Tuesday, May 14, 2013

Mikkail Zoshchenko

Ong và người

Mikkail Zoshchenko Bắc Phong chuyển ngữ từ bản tiếng Anh Bees and People dịch bởi Maria Gordon and Hugh McLean.

bee_attack
Câu chuyện xảy ra sau chuyến viếng thăm nông xã của một gã lính hồng quân. Để làm quà cho thân quyến, gã đem theo một lọ mật. Và mọi người đâm ra thích mật đến nỗi họ quyết định là nông xã phải có một tổ hợp nuôi ong lấy mật riêng.
Nhưng chẳng có ai ở đấy đang nuôi ong cả. Thành ra các xã viên phải bắt đầu từ con số không. Nghĩa là họ sẽ phải làm tổ rồi đi dọn nhà cho mấy đám ong rừng. Đến lúc bàn tới chuyện thời gian đòi hỏi để hoàn tất công việc thì họ mất hết cả nhiệt tình. Lâu quá. “Chẳng bao giờ xong việc,” họ bàn tán. “Phải chạy đây chạy đó, rồi cái điều mình thấy đầu tiên là mùa Đông. Muốn nếm mật chắc phải đợi đến sang năm. Trong khi mình thì lại cần nó ngay bây giờ.”
May thay trong đám xã viên lại có lão Ivan Panfilich, người đã từng nuôi ong lúc còn trẻ. Trông lão bây giờ vẫn còn rắn chắc dù tuổi thì đã bẩy mươi hai. Lão Panfilich phát biểu. “Nếu chúng ta muốn uống trà với mật ong năm nay, thì một người nào đó phải đi tìm nơi người ta nuôi ong rồi mua chúng nó về.” Đám xã viên đồng ý ngay. “Phải đấy, nông xã mình đâu có thiếu tiền. Mà mình phải mua ong trong lúc chúng đang làm tổ cho mật kìa. Vì nếu mình khuân cái đám ong rừng về, mật của nó nhiều khi lại chẳng thơm tho gì.”

Thế là họ giao cho lão Panfilich một số tiền rồi phái lão đi mua ong ở thị trấn Tambov. Lão Panfilich đến Tambov thì được dân ở đấy chỉ bảo. “Cụ đến chúng tôi là phải. Chúng tôi mới có ba làng bị buộc phải dời cư xa tắp về phía Đông. Họ bỏ lại một trại nuôi ong. Chúng tôi sẽ để lại cho cụ với giá rẻ, gần như cho không ấy mà. Có điều làm sao cụ đem ong về. Chúng nó là loại hàng hóa mà cụ có thể gọi là khó quản lý đấy. Ai cấm chúng nó bay tứ tán. Rồi nhiều khi cụ về đến nhà chỉ còn mấy cái tổ không với trứng thì hỏng.”
Lão Panfilich đáp cứng cỏi. “Các ngài khỏi phải lo. Rồi thì bằng cách này hay cách khác tôi sẽ đem được chúng nó về. Tôi biết tính nết ong mà. Tôi tiêu gần cả cuộc đời với chúng rồi chứ ít à.”
Vậy rồi lão mua mười sáu cái tổ đầy ong và chở chúng ra nhà ga xe lửa bằng hai cái xe bò. Ở đó lão Panfilich xoay sở khéo thế nào mà lại có được cả một cái sàn toa trơn để chở ong nữa. Thế là lúc xe lửa chuyển bánh, mấy đám ong bị bọc dưới một tấm vải dầu nằm trên sàn toa cũng lên đường.
Trước đó, lão Panfilich đã đứng chống nạnh trước đám hành khách có cánh và dạy dỗ chúng. “Được rồi, các chú. Mình sẽ về tới nơi tới chốn. Các chú chỉ phải chịu khó sống trong bóng tối một chút thôi. Về đến nông xã, các chú sẽ được tha hồ tìm hoa. Có điều các chú đừng có giận ta là đã bắt các chú du lịch trong đêm. Ta phải bọc các chú dưới tấm vải dầu vì ta không muốn có chú nào điên bay ra trong lúc xe lửa đang chạy. Có chuyện gì xảy ra, các chú đáp không kịp về thì khốn.”
Và một ngày trôi qua, rồi một ngày khác. Xe lửa vẫn lăn đều bánh. Nhưng sang đến ngày thứ ba thì lão Panfilich bắt đầu hơi lo. Xe lửa chạy chậm quá, lại ngừng ở mỗi trạm cả mấy tiếng đồng hồ. Lão cũng chẳng còn biết là khi nào thì về đến nhà nữa. Đến ga Polya, lão Panfilich nhảy khỏi toa xe và đi tìm viên xếp ga hỏi thăm. “Làm ơn nói cho tôi biết, ông xếp, chúng tôi sẽ ngừng ở đây bao lâu?”
“Thật tình tôi không thể nói trước,” viên xếp ga trả lời. “Mấy người có thể phải đợi đến chiều tối.”
“Nếu thế thì tôi phải dở cái tấm vải dầu cho mấy đám ong bay ra ngoài đồng mới xong,” lão Panfilich phân trần. “Cả ba ngày trời chúng nó ngồi dưới tấm bạt rồi còn gì. Có kiệt sức đi chứ chẳng không. Mà chúng có ăn uống gì đâu. Rồi lấy gì chúng nuôi tụi nhỏ nữa.”
“Ông già muốn làm gì thì làm. Tôi cóc cần biết đến. Tôi đang đầy cả việc đây này. Ai rỗi hơi đâu mà lo cho ong. Bực cả mình…”
Lão Panfilich ngẩn người đi một chút rồi vòng trở lại các sàn toa trơn và dở tấm bạt lên. Thời tiết lúc đó thật là dễ chịu. Bầu trời xanh biếc. Lại được cái nắng tháng bảy ấm áp. Chung quanh là những cánh đồng đầy hoa. Thêm vào đó là cả mấy vườn cây hạt dẻ đang rộ mùa nữa. Và khi tấm bạt vừa được dở lên thì lập tức cả không đoàn ong cất cánh. Chúng lượn quanh quẩn một chút rồi nhắm mấy cánh đồng và khu rừng bay tới.
Một đám hành khách thấy lạ bèn bu quanh cái sàn toa trơn. Thế là lão Panfilich đành phải dùng nó như một cái bục để giảng về sự hữu ích của loài ong. Nhưng trong khi lão còn đang thao thao bất tuyệt thì viên xếp ga bước ra khỏi trạm và ra dấu cho thợ máy sửa soạn cho xe lửa chuyển bánh. Lão Panfilich thấy vậy vừa hoảng hốt vừa tức giận. Lão kêu với viên xếp ga. “Nhưng ông xếp, bầy ong của tôi còn đang ở ngoài đồng. Ông xếp làm ơn đừng cho xe chạy.”
Viên xếp ga đáp tỉnh bơ. “Thì ông già cứ huýt gió gọi chúng nó về chỗ ngồi. Tôi không thể để xe phải chờ hơn ba phút đâu.”
“Làm ơn, ông xếp.” Lão Panfilich năn nỉ. “Ông xếp làm ơn giữ xe lửa lại cho đến khi chiều xuống. Lúc mặt trời lặn bầy ong của tôi sẽ bay về. Hay là ít nhất ông xếp cũng cho tháo cái sàn toa trơn của tôi ra. Tôi không thể nào lên đường thiếu chúng nó được. Ông xếp làm ơn hiểu giùm chỗ kẹt của tôi. Đừng làm ngơ tội nghiệp.”
“Tôi đâu có điều hành một trại an dưỡng cho ong.” Viên xếp ga lạnh lùng. “Tôi đang làm việc cho cục đường sắt mà ông già. Chuyện ong bay mất. Hay thật. Rồi chuyến xe tới người ta sẽ kêu với tôi là ruồi bay lạc, rận nhảy khỏi toa ngủ. Ông già muốn tôi phải làm gì. Giữ xe lửa lại không cho chạy vì những chuyện như vậy à. Đừng có giễu với tôi chứ.” Nói xong gã ra lệnh cho xe chuyển bánh. Và con tầu lại khởi hành.
Lão Panfilich mặt trắng bệch như một tờ giấy. Đứng trên cái sàn toa trơn lão chỉ còn có nước kêu trời. Thân hình lão run lên một cách tuyệt vọng. Nhưng chiếc xe vẫn lăn đều bánh. Đúng ra có một số ong may mắn đã đáp kịp lên toa lúc xe lửa chạy. Nhưng hầu hết là còn bị kẹt trên những cánh đồng và trong khu rừng. Rồi thì con tầu cũng khuất bóng.
Lúc này thì viên xếp ga đã trở lại phòng làm việc. Thế nhưng trong lúc gã vừa uống trà vừa hý hoáy viết một cái gì đó thì bỗng dưng từ phòng đợi của trạm vọng vào những tiếng kêu sầm sập của chân người dậm trên sàn gỗ. Gã vội vàng chạy lại cửa sổ để xem chuyện gì xảy ra. Thì ôi chao, khắp phòng đợi hành khách đang nhốn nháo cả lên. Họ cuống quít lấy tay phủi đầu, phủi cổ. Chân thì nhảy hết chỗ nọ đến chỗ kia. “Có chuyện gì thế hả?” Viên xếp ga hét to.
“Ong đốt, chúng chích ba người rồi.” Đám hành khách rêu rối rít. “Chúng đang tấn công chúng tôi. Bay kín cả trời kia kìa…”
Nhìn ra ngoài trời, viên xếp ga thấy cả một đám mây ong đen kịt đang đảo chung quanh cái trạm của mình. Chúng bay tìm cái sàn toa trơn. Không thấy thế là chúng tấn công người. Viên xếp ga hoảng hốt và vừa mới định bước ra phòng đợi thì một bầy ong đã bay lọt qua khung cửa sổ. Điên tiết, gã vớ được một chiếc khăn lông và vung khắp chỗ đuổi chúng. Nhưng rõ ràng gã đã gây một lỗi lầm tai hại. Hai con ong vồ được gã chích trúng cổ. Con thứ ba ngay tai. Con thứ tư giữa trán. Bị thương, viên xếp ga chỉ còn biết quấn đầu trong tấm khăn và nằm vật ra trên ghế sa-lông rên rỉ. Chập sau, viên phụ tá của gã chạy vào báo cáo. “Ông xếp, ngoài ông xếp ra, ong còn chích cả mấy người khác nữa. Thầy thư ký đánh điện tín bị ong đốt ở má không chịu làm việc nữa kìa.”
Vẫn nằm co trên ghế, viên xếp ga rên. “Mấy người có cách gì không?” Ngay lúc đó, một nhân viên khác của gã chạy vào kêu ầm lên. “Ông xếp, nguy to rồi, bà bán vé… tôi muốn nói bà nhà, Klavdia Ivanovna, cũng vừa bị ong đốt ngay mũi. Dung nhan bà tiêu rồi ông xếp ơi.”
Viên xếp ga càng rên to hơn rồi nói như hét. “Phải làm sao đem cái toa trơn với lão già nuôi ong về đây gấp.” Xong gã ngồi bật dậy, chạy đến giựt cái ống điện thoại. Ở đầu giây bên kia, từ cái trạm xe lửa kế tiếp, đồng nghiệp gã trả lời. “Được rồi, bọn này sẽ tháo cái sàn toa trơn ấy ra ngay. Có điều bọn này không có đầu máy nào để kéo nó.” Viên xếp ga kêu to. “Tôi sẽ gửi cái đầu máy xuống. Mấy ông tháo cái toa trơn ấy ra ngay lập tức. Ong đốt cả vợ tôi rồi kia kìa. Trạm tôi, hành khách chạy trốn vào mấy cái kho cả rồi. Chẳng còn ma nào hết. Chỉ còn toàn ong là ong. Tôi đếch có ra ngoài nữa. Kệ mồ mấy chuyến xe…”
Và rồi không lâu cái sàn toa trơn cũng được trao trả. Mọi người ai cũng thở phào khi trông thấy nó với lão Panfilich đứng trên. Lão Panfilich lập tức ra lệnh cho dời cái sàn toa trơn lại ngay đúng vị trí cũ. Bầy ong ngay khi thấy nó liền bay túa lại. Nhưng chúng đông quá, lại vội tìm chỗ ngồi của mình nên xô đẩy lẫn nhau. Những tiếng vù vù nghe ồn ào đến nỗi một con chó đang đứng đó cũng phải sủa oang, và đám bồ câu thì bay toán loạn cả lên không.
Đứng trên bục giảng, lão Panfilich lại làm một màn răn bảo. “Từ từ các chú. Đi đâu mà vội. Các chú phải ngồi đúng chỗ ghi trên vé đấy.” Thế rồi chỉ trong vòng mười phút, tất cả đều trở lại bình thường. Lão Panfilich cũng bước khỏi bục giảng sau khi đã chắc chắn mọi chuyện đâu đã vào đó rồi. Và khi đám hành khách đứng chung quanh trạm bắt đầu vỗ tay hoan hô, lão Panfilich, giống như một diễn viên, cúi gập mình xuống cám ơn rồi nói. “Hãy kéo cổ áo quý vị xuống. Cứ để mặt ra. Đừng có run nữa. Ong nó không đốt nữa đâu.” Sau đó lão chạy đi tìm hỏi thăm viên xếp ga. Hắn ta đầu vẫn còn quấn trong tấm khăn và nằm rên ư ử trên ghế sa-lông. Khi thấy lão Panfilich bước lại gần, gã càng rên to hơn.
“Ông xếp quý mến,” lão Panfilich lễ phép. “Tôi rất lấy làm tiếc là bầy ong của tôi đã đốt ông xếp. Nhưng mà lỗi tại ông xếp cả. Ông xếp không thể nào lãnh đạm trước mọi chuyện. Dù là chuyện lớn hay chuyện nhỏ. Ong chúng không chịu được đâu. Chúng sẽ tấn công ngay những kẻ nào như thế mà không phải tính suy gì cả.” Viên xếp ga lúc này lại càng rên dữ dội. Trong khi đó lão Panfilich lại tiếp tục dậy dỗ. “Giống ong tuyệt đối chúng không bao giờ chịu bị xử ép bởi những cán bộ nhà nước trịch thượng đâu. Ông xếp đối xử với dân chắc cũng giống cách ông xếp đối xử với chúng. Thành ra hậu quả ra sao thì ông xếp thấy đó.”
Nói đến đây, lão Panfilich đưa mắt nhìn ra cửa sổ rồi lại tiếp tục. “Hoàng hôn đã xuống rồi. Những người bạn đồng hành của tôi cũng đã vào chỗ ngồi cả. Tôi lại có được cái vinh dự là chúc ông xếp một buổi tối an lành. Thôi tôi đi nhé.”
Viên xếp ga gật đầu một cách yếu ớt như muốn nói. “Xéo mẹ đi.” Rồi thều thào gã cố nói vói theo. “Cụ chắc là đã có đầy đủ ong của cụ rồi chứ. Cụ nhớ đừng để xót lại con nào…”
“Nếu mà có hai hay ba con kẹt lại,” lão Panfilich lên giọng. “Nhiều khi lại tốt cho ông xếp. Những tiếng vo vo của chúng sẽ nhắc ông xếp chuyện gì đã xẩy ra ngày hôm nay.” Nói xong, lão Panfilich bước một mạch ra khỏi phòng.
Chập tối ngày hôm sau, với vẻ mặt hân hoan lão Panfilich về đến nông xã với đám hàng hóa đầy sinh khí. Các xã viên lại còn long trọng tiếp đón lão với cả một ban nhạc.

1941
Bắc Phong chuyển ngữ từ bản tiếng Anh Bees and People dịch bởi Maria Gordon and Hugh McLean.
nguồn Sáng tạo

No comments: