Sắp ghế cho dàn nhạc chính trị VN
Hội nghị Trung ương 7
của Đảng Cộng sản Việt Nam từ ngày 2 đến 11/05/2013 đã tập
trung vào sáu chủ đề lớn, và thảo luận “một số vấn đề quan trọng
khác”.
Ban Chấp hành Trung ương nhất trí ba vấn đề và “đồng tình cao” về các vấn đề khác.
Tuy vậy, Trung ương Đảng không đi
theo dàn bài soạn sẵn và đã bác bỏ giới thiệu của Bộ Chính
trị trong việc bầu chọn tân thành viên cho Bộ Chính trị.
Hội nghị Trung ương 7 là dấu hiệu rằng công tác chuẩn bị cho Đại hội 12 của Đảng vào năm 2016 đã bắt đầu.
Sáu chủ đề chính bao gồm, thứ nhất, tiếp tục nỗ
lực cải tổ hệ thống chính trị từ trung ương xuống cơ sở như đã ghi trong
Nghị quyết 4. Những kết luận chính là cải tổ hệ thống chính trị phải đi
từ từ, dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và phù hợp với phát triển kinh tế
của Việt Nam. Nỗ lực cải tổ chính trị sẽ tập trung cho việc giảm chồng
chéo trách nhiệm giữa các cấp chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, công
chức trong ba lĩnh vực – lý luận, dự báo kinh tế và tư vấn chính sách.
Thứ nhì, các lãnh đạo Đảng cũng muốn
tăng cường công tác tuyên truyền và dân vận. Đây là chỉ dấu các
lãnh đạo ý thức được các căn bệnh lan rộng trong xã hội Việt
Nam.
Thứ ba, Hội nghị cũng xem xét quá trình
sửa đổi Hiến pháp 1992, gồm cả phần lấy ý kiến công chúng.
Quan chức Đảng nói rằng quá trình này, qua hơn 28 nghìn hội
nghị hội thảo đã thu nhận được trên 26 triệu ý kiến, là bằng
chứng rằng Việt Nam là quốc gia xã hội chủ nghĩa pháp quyền,
‘của dân, do dân và vì dân’.
"Tổng Bí Thư Đảng đã bác bỏ các kiến nghị do nhóm 72 cựu quan chức cao cấp, trí thức, cựu chiến binh và công dân nổi bật gửi đến"
Thế nhưng, trái ngược với điều này, Tổng
Bí Thư Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã bác bỏ các kiến nghị do
nhóm 72 cựu quan chức cao cấp, trí thức, cựu chiến binh và công
dân nổi bật ký và gửi đến.
Đảng lẽ ra có thể nhân Bản kiến nghị 72,
rồi sau đó công bố các lý do vì sao bác bỏ các đề nghị trong
đó. Rõ ràng là ở đây sân chơi không bình đẳng, và một số ‘công
dân’ lại có quyền ‘bình đẳng’ hơn những người khác.
Cho tới nay không hề có nghị quyết nào
được công bố liên quan đến chủ đề này vì trách nhiệm chính
của sửa đổi hiến pháp thuộc về Ủy ban Dự thảo Sửa đổi Hiến
pháp và Quốc hội.
Được biết, Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét các đề nghị sửa đổi hiến pháp tại kỳ họp tháng 5 và tháng 9 này.
Một chủ đề nữa mà Đảng Cộng sản cam kết
làm là thực hiện nghị quyết về “Một số vấn đề cấp bách
trong công tác xây dựng Đảng”.
Nghị quyết này có mục tiêu khắc phục
tình trạng suy thoái về ý thức hệ, đạo đức và lối sống của
một số đảng viên mà đã gây ra hậu quả là việc thực hiện yếu
kém các nguyên tắc “Dân chủ tập trung, Lãnh đạo tập thể và
Trách nhiệm cá nhân”.
Trung ương Đảng cũng dùng phê bình và tự
phê bình ở mọi cập như cách thức tăng cường kỷ luật của Đảng
và “giải quyết các vụ việc phức tạp” gây bức xúc trong dư
luận, gồm cả tham nhũng, mạng lưới quan hệ quyền lực ngay cả
trong các quan chức cao cấp và lãnh đạo.
Nhưng chính việc bầu chọn nhân sự mới vào
Bộ Chính trị – được trình bày trong phần tiếp theo - cho thấy
chiến dịch chống tham nhũng đã bị khựng lại.
Tân lãnh đạo tiến lên
Trong kỳ Đại hội Đảng 11 họp vào tháng
1/2011, Bộ Chính trị nhiệm kỳ trước đã đề nghị để Bộ Chính
trị nhiệm kỳ này có 17 thành viên. Nhưng khi Trung ương bỏ phiếu
thì chỉ có 14 người nhận được số phiếu đủ để vào Bộ Chính
trị, tức là 50% cộng một phiếu. Vào lúc đó nhiều nhà quan
sát đã cho rằng con số 14 là không ổn định vì nó tạo ra tình
trạng đều số phiếu gây bế tắc.
Tin tức nói Hội nghị Trung ương 7 có nhiệm
vụ giải quyết ba vị trí trống đó. Nhưng thật bất ngờ, Ban
Chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ qua các ứng viên được ưu ái và
chỉ đưa hai người mới vào Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Nguyễn
Thiện Nhân và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân,
người cũng là thành viên của Ban Bí thư.
Cả hai người đều gốc miền Nam. Ông Nhân
sinh ra ở Trà Vinh và từng làm Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP
Hồ Chí Minh 2001-06. Bà Ngân quê ở Bến Tre và từng nắm Sở Tài
chính tỉnh trước khi thăng tiếng lên làm Bí thư Hải Dương ngoài
Bắc.
"Bà Ngân là phụ nữ Việt Nam thứ ba trong lịch sử Đảng Cộng sản được vào Bộ Chính trị kể từ khi cơ quan quyền lực này được lập ra năm 1951. "
Sự loại bỏ các ứng viên được Tổng Bí Thư
Đảng ủng hộ, và đưa ông Nhân và bà Ngân lên phản ánh sự chia
rẽ tiếp tục trong giới cầm quyền Việt Nam. Một Bộ Chính trị
16 thành viên cũng sẽ tiếp tục phải đóng vai trò tế nhị là
duy trì cân bằng quyền lực và dàn xếp giữa các phe phái.
Cũng cần nhắc lại rằng tại Hội nghị
Trung ương 6 tháng 10 năm ngoái, Bộ Chính trị, theo các tin lọt
ra, đã bỏ phiếu 9-5 về quyết định kỷ luật Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng. Nhưng sau đó, Ban Chấp hành Trung ương đã bác bỏ yêu
cầu của Bộ Chính trị, một dấu hiệu rõ ràng là đa số người
trong Trung ương Đảng ủng hộ ông Dũng.
Cũng cần nhắc lại rằng Thủ tướng Dũng đã bổ nhiệm ông Nhân làm Phó Thủ tướng ngay trong nhiệm kỳ đầu của ông.
Ngay trước Hội nghị Trung ương lần này, Bộ
Chính trị đã thông qua một nghị quyết quan trọng thúc đẩy hội
nhập quốc tế về kinh tế của Việt Nam. Hiện văn bản này vẫn
còn được giữ trong bí mật nhưng có vẻ như sự thăng tiến của
ông Nhân vào Bộ Chính trị được xắp đặt để thúc đẩy mục tiêu
này.
Từng học tại Đức và Hoa Kỳ, ông Nguyễn
Thiện Nhân được nước ngoài đánh giá là người đối thoại tuyệt
vời khi nói chuyện với các nhà đầu tư hoặc lãnh đạo các
nước. Ông cũng được giao nhiệm vụ nắm việc xử lý quan hệ với
Trung Quốc và vừa đi Bắc Kinh nhằm cùng chủ trì cuộc họp lần
thứ sáu Ủy ban Hỗn hợp Trung – Việt là cơ chế giám sát mọi
hoạt động song phương, đặc biệt là về kinh tế.
Cũng có thể đánh giá sự thăng tiến của
bà Nguyễn Thị Kim Ngân theo cách tương tự. Sự nghiệp của bà cho
thấy có kinh nghiệm nổi bật trong việc giải quyết các chủ đề
kinh tế, gồm cả giai đoạn làm Thứ trưởng Bộ Tài chính và
Thứ trưởng Bộ Thương mại. Bà cũng từng làm Bộ trưởng Lao
động, Thương binh và Xã hội. Bà Ngân có sự ủng hộ từ trong
Đảng thể hiện qua lần bổ nhiệm bà vào Ban Bí thư năm 2011.
Bà Ngân là phụ nữ Việt Nam thứ ba trong
lịch sử Đảng Cộng sản được vào Bộ Chính trị kể từ khi cơ
quan quyền lực này được lập ra năm 1951. Bà cùng bà Tòng Thị
Phóng là hai nữ ủy viên Bộ Chính trị nhiệm kỳ này. Trước họ
có bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ vào Bộ Chính trị năm 1996 ở kỳ Đại
hội 8.
"Sự hụt hẫng của hai ông Thanh và Huệ là một cú khựng lại nghiêm trọng cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mà các nguồn tin nói là đã ủng hộ họ hết mức."
Ban Chấp hành Trung ương cũng mở rộng Ban
Bí thư để nhận vào ông Trần Quốc Vượng, người gốc Thái Bình,
hiện phụ trách Văn phòng Trung ương Đảng và từng nắm chức Viện
trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Trung ương Đảng đã bác bỏ ứng cử viên
Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính, và Vương Đình Huệ,
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương mới được lập trở lại. Vì không
giành được một ghế trong Bộ Chính trị, uy tín của ông Thanh bị
giảm sút trong cương vị chỉ đạo công cuộc chống tham nhũng. Dù
ông tiếp tục báo cáo trực tiếp lên Tổng Bí thư Đảng nhưng sẽ
không có cách nào trực tiếp tác động đến các quyết định
chính trị quan trọng nhất.
Sự hụt hẫng của hai ông Thanh và Huệ là
một cú khựng lại nghiêm trọng cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú
Trọng, người mà các nguồn tin nói là đã ủng hộ họ hết mức.
Các tin đồn ở Hà Nội cũng gợi ý rằng
còn có một số nhân vật hàng đầu có hy vọng như Tướng Ngô Xuân
Lịch, Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị của Quân đội Nhân dân Việt
Nam, và Bộ trưởng Ngoại giao, ông Phạm Bình Minh.
Trong số 16 ủy viên Bộ Chính trị, 10 người
sẽ nghỉ hưu vào kỳ Đại hội Đảng tới nếu quy tắc giữ tuổi
về hưu là 65 được áp dụng triệt để. Một biệt lệ có thể được
áp dụng với chức Tổng Bí thư. Thường thì hệ thống ở Việt
Nam hay giữ các nhân vật nắm ghế Tổng Bí thư, Chủ tịch nước,
Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và Trưởng Ban Bí thư lại ở
nhiệm kỳ Đại hội mới.
Nhưng hiện cũng chưa rõ sẽ có thêm bổ nhiệm vào Bộ Chính trị trong giai đoạn tới không.
Một ứng viên khác được nói đến là ông
Hoàng Trung Hải, hiện là một trong số bốn Phó Thủ tướng. Tên
ông này có thể sẽ được nêu ra ở một kỳ họp Trung ương sau này.
Nếu không có thêm người vào Bộ Chính trị
từ nay tới Đại hội Đảng lần tiếp theo, một trong số hai người
mới vào Bộ Chính trị lần này có thể còn thăng tiến lên chức
vụ cao hơn vào năm 2016.
Và một lần nữa, hệ thống lãnh đạo già cỗi của Việt Nam sẽ không tạo ra không gian gì cho sự chọn lựa.
Giống như việc sắp xếp ghế cho một dàn
nhạc, năm 2016 có vẻ sẽ là dịp cho sáu ứng cử viên để rồi từ đó
chọn ra năm vị trí lãnh đạo uy quyền nhất.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia chính trị Việt Nam, đã giảng dạy nhiều năm tại Đại học New South Wales, Úc, trước khi nghỉ hưu
No comments:
Post a Comment