nước Trương Tấn Sang không có động thái gì can thiệp vào việc này. Nhưng bây giờ lại xử bản án quá nặng!
Rõ ràng ý đồ của Nhà nước là muốn răn đe. Nhưng mà cái ý đồ này sẽ không đạt được. Bởi vì làm cho công luận trong cả nước phẫn nộ, làm nhân dân bất bình, càng chống đối Đảng và Nhà nước hơn nữa. Không làm giảm nhẹ đi được, mà tạo một sự đối kháng, đối lập giữa các tầng lớp nhân dân đối với Nhà nước, trước những bản án vô lý như vậy.
Do đó lời kêu gọi mới này – mà những người ký toàn là những người có chức vụ, rồi nhân sĩ trí thức, tôi thấy có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ, các vị có cương vị trong xã hội, và tốc độ ký rất nhanh – chứng tỏ sự phẫn nộ và quan tâm của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân sĩ trí thức, đến bản án quá nặng nề đối với em Uyên và em Kha.
Vì vậy chúng tôi hy vọng rằng đến khâu phúc thẩm, tòa án tỉnh Long An sẽ chuyển lên Tòa án Nhân dân Tối cao, thì lúc đó các cơ quan chức năng của trung ương phải có một sự thẩm định như thế nào để xem xét lại bản án đó.
Mà chúng tôi nghĩ rằng với chính sách hiện nay về nhân quyền, và Việt Nam đã ký kết những cam kết tôn trọng nhân quyền, thì các cơ quan trung ương sẽ cân nhắc việc này. Chứ nếu không đứng về mặt quốc tế mà nói, người ta sẽ lên án việc này, và như vậy Việt Nam sẽ có một hình ảnh rất xấu về vi phạm nhân quyền.

RFI: Như vậy theo ông thì bản án vừa rồi hoàn toàn bất lợi cho Việt Nam?
Chúng ta biết xu thế trên thế giới hiện nay, vấn đề dân quyền và nhân quyền là hai vấn đề lớn. Mà trong các chế độ toàn trị như Trung Quốc, Việt Nam hay các chế độ độc tài như các nước ở Trung Cận Đông, các nước châu Phi, là vấn đề hiện nay loài người tiến bộ đều quan tâm.
Nếu chúng ta phản lại xu hướng tiến bộ đó, chúng ta không thấy được cái trào lưu hiện nay là trào lưu đấu tranh để bảo vệ cho dân quyền, nhân quyền, bảo vệ môi trường – thực chất là bảo vệ con người – mà Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam thường nói là vì con người, nhưng như vậy thực chất có phải là vì con người hay không? Hay là đặt cái lợi ích của nhóm, của cá nhân, của gia đình hay của Đảng, của chế độ lên trên lợi ích của Tổ quốc, của đất nước?
Tôi thấy là giữa lời nói với việc làm là hoàn toàn không đi đôi với nhau, hoàn toàn trái ngược nhau. Và chính vì vậy mà hiện nay các tầng lớp nhân dân Việt Nam hết sức mất niềm tin đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Cũng như mới đây thôi Quốc hội đang họp đó, việc đổi tên nước là nguyện vọng chung của người dân. Mà cái này thật ra cũng không phải là một yếu tố gì cơ bản, điều 4 mới là yếu tố cơ bản, nhưng rồi cũng không chấp nhận nữa! Thì điều đó nói lên cái gì? Đó là những đầu óc bảo thủ, những đầu óc muốn giữ lại cái cũ đang khống chế cả hệ thống chính trị của Việt Nam.
Đối với chúng tôi, thì chúng tôi không quan tâm nhiều đến sự thay đổi trong hệ thống Đảng và Nhà nước.

Chúng tôi tin rằng hiện nay cái lợi ích đó đã ràng buộc các vị rồi. Không dễ gì các vị từ bỏ những quyền lợi có thể nói rất lớn hiện nay. Các vị hiện giờ đều là những người giàu sụ cả, nên không dễ gì từ bỏ.
Vấn đề ở chỗ là chúng ta phải làm sao cho xã hội dân sự, xã hội công dân mạnh lên, với những định chế mà quốc tế người ta đã định ra, đã đấu tranh và có tác động trở lại đối với Đảng và Nhà nước. Cho nên nếu chỉ ngồi trông chờ không thôi, nhân dân và nhất là nhân sĩ trí thức mà không đấu tranh thì không biết là đất nước Việt Nam đi về đâu, trước cái họa xâm lăng của bọn bành trướng Trung Quốc. Trước cái họa tham nhũng, họa bất công áp bức và bất bình đẳng xã hội ngày càng tăng.
Bản án của em Uyên và em Kha càng phản ánh tình trạng phải nói là phát-xít, tình trạng dùng lực lượng công an, cảnh sát, tòa án để đàn áp những tiếng nói rất là ôn hòa, rất hòa bình, rất xây dựng cho đất nước của chúng ta. Đây là khuynh hướng đáng lo ngại.
Mà tôi nghĩ rằng bất cứ một chế độ nào, nếu chỉ dùng công an, cảnh sát, dùng cái ách độc tài để mà đàn áp nhân dân, thì chế độ đó không thể tồn tại được nữa. Đó là một bài học mà các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước của Việt Nam cần phải rút ra. Cần phải sớm tỉnh ngộ để có những hành động tích cực.
Đây là một thời cơ rất lớn để chúng ta chuyển hướng theo cùng trào lưu tiến bộ hiện nay trên thế giới, để đấu tranh cho một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, tiến bộ xã hội và giàu mạnh. Như vậy mới phù hợp với lòng dân và lợi ích của các tầng lớp nhân dân hiện nay.

RFI: Phiên xử diễn ra đúng ngày lệnh cấm bắt cá trên Biển Đông của Trung Quốc có hiệu lực. Phải chăng đây là một món quà cho Bắc Kinh, và một bản án nặng nề như vậy sẽ ngăn Việt Nam tiếp cận với các quốc gia coi trọng nhân quyền, đẩy đất nước trở lại trong vòng kiềm tỏa của Trung Quốc ? 
Đúng vậy. Cái này là một kiểu, một tín hiệu cho phía Trung Quốc để thấy rằng Đảng và Nhà nước Việt Nam sẵn sàng đàn áp những tiếng nói chống Trung Quốc. Và như vậy điều đó chứng minh rằng khuynh hướng hiện nay – đang ngả về phía Trung Quốc – là một khuynh hướng rất nguy hiểm. Mà chúng ta biết bản chất Trung Quốc là xâm lược, là bành trướng!
Thành ra bây giờ có một tình trạng nghịch lý là giữa hai Nhà nước trung ương thì nói rất hay, bốn tốt mười sáu chữ vàng…nhưng mà hành động thực tế thì xua quân, xua tàu đánh cá sang tràn ngập Biển Đông, rồi bắn giết ngư dân chúng ta. Như vậy là thế nào?
Nếu vì lợi ích cá nhân, vì cái lợi của các tập đoàn lợi ích mà ngả về phía Trung Quốc, thì lúc đó cái họa xâm lăng trở nên rất là nguy hiểm. Mà điều đó thì các tầng lớp nhân dân Việt Nam không chấp nhận, các nhân sĩ trí thức Việt Nam không thể chấp nhận được. Và sẽ có những hành động để mà biểu thị lòng yêu nước của mình, nếu việc đó cần phải làm.
RFI: Chúng tôi xin rất cám ơn luật gia Lê Hiếu Đằng, Phó chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ và Pháp luật thuộc Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ hôm nay.




Đại biểu QH Hoàng Hữu Phước nói về Hiến pháp:

Sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề nền tảng và không thể thay thế

Sự lãnh đạo của Đảng là vấn đề nền tảng và không thể thay thế
.
 (LĐO) – Thứ ba 21/05/2013 16:56
Bản dự thảo Hiến pháp công bố ngày hôm qua dành được sự quan tâm đặc biệt từ phía dư luận. Bên hành lang kỳ họp QH, PV Lao Động trao đổi với Đại biểu Quốc hội TPHCM Hoàng Hữu Phước. “Có những vấn đề thuộc về nền tảng. Chẳng hạn như sửa một căn nhà, có sửa chữa, cải tạo cách mấy thì vẫn phải giữ lại cái móng”- ông nói.

- Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đã được công bố sau khi tiếp thu 26 triệu ý kiến và 3 lần chỉnh sửa. Ông nhìn nhận thế nào về sự tham gia của người dân qua con số 26 triệu ý kiến?
- Trước hết là nói về số lượng. Con số 26 triệu ý kiến đang cho thấy sự quan tâm một cách tích cực trong tư duy của người dân. Những ý kiến này đã được những người có trách nhiệm của QH tiếp thu và cập nhật rất thường xuyên. Những tài liệu kèm theo dự thảo mà các ĐBQH nhận được là rất dày. Những ý kiến đóng góp người mà dân hợp lý hợp tình đều được đưa vào và phân nhóm các ý kiến, cho thấy hoạt động đóng góp cho Dự thảo Hiến pháp là rất sôi động. Những điểm mới cũng được truyền thông đại chúng liên tục cập nhật. Tôi cho rằng đây là một sinh hoạt chính trị rất lớn, vừa mang tính chất phổ biến, vừa mang tính chất ghi nhận và mọi người đều quan tâm.
- Xin hỏi một câu mang tính chất cá nhân: Gia đình ông có nhận được bản dự thảo Hiến pháp và việc đóng góp ý kiến của gia đình như thế nào?

- Khi nhận được bản dự thảo, tôi nói với bà xã: Em ơi, tờ góp ý là dành cho em đấy. Tức là mình nói đùa với bà xã, tài liệu là đọc chung, còn tờ góp ý để bà xã góp ý. Mình là ĐBQH, mình nhận tài liệu, họp hành, tranh luận và đóng góp ý kiến. Còn tờ của gia đình thì nhường cho bà xã góp ý kiến và ký tên vào đó. Nhà tôi khi đóng góp có sự vui vẻ. Vui vẻ ở đây không có nghĩa là cười toe toét, mà vui vẻ đối với một hoạt động, một sinh hoạt. Nhận được một cuốn dày như thế mà đọc từ đầu đến cuối thì chắc là bất khả. Bà xã tôi không đọc từ đầu đến cuối, mà chỉ đọc những chương quan trọng mà báo chí nói nhiều tới. Ví dụ như về thể chế. Câu đầu tiên mà bà xã mình viết là “Cơ bản nhất trí”. Dưới thì gạch thêm một hai cái đầu dòng nữa. Đặc biệt là ủng hộ việc giữ nguyên thể chế chính trị.

- Trình độ chị nhà như thế nào và những quy định trong bản dự thảo Hiến pháp có quá khó hiểu không, thưa ông?
- Tôi với bà xã học chung đại học, sau đó cùng làm giáo viên tiếng Anh ở Cao đẳng Sư phạm thành phố, cho nên cứ cho rằng bà xã đọc tài liệu đó cũng có sự dễ dàng.

- 26 triệu ý kiến đóng góp là từ những đối tượng rất khác nhau. Với tư cách ĐBQH nghiên cứu về Hiến pháp, ông thấy bản dự thảo phát tới các hộ gia đình có hơi khô, hơi quá khó cho việc đóng góp?
- Mình tin đối với một số người dân đọc tài liệu này là sẽ khó. Không dám nói là trình độ học vấn của những người dưới quê là không cao, nhưng những vấn đề người ta quan tâm trong cuộc sống hằng ngày từ nhỏ tới lớn, khi cầm một cuốn tài liệu như thế, để tự thân vận động mà đọc thì chắc sẽ khó khăn. Nếu địa phương, chính quyền cơ sở mà tổ chức được những buổi sinh hoạt, học tập thì sẽ giúp người dân được nhiều hơn. Mình tin là với đợt sinh hoạt chính trị lớn và quan trọng thế này thì chính quyền địa phương, cơ sở ở dưới quê chắc là có hướng dẫn người dân.

- Sau khi bản dự thảo Hiến pháp được công bố sáng qua, với những vấn đề cơ bản nhất được giữ nguyên, nhiều cử tri và nhân dân băn khoăn, chưa hiểu là dự thảo lần này có khác gì so với bản trước đây? Có khác gì so với Hiến pháp hiện hành?
- Có những vấn đề thuộc về nền tảng. Chẳng hạn như sửa một căn nhà, có sửa chữa, cải tạo cách mấy thì vẫn phải giữ lại cái móng. Tôi cho rằng những vấn đề cơ bản như sự lãnh đạo của Đảng chẳng hạn, chính là những vấn đề nền tảng và không thể thay thế. Còn đối với những vấn đề đã và đang gây ra những bức xúc lớn về trật tự xã hội, quản lý đất đai hay giám sát ngân sách…, tức là những vấn đề mà người dân cũng rất quan tâm thì Hiến pháp lần này sẽ tạo ra thay đổi trong việc phát triển kinh tế. Còn những cái kia thì là những điều căn cơ, căn bản không thay đổi được.

- Quan điểm của ông với tư cách là một nhà lập pháp về vấn đề sở hữu đất đai cũng như việc đưa những quy định như thu hồi đất hoặc không thu hồi đất vào một đạo luật gốc?
- Thời đại bây giờ có những phát sinh mà 30-40 năm trước không ai nghĩ tới. Chẳng hạn vấn đề kinh tế thị trường, sở hữu… Đây là những vấn đề cần được minh định, nếu không, nó sẽ gây ra những vấn đề khác. Người ta nói Hiến pháp là một đạo luật gốc, cần phải ngắn gọn; nhưng tôi cho rang thời thế đã khác, nếu như có những chi tiết trong Hiến pháp thì càng tốt chứ không phải như một số ý kiến cho rằng Hiến pháp cứ phải ngắn gọn thôi, còn những quy định cụ thể thì đưa vào Luật Đất đai. Tôi thì rất thoáng ở chỗ là dù Hiến pháp ghi vắn tắt hay chi tiết thì cũng không sao cả.




CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH KHÔNG ĐƯỢC XUYÊN TẠC NỮA, MÀ PHẢI TIN VÀO ỦY BAN DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP!
Gửi các thế lực thù địch!

Chiều hôm qua 20-5, đồng loạt các báo đưa tin: Không đổi tên nước, Vẫn giữ nguyên tên nước CHXHCN Việt Nam, Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng…
Ông Phan Trung Lý trong bản báo cáo đọc tại Quốc hội đã cho biết: Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp đề nghị giữ nguyên các vấn đề lớn về: Tên nước, vai trò lãnh đạo của Đảng, các lực lượng vũ trang và sở hữu toàn dân về đất đai.
Các “thế lực thù địch” lập tức có những bài, những câu tỏ ra không hài lòng, rằng: vở hài kịch hạ màn, vẫn giữ nguyên như thế thì lấy ý kiến của nhân dân làm gì cho tốn tiền, tốn sức và tốn thời gian, nguyễn y vân là vẫn y nguyên…
Dư luận viên Vo Văn Ve tôi lâu nay nằm im không buồn nói, nay thấy thế thì chịu không được, giống như cầu thủ đã giải nghệ lâu ngày nhớ sân cỏ đành xỏ giày tiếp tục ra sân “đá”.
Quí vị “các thế lực thù địch” có biết rằng đợt lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo hiến pháp vừa qua là một đợt sinh hoạt chính trị vô cùng quan trọng và rộng khắp, với con số khổng lồ 26.091.000 lượt người góp ý kiến, hơn 28.000 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm về góp ý hiến pháp? Quí vị có tưởng tượng nổi không, nếu Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp có 100 người thì trung bình mỗi người phải đọc, ghi chép hơn 260.000 bản góp ý. Người ta đã làm việc vất vả khó nhọc đến mức phi thường như thế, quí vị không hoan nghênh thì thôi, lại còn đi nói thế này thế nọ.
Những con số trên cho dù có vẻ không thể tin nổi nhưng đó là con số thực một trăm phần trăm. Có được kết quả đáng tư hào như thế là do cách làm đầy thông minh sáng tạo, đưa phiếu về cho từng hộ gia đình, dù muốn hay không thì dân cũng phải góp ý. Về mặt này, chắn chắn anh bạn vàng Trung Quốc còn phải xách cặp đến học hỏi chúng ta nhiều.
Quí vị có biết vì sao Ủy ban dự thảo đề nghị giữ nguyên các vấn đề lớn nói trên không? Ấy là do sợ bị xuyên tạc rằng chúng ta xa rời mục tiêu, con đường lên chủ nghĩa xã hội. Ai có thể xuyên tạc? Thì chính là quí vị chứ còn là ai nữa. Qua đây, quí vị nên cảm thấy ân hận rằng giá như lâu nay quí vị không ồn ào, ý kiến ý cò lôi thôi, thì rất có thể lần này sẽ đổi tên nước thật, và cũng có thể có một số thay đổi khác mang tính tự nhiên. Chung qui cũng do cái tính bộp chộp của quí vị mà thôi.
Trong bối cảnh tình hình quốc tế vô cùng nhạy cảm như hiện nay, việc giữ nguyên những nội dung cơ bản nói trên là hết sức cần thiết và là tất yếu. Điều này đã được ông Phan Trung Lý nhiều lần khẳng định. Quí vị phải tin vào quá trình làm việc của Ủy ban dự thảo, phải tin vào ông Phan Trung Lý. Những vấn đề được Ủy ban dự thảo trình lên Quốc hội đều đã được đại đa số nhân dân đồng tình. Tôi khẳng định lại là đã được đại đa số nhân dân đồng tình. Sự đồng tình của đại đa số nhân dân, tuy rất khó chứng minh bằng con số cụ thể là bao nhiêu phần trăm, nhưng đã được ông Phan Trung Lý thể hiện rất rõ trong báo cáo. Vấn đề ở đây không phải là chuyện dễ hay khó chứng minh, mà là vấn đề niềm tin. Vấn đề cốt lõi phải là niềm tin. Nhân dân ta đã nguyện một lòng tin theo Đảng và Nhà nước, cho nên lời khuyên ở đây mà tôi muốn dành cho các thế lực thù địch, là hãy quay về với nhân dân, hãy tin vào Ủy ban dự thảo, tin vào lời nói của ông Phan Trung Lý.

Qua diễn biến của phiên họp chiều qua, các thế lực thù địch có thể thấy được tầm vóc to lớn và vai trò hết sức quan trọng của Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp và của ông Phan Trung Lý. Các vị ấy muốn đưa trình cái gì ra cho Quốc hội là quyền của họ. Và rồi Quốc hội sẽ quyết theo hướng mà họ đã gợi ý thôi. Cho nên các thế lực thù địch cần phải biết phân biết thận, í lộn, biết thân biết phận mà đừng có xuyên tạc nữa, đừng có ý kiến ý cò lôi thôi rắc rối nữa. Không những thế, các vị cần phải có niềm tin tuyệt đối vào những đề xuất của Ủy ban dự thảo và của ông Phan Trung Lý, nhá.
Nhiều kẻ trong các thế lực thù địch, không hiểu biết gì về nghệ thuật, bèn la toáng lên rằng: Tấn hài kịch đã hạ màn! Tưởng chừng như là một phát hiện vĩ đại lắm. Nói thật với quí vị, muôn đời không bao giờ nó là hài kịch. Một vở kịch hoành tráng về chính trị, về chính trường như thế, sao lại gọi là hài kịch? Phải gọi cho nó đúng với tên tuổi của nó: chính kịch. Quả tình Vo Văn Ve tôi chưa thấy ai yếu kém về cảm thụ nghệ thuật như thế, yếu đến nỗi không phân biệt được đâu là hài kịch, đâu là chính kịch.
Hỡi các thế lực thù địch! Quí vị là ai, ở đâu, hình hài quí vị ra sao… còn đang là một vấn đề khoa học gây tranh cãi. Nhưng qua các nguồn thông tin chính thống thì quí vị đang hiện diện khắp mọi nơi mọi chốn, đến mức có lúc tôi bi quan nghĩ rằng chưa có một đất nước nào lại có nhiều thế lực thù địch như nước ta. Ở đâu đâu cũng thấy có cụm từ ”thế lực thù địch”, từ các trang báo cho đến các bài diễn văn, các văn bản, văn kiện…
Nhưng cho dù thế nào đi nữa, tôi vẫn tin cho đến một ngày kia, quí vị sẽ thấm nhuần và chọn đi theo niềm tin vào chủ nghĩa xã hội. Khi đó, quí vị sẽ trở thành thù địch của các thế lực thù địch, quí vị sẽ được nhận lương cao của một dư luận viên như tôi đang được nhận lâu nay. Và điều quan trọng hơn, quí vị sẽ được nhận sổ hưu, đủ để nuôi vợ con và bồ nhí, cho đến ngày đi gặp Mác và Lê-nin…

 ( Nguồn: TSYG )


No comments: