Wednesday, May 22, 2013

Jonathan London

 

 Cơn ớn lạnh trong một ngày 40 độ
Người dịch: Đan Thanh

Cách đây một tuần, tác giả bài này có bình luận về những thay đổi không thể chối cãi diễn ra gần đây trong văn hoá chính trị Việt Nam, và kết luận mà không cần giả định nào về tương lai, rằng nền chính trị Việt Nam đã bước vào một giai đoạn mới. Và hôm nay tôi vẫn giữ quan điểm của tôi, là Việt Nam đang ở một vị thế mới và người Việt Nam đang cất lên tiếng nói chính trị của họ.
 
Tin mới nhất, chỉ vừa cuối tuần trước, là sẽ không có tin tức nào không bị kiểm soát,cho đến khi BBC, CNN và các hãng tin nước ngoài khác chịu tuân thủ yêu cầu về giấy phép hoạt động ở Việt Nam, như quy định trong Nghị định 20. Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp quốc doanh đã vừa chấm dứt hoạt động (thành ngữ: rút phích cắm, chỉ sự kết thúc một kế hoạch, cắt đứt một nguồn sống…) của những hãng tin ngoại quốc.

Điều này xảy ra chỉ vài ngày sau khi hai thanh niên bị kết án tù rất nặng vì tội dán cờ của “các chế độ cũ” (dán cờ phía dưới một khẩu hiệu đối đầu với hành vi cư xử của Trung Quốc trên Biển Đông Nam Á), và một ngày sau kỷ niệm sinh nhật của ông Hồ Chí Minh, khi thanh niên trên khắp Việt Nam diễu hành với các khẩu hiệu, bảng chữ tuyên xưng niềm yêu kính và ngưỡng mộ theo đúng chỉ thị của họ đối với các cống hiến vĩ đại của ông Hồ.

Tuy nhiên, cách cư xử của đảng cầm quyền ở Việt Nam có vẻ mâu thuẫn với các nguyên tắc được nêu trong Tuyên ngôn Độc lập của ông Hồ, theo đó, ông mượn một câu từ Quyền con người để nói rằng “tất cả mọi người đều sinh ra tự do và có quyền bình đẳng”.

Ở đâu đó có những nhận định rằng dập tắt các kênh tin tức là một nỗ lực của các cơ quan chức năng có liên quan nhằm làm tăng khả năng truy cập vào các trang này và kiếm tiền nhanh cho một số người có khả năng dịch tốt, bằng cách bắt buộc các chương trình truyền hình quốc 
phải có phụ đề ở một tỷ lệ nội dung nào đó.

Một khả năng khác, đã được bóng gió ở trên, là đây thật ra là sự bắt đầu của những kế hoạch hưởng ứng lời kêu gọi thắt chặt kiểm soát, như đã được nêu ra trong phiên họp toàn thể gần đây của đảng. Khả năng thứ ba và gây tò mò nhất, cũng lại chỉ là suy đoán, là chấm dứt hoạt động của các kênh tin tức ngoại quốc chủ yếu vì những nỗ lực muộn màng của nhà nước hoặc của các quan chức nhà nước cụ thể nào đó nhằm làm giảm bớt khó khăn của ban lãnh đạo đảng trước các công dân của họ và trước thế giới, khi mà họ vừa có bản án quá nặng đối với hai người trẻ. Người ta có thể hình dung cảnh một quan chức cao cấp phun phì cả nước trà khi đang xem truyền thông quốc tế đưa tin về bản án, và sau đó là một cú phôn ngắn gọn, vào lúc khuya, với một giọng khàn khàn: “Chấm dứt đi!”.

Bản án, không còn nghi ngờ gì nữa, được sự tán thành của các phần tử thủ cựu canh giữ trong đảng, có quyền trấn áp, và cũng phải thừa nhận là nó được sự ủng hộ của một số đáng kể dân số – những người đánh đồng lá cờ vàng với bạo lực thời chiến và xung đột dân sự. Nhưng bản án quá nặng và không có lợi gì cho hình ảnh quốc gia, ở trong nước cũng như nước ngoài.

Bây giờ đang là thời điểm thú vị ở Việt Nam. Văn hoá chính trị đã phát triển và đang có sự bất mãn đáng kể ngay trong nội bộ đảng, về việc làm thế nào giải quyết tình hình hiện nay. Chuyện phe phái trong đảng tất nhiên là chẳng phải cái gì mới mẻ. Và sự đa nguyên trong nội bộ đảng đó, nếu nó đi xa hơn, thật sự có thể có lợi cho quá trình dân chủ hoá, cho dù dưới hình thức nào. Tất nhiên, đa số dân chúng Việt Nam hy vọng có một kết quả như thế.

Hôm thứ hai tại Hà Nội nóng tới 40 độ C. Nhưng một cơn gió lạnh vừa tạt qua. Đấy là điềm gở về một mặt trận đang đến gần hay một cú thở hắt ra của quá khứ, chúng ta sẽ chờ xem.
JL

No comments: