Monday, May 13, 2013

IN MEMORIAM



 



  STÉPHANE  HESSEL
      TINH THẦN KHÁNG CHIẾN BẤT KHUẤT

- 
      Có những cuộc đời ly kỳ hơn tiểu thuyết và vinh quang hơn huyền thoại; những người khi sống thì chiến đấu cho lẽ phải và khi chết thì hóa làm biểu tượng cho mọi công dân của thời đại toàn cầu.

   Sinh ngày 20-10-1917 ở Berlin, cậu bé gốc Do thái Stéphane sang Pháp sống lúc bảy tuổi vì ông bố Franz Hessel là một nhà văn Đức vừa là người dịch Marcel Proust đã chọn nước Pháp làm quê hương sau khi yêu và cưới Helen Grund, nàng sinh viên mỹ thuật Đức sang Paris du học. Gia đình này hòa nhập vào giới văn nghệ tiền phong của thủ đô Ánh Sáng, giao du với André Breton, Man Ray, Alexander Calder, Francois Truffaut… Stéphane được Marchel Duchamp dạy đánh cờ vua, nhưng sự kiện có ý nghĩa lớn đối với chàng thiếu niên là cuộc gặp Sartre. Trả lời phỏng vấn trên website Do Thái Haaretz năm 2012, ông thuật lại: ”Sartre bước vào đời tôi lúc tôi 17 tuổi, lúc các tiểu thuyết đầu tay của ông vừa được xuất bản. Ông cho tôi một thông điệp rõ ràng:’ Anh phải gánh vác trách nhiệm, anh chỉ nên người khi anh cảm nhận được trách nhiệm của mình.’” Stéphane nhập tịch Pháp lúc 20 tuổi, hai năm sau thi đổ vào Normale Sup ( trường của Sartre, Merleau-Ponty, Trần Đức Thảo…) nhưng bị động viên và  bị quân Đức bắt làm tù binh .
Năm 1941 cha mất và nước Pháp bị chiếm đóng, ông trốn thoát để gia nhập lực lượng kháng chiến Pháp ở Luân Đôn dưới quyền tướng Charles de Gaulle. Ông học lái phi cơ với Không Lực Hoàng Gia Anh, nhưng không được lái máy bay đi oanh kích vì phải làm cán bộ giao liên tình báo. Đến tháng 3-1944 được gửi về Paris để liên lạc với các nhóm hoạt động bí mật, ông bị tố giác và kết án tử hình sau khi bị mật vụ Gestapo tra tấn. Đầu tháng 8 ông bị chuyển cùng các gián điệp đồng minh bị lộ khác sang lò thiêu Buchenwald nơi ông thoát được giá treo cổ nhờ giả mạo căn cước một lính Pháp đã chết. Trong một dịp chuyển trại, ông lại tìm cách đào thoát để trở về Paris vào tháng 5-1945 lúc đó đã được giải phóng.




   Sau chiến tranh, ông phụ tá cho trưởng phái đoàn Pháp Henri Laugier tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và tham gia vào việc soạn thảo bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được công bố cuối năm 1948. Trong thời gian phục vụ dưới bộ Ngoại Giao Pháp, ông từng làm việc ở Algerie và Việt Nam; và được Mitterrand phong làm Đại sứ năm 1981. Về hưu hai năm sau, Stéphane Hessel tiếp tục làm chiến sĩ trên các mặt trận nhân quyền, đấu tranh cho dân ngụ cư không giấy tờ hợp lệ ở Pháp (les sans-papiers) và dân Palestin bị Do Thái cưỡng đoạt không gian sinh tồn. Tháng 10-2010, không thể im lặng trước sự thao túng thị trường và các thể chế chính trị của các tập đoàn doanh nghiệp tư bản, đồng thời với sự cắt giảm an sinh xã hội ở Pháp theo đường lối Sarkozy, ông soạn thảo một tiểu phẩm mười bốn trang dưới cái tên INDIGNEZ-VOUS! (Hãy bày tỏ nỗi bất bình!) . In ra thành sách, bài luận văn đả kích này (pamphlet) đã được dịch sang hàng chục thứ tiếng và bán hơn bốn triệu rưỡi bản trên 35 nước. Lời hiệu triệu cho cuộc tranh đấu bất bạo động của Stéphane Hessel đã được hưởng ứng trong những lần xuống đường của Mùa Xuân Ả Rập lan qua các cuộc biểu tình ở Hy Lạp, Pháp, Tây Ban Nha, đến tận New York khi các trí thức và người dân tham gia phong trào chiếm đóng Occupy Wall Street đã dùng bản dịch Anh ngữ TIME FOR OUTRAGE  làm tài liệu tham khảo và học tập. Nghe tin phong trào OWS lan rộng khắp Hoa Kỳ, ông đã ngạc nhiên nhận xét rằng:” Thời điểm lịch sử giải thích phong trào này. Bị mất phương hướng, các xã hội tự hỏi làm cách nào thoát ra và tìm một ý nghĩa cho cuộc phiêu lưu của loài người”.  Năm 2011, ông viết thêm lời hiệu triệu các thế hệ trẻ ENGAGEZ-VOUS! (Hãy tham dự/ dấn thân!). Và năm vừa qua, tác phẩm cuối đời ra mắt ở Pháp DÉCLARONS LA PAIX! ( Chúng ta hãy tuyên bố Hòa Bình!)in lại những buổi đàm đạo giữa ông và Đức Đạt Lai. Ông vừa mất ngày 27 tháng 2 năm nay, thọ được 95 tuổi.  Đông đảo thanh niên, trí thức và quần chúng Paris đã làm lễ tưởng niệm Stéphane Hessel.Trong lời ai điếu, đương kim tổng thống Pháp Hollande tóm lược về ông: “một gương mặt lớn đã cống hiến cuộc đời ngoại hạng của mình cho cuộc tranh đấu bảo vệ nhân phẩm” (grande figure dont la vie exceptionnelle fut dédiée à la défense de la dignité humaine).  

                                                                   CHÂN  PHƯƠNG

Time for Outrage !                


 Bài viết có tham khảo các nguồn:
1-     Stéphane HESSEL, INDIGNEZ-VOUS!, Editions Indigène, 2010.
2-     France-Amérique, “Stéphane Hessel, éternel résistant”, Avril 2013.
3-     New York Times, 28-2-2013, “Stephane Hessel, Author & Activist dies at 95”.   

No comments: