Friday, May 10, 2013

Nhà văn Tennessee Williams,

  Một đời người muôn kiếp sống

Nhà văn người Mỹ Tennessee Williams 1911-1983 (DR)
Nhà văn người Mỹ Tennessee Williams 1911-1983 (DR)
Tuấn Thảo
Nếu còn sống, năm nay Tennessee Williams sẽ tròn 100 tuổi. Nhân dịp kỷ niệm 100 ngày sinh của nhà văn người Mỹ, nhiều vở kịch của tác giả này được dựng lại trên sân khấu, trong đó có vở Un paradis sur terre (Thiên đường hạ giới). Một số tác phẩm như hồi ký, tiểu thuyết, truyện ngắn được tái bản hay lần đầu tiên được phát hành bằng tiếng Pháp. 
Trong số các quyển sách vừa mới được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp, có hai tập đoản bút De vous à moi tập hợp nhiều bài viết ngắn, ít được phổ biến của chính tác giả. Thông qua những bài viết này, mà giới chuyên ngành thường gọi là văn xuôi nhưng không mang tính hư cấu (prose non fictionnelle), nhà văn Tennessee Williams chủ yếu đề cập đến công việc sáng tác của mình. Đó có thể là một lời mở đầu (không được đăng) cho một tựa sách, một bài phân tích mà ông thường viết cho các nguyệt san hay một lời chú thích tác phẩm mà ông gửi cho một diễn viên đang chuẩn bị đóng phim hay đóng kịch.
Một số nhà phê bình cho rằng những bài viết theo kiểu này không có nhiều giá trị văn học, nhưng ít ra nó cho thấy phần nào quá trình sáng tác cũng những ý tưởng mà nhà văn muốn gửi gấm qua tác phẩm. Các bài viết cũng cho thấy cá tính của nhà văn Tennessee Williams bởi vì một số đoản văn xuôi ở đây không có sự sàng lọc nào cả, do không nhằm mục đích phổ biến cho đại đa số độc giả.
Bên cạnh nhiều quyển tiểu sử đã được cho ra mắt, gần đây nhà xuất bản Baker Street cho phát hành quyển sách mang tựa đề Tennessee Williams, une vie (tạm dịch Tennessee Williams, một đời người). Tác giả của quyển tiểu sử này là cô Catherine Fruchon-Toussaint, nhà báo phụ trách chuyên mục Phê bình Văn học làm việc cho đài phát thanh quốc tế Pháp RFI. Catherine Fruchon-Toussaint giải thích vì sao cô đã chọn một tựa đề như vậy :
Quả thật là quyển tiểu sử này có thể được đặt tựa là Mille et une vies, cho thấy muôn mặt cuộc đời của Tennessee Williams. Kinh nghiệm sống của nhà văn Tennessee Williams dày không thể tưởng. Có thể nói là chỉ trong một đời người, ông đã sống nhiều kiếp khác nhau. Để phác họa lại cuộc đời của Tennessee Williams, tôi không kể theo trình tự thời gian, mà lại kể theo nhiều tuyến khác nhau : mỗi chương là một chủ đề. Chẳng hạn như có một chương đối chiếu hai khía cạnh của Tennessee Williams : nhân vật của công chúng và đời tư của tác giả. Một chương sách khác thì lại nói về những đỉnh cao sự nghiệp và thất bại cá nhân.
Cuộc đời và nghiệp cầm bút của ông đa hình và phức hợp, nên theo tôi nghĩ, rất khó thể nào mà đi theo một tuyến duy nhất. Lúc sinh tiền, Tennessee Williams nổi tiếng là một kịch tác gia, ông đã viết khoảng 30 vở kịch dài và 70 vở kịch ngắn. Đó là chưa kể đến 50 truyện ngắn, cộng thêm các tựa tiểu thuyết, hồi ký, tiểu luận, thơ mới, các kịch bản mà ông từng viết cho điện ảnh và truyền hình, bên cạnh một khối lượng thư từ đồ sộ mà ông đã trao đổi với giới văn nghệ sĩ cùng thời, mà mãi đến bây giờ ngành xuất bản Pháp mới bắt đầu cho chuyển dịch, một kho tàng quý báu đối với các nhà biên khảo nghiên cứu.
Những độc giả nào yêu chuộng Tennessee Williams đều không thể bỏ qua quyển Hồi ký của một con cá sấu (Mémoires d’un Crocodile - 1975) mà nhà văn đã viết vào năm 64 tuổi, tức là 8 năm trước khi ông qua đời (1983). Trong quyển hồi ký này, ông từng thú thật là văn chương đã cứu rỗi linh hồn của ông. Còn trong quyển tiểu sử vừa được phát hành Tennessee Williams, nhà báo Catherine Fruchon-Toussaint, đã dành nguyên một chương để nói về tầm quan trọng của chiếc máy đánh chữ, một món quà sinh nhật mà Tennessee Williams đã nhận được từ gia đình, năm mới lên 12 tuổi.
Đúng thật là như vậy. Đối với người khác, máy đánh chữ chỉ là một dụng cụ, đối với Tennessee Williams, nó tượng trưng cho cả một lẽ sống. Trong quyển hồi ký, nhà văn từng kể lại cái tuổi thơ bất hạnh của mình. Ông lớn lên trong một gia đình mà người cha là một người đàn ông nghiện rượu, vũ phu hay đánh đập vợ con. Mẹ ông, tuy thương con, tuy là một nạn nhân của các vụ bạo hành trong gia đình, nhưng lại không biết che chở cho con cái. Trong gia đình mình, nhà văn Tennessee Williams rất gần gũi với người chị ruột tên là Rose. Hai người cách nhau 16 tháng tuổi nhưng lớn lên như chị em sinh đôi. Rose mắc chứng bệnh tâm thần phân lập, nên sau đó cô bị nhốt vào bệnh viện. Nhà văn lúc đó còn quá nhỏ để cưỡng lại quyết định này của gia đình. Mãi đến sau này, khi ông thành đạt trên đường đời, ông mới có thể đưa người chị ruột về nhà để trông nom chăm sóc.
Thời còn nhỏ, nhà văn Tennessee Williams lâm bệnh nặng (LTS : bệnh bạch hầu – diphtérie), nên trong một thời gian dài ông không được đến trường lớp. Nhà văn Tennessee Williams được dạy học ở nhà, và theo lời khuyến khích của Rose, ông đọc sách và bắt đầu viết lách. Cũng nhờ vào người chị ruột, mà vào năm 12 tuổi, ông nhận được chiếc máy đánh chữ đầu tiên. Ông cho đăng truyện ngắn đầu tay vào năm 13 tuổi, nhưng sự nghiệp văn chương của nhà văn thật sự bắt đầu năm ông 17 tuổi, khi tác phẩm của ông (LTS : truyện ngắn The Vengeance of Nitocris – 1928) được một nhà xuất bản chính thức phát hành. Từ đó trở đi, Tennessee Williams sẽ không bao giờ rời xa chiếc máy đánh chữ. Cứ vào mỗi buổi sáng, ông luôn luôn ngồi vào bàn đánh máy ít nhất là ba tiếng đồng hồ.
Cho dù có rượu chè qua đêm, ăn chơi trác táng từ khuya đến sáng, nhưng Tennessee Williams luôn dành thời gian sáng tác qua việc đánh máy. Có người cho là quan hệ giữa nhà văn với chiếc máy đánh chữ, không phải là một luồng dưỡng khí cần thiết cho sáng tác, mà lại giống như một chất thuốc kích thích, mà người nghiện ngập không thể nào cưỡng lại nổi. Nhà văn Tennessee Williams từng nói rằng : ngoại trừ những lúc ông bị chứng trầm cảm, xuống tinh thần đến mức không thể nào sáng tác, thì ông cần viết hầu như là mỗi ngày vì bằng không ông sẽ hóa điên. Chiếc máy đánh chữ là vật dụng cụ thể gắn liền ông với thực tại và hóa giải những nỗi ám ảnh đeo đuổi ông suốt cuộc đời.
Thành danh vào năm 34 tuổi nhờ vào vở kịch The Glass Menagerie (tạm dịch là Bầy thú bằng thủy tinh), Tennessee Williams hai năm sau đó (1947) trở thành một tên tuổi lớn của làng văn học quốc tế nhờ vào vở kịch A Streetcar named Desire (Chuyến tàu mang tên Dục vọng). Cả hai tác phẩm này được dịch sang nhiều thứ tiếng cũng như được chuyển thể lên màn ảnh lớn với các ngôi sao nổi tiếng nhất màn bạc Hollywood thời bấy giờ. Đầu những năm 1950 là thời kỳ mà Tennessee Williams thường sang châu Âu để tham dự các buổi ra mắt công chúng các tác phẩm của ông. Mời quý thính giả nghe lại một đoạn trả lời phỏng vấn đài truyền hình Pháp của Tennessee Williams, qua đó nhà văn gợi lại những kỷ niệm của riêng mình với thủ đô Paris :
Lần đầu tiên tôi có dịp đến thăm Paris là vào năm 15 tuổi. Vào lúc đó, tôi đi cùng với ông nội của tôi, vì ông thường hay tổ chức các chuyến du lịch cho Hiệp hội các tín hữu đạo Tin Lành. Về sau này, tôi vẫn thường xuyên trở lại Paris để thăm viếng bạn hữu, hoặc để tham dự các buổi ra mắt sách, các buổi diễn đầu tiên các vở kịch của tôi trên sân khấu Paris. Mỗi lần đến Paris, tôi cố gắng tranh thủ thời gian để đi xem một số vở kịch bằng tiếng Pháp.
Tác phẩm mà tôi được xem lần này là vở kịch Don Juan của Molière được diễn tại nhà hát Comédie Française. Tôi rất thích đi xem kịch ở Paris vì điều đó gợi nhiều cảm hứng cho tôi về mặt ý tưởng, cách dàn dựng, chỉ đạo diễn viên, cách dùng ánh sáng : tôi có thể ứng dụng những điều mà tôi học hỏi vào trong những vở kịch của mình. Hiện giờ, vở kịch A Streetcar named Desire (Chuyến tàu mang tên Dục vọng) đang rất thành công tại Mỹ, trên sân khấu Broadway của New York. Tôi hy vọng rằng tác phẩm này sẽ sớm được dịch sang tiếng Pháp, để có thể được dựng lên tại Paris trong thời gian tới.
Vừa rồi là phát biểu của nhà văn Tennessee Williams nói về Paris. Trong quyển tiểu sử viết về nhà văn người Mỹ, nhà báo Catherine Fruchon-Toussaint dành nguyên một chương sách để nói lên cái quan hệ gắn bó của nhà văn người Mỹ với thủ đô Pháp. Ngoài việc lui tới với giới văn nghệ sĩ, những quan hệ với các đồng nghiệp, Tennessee Williams còn thích Paris ở chỗ hào nhoáng và nhất là cuộc sống về đêm.
Tennessee Williams nổi tiếng là một nhà văn, nhưng ông lại sống như một siêu sao nhạc rock : với tất cả sự lộng lẫy hào nhoáng của thời kỳ tột đỉnh vinh quang, cũng như những mặt trái và cạm bẫy thường thấy trong ngành công nghiệp giải trí là rượu chè và ma túy. Ta có thể so sánh Tennessee Williams với một tác giả cùng thời với ông là Arthur Miller. Vào thời mà Arthur Miller thành hôn với thần tượng điện ảnh Marilyn Monroe, thì tác giả này vẫn thể hiện cho một thành phần trí thức thiên tả, sống một cách kín đáo và ít phô trương.
Còn Tennessee Williams thì hoàn toàn khác hẳn, ông sống trong thế giới hào nhoáng của các ngôi sao màn bạc, xuất hiện bên cạnh Liz Taylor, Montgomery Clift, Marlon Brando. Tại Luân Đôn, ông lui tới với cặp diễn viên Vivian Leigh và Lawrence Olivier. Tại Ý, ông ở nhà của đạo diễn Luscino Visconti. Tại Paris, ông có quan hệ khá gần gũi với nhiều văn nghệ sĩ trong đó có nhà văn nổi tiếng là bà Françoise Sagan, người đã dịch một số tác phẩm của ông sang tiếng Pháp. Ngoài ra còn có diễn viên Charlotte Rampling vào đầu những năm 1970.
Cũng cần biết rằng Tennessee Williams từng được mời làm chủ tịch ban giám khảo liên hoan Cannes vào năm 1976. Giai thoại kể rằng hầu như nơi nào có lễ hội tiệc tùng, có ăn chơi thâu đêm Tennessee Williams đều có mặt, như thể ông muốn sống hết mình cho khoảnh khắc, bất kể tiệc vui chóng tàn, bất kể sự quá độ có ảnh hưởng đến sức khỏe của mình, như thể ông không cần biết rồi ngày mai sẽ ra sao. Nếu như về mặt tư tưởng, ông ngưỡng mộ các tác giả Pháp như Sartre, Genet, Giraudoux, thì ngoài đời, ông có một cuộc sống hoàn toàn không giống như các nhà văn cùng thời.
Đột ngột qua đời vào năm 1983, một cái chết mà cho tới nay vẫn chưa thật sự được làm sáng tỏ, nhà văn Tennessee Williams đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lĩnh vực kịch nghệ của Hoa Kỳ. Các tác phẩm của ông trong đó có The Glass Menagerie (1945), A streetcar named Desire (1947), Cat on hot tin roof (1955), The Night of the Iguana (1961) ... đoạt được nhiều giải thưởng lớn như Giải Pulitzer, Tony Awards hay Donaldson Awards của giới phê bình kịch nghệ.
Trong cách xây dựng cá tính nhân vật, dường như chỉ có ngòi bút độc đáo của Tennessee Williams mới soi rọi thấu đáo những dồn nén dục vọng, lột tả trọn vẹn những ức chế nội tâm. Một khi được chuyển thể lên màn ảnh lớn, các nhân vật của Tennessee Williams lại càng nóng bỏng lửa tình, hừng hực tội lỗi.
Tennessee Williams là một trong những nhà văn Mỹ đầu tiên sống công khai với định hướng giới tính của mình, nhưng ta không thể gán cho ông cái danh hiệu ‘‘hạn hẹp’’ của một nhà văn đồng tính. Xuyên qua các nhân vật khổ lụy, đọa đày muốn thoát mà vẫn không thoát ra khỏi vòng dục vọng, Tennessee Williams thật ra muốn nói lên nỗi cô đơn tột cùng của những tâm hồn vì khao khát yêu thương mà phải gánh chịu hay tự chuốc lấy nỗi đau khổ sâu xa.
Nhưng Tennessee Williams lúc nào cũng có một cái nhìn hết sức trìu mến về những con người yếu đuối mong manh ấy. Dưới ngòi bút của Tennessee Williams, những vết gẫy tâm hồn lại lung linh huy hoàng, phút chốc ngời sáng. Định mệnh oan nghiệt càng vùi dập, đời người càng thăng hoa trong hạnh phúc, dù đó chỉ là những giây phút ngắn ngủi, chợt biến tan trong chớp mắt ngậm ngùi.

No comments: